Truyện cười: Sai mục đích

Dù là bất cứ ai, dù cố ý hay vô tình, thì trong đời, hẳn cũng đã có một vài lần dùng một vài thứ gì đó mà sai mục đích. Tôi nhớ lúc còn nhỏ, tôi rất thích chơi với thằng cu bên hàng xóm, vì nó có nhiều bóng bay. Mà bóng bay của nó rất lạ: trong suốt, rất bền, thổi thoải mái không vỡ, và lại còn ...

Dù là bất cứ ai, dù cố ý hay vô tình, thì trong đời, hẳn cũng đã có một vài lần dùng một vài thứ gì đó mà sai mục đích.

Tôi nhớ lúc còn nhỏ, tôi rất thích chơi với thằng cu bên hàng xóm, vì nó có nhiều bóng bay. Mà bóng bay của nó rất lạ: trong suốt, rất bền, thổi thoải mái không vỡ, và lại còn bôi mỡ, nên ngậm vào cứ trơn trơn, rất phê! Tôi với nó thổi chán thì lấy nước đổ vào, khi nào quả bóng bay ấy thành hình dài dài như quả chuối thì buộc lại, treo thành hàng lủng lẳng dọc dây phơi nhà nó. Mẹ nó đi làm về không để ý, bị mấy cái quả chuối đó đập vào mặt, vào mồm, ngẩng lên, hiểu ra sự tình, mẹ nó nổi điên túm cổ nó đánh vào mông đen đét, vừa đánh vừa gào thét! Hóa ra, mẹ nó làm ở ủy ban dân số kế hoạch hóa gia đình của xã, và toàn bộ số bao cao su mẹ nó chuẩn bị đem phát cho các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh sản mà chưa đặt vòng đã bị tôi và nó lôi ra thổi cho bằng hết!

Sau này, nghe các cụ kể lại, thì cái năm đó chính là năm mà tỉ lệ các cặp vợ chồng vỡ kế hoạch, sinh con thứ 3, thứ 4, và tỉ lệ các thiếu nữ chưa chồng chửa hoang ở xã tôi tăng cao đột biến – Đó có lẽ là lần đầu tiên tôi dùng một thứ gì đó sai mục đích…

Tôi cũng nhớ như in, ngày xưa, làng tôi có một sân bóng nhỏ, chiều nào mấy thằng cũng ra đó đá bóng. Ngay cạnh sân bóng là cái vườn của vợ chồng nhà ông Tóng, bà Phinh. Mỗi lần bóng rơi vào vườn là mỗi lần chúng tôi ngao ngán, vì vườn nhà ông bà ấy rộng, cỏ rậm um tùm, lại có dậu rào là những thân mây, thân tre chằng chịt, gai tua tủa. Bởi vậy, bọn tôi rất hạn chế để bóng bay sang vườn, và mỗi khi bóng có lỡ bay sang, thì cả lũ sẽ đùn đẩy, truy xét trách nhiệm, xem bóng vừa chạm chân đứa nào thì đứa đó phải chui vào vườn nhặt bóng…

Hôm ấy, tôi sút bóng bay sang vườn, và phải chui vô nhặt. Đang bò lồm cồm rẽ cỏ tìm dấu vết quả bóng, chợt nghe bên tai tiếng nước chảy ồ ồ, tôi ngẩng mặt lên thì thấy một tấm liếp quây lại khá tạm bợ. Tò mò nhìn qua cái khe hở, tôi thấy chị Trá – con gái bà Phinh đang tắm… Vậy là tôi như bị thôi miên, chôn chân ở đó, say mê thập thò, nghiêng ngó, quên cả nhặt bóng… Chỉ khi mấy đứa ở ngoài sân gào thét tên tôi, chửi tôi là nhặt bóng gì mà lâu thế, thì tôi mới giật mình bừng tỉnh, đi tìm rồi ôm bóng chui ra…

Kể từ lúc đó, và kể từ hôm đó, tôi đá bóng với thái độ khác hẳn: tôi thường xuyên phá bóng ẩu, cốt sao cho bóng bay sang vườn để tôi qua nhặt; rồi cả khi bóng không chạm chân tôi, mà là do thằng khác đá sang, thì tôi vẫn xung phong bò vào vườn để nhặt. Được tôi nhặt hộ, chúng nó rất sướng, cảm ơn tôi rối rít, nhưng tôi biết, trong lòng, chúng nó chắc đang chửi tôi là thằng khùng. “Họ cười tôi vì tôi ngu hơn họ, tôi cười họ vì họ tưởng tôi ngu”.

May một điều là vào quãng cuối giờ chiều, ấy là thời gian người ta hay tắm rửa. Hơn nữa, nhà ông Tóng, bà Phinh có tới 3 cô con gái, các cô ấy không tắm cùng nhau mà tắm lần lượt, nên tôi có cái mà xem thoải mái. Tất nhiên, cũng có hôm xui, gặp lúc bà Phinh, hoặc thậm chí là ông Tóng đang tắm, thì tôi lại tiu nghỉu, lủi thủi bò ra ngoài, coi như công toi.

Có đợt tôi bị gãy chân, không đá bóng được, nhưng chiều nào tôi cũng ra sân để nhặt bóng cho anh em. Rồi có hôm mưa gió, anh em không đá, nhưng tôi cũng vẫn ra sân nhặt bóng cho anh em… Bóng đá là thể thao, để rèn luyện sức khỏe, nhưng tôi lại dùng bóng đá cho mục đích khác! – Đó có lẽ là lần thứ hai tôi dùng một thứ gì đó sai mục đích…

Và rồi khi lớn lên, khi bước chân vào xã hội, tôi thấy đầy rẫy những thứ người ta dùng sai với mục đích của nó ban đầu: ví như cái phong bì, sinh ra là để gửi thư, thì giờ chủ yếu người ta dùng để gửi tiền, để quan hệ, để dự đám hỏi, đám cưới, đám ma; cái cơ quan sinh sản của đàn ông, đàn bà, khi Thượng đế nặn ra, hẳn là ngài chỉ trao cho nó cái mục đích là bài tiết và sinh con, duy trì nòi giống, nhưng giờ, người ta dùng chúng rất lung tung: kẻ dùng để chụp hình đưa lên mạng gây sốc, câu like; kẻ thì biến thái mang ra đường khoe để người ta kêu oai oái, hoảng sợ bỏ chạy, lắc đầu e ngại; kẻ lại dùng để kiểm tra độ cứng của dưa leo, độ dẻo dai của khăn giấy; kẻ lại dùng để làm ngôn ngữ giao tiếp với nhau; kẻ lại dùng để làm phương tiện kiếm cơm, để làm kinh tế, để thỏa mộng sang giàu…

Sinh viên học sư phạm – mục đích là để làm cô giáo; học kiến trúc – mục đích là để tạo nên những công trình, ấy thế nhưng ra đường, ta vẫn gặp những chị bán trà đá đã tốt nghiệp bách khoa, những anh xe ôm đã tốt nghiệp hàng hải, và những kỹ sư nông nghiệp vẫn miệt mài đi đánh giày… – đó cũng là dùng sai mục đích!

Đường sá làm ra, hẳn là chỉ có mục đích để xe cộ đi lại, nhưng người ta vẫn thường xuyên dùng sai, biến đường thành bể bơi, thành nơi chèo xuồng, thành hồ câu tôm bắt cá; xe công biển xanh vẫn được dùng để đi chùa, để đi tập Golf, để đến phòng tẩm quất, mát-xa…

Nói vậy để thấy, việc dùng một thứ gì đó sai mục đích chẳng còn là điều lạ, mà nó đã trở thành chuyện bình thường luôn hiển hiện quanh ta. Vậy thì việc một em tiếp viên mồm bịt xu-chiêng chạy ra khỏi đám cháy ở quán karaoke cũng là chuyện bình thường, là điều mà từ lâu ai cũng rõ, cũng hay, thì cớ sao phải ồn ào, phải xì xào nhiều quá vậy?

Tác giả: VÕ TÒNG ĐÁNH MÈO [ vo tong danh meo facebook ]

0