Truyện cười: Chú tôi cũng khóc

Chú tôi là một người đàn ông lạnh lùng và giỏi che giấu cảm xúc. Sống cùng chú tôi hơn nửa đời người rồi mà cô tôi mới chỉ chứng kiến đúng hai lần chú khóc. Lần thứ nhất, là trường hợp như người đời vẫn nói: đàn ông chỉ khóc khi thái hành. Hôm ấy, thấy chú đang thái hành thì dừng lại, nước mắt rơm ...

Chú tôi là một người đàn ông lạnh lùng và giỏi che giấu cảm xúc. Sống cùng chú tôi hơn nửa đời người rồi mà cô tôi mới chỉ chứng kiến đúng hai lần chú khóc.

Lần thứ nhất, là trường hợp như người đời vẫn nói: đàn ông chỉ khóc khi thái hành. Hôm ấy, thấy chú đang thái hành thì dừng lại, nước mắt rơm rớm, cô mới hỏi: “Cay mắt quá hả anh?”. Chú lắc đầu, giơ ngón út đang chảy máu ròng ròng lên bảo: “Không! Anh cắt vào tay”.

Ngày cưới tức là ngày cô dâu lên xe hoa về nhà chồng, nhưng với chú tôi thì nó là ngày chú tôi lên xe hoa về nhà vợ, vì chú ở rể. Cô tôi có một cô em gái xinh đẹp, tính tình phóng khoáng, cởi mở, đang tuổi cập kê và kinh nguyệt rất đều. Ấy thế mà chú tôi về ở rể được mấy bữa thì cô em vợ đã có dấu hiệu chậm kinh. Chú lo sốt vó, mong kinh em vợ hệt như vua Đường mong bốn thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh từ Tây Trúc trở về. Rồi khi thấy kinh về, chú mừng như chị Dậu bán được chó. Đó là lần thứ hai chú khóc – khóc không phải vì thái hành, mà là vì thấy “hành”.

Một bữa, chú vừa leo lên lưng ngựa thì bị cơn gió độc thổi tới – y học gọi là “Thượng mã phong”, tức là lên ngựa trúng gió – chú gục luôn xuống bất tỉnh. Kể từ hôm đó, toàn thân chú không cử động được, chú nằm liệt giường (và chắc là cả liệt dương luôn, vì toàn thân không cử động được thì không có lý gì cái đó lại cử động được). Nhìn chú bất động, cứng đơ như tượng, cô tôi không tin rằng sẽ có lần thứ ba trong đời được thấy chú khóc!

Thế rồi sáng hôm qua, cô tôi cầm tay thằng con trai dắt vào bên giường của chú. Hai mẹ con cô quỳ xuống, giọng cô nghẹn ngào: “Anh ơi! Thằng con của chúng ta, cái thằng mà anh hay chửi là ngu như lợn, dốt như bò, lười học, lười làm, ham chơi, ham ngủ ấy, nó vừa đỗ sư phạm rồi! Nó sẽ là giáo viên, sẽ dạy kiến thức, sẽ truyền đạt kỹ năng sống, sẽ chắp cánh ước mơ cho các em học sinh thân yêu – những người sẽ giúp nước nhà sánh vai với các cường quốc năm châu đấy anh ơi!”. Vừa nói, cô tôi vừa sụt sùi sờ lên những vết sẹo nham nhở, dọc ngang hằn trên mặt, trên cổ, trên vai, trên lưng con mình – những vết sẹo là những vết tích của những trận đòn mà chú tôi – hồi chưa liệt dương – vẫn thường điên cuồng trút lên đứa con trai của chú mỗi lần nó cạy tủ trộm tiền đi chơi gái, hay mang xe máy đi cắm lấy tiền chơi game online, hoặc ăn chịu thịt chó, đánh chịu lô đề, bóp vú gái làng, khiến người ta phải tới tận nhà tìm gặp cô chú mà chửi, mà đòi…

Nghe cô nói thế, gương mặt chú vẫn bất động, nhưng đầu ngón tay út hơi khẽ cựa quậy, như thể muốn gọi cô lại gần. Cô tôi hiểu ý nhào tới, áp sát tai vào miệng chú tôi, cố lắng nghe và phán đoán xem chú muốn nói gì. Rồi cô quay ra, bảo thằng con trai:

– Bố hỏi con thi được bao nhiêu điểm?

– Dạ! Con được 9 điểm ạ!

Chú tôi lại thều thào gì đó, cô tôi lại áp sát tai nghe, rồi lại quay ra, bảo thằng con trai:

– Bố hỏi hai môn còn lại thì sao?

– Dạ! 9 điểm đó là tổng cả 3 môn rồi đấy ạ!

Thằng con vừa dứt câu thì toàn thân chú tôi, dù đang bị liệt, vẫn rung lên bần bật, rồi từ hai khóe mắt chú, những giọt lệ cứ thế ứa ra nhèm nhẹp. Chú tôi đã khóc rồi! Khóc lần thứ ba trong đời!

Có người bảo chú khóc vì hạnh phúc khi thấy con mình đỗ đạt, nhưng tôi không nghĩ vậy, tôi đánh giá những giọt nước mắt của chú ở một tầm cao hơn, vĩ mô và quảng đại hơn: có thể, chú đang nghĩ tới những đứa trẻ mà trong tương lai sẽ gọi thằng con chú bằng thầy, được con chú dạy kiến thức, truyền kỹ năng, để trở thành những con người giúp cho nước nhà sánh vai với các cường quốc năm châu!?

Tác giả: VÕ TÒNG ĐÁNH MÈO

0