Truyện cười: Chợ chồng
Một phụ nữ vừa dừng xe bên lề đường, lập tức hàng chục người đàn ông chạy ùa ra tươi cười chào đón. Họ gồm nhiều thành phần. Có người là nhà khoa học, giáo sư, bác sĩ. Có người là nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, thương gia, quan chức... Đa phần họ ở tuổi trung niên. Họ cầm trên tay các loại bằng cấp, ...
Một phụ nữ vừa dừng xe bên lề đường, lập tức hàng chục người đàn ông chạy ùa ra tươi cười chào đón. Họ gồm nhiều thành phần. Có người là nhà khoa học, giáo sư, bác sĩ. Có người là nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, thương gia, quan chức... Đa phần họ ở tuổi trung niên. Họ cầm trên tay các loại bằng cấp, giấy tờ chứng minh về lý lịch, thâm niên nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe... để xuất trình khi được tuyển chọn.Người phụ nữ hỏi gì không biết, mà cứ thấy những người đàn ông lắc đầu miết. Người phụ nữ thất vọng rồ ga bỏ đi. Toán đàn ông người ngồi kẻ đứng, ngó ngược nhìn xuôi, đợi người phụ nữ khác. Tình trạng này lặp lại nhiều lần cho đến người phụ nữ thứ năm thì đã quá nửa ngày. Cánh đàn ông lục tục giải tán đợi buổi... chợ chiều.
Chắc quý vị thắc mắc muốn biết những người phụ nữ này đang tuyển chọn gì mà gắt gao kỹ lưỡng vậy? Xin thưa, họ đang tuyển... chồng. Và các câu hỏi vô cùng đơn giản: "Anh có biết đi chợ, nấu ăn không? Anh có biết giặt giũ áo quần, chăn màn không? Anh có biết làm vệ sinh nhà cửa, phòng tắm, bồn cầu không? Anh có biết chăm sóc con nhỏ, kèm con lớn học không?... Tóm lại, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, xí nghiệp, công ty ra, anh có biết làm nội trợ như vợ đã từng làm hàng trăm năm trước?...". Khối ông bằng cấp đầy mình, quyền uy lẫy lừng, bạc tiền đầy két... không làm được những công việc không tên này, đành bó tay, ế vợ!
Lọt vào "vòng chung kết" thường là mấy ông có sức khỏe "mình đồng da sắt". Vào vòng này, các ứng viên phải ở trần, quần đùi để kiểm tra vóc dáng, tì vết, khuyết tật. Xong xuôi mới được vào phần thi ứng xử với các câu hỏi tình huống để đo lường sự kiên nhẫn, chịu đựng: "Vợ thường về nhà trong tình trạng say xỉn, cho chó ăn chè. Vợ hay bạo hành thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với chồng con. Vợ hay hóng chuyện với tay hàng xóm... thì chồng sẽ xử sự ra sao?".
Người trúng tuyển sẽ được làm chồng "tập sự". Thử thách vài ba năm mới được làm chồng "thứ". Đợi khi chồng chính "hai năm mươi" mới được lên thay. Đợi đến ngày này, nhiều người đã phải ngậm ngùi vì "trên bảo dưới lơ”.
Phong tục xứ nào mà lạ vậy? Xin thưa đó là VN ta vào những thập niên giữa của thế kỷ XXI. Do hậu quả của quan niệm "trọng nam khinh nữ", con người đã can thiệp thô bạo vào giới tính khiến cánh mày râu lâm vào cảnh:
"Ba đồng một mớ đàn ông.
Chị bỏ vào lồng chị xách đi chơi!"