Truyện cười: Bãi phân bò
Đông là bạn học cùng lớp cấp 3 với tôi. Tính tình Đông nhút nhát, gặp người lạ cứ im thin thít, nên mọi người gọi là Đông “thít”. Nhút nhát vậy nhưng Đông “thít” lại học giỏi nhì lớp, sau mỗi tôi. Hơn 10 năm kể từ ngày tốt nghiệp cấp 3 ra trường, tôi cũng không có dịp gặp ...
Đông là bạn học cùng lớp cấp 3 với tôi. Tính tình Đông nhút nhát, gặp người lạ cứ im thin thít, nên mọi người gọi là Đông “thít”. Nhút nhát vậy nhưng Đông “thít” lại học giỏi nhì lớp, sau mỗi tôi. Hơn 10 năm kể từ ngày tốt nghiệp cấp 3 ra trường, tôi cũng không có dịp gặp lại Đông. Hôm trước nghe tin Đông vừa bị tai nạn lao động rất nặng nên tôi quyết định tìm đến nhà Đông để hỏi thăm.
Nhà Đông “thít” nằm sâu tít trong một con ngõ nhỏ hai bên mọc um tùm những khóm hoa cứt lợn, lổn nhổn những bãi cứt bò, trước nhà có cái cổng mốc xanh, loang lổ như cứt trâu, trên lợp ngói xi măng xỉn màu, thâm sì như cứt gà.
Hơn mười năm mới trở lại ngôi nhà này, nên khi dừng xe trước cổng, những kỉ niệm lại ùa về khiến lòng tôi nao nao khó tả: kia là cây trứng cá mà có lần tôi đã trèo lên nhìn trộm em gái nhà bên tắm. Do bị vướng tàu lá chuối nên tôi chỉ nhìn được có nửa người: từ mông trở xuống. Nhìn một hồi đến lúc em ấy xoay người lại mới biết nhìn nhầm: không phải em, mà là bố em đang tắm; vẫn còn đó cái đống gạch cũ bên vườn mía mà nhiều lần tôi lẻn ra ngồi ỉa bậy, vừa ỉa vừa bẻ mía chén ngon lành. Bất chợt tôi thấm thía câu thơ của một thi sĩ nào đó rất nổi tiếng mà tôi không biết tên: “Khi ta ỉa chỉ là nơi đất ỉa. Khi ta đi cứt bỗng hóa tâm hồn”.
Vừa bước vào nhà, một con chó dữ tợn lao vào tôi chực cắn, nhưng nhận ra người quen, nó khựng lại giây lát rồi quẫy đuôi mừng rối rít. Không giống như con chó, thằng Đông “thít” đang nằm trên chiếc giường chỗ góc nhà chỉ quay ra nhìn tôi bằng ánh mắt vô hồn, ngơ ngác.
“Mày không nhận ra tao à? Tao là Thìn, đẹp zai nhất lớp nên cô giáo và các bạn hay gọi là Thìn ‘đẹp’ đây!” – tôi nói vậy mà thằng Đông “thít” vẫn chả phản ứng gì, cứ nằm im thin thít. Lúc này, mẹ thằng Đông mới từ trong buồng bước ra, giọng buồn buồn, bảo: “Đông nó không nhận được ra ai đâu cháu ơi!”. Đột nhiên lúc ấy mặt thằng Đông lại đỏ bừng, mồm há ra, kêu “ú ú” gì đó như đang hát nhạc Sơn Tùng. Tôi vui mừng: “Có lẽ Đông nhận ra cháu đấy cô ạ!”. Mẹ Đông lắc đầu: “Không phải! Từ ngày bị tai nạn lao động, nó không nói được. Muốn ăn kêu “ú ú”, muốn ỉa cũng kêu “ú ú”, nhiều lúc nó kêu mà cô không hiểu là nó muốn ăn hay muốn ỉa”. Nói rồi mẹ Đông vào buồng lấy ra một bát cơm và một cái bô để trước mặt Đông. Đông nhìn chằm chặp vào cái bô, kêu “ú ú”. Mẹ Đông nhìn tôi, cười: “Đấy! Cô bảo mà: không phải nó nhận ra cháu đâu, mà là nó buồn ỉa!”.
Lau chùi và đổ bô cho Đông xong, mẹ Đông mắt rơm rớm kể rằng sau khi tốt nghiệp đại học, Đông xin việc khắp nơi, cuối cùng được vào làm cho một công ty nước ngoài, hoạt động trong mảng vận tải. Vì làm việc dựa trên nền tảng ứng dụng di động – tiếng Anh gọi là Mobi Apps – nên công việc của Đông cũng không quá vất vả: thay vì phải ra bến xe hoặc ngã tư đón khách như người ta thì Đông ngồi đâu cũng được, chỉ cần bật điện thoại 3G lên, có khách là ứng dụng sẽ báo, không phải lo bon chen giành khách, lại còn được phát áo đồng phục kèm thêm 2 cái mũ bảo hiểm có in logo công ty. Tưởng sự nghiệp cứ thế phát triển đi lên thì bỗng tai họa ập đến: Đông “thít” bị hai xe ôm truyền thống hành hung dẫn đến đa chấn thương, gẫy đốt sống đít, rách dây chằng háng, thoát vị lỗ hậu môn, liệt toàn thân và tinh thần hoảng loạn…
Kể đến đó, mẹ Đông dừng lại thở dài, lấy vạt áo lau nước mắt sụt sùi. Không khí lặng đi một hồi, rồi vẫn là mẹ Đông cất giọng: “Vậy còn cháu, nghe nói cháu học sư phạm hả? Tình hình công việc thế nào?”. Tôi cười gượng, bảo: “Dạ, cháu ra trường nhưng không vào được biên chế, đành chấp nhận dạy hợp đồng, lương thấp, không đủ sống, cháu phải kiêm thêm cả chân ship hàng cho cửa hàng phân bón. Sáng có tiết thì tới trường làm người đưa đò: chở những ước mơ của học sinh đến bến tương lai, chiều có khách thì tới cửa hàng làm người đưa phân: chở những bao phân của khách đến ruộng”.
Mẹ Đông lại thở dài, đưa tay mân mê cái khung ảnh đặt trên bàn: đó là bức ảnh chụp khoảnh khắc tôi và Đông cười tươi khi được thầy chủ nhiệm trao phần thưởng dành cho hai học sinh xuất sắc nhất của lớp. Rồi mẹ Đông hỏi: “Năm đó, cả lớp đều đỗ tốt nghiệp hết cháu nhỉ?”. Tôi lắc đầu: “Dạ không! Có một bạn trượt, là bạn Lãm “hờ” ạ!”. “Sao lại gọi là Lãm ‘hờ’?”. “Dạ, vì bạn ấy vô lo vô nghĩ, ai nói gì cũng chỉ cười ‘hờ hờ’”.
Đúng lúc này, một chiếc xe hơi sang trọng đỗ xịch trước sân. Cửa xe mở, một người đàn ông đóng bộ com-lê lịch lãm xách giỏ quà bước xuống. Tôi nheo mắt nhìn ra và há mồm kinh ngạc: “Là thằng Lãm “hờ”! Trời ơi! Vừa nhắc đến nó xong! Thằng này thiêng quá, sau này chết, không cần phải đốt hương muỗi, có khi đốt rác nó cũng lên!”.
Hơn 10 năm mới gặp lại, thằng Lãm “hờ” vẫn vậy: nó vẫn cười “hờ hờ”, bắt tay hỏi thăm tôi rối rít. Rồi nó kể là năm ấy bị trượt tốt nghiệp, vốn không thích học nên nó bỏ luôn, chả thèm thi lại, quyết định ở nhà đi tán gái, lấy vợ sớm. Nhờ khéo mồm, nó đã tán được một em khá xinh trong làng và dụ được em ấy ra vườn chuối hoang ngoài cánh đồng tâm sự. Hì hụi một lúc nó đã lột được quần em ấy vứt sang một bên, chuẩn bị chén thì đột nhiên em ấy đẩy nó ra, chạy tới nhặt lấy cái quần nó vừa vứt trên mặt đất. Nó tưởng em ấy giận ôm quần bỏ về, nhưng không, em ấy vắt cái quần lên tàu chuối, nói để lên cao cho khỏi bẩn, chứ như mấy anh trước cũng vứt xuống đất, bẩn hết quần, về bố em ấy mắng.
Rồi thì cũng tới lúc nó chén em ấy. Vừa vào phát em đã nhăn nhó kêu ré lên: “Á! Đau!”. Nó ngạc nhiên hỏi lại: “Em còn trinh à?”. Em ấy lắc đầu bảo: “Không! Có con gì vừa cắn vào mông em”. Nó cúi xuống nhìn thì ôi má ơi: một con rắn cạp nong to như con rắn cạp nia đang trợn mắt nhìn nó trừng trừng. Nó rùng mình nghĩ thầm: “Rắn vốn thích ăn trứng, chắc vừa rồi con rắn định tớp quả trứng, nhưng lại tớp trượt vào mông em ấy”. Rồi chẳng kịp mặc áo quần, nó cuống cuồng bế em ấy lủng lẳng chạy thục mạng vào làng, hướng về phía nhà thầy lang chuyên trị rắn cắn. Việc thầy lang chữa rắn cắn thì không có gì là lạ, và cũng chả có gì để phải tò mò, vậy mà không hiểu sao hôm đó người ta lại kéo đến xem đông thế!
Sau lần ấy, thằng Lãm “hờ” nhận ra một điều rằng: trai gái trong làng rất cần một nơi để hẹn hò, để tâm sự một cách lành mạnh, an toàn. Nếu nó đầu tư vào mảng này, chắc chắn sẽ thành công. Dám nghĩ dám làm, thằng Lãm lập tức về nhà mang sổ đỏ đi cắm, rồi vay chạy khắp nơi, dồn tiền xây một dãy nhà nghỉ bình dân. Chỉ chưa đầy nửa năm kinh doanh, nó đã trả hết nợ nần và bắt đầu có lãi. Hiện tại, nó đã là chủ của một chuỗi nhà nghỉ mang thương hiệu “Lãm Hờ”, có mặt ở hầu khắp các xã trong huyện và còn chuẩn bị tham gia chương trình Shark Tank trên VTV3 nữa!
Chuyện trò thêm một lát rồi tôi và thằng Lãm ‘hờ’ cùng chào từ biệt hai mẹ con thằng Đông để ra về. Con Wave ghẻ của tôi lại sinh sự, đạp mãi không nổ, tôi đoán: “một là nó hỏng bugi, hai là nó hỏng cái gì bên trong”.
Đang cong mông định dắt ra tiệm sửa thì thằng Lãm “hờ” đã đỗ xịch con ô tô mới coóng của nó bên cạnh rồi hạ kính nhìn tôi, bảo: “Lên xe tao chở!”. Tôi nhìn nó xong quay sang nhìn cái xe của tôi ngập ngừng, ý muốn nói: ‘còn con Wave ghẻ này của tao thì sao?’. Thằng Lãm cười: “Yên tâm! Tao sẽ bảo nhân viên của tao tới mang đi sửa, rồi đem đến tận nhà trả cho mày!”. Tôi gãi đầu: “Như vậy phiền mày quá, tao ngại!”. Thằng Lãm phẩy tay: “Suốt mấy năm học cấp 3, mày là thằng học giỏi nhất lớp, còn tao là thằng học dốt nhất lớp, nhưng mày vẫn không coi thường tao, ngược lại, mày luôn hết lòng giúp đỡ, cho tao nhìn bài, chép bài. Giờ, tao cho mày đi nhờ xe ô tô một đoạn, rồi sửa giúp mày con Wave ghẻ này thì có đáng gì đâu mà phải ngại!”.
Vậy là tôi bỏ con Wave ghẻ lại, rồi lên ngồi nhờ ô tô của thằng Lãm. Chiếc xe lăn bánh êm ru lướt đi trên con ngõ nhỏ – con ngõ đầy kỉ niệm, gắn liền với bao hoài bão, ước vọng của thuở học sinh cắp sách tới trường, giờ, con ngõ ấy mọc um tùm những hoa cứt lợn, và lổn nhổn, la liệt những cứt bò…
Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo