13/01/2018, 20:46

Trường Tiểu học Cẩm Vũ tổ chức thi môn Tiếng Việt học sinh lớp 5

Trường Tiểu học Cẩm Vũ tổ chức thi môn Tiếng Việt học sinh lớp 5 PHẦN KIỂM TRA ĐỌC 1. Đọc thành tiếng. 2. Đọc thầm và làm bài tập. (Thời gian làm bài 40 phút) * Đọc thầm bài văn: Công việc đầu tiên Một hôm, anh Ba Chẩn gọi tôi vào trong buồng đúng cái nơi anh giao việc cho ba tôi ...

Trường Tiểu học Cẩm Vũ tổ chức thi môn Tiếng Việt học sinh lớp 5

PHẦN KIỂM TRA ĐỌC

1. Đọc thành tiếng.

2. Đọc thầm và làm bài tập. (Thời gian làm bài 40 phút)

* Đọc thầm bài văn:

Công việc đầu tiên

Một hôm, anh Ba Chẩn gọi tôi vào trong buồng đúng cái nơi anh giao việc cho ba tôi ngày trước. Anh lấy từ mái nhà xuống bó giấy lớn, rồi hỏi tôi:

– Út có dám rải truyền đơn không?

Tôi vừa mừng vừa lo, nói:

– Được, nhưng rải thế nào anh phải chỉ vẽ, em mới làm được chớ!

Anh Ba cười, rồi dặn dò tôi tỉ mỉ. Cuối cùng, anh nhắc:

– Rủi địch nó bắt em tận tay thì em một mực nói rằng có một anh bảo đây là giấy quảng cáo thuốc. Em không biết chữ nên không biết giấy gì.

Nhận công việc vinh dự đầu tiên này, tôi thấy trong người cứ bồn chồn, thấp thỏm. Đêm đó, tôi ngủ không yên, lục đục dậy từ nửa đêm, ngồi nghĩ cách giấu truyền đơn. Khoảng ba giờ sang, tôi giả đi bán cá như mọi hôm. Tay tôi bê rổ cá, còn bó truyền đơn thì giắt trên lưng quần. Tôi rảo bước và truyền đơn cứ từ từ rơi xuống đất. Gần tới chợ thì vừa hết, trời cũng vừa sáng tỏ.

Độ tám giời, nhân dân xì xào ầm lên: “Cộng sản rải giấy nhiều quá!”

Mấy tên lính mã tà hớt hải xách súng chạy rầm rầm.

Về đến nhà, tôi khoe ngay kết quả với anh Ba. Anh tôi khen:

– Út khá lắm, cứ làm như vậy rồi quen, em ạ!

Lần sau, anh tôi lại giao rải truyền đơn tại chợ Mỹ Lồng. Tôi cũng hoàn thành. Làm được một vài việc, tôi bắt đầu ham hoạt động. Tôi tâm sự với anh Ba: Em chỉ muốn làm thật nhiều việc cho Cách mạng. Anh cho em thoát li hẳn nghe anh!

Theo Hồi ký của bà Nguyễn Thị Định

* Dựa vào nội dung bài đọc, hãy khoanh tròn vào chữ cái đặt trước ý trả lời đúng nhất và hoàn thành tiếp các bài tập:

1. Những chi tiết nào cho thấy chị Út rất hồi hộp khi nhận công việc đầu tiên? (0,5 điểm)

A. Chị bồn chồn, thấp thỏm, ngủ không yên, nửa đêm dậy ngồi nghĩ cách giấu truyền đơn.
B. Chị dậy từ nửa đêm, ngồi nghĩ cách giấu đưa đơn.
C. Đêm đó chị ngủ yên.

2. Câu “Út có dám rải truyền đơn không?” (0,5 điểm)

A. Câu cầu khiến.         B. Câu hỏi.          B. Câu cảm.           D. Câu kể.

3. Vì sao chị Út muốn thoát li? (0,5 điểm)

A. Vì chị Út yêu nước, yêu nhân dân.
B. Vì chị Út không muốn ở nhà nữa.
C. Vì chị Út ham hoạt động, muốn làm được thật nhiều việc cho cách mạng.

4. Chị Út đã nghĩ ra cách gì để rải hết truyền đơn? (0,5 điểm)

A. Đêm đó, tôi ngủ không yên, lục đục dậy từ nửa đêm, nghĩ cách giấu truyền đơn.
B. Đêm đó, tôi ngủ không yên, lục đục dậy từ nửa đêm, ngồi nghĩ cách giấu truyền đơn. Khoảng ba giờ sáng, tôi giả đi bán cá như mọi hôm. Tay bê rổ cá và bó truyền đơn thì giắt trên lưng quần.
C. Tuy hơi lo nhưng tôi suy nghĩ một hồi lâu rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

5. Dấu phẩy trong câu: “Độ tám giờ, nhân dân xì xầm ầm lên.” có tác dụng gì? (0,5 điểm)

A. Ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu.
B. Ngăn cách các vế trong câu ghép.
C. Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ.

6. Dòng nào dưới đây nêu đúng nội dung bài văn? (0,5 điểm)

A. Bài văn là đoạn hồi tưởng của bà Nguyễn Thị Định yêu nước, yêu nhân dân.
B. Bài văn là đoạn hồi tưởng của bà Nguyễn Thị Định cho thấy nguyện vọng, lòng nhiệt thành của một người phụ nữ dũng cảm muốn làm việc lớn, đóng góp công sức cho Cách mạng.
C. Tâm sự của bà Nguyễn Thị Định.

7. Viết vào chỗ chấm: Tên công việc đầu tiên anh Ba giao cho chị Út là gì? (1,0 điểm)

8. Bác Hồ đã khen tặng phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng, em hãy cho biết tám chữ đó là gì? (1,0 điểm)

9. Chị Út đã trả lời thế nào khi anh Ba Chẩn hỏi: “Út có dám rải truyền đơn không?” (1,0 điểm)

10. Viết 1 câu tục ngữ, ca dao nói đến truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta (1,0 điểm)

PHẦN KIỂM TRA VIẾT
(Thời gian làm bài 55 phút không kể thời gian chép đề)

1. Chính tả Nghe – viết (2,0 điểm) (Thời gian 20 phút)

Giáo viên đọc cho học sinh viết bài Tà áo dài Việt Nam

Viết đoạn: Từ những năm… thanh thoát hơn.

(Sách Tiếng Việt 5, tập 2, trang 122)

2. Tập làm văn (8,0 điểm): (Thời gian 35 phút)

Đề bài: Ngôi trường đã gắn bó với em trong suốt những năm học qua. Em hãy tả cảnh ngôi trường và nói lên tình cảm của mình trước lúc xa trường.


ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN LÀM BÀI THI HỌC KÌ 2 LỚP 5 MÔN TIẾNG VIỆT

PHẦN KIỂM TRA ĐỌC

1. Kiểm tra đọc thành tiếng (3,0 điểm)

* Mục tiêu: Nhằm kiểm tra kĩ năng đọc thành tiếng kết hợp kiểm tra kĩ năng nghe nói (học sinh trả lời 1 câu hỏi về nội dung đoạn, bài đọc).

* Nội dung kiểm tra:

  • HS đọc một đoạn văn trong các bài tập đọc đã học ở SGK Tiếng Việt lớp 5 hoặc một đoạn văn không có trong SGK (do GV lựa chọn và chuẩn bị trước, ghi rõ tên bài, đoạn đọc và số trang vào phiếu cho từng học sinh bốc thăm rồi đọc thành tiếng).
  • HS trả lời 1 câu hỏi về nội dung đoạn đọc do giáo viên nêu ra.

* Cách đánh giá, cho điểm: Giáo viên đánh giá, cho điểm đọc thành tiếng dựa vào những yêu cầu sau:

  • Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng; tốc độ đọc đạt yêu cầu, giọng đọc có biểu cảm: 1,0 điểm.
  • Ngắt nghỉ hơi ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa; đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1,0 điểm.
  • Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1,0 điểm (HS trả lời chưa đầy đủ hoặc diễn đạt chưa rõ ràng: 0,5 điểm; trả lời sai hoặc không trả lời được không tính điểm)

* Lưu ý: Đối với những bài tập đọc thuộc thể thơ có yêu cầu học thuộc lòng, giáo viên cho học sinh đọc thuộc lòng theo yêu cầu.

2. Đọc thầm và làm bài tập. (7,0 điểm)

Học sinh dựa vào nội dung bài đọc, chọn câu trả lời đúng và hoàn thành các bài tập đạt số điểm như sau:

Câu

1

2

3

4

5

6

Đáp án đúng

A

B

C

B

C

B

Điểm

0,5

0,5

0,5

0,5

0,5

0,5

Học sinh nào chọn 2, 3 ý trong một câu thì không được điểm câu đó.

7. Rải truyền đơn.

8. Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

9. Được, nhưng rải thế nào anh phải chỉ vẽ, em mới làm được chớ!

10.  Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.

(Học sinh có thể viết các câu khác)

* Tổ chuyên môn thống nhất cho điểm cụ thể.

PHẦN KIỂM TRA VIẾT

1. Chính tả (2,0 điểm) Thời gian 20 phút

GV đọc cho học sinh viết đoạn: “Từ những năm … thanh thoát hơn.” trong bài: Tà áo dài Việt Nam (TV5 – Tập 2 – Trang 122)

* Cách đánh giá, cho điểm:

– Tốc độ đạt yêu cầu; chữ viết rõ ràng, viết đúng kiểu chữ, cỡ chữ; trình bày đúng quy định, viết sạch đẹp: 1,0 điểm

– Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1,0 điểm

– Mỗi lỗi chính tả trong bài viết (sai lẫn lộn phụ âm đầu hoặc vần , thanh ; chữ thường, chữ hoa): trừ 0,1 điểm.

– Nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ hoặc trình bày dơ bẩn trừ 0,2 điểm.

2. Tập làm văn (8,0 điểm): Thời gian 35 phút

Đề bài: Ngôi trường đã gắn bó với em trong suốt những năm học qua. Em hãy tả cảnh ngôi trường và nói lên tình cảm của mình trước lúc xa trường.

Bài làm tham khảo

   Thấm thoát đã hơn bốn năm học trôi qua dưới mái trường thân yêu, vậy mà giờ đây những kỉ niệm buồn vui của năm tháng học trò cũng sắp trôi đi. Ngôi trường vẫn còn đó, vẫn lặng lẽ dõi theo từng lũ học trò chúng em học hành, đùa giỡn và cùng em bước đi trên con đường học tập .

Nhìn từ xa, ngôi trường như được khoác lên mình một chiếc áo màu màu vàng nhạt nhưng khi ánh nắng chiếu xuống làm cho chiếc áo ấy trở nên rực rỡ hơn. Mái tôn màu cam hòa lẫn với màu sơn hồng đậm của những bức tường tạo nên một phong cảnh đầy màu sắc. Khi đến gần, chúng ta sẽ bắt gặp ngay dòng chữ : “Trường tiểu học Nguyễn Văn Hưởng” được làm bằng đá hoa cương. Dù đã nhiều năm trôi qua, hứng chịu biết bao trận mưa rào , bao cái nắng nóng chói chang, vậy mà ngôi trường chẳng thay đổi là bao. Chiếc cổng sắt màu xám lúc nào cũng dang tay, mở rộng như vòng tay của một người mẹ lúc nào cũng sẵn sàng đón chào những đứa con thân yêu vào trường.

Đối với em, ngôi trường này không nguy nga và tráng lệ như một tòa lâu đài mà chỉ đơn sơ nhưng vẫn giữ đầy nét trang nghiêm và thân thiện lạ thường. Sân trường được lát bằng đan, các bạn có biết, nơi đây chúng mình có thể chạy thỏa thích mà không sợ trượt chân đấy. Hai hàng cây xanh xoè tán rộng, làm bóng râm cho những bạn học sinh đứng chờ bố mẹ. Những chú chim từ phương nào bay đến đậu trên những cành cây hót líu lo chờ nắng sớm ban mai của ông mặt trời. Hàng ghế đá xếp dài gần các lớp học dể chúng em ngồi tâm sự với nhau sau mỗi tiết học căng thẳng , mệt mỏi . Sân trường còn là nơi các bạn học sinh và thầy cô sinh hoạt với nhau trong lễ chào cờ.

Dãy hành lang xây dựng giống hình chữ U. Dọc các dãy hành lang, các lớp học được trang trí những hình ảnh ngộ nghĩnh và dễ thương. Các tủ sách di động được thầy Hiệu trưởng đặt để các em được đọc những quyển truyện rất hay và hấp dẫn. Mỗi phòng học được trang trí đẹp với nhiều sáng tạo và mang phong cách riêng của mỗi lớp. Lớp thì treo những chậu cây lơ lửng trên cửa sổ , lớp thì trang trí những bông hoa và những hình dáng con cá trên bức tường tạo nên một bức tranh sác màu rực rỡ làm cho ngôi trường thân thuộc đến lạ kì.

Em yêu ngôi trường này lắm . Mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Những kỉ niệm, những khoảnh khắc đáng nhớ về ngôi trường về bạn bè, thầy cô không bao giờ em quên. Rồi một ngày em sẽ phải đến một ngôi mái trường mới nhưng ngôi trường Nguyễn Văn Hưởng vẫn không phai nhòa trong tâm trí em.

Bài làm 2

   Chỉ còn ít ngày nữa thôi là em sẽ phải xa mái trường Tiểu học Đại Đình yêu dấu – nơi đầu tiên đã đón em vào học cách đây năm năm. Buồn quá! Buồn vì sắp phải xa thầy cô, xa những kỉ niệm thân thương suốt năm năm học

Tất cả đang dần xa, dần xa, tiễn em lên ngôi trường mới : trường Trung học cơ sở. Song, có lẽ những hình ảnh đẹp đẽ về mái trường này sẽ không bao giờ có thể phai mờ trong em.

Em bâng khuâng nhớ về ngày đầu tiên đi học, mẹ đưa em đến trường. Em dậy từ rất sớm, khoác chiếc cặp to trên đôi vai nhỏ nhắn, lòng vô cùng háo hức. Đến nơi rồi. Ngôi trường sao mà lớn thế! Người nào cũng lạ. May ra lác đác có vài đứa học cùng mẫu giáo là quen quen. Rụt rè, em nép mình đằng sau lưng mẹ. Cũng như em là mấy đứa học trò mới cũng bỡ ngỡ đứng bên người thân. Chỉ có những cậu con trai là bình tĩnh, lại còn nô đùa trên các dãy phòng học nữa chứ.

Vào lớp Một, em được học cô Hoa. Cô Hoa là một cô giáo dạy giỏi , nghiêm khắc mà cũng rất dịu dàng và yêu học sinh. Cô như mẹ em vậy. Và thế là từ đó trở đi, thế giới rộng lớn dần được mở ra trong trí óc non nớt của em. Cô đã giảng dạy cho em thật nhiều điều. Em biết đọc, biết viết, biết làm toán, viết văn – điều mà em không thể làm được khi học ở mẫu giáo, chỉ biết vui thì cười, buồn thì khóc nhè làm nũng bố mẹ.

Nhớ lại những câu chuyện đó, lòng em cứ xao xuyến mãi. Em giờ đã khác xưa nhiều . Em đã lớn hơn, đã sắp trở thành một cô học sinh cấp 2. Sắp xa mái trường chứa đựng biết bao tình cảm về một thời học trò đầu tiên, em cảm thấy lưu luyến quá . Em sẽ chẳng còn được thấy cảnh những đám bạn khoác vai nhau, hò hét trên sân trường này. Sẽ chẳng còn được hoà mình vào những trận chiến xảy ra ở cái tuổi mới lớn trên sân trường này nữa. Lại còn cánh cổng xanh. Đó là nơi em vẫn đợi mẹ sau mỗi buổi học … Tất cả… tất cả… Em sắp phải nói lời chia tay.

Được lên lớp Sáu, phải xa thầy, xa cô, em muốn gửi đến thầy cô một lời ‘‘cảm ơn’’ và một lời ‘‘xin lỗi’’.Cảm ơn các thầy cô đã dạy cho chúng em những điều hay lẽ phải . Chúng em cũng xin lỗi thầy cô vì đã để các thầy cô nhắc nhở và buồn phiền. Nhưng thầy cô ơi, chúng em đâu có biết được sự vất vả của thầy cô. Cho đến giây phút này, chúng em – những cô cậu học trò lớn tuổi nhất trong trường mới nhận ra điều đó có ý nghĩa thật đẹp biết bao.

‘‘ Mái trường ơi, xin cho em được gửi lại một nỗi nhớ, một niềm yêu .Những bài giảng của mỗi thầy cô sẽ mãi là hành trang quan trọng trên chặng đường học tập đang chờ đón em phía trước. Tạm biệt thầy cô, các em khối 1,2,3,4. Sẽ có một ngày em trở về nơi đây…’’
0