24/02/2018, 12:22

Trình bày suy nghĩ của anh chị về quan niệm sống thể hiện qua hai câu thơ sau và rút ra bài học cho bản thân: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” (Xuân Diệu)

Trình bày suy nghĩ của anh chị về quan niệm sống thể hiện qua hai câu thơ sau và rút ra bài học cho bản thân: "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm" (Xuân Diệu) – Bài làm 1 Nhà thơ Tố Hữu đã hơn một lần băn khoăn: “Ôi sống ...

Trình bày suy nghĩ của anh chị về quan niệm sống thể hiện qua hai câu thơ sau và rút ra bài học cho bản thân: "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm" (Xuân Diệu)  – Bài làm 1

Nhà thơ Tố Hữu đã hơn một lần băn khoăn: “Ôi sống đẹp là gì hỡi bạn!”

Quả thật sự sống rất đáng quý nhưng sống như thế nào mới là sống đẹp, đó là một câu hỏi không hề dễ. Quan niệm sống của Xuân Diệu thể hiện qua hai câu thơ:

" Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm"

phần nào đã là lời giải đáp cho câu hỏi đó.

Hai câu thơ của Xuân Diệu đã đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa rất sâu sắc. “Một phút huy hoàng” ở đây chính là sự bừng sáng chỉ trong một thời gian ngắn. “Buồn le lói suốt trăm năm” chính là để chỉ cuộc sống lặng lẽ buồn tẻ kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Thông qua sự đối lập giữa các hình ảnh “một phút” và “trăm năm”, “huy hoàng” và “buồn le lói” cùng cấu trúc câu “Thà…hơn”, hai câu thơ của Xuân Diệu đã đưa ra một quan niệm sống sâu sắc: Đó là phải sống có ý nghĩa, cuộc sống không phải được đo bằng thời gian bạn sống dài hay ngắn mà nó được đo bằng cách xem bạn sống có ý nghĩa hay không? Thà sống có ý nghĩa, bừng lên tỏa sáng trong một thời gian ngắn còn hơn là cả cuộc đời chỉ sống cuộc sống hời hợt, nhợt nhạt vô vị.

Quan niệm sống của Xuân Diệu rất đúng đắn và sâu sắc. Bởi lẽ cuộc sống rất đáng quý, mỗi con người chỉ được sống một lần trong cuộc đời này. Bởi vậy con người phải sống sao cho có ý nghĩa nhất, sao cho có ích nhất để sau này khi nhìn lại quãng đời ấy, chúng ta có quyền tự hào vì mình đã sống không bỏ lỡ một phút giây nào. Không ai có thể quay ngược thời gian, có thể cho bạn sống lại cuộc sống của ngày hôm qua. Mỗi ngày mới đều là ngày đầu tiên trong phần đời còn lại của bạn. Do vậy phải biết sống sao cho ý nghĩa nhất.

Quan niệm sống trên còn xuất phát từ bản thân nhà thơ Xuân Diệu. Xuân Diệu là nhà thơ luôn bị ám ảnh bởi thời gian. Với Xuân Diệu mỗi giây, mỗi phút qua đi như đang phải chia tay với một phần cuộc đời còn lại của mình. Vì vậy, nó đưa nhà thơ đến quan niệm sống vội vàng cuống quýt, sống để chạy đua với thời gian nhưng cũng phải sống ý nghĩa nhất, sống đẹp nhất. Quan niệm sống sâu sắc của Xuân Diệu được thể hiện trong hai câu thơ, do vậy nó càng có ý nghĩa hơn.

Sống đẹp, sống có ý nghĩa, có giá trị thì dù chỉ sống trong một thời gian ngắn còn đáng quý hơn ngàn lần cuộc sống “buồn le lói suốt trăm năm”. Thực tế đã chứng minh rằng điều đó rất đúng. Nát-king Cô-le – một nghệ sĩ da đen nổi tiếng, anh ta đã bán được hơn năm mươi triệu đĩa trên thế giới và từng được Tổng thống Mĩ mời đến chơi nhạc ở Nhà Trắng, lúc đầu chỉ là một người đánh đàn trong quán cà phê nhỏ ở Niu-oóc không ai phát hiện ra tài năng của anh và chính anh cũng không ngờ đến tài năng của mình cho đến khi mọi người đã quen với tiếng đàn và yêu cầu anh hát. Lần lữa từ chối mãi không được, Nát-king Cô-le buộc phải hát. Và khi những giai điệu quen thuộc của bài “Mô-na Li-da” vang lên, tất thảy mọi người đều ngỡ ngàng. Sống đẹp, sống có ý nghĩa, phát huy cao độ mọi khả năng mình có thì cuộc sống càng có ý nghĩa hơn.

Cuộc sống xung quanh ta cũng đã có biết bao con người sống đẹp, sống có ý nghĩa như thế. Họ là những ngọn nến mãi lung linh tỏa sáng. M. Gran-di – người được coi là vị thánh của nhân dân Ấn Độ, người chủ trương đòi độc lập bằng phương pháp hòa bình – đã sống cuộc đời có ý nghĩa nhất với những con người cùng khổ dưới đáy xã hội. Đám tang của ông có tới ba triệu người đưa tiễn trong nước mắt. Một cuộc sống như thế quả đáng để ta trân trọng, nâng niu nhiều lắm! Uyn-xtơn Sóc-sin – Tổng thống nước Anh, đã dành cho nước Anh những cống hiến vĩ đại nhất khi đã về hưu. Và còn rất nhiều, rất nhiều tấm gương khác trong cuộc sống đời thường đang lung linh tỏa sáng,…

Sống đẹp là sống có ý nghĩa, với từng hành động, cử chỉ,…trong cuộc đời mình. Nhưng thực tế đã chỉ ra có rất nhiều người hoặc vô tình hoặc cố tình đã không biết quý trọng sự sống. Sống đối với họ chỉ là một cách tồn tại. Đó là cuộc sống của những con người lặng lẽ, tự thu mình vào vỏ bọc bé nhỏ, tách mình khỏi bao âm thanh náo nức của cuộc đời. Sống hời hợt, nhạt nhẽo, vô vị kéo dài từ ngày này sang ngày khác, tự ném mình vào bể khổ của cuộc đời.

Từ quan niệm sống của Xuân Diệu, ta rút ra được nhiều bài học sâu sắc. Sống ở trên đời không phải để tồn tại mà để yêu thương, để sống có ý nghĩa nhất. Cuộc sống của bạn không phải được đo bằng thời gian bạn sống dài hay ngắn mà được đo bằng quãng đời đó bạn sống có ý nghĩa hay không. Bởi vậy mỗi người đều phải biết quý trọng sự sống mình được ban tặng và quan trọng hơn, phải biết chết là điều dễ dàng nhưng sống mới là điều khó. Sống làm sao để cuộc đời mình mãi tỏa sáng như những ngọn nến lung linh, những bông hoa rực rỡ góp vào vườn hoa muôn ngàn sắc thắm của cuộc đời. Đó mới là điều quan trọng.

Cuộc sống không phải được đếm bằng số lần bạn thở trong một phút, một giây mà được đếm bằng số lần bạn nín lặng để yêu thương và trao yêu thương. Bởi vậy hãy tỏa sáng cùng muôn vàn ngôi sao trên bầu trời với một ánh sáng lấp lánh riêng. Đừng hóa thân vào màn đêm đen kịt mà hãy là một ngôi sao, dù chỉ một lần vụt sáng như những ánh sao băng thì vẫn cứ tỏa sáng, bạn nhé!

Trình bày suy nghĩ của anh chị về quan niệm sống thể hiện qua hai câu thơ sau và rút ra bài học cho bản thân: "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm" (Xuân Diệu)  – Bài làm 2

Cuộc sống có thể kéo dài vô tận, nhưng con người không thể sống mãi với thời gian được. Có lúc ta phải ngẫm lại, xem ta đã làm được gì, đang làm gì và sẽ làm gì có ích cho mọi người và cho chính mình để rồi khi mọi thứ vụt tắt đi, ta vẫn còn giữ lại chút gì gọi là vinh quang và huy hoàng. Thà làm một người bất thường đi làm chuyện khác thường mà cao cả thì còn hơn là một người bình thường mà chả làm gì có ích cho đời cả. Nhà thơ Xuân Diệu từng có hai câu nói có trong bài “Giục Giã” như sau:

“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm"

Câu thơ được xem như là một thông điệp về cách sống tận hiến, sống hữu ích cho đời. Con người ta là một vật thể sống hữu hạn, tuy bản chất của con người là suy tư và khao khát muốn “đoạt quyền tạo hoá" nhưng không thể ngăn được những quy luật của tự nhiên “sinh, lão, bệnh, tử”. Ai mà chẳng có lúc phải chết đi, đâu thể là bất diệt được. Đó mới chính là cái thú vị mà cuộc sống này đã ban tặng cho chúng ta. Cũng như vậy, từ “huy hoàng” mà Xuân Diệu nhắc đến trong bài có nghĩa: khi ta đạt đến phút giây vinh quang, sáng chói nhất, là lúc ta cảm thấy hạnh phúc nhất, hạnh phúc vì mình đã tự làm được những điều quá sức mình, nhưng đôi khi không phải cái phút “huy hoàng” nào cũng đẹp cả, nó cũng là cái giả tạo được làm ra để được tung hô, để được mọi người tán thưởng. Đó đâu phải là thành quả thực. Giữa một cái mình tự tạo thành với một cái mình phải vay mượn từ người khác hay từ một bản ngã xấu xa nào đó của con người làm nên, thì cái nào sẽ có giá trị hơn? Có lẽ hai câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu dù được tác giả viết trong dòng văn học hiện đại, nhưng nghĩ lại cái lẽ sống này đã luôn đúng, luôn tồn tại từ ngàn xưa mà mãi đến Xuân Diệu thì ông mới đúc kết nên lẽ sống này, không phải nó chỉ biết đến trong thời chiến mà nó mãi đúng cho mai sau. Không phải “một phút huy hoàng” và rồi ta sẽ mãi chợt tắt vĩnh viễn mà cái ánh sáng “huy hoàng” ấy sẽ theo chúng ta, sẽ tồn tại vĩnh viễn trên cuộc sống. Tôi không biết sau này tôi sẽ làm nghề gì và lại càng không biết tôi sẽ sống đến bao lâu nữa, nhưng cả cuộc đời này, tôi hi vọng ít nhất một lần trong đời tôi có thể đem cả tấm lòng nhân ái, đem cả tình thương của mình ra để mà chia sẻ với những người khác – những người kém may mắn hơn mình. Người ta thường nói “tình cảm là vô hạn”, ừ thì đúng thật đấy, nhưng đâu phải ai cũng có thể sẵn sàng cho đi tình cảm của mình được. Con người mà, ích kỉ lắm, họ chỉ biết nghĩ cho mình, vì lợi ích của bản thân mình rồi mới nghĩ đến người khác. Ở cuộc sống này, bên cạnh những người giàu, còn đâu đó không biết bao nhiêu là mảnh đời bất hạnh, cần được giúp đỡ. Ta không có nhiều tiền, ta không giúp đỡ được nhiều, nhưng cái cách mà ta thể hiện tình cảm với họ, cái cách mà ta cảm thông, chia sẻ với họ, những thứ đó mà nói, tiền bạc cũng không mua được. Hãy làm cho họ thấy, rằng họ còn có thể tin vào cuộc sống này để mà vươn lên, mà tiếp tục cố gắng. Đó là ta đã cho đi rồi đó. Ngay cả đến Xuân Diệu cũng đã từng muốn “tắt nắng, buộc gió”, muốn xoay chuyển cả đất trời chứ huống chi là “huy hoàng”. Ước muốn táo bạo của nhà thơ là thế đó, thà được sống hết mình trong phút chốc rồi chợt tắt, còn hơn là “le lói” suốt cuộc đời. Xuân Diệu muốn cả cuộc đời mình tuy là ngắn ngủi nhưng phải làm nhiều việc, thật nhiều việc có thể để những thế hệ sau nhớ mãi. Ông ghét phải làm những việc chỉ biết ngồi không tận hưởng hay vô bổ mà cứ phải sống dài, sống dại, sống dở rồi trở thành kẻ vô dụng. Phải sống làm sao cho đến khi chết rồi ta không phải tiếc nuối vì cuộc đời này, không ít thì nhiều, ta đã đóng góp cho cuộc sống này một chút gì đó đáng giá. Để làm được điều đó, quả không dễ chút nào. Thật tình mà nói, tôi chỉ là một phần tử rất nhỏ trong cuộc đời to lớn này, tôi không hi vọng người đời sẽ nhắc đến mình. Tôi chỉ mong rằng mình có thể sống hết mình,có được một cuộc sống vui vẻ, không phải lo âu, không phải hối tiếc về những gì đã qua.

“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”

Cái phút “huy hoàng” rồi “chợt tối” ấy so hơn hẳn với sự “le lói” mà nó mang lại, đó là sự thật mà ta không thể phủ nhận. Trong chiến tranh, biết bao nhiêu người chiến sĩ cộng sản đã ngã xuống vì một nền độc lập cho dân tộc. Chúng ta không thể nào biết được họ là ai, họ đến từ đâu, nhưng ta biết được rằng, họ đã sống hết mình, dành trọn tình cảm của mình cho Tổ quốc. Tuy cuộc sống của họ là ngắn ngủi, nhưng cái khoảnh khắc họ hi sinh chính là giây phút “huy hoàng” nhất trong cuộc đời, vì những chiến sĩ ấy đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Điều ấy đâu phải ai cũng thực hiện được. Nó xuất phát từ lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc và quyết tâm giành độc lập cho quê hương mình. Và nếu như không có những phút “huy hoàng" ấy, liệu bây giờ ta có được một cuộc sống hạnh phúc và bình yên được không? Cuộc sống chúng ta luôn qua đi từng ngày, thiên nhiên thì tuần hoàn nhưng tuổi trẻ chúng ta thì sẽ trôi qua mà không quay trở lại. Trong bài “Vội vàng”, Xuân Diệu cũng đã có nói:

“Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”

Thời gian đâu có chờ đợi ai. Nó đến và rồi cứ trôi qua vùn vụt. Bởi thế mà nhà thơ Xuân Diệu đã từng sợ, ông sợ cái tuổi già đến với mình quá nhanh, khi mà ông chưa làm được gì nhiều cho đất nước, cho cuộc sống này. Xuân Diệu là một nhà thơ lớn, ấy vậy mà vẫn còn thấy tiếc vì nghĩ còn cống hiến quá ít cho cái cuộc sống này, huống chi là ta. Chúng ta chỉ là hạt cát trong một sa mạc mênh mông. Thà sống ít mà cống hiến cho đời những cái hay, cái tốt, còn hơn là sống một cuộc sống tầm thường, một cuộc sống vô vị, làm những việc trái với lương tâm mà bị người đời xem thường, khinh bỉ. Ngay từ đầu, ta phải xác định được mục tiêu đề ra: Sống là phải sống có ích. Sống làm sao mà đến khi chết đi, ta không phải hối tiếc về những việc mà ta đã làm. Đó đã là cái phút “huy hoàng” của cuộc đời ta rồi đấy! Có những người khi ngã xuống cho Tổ quốc này khi tuổi đời hãy còn rất trẻ như Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thuỳ Trâm… và nhiều anh hùng vô danh khác, nhưng họ đã bất tử trong lòng dân tộc. Bởi lẽ, họ đã biết sống một cuộc đời tận hiến cho cái đẹp, cái cao cả.

Không quá vội vàng trong cuộc sống, đừng làm những điều mà sau này phải hối hận và tiếc nuối, vì thực sự đường đời còn rất dài. Và hãy sống là chính ta, hãy làm những gì ta thích và thật sự có ích cho mọi người. Như thế cuộc sống này mới có ý nghĩa. Và ta sẽ đón nhận được những niềm vui mới từ những người xung quanh. Đó là quà tặng về tinh thần dành cho ta mà dù có thật nhiều tiền cũng chưa chắc đã mua được tình cảm của người khác dành cho mình. Ý thơ trên của Xuân Diệu là một thông điệp về cách sống hữu ích.

Từ khóa tìm kiếm nhiều:

0