02/10/2018, 00:39

Trần Triều tồn nghi

Đặng Thanh Bình Trong khi tìm hiểu lịch sử triều Trần thời điểm cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 trở về trước, tôi thấy có những sự kiện khá thú vị nhưng lại không đưa ra được giả thuyết nào nên nay gom chung lại tạm gọi là tồn nghi Chiêu Quốc vương Trần Ích ...

22904955_150882755527861_6601821716467398403_o

Đặng Thanh Bình

Trong khi tìm hiểu lịch sử triều Trần thời điểm cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 trở về trước, tôi thấy có những sự kiện khá thú vị nhưng lại không đưa ra được giả thuyết nào nên nay gom chung lại tạm gọi là tồn nghi

  1. Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc

Toàn thư chép: “Ất Dậu [1285] Tháng 2 ngày giáp thìn mồng 1, con thứ của Tĩnh Quốc Đại Vương Quốc Khang là thượng vị Chương Hiến hầu [Trần] Kiện và liêu thuộc là bọn Lê Trắc đem cả quân đầu hàng quân Nguyên (…) Tháng 3, ngày giáp tuất mồng 1 hai vua bỏ thuyền đi bộ đến Thuỷ Chú. Lấy thuyền ra sông Nam Triệu (tức huyện Thuỷ Đường) vượt biển Đại Bàng vào Thanh Hóa. Thượng vị Văn Chiêu hầu [Trần ] Lộng đầu hàng Thoát Hoan. Kế đó, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc và bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long đem gia thuộc đầu hàng quân Nguyên” [Bản dịch của Viện khoa học xã hội Việt Nam]

An Nam chí lược chép: “Ngày đinh tị mồng 3, Trấn Nam vương đánh phá quân vua Trần tại sông Đại Hoàng. Tôn tử là Văn Nghĩa hầu Trần Tú Tuấn suất cả nhà ra đầu hàng (…) Ngày 15 mậu tí, em thế tử là Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc suất cả môn thuộc nội phụ” [Bản dịch của Viện Đại Học Huế 1961]

– Các sách sử chép khá rõ thứ tự ra hàng quân phương bắc như sau: đầu tiên là Chương Hiến hầu Trần Kiện, thứ đến là Văn Nghĩa hầu Trần Tú Viên và Chương Hoài hầu Trần Văn Lộng, sau cùng là Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc.

Toàn thư chép: “Trước kia, khi Ích Tắc chưa sinh. Thái Tông mộng thấy thần nhân ba mắt từ trên trời xuống nói với Thái Tông: “Thần bị thượng đế quở trách, xin thác sinh là con vua, sau lại trở về phương Bắc”. Đến khi Ích Tắc sinh, giữa trán có vài vết lờ mờ như hình con bắt, hình dáng giống hệt người trong mộng. Đến 15 tuổi, thông minh hơn người, làu thông kinh sử  và các thuật, vẫn còn có ý tranh đoạt ngôi trưởng đích. Ích Tắc đã từng gửi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn xin quân Nguyên xuống nam. Đến nay, người Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng chúng để mong được làm vua. Người Nguyên phong làm An Nam Quốc Vương”.

An Nam chí lược chép: “Trần Ích Tắc con thứ 5 của Thái vương, thông minh tuấn tú, có tính hiếu học. Lúc ở nước nhà được phong tước Chiêu Quốc vương, kiêm chức đại tướng quân, trấn giữ lộ Đà Giang (…) Tháng 4 năm sau [1329] Ích Tắc qua đời, hưởng thọ 76 tuổi, an táng tại núi Hạ Gia, đất Hán Dương”.

– Nguyên văn trong Toàn thư là “Thường hiệp tư thư ký Vân Đồn thương khách, khất Nguyên sư Nam hạ”. Thường [嘗] có nghĩa là Đã Từng. Cứ theo câu chữ thì Chiêu Quốc vương đã từng gửi thư cho người phương bắc xin đem quân xuống phương nam.

– Nguyên văn trong Toàn thư là “Niên thập ngũ, thông minh quá nhân, thông thư sử, cập chư kĩ thuật, tiềm hữu đoạt đích chi tâm”. Tiềm Hữu [潜 有] theo tôi nên hiểu là Ngầm Có. Nên vào thời điểm người Nguyên Mông xuống phương nam không biết Chiêu Quốc vương có còn ý tranh đoạt ?

Toàn thư chép: “Đinh Mão [1267] Tháng 5, phong em là Ích Tắc làm Chiêu Quốc Vương. Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng, thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời (…) Mậu Thìn [1268] Mùa xuân tháng giêng, vua từng nói với tôn thất rằng: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên, thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc”. Đến đây, xuống chiếu cho các vương hầu tôn thất, khi bãi triều thì vào trong điện và lan đình. Vua cùng ăn uống với họ. Hôm nào trời tối không về được thì xếp gối dài, trải chăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng yêu quý nhau. Còn như trong các lễ lớn như triều hạ, tiếp tân, yến tiệc thì phân biệt rõ ngôi thứ, cấp bậc cao thấp. Vì thế, các vương hầu thời ấy không ai là không hòa thuận, kính sợ và cũng không phạm lỗi khinh nhờn, kiêu căng”.

– Theo như An Nam chí lược thì Trần Ích Tắc sinh năm 1254, đến năm 1267 được phong làm Chiêu Quốc vương, vào năm 1268 Tắc 15 tuổi. Nhưng tháng giêng năm mậu thìn Thánh Tông Trần Hoảng ban chiếu với nội dung vỗ về anh em trong họ. Nên tôi cho rằng thời điểm Chiêu Quốc vương có ý tranh đoạt ngành đích là khi ngài khoảng 15 tuổi. Hoàn toàn phù hợp với chữ Thường mà Ngô sử gia đã dùng.

Toàn thư chép: “Canh Ngọ [1330] Tá thánh thái sư Chiêu Văn Đại Dương Nhật Duật mất (thọ 77 tuổi) (…) Cuối niên hiệu Thiệu Bảo [1279-1285] ông giữ trại Thu Vật ở Tuyên Quang. Giặc Hồ vừa xâm phạm bờ cõi, Chiêu Quốc tâu với vua rằng: “Chiêu Văn ở Tuyên Quang, chắc ở trên đó gọi giặc sang rồi” (Nhật Duật thích chơi với người Tống nên Chiêu Quốc nói thế). Khi Tuyên Quang thất thủ, Nhật Duật thuận dòng rút về xuôi”.

Bài ký chuông Thông Thánh quán ở Bạch Hạc viết: “Cuối đông năm Giáp Thân [1284] giặc bắc đến xâm lược, bấy giờ Khai Quốc vương trấn thủ các châu lộ Tuyên Quang” [Bản dịch của Đinh Khắc Thuân]

– Theo như Toàn thư thì khi giặc phương bắc xâm phạm bờ cõi vào cuối mùa đông năm 1284, Chiêu Quốc vương đã tấu với Thánh Tông rằng “Chiêu Văn gọi giặc sang rồi”. Thứ nhất lời tấu của Ích Tắc chắc chắn phải xảy ra sau khi triều đình nhận được tin giặc Hồ xâm phạm và thứ hai qua lời tấu của Chiêu Quốc cho thấy Ích Tắc nghĩ Chiêu Văn đã làm phản.

– Ngô sử gia cho biết thêm, vì Chiêu Văn thường qua lại với người Tống nên khi giặc Hồ xâm phạm, Chiêu Quốc đã cho rằng Nhật Duật làm phản, do đó chúng ta có thể khẳng định vào thời điểm người phương bắc xâm phạm lãnh thổ Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc chưa có ý định làm phản.

– Xem lời tầu của Chiêu Quốc đối với Thánh Tông về Chiêu Văn không phải không có cơ sở, bởi vì Ích Tắc giữ lộ Đà Giang còn Chiêu Văn giữ trại Thu Vật. Như thế Chiêu Văn phía trước còn Chiêu Quốc phía sau.

An Nam chí lược chép: “Gửi thân qua chầu triều, đã bỏ phe nghịch mà quy thuận (…) An Nam quốc vương Trần Ích Tắc biết sợ mạng trời mà thờ nước lớn (…) tự nguyện đến hàng”.

Sách Trần Nhân Tông con người và tác phẩm của tác giả Lê Mạnh Thát viết: “ Vi thần liền trốn ở góc biển, lâu ngày bị bệnh tật, đường sá xa xôi, thủy thổ khó khăn. Mạng sống tuy liên hệ với số trời, nhưng tình người thì lại rất sợ chết mất. Thêm vào đó, đại quân đã lắm lần chinh phạt, giết cướp lại nhiều. Anh em không kẻ hiền lương, dựng chuyện tâu sàm không ít. Trước đây, quốc thúc Di Ái rõ ràng trốn mất ở ngoài biên cảnh, bèn trở ngược vu cáo thần là đã làm việc chuyên giết. Lại người em giữa Ích Tắc tự đem mình đến trước đại quân xin vái đầu hàng. Ấy là muốn đến trước để lập công cho mình. Huống nữa là những người đến thay mà tâu bày, thì lại càng thêm ngoa dối. Vi thần thập tử chứ không có một chút sống nào” [Tờ biểu tháng tư năm Chí Nguyên thứ 25]

An Nam chí lược chép: “Nội phụ An Nam quốc công Thiện Lạc lão nhân. Xuất Quốc. Bỏ nước ra đi nhớ tự ngày – Lòng trung cánh cánh có trời hay – Chẳng qua Vi Tử buồn Ân mất – Há phải Văn Công trốn nước ngoài – Nghề mọn cơ cầu noi nghiệp trước – Tiếng thơm sử sách để sau nầy”.

Ghi chú của người dịch: “Vi Tử là anh của vua Trụ nhà Ân. Vua Trụ hoang dâm, Vi Tử can ngăn không được, bèn bỏ đi. Văn Công là công tử nhà Tấn, bỏ trốn trong lúc nước có nạn, sau về phục quốc. Chữ cơ cầu dùng chỉ nối nghiệp cũ của ông cha”.

– Qua các thông tin trong sách sử như “sợ mạng trời, bỏ phe nghịch mà quy thuận, xin đầu hàng để lập công trước” thì rõ ràng là khi quân phương bắc vào xâm chiếm, Chiêu Quốc vương chưa phản lại Thánh Tông. Nhưng khi chiến sự xảy ra, Trần Hoảng liên tục thua trận. Ban đầu là trận Nội Bàng, thứ đến là trận Vạn Kiếp, tiếp theo là trận Đại Hoàng, cuối cùng khi Thánh Tông buộc phải chạy trốn vào Thanh Hóa, thì Ích Tắc mới trở giáo ra hàng.

– Có rất nhiều nhận định về sự kiện Chiêu Quốc vương hàng người Nguyên cũng như con người Trần Ích Tắc theo thời gian, người viết xin không bàn thêm mà chỉ muốn nêu đoạn sử trong Toàn thư mục năm 1293 như sau “Ích Tắc là chỗ tình thân cốt nhục, tuy trị tội cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê hắn hèn nhát như đàn bà vậy”. Nếu đem đặt cùng Chiêu Văn thì đúng là khác nhau.

  1. Chiêu Đức vương Trần Xán

Nguyên sử viết: “Tháng tám [1284] em Nhật Huyên là Chiêu Đức vương Trần Xán gửi thư đến Kinh Hồ Chiêm Thành hành sảnh, tự nguyện nạp khoản quy hàng” [Bản dịch của Châu Hải Đường]

Ghi chú của người dịch: Có lẽ Trần Xán ở đây chính là Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc. TB.BK.q5 chép việc Trần Ích Tắc “từng gửi thư riêng nhờ bọn lái buôn ở Vân Đồn xin nhà Nguyên đem quân xuống nước Nam”.

– Trên chúng ta đã đưa ra những bằng chứng cho thấy khi quân Nguyên Mông xâm phạm lãnh thổ nước Nam, Trần Ích Tắc chưa có ý định làm phản Thánh Tông nên Trần Xán không phải là Chiêu Quốc vương.

An Nam chí lược chép: “Trần Trọng Vy tự là Trí Quảng, người Thụy Châu, thi đậu khoa Mậu Tuất [1238] niên hiệu Gia Hy đời Tống Lý Tông [1225-1264] Năm Bính Tí [1276] niên hiệu Chí Nguyên [1264-1294] nhà Nguyên, quan quân vào bắt ấu chúa, cả nước đều quy thuận, hai vua chạy xuống phía nam, Trọng Vy từ Quỳnh Châu vào yết kiến, đến Quảng Châu được cử làm Lại bộ thượng thư (…) Nhà Tống mất, Trọng Vy chạy vào An Nam, rất được vua Trần Thánh Tông trọng đãi (…) Ở An Nam được vài năm thì mất, Tăng Uyên Tử vãn một bài thơ rằng: Giang Nam chim một cặp – Gãy cánh tựa nước nhau (…) Sau quốc đệ nước An Nam là Trần Thôi bị tội, lén khiến con của Trọng Vy là Trần Văn Tôn qua Trung Quốc đánh An Nam. Mùa đông năm giáp thân, đại binh qua đánh nước An Nam, Trấn Nam vương cho Trần Văn Tôn làm thiên hộ để dẫn đường. Vua Thánh Tông nhà Trần cả giận, khiến bổ quan tài Trọng Vy”.

– Chữ Thôi [ 璀 ] và chữ Xán [ 璨 ] được sử dụng tương tự như từ ghép Thôi Xán [ 璀 璨 ] đều mang nghĩa Ánh Sáng Ngọc. Lại thêm, Trần Thôi và Trần Xán đều là em trai của Nhật Huyên, cũng như đều gửi thư cho người Nguyên xin nam hạ. Nên tôi cho rằng Chiêu Đức vương còn tên khác là Trần Thôi.

– Theo An Nam chí lược thì Trần Thôi lén sai Trần Văn Tôn đem thư sang Kinh Hồ Chiêm Thành hành sảnh chứ không phải gửi lái buôn tại Vân Đồn. Vì thế Chiêu Đức vương không phải là Trần Ích Tắc.

Toàn thư chép: “Quý Mùi [1283] Tháng 2, trị tội thượng vị hầu Trần Lão, cho Lão chuộc tội một ngàn quan tiền, đồ làm lính, lăng trì tên Khoáng là gia nô của Lão ở chợ Đông, vì tội làm thư nặc danh phỉ báng nhà nước”.

Bài Ả Trần, Mai Kiện, Hồi Hột – Phía khuất của Sử-được-kí do tác giả Tạ Chí Đại Trường viết: “Tước Thượng vị hầu chứng tỏ Trần Lão là con một bà Phi theo thứ tự sắp xếp năm 1241. Lê Tắc nhắc đến một người bị tội, cầu cứu quân Nguyên, tên Trần Thôi là “quốc đệ” theo cách nhìn từ phía Nguyên là em (thượng hoàng) Thánh Tông, hẳn là Trần Lão của sử Việt, chắc tên riêng bị bỏ, chỉ còn là thằng cha – già – lão Trần”.

– Tác giả Tạ Chí Đại Trường cho rằng Trần Thôi trong An Nam chí lược là Trần Lão trong Toàn thư. Tuy nhiên Trần Thôi giữ tước vương trong khi Trần Lão giữ tước hầu nên tôi cho rằng Chiêu Đức vương không phải là Trần Lão.

An Nam chí lược chép: “Tăng Uyên Tử tự là Quảng Trưng, người Vũ Châu, thi đậu khoa Canh Tuất [1250] niên hiệu Thuần Hữu [1241-1252] đời Tống Lý Tông (…) cho làm Lâm An phủ doãn, coi việc tham chính phủ (…) Niên hiệu Chí Nguyên năm Bính Tí, đại binh vào Hàng Châu, ấu chúa nhà Tống ra hàng, nhị vương vượt biển đến Quảng Châu, Uyên Tử yết kiến, được cho làm Quảng Tây tuyên úy sứ, kiêm quản Lôi Châu (…) Uyên Tử chạy qua An Nam, rất được Trần Thái Vương trọng đãi. Mùa đông năm giáp thân, niên hiệu Chí Nguyên, đại binh vào An Nam, Uyên Tử đem chúng qui phục”.

An Nam chí lược chép: “Tắc có giao du với người bạn văn học tên Chu Khởi, người ở Mân Trung. Nguyên trước Chu Khởi cùng tôi nhà Tống là Tăng Uyên Tử di cư qua An Nam, sau theo Chương Hiến hầu quy thuận”.

Nguyên sử chép: “Nhật Huyên trốn chạy, truy đuổi đến cửa biển Giao Hải thì không tìm được nữa. Người trong tôn tộc là Văn Nghĩa hầu, cùng cha là Vũ Đạo hầu, con là Minh Trí hầu, con rể là Chương Hoài hầu và Chương Hiến hầu; quan cũ nhà Tống là Tăng tham chính, con trai Tô thiếu bảo là Tô Bảo Chương, con trai Trần thượng thư là Trần Văn Tôn cùng nối nhau dẫn quân ra hàng”.

Trần Tú Viên thần đạo bi viết: “Họ Trần được nước, truy hiệu Thắng làm Thái Tổ, Thẩm làm An Quốc Vương. Con của Thẩm là Túc Kính làm Vũ Đạo vương. Vũ Đạo vương lấy Trình thị, sinh 3 người con trai, ông là con trưởng, húy là Tú Viên, được phong làm Văn Nghĩa hầu (…) Trấn Nam vương đem đại quân tiến vào biên giới, Nhật Huyên giữ chỗ hiểm để chống cự, nhiều lần bị thua. Vương qua sông, bắt tù tại cung điện Nhật Huyên. Con em của ông bèn trình với Vũ Đạo rằng nhà Nguyên đang hưng thịnh, vạn quốc thần phục, nhà ta không sợ mệnh trời mà chống cự, thật là việc làm nghiêng đổ tông miếu, tàn hại sinh dân, ai là người sẽ chuyển họa thành phúc, ôm đồ tế khí mà bảo tồn miếu thờ tổ tiên, Vũ Đạo nghe theo, bèn xin hàng”.

– Theo như sách sử thì vào ngày 28/01 (05/03/1285) Hưng Đạo vương xin thượng tướng thái sư Trần Quang Khải đem quân vào Nghệ An. Ngày 01/02 (08/03/1285) Chương Hiến hầu Trần Kiện giữ Thanh Hóa ra hàng quân Nguyên. Ngày 02/02 (09/03/1285) Giảo Kỳ vượt sông Vệ Bố phá quân Trần, giết 2 tướng Đinh Xa và Nguyễn Tất Dũng.

– Sách An Nam chí lược chép rằng Trần Kiện là con của Tịnh Quốc vương, thay cha lĩnh chức Tịnh Hải quân tiết độ sứ, cưới con gái của thái sư Chiêu Minh vương là nàng Quỳnh Huy. Chương Hiến thượng hầu vì có hiềm khích với con trai của Thánh Tông là Tá Thiên vương nên giả học đạo Trang Lão, ẩn cư tại làng Nhân Mục. Sau khi Thánh Tông được tin Chiêu Văn vương thua tại Diễn Châu, nên hoảng hốt không tính được kế gì bèn khởi phục Trần Kiện sai đem quân cự Toa Đô, nhưng do sức yếu lại không có viện binh nên Chương Hiến hầu cùng vài vạn người dâng binh khí xin hàng. Như thế rõ rằng Trần Kiện không có ý định xin người Nguyên nam hạ.

– Theo như sách sử thì ngày 03/02 (10/03/1285) Trấn Nam vương đánh bại Thánh Tông tại sông Đại Hoàng. Vũ Đạo hầu, Văn Nghĩa hầu, Minh Trí hầu, Chương Hoài hầu ra hàng.

Bia ma nhai trên núi Cô Phong viết: “Đời vua thứ 2 nhà Trần, có một người tu hành từ phía nam tới, thiền sư mở tiệc trên núi Cô Phong, nhờ ân huệ của An Quốc đại vương, lại mở ra nham Bảo Phúc, cho mãi mãi thờ cúng” [Bản dịch trong sách Văn bia thời Lý Trần của Lâm Giang – Phạm Văn Thắm – Phạm Thị Thoa]

– Theo Toàn thư mục năm 1264 thì An Quốc vương là anh trai của Trung Vũ vương Trần Thủ Độ, theo mộ bia của Trần Tú Viên thì An Quốc vương có tên là Thẩm, có con trai là Vũ Đạo hầu Trần Túc Kính. Núi Cô Phong và sông Đại Hoàng đều thuộc Ninh Bình.

– Theo như Nguyên sử thì Chương Hoài hầu Trần Văn Lộng là con rể của Vũ Đạo hầu. Lại thêm, Toàn thư không chép việc Văn Nghĩa hầu ra hàng quân Nguyên nhưng có chép việc Văn Chiêu hầu ra hàng Thoát Hoan. Như thế rõ rằng Vũ Đạo hầu, Văn Nghĩa hầu, Chương Hoài hầu đồng thời ra hàng Trấn Nam vương sau trận Đại Hoàng.

An Nam chí lược chép: “Khi đại binh đã lên đường (…) Thế Tử lại sai Nguyễn Văn Hàn đi xin đình việc quân. Mùa đông năm ấy [1284] đại binh của Trấn Nam vương đến biên cảnh, bắt Hàn làm hướng đạo, phá được của ải Nội Bàng, Trấn Nam vương mừng và tha Văn Hàn cho về dụ chúa đầu hàng sớm. Thế Tử không nghe, Văn Hàn bèn dụ tôn tử Văn Nghĩa hầu Trần Tú Viên đem gia quyến qui thuận”.

– Theo như mộ bia của Trần Tú Viên thì rất có thể Văn Hàn dụ hàng Trần Tú Viên sau khi Thoát Hoan chiếm được Thăng Long và theo như An Nam chí lược thì rất có thể Văn Hàn dụ hàng Văn Nghĩa hầu trước khi Thánh Tông trấn giữ sông Đại Hoàng, nhưng có lẽ Trần Tú Viên chưa nghe. Sau trận thua tại sông Đại Hoàng, Văn Nghĩa hầu mới ra hàng.

– Qua chi tiết con em của Trần Tú Viên trình với Vũ Đạo hầu về việc ra hàng và được Trần Túc Kính nghe theo cho thấy gia tộc của Văn Nghĩa hầu không có ý định gửi thư xin người phương bắc nam hạ.

Nguyên sử chép: “Các quân của Đường Ngột Đãi và Toa Đô lại từ Chiêm Thành đến cùng hội với đại quân. Từ khi vào địa giới (An Nam) lớn nhỏ đã giao tranh bảy lần (…) Ban đầu thì đánh bại quân của Chiêu Minh vương nước ấy, đánh Chiêu Hiếu vương, các đại liêu thuộc hộ vệ đều chết (…) Lại ở An Diễn châu, Thanh Hóa, Tràng An bắt được con rể của Trần thượng thư nhà Tống trước đây, Lương phụng ngự của Giao Chỉ cùng bọn Triệu Mạnh Tín, Diệp lang tướng hơn bốn trăm người (…) Đường Ngột Đãi, Lưu Khuê đều nói Chiêm Thành không có lương ăn, quân khó có thể đóng lại lâu. Trấn Nam vương lệnh cho Toa Đô dẫn quân Nguyên ở Tràng An và các nơi chuyển lương đến”.

– Sau khi đầu hàng, ngày 06/02 (13/03/1285) Giảo Kỳ sai Chương Hiến hầu Trần Kiện đánh Chiêu Minh vương Trần Quang Khải tại bến Phú Tân, giết Chiêu Hiếu hầu. Thánh Tông Trần Hoảng trước thì thua ở sông Đại Hoàng, sau em trai là Chiêu Minh vương thua ở bến Phú Tân nên sai Trung Hiến hầu Trần Dương đến gặp Thoát Hoan xin hòa và lại sai người cận thần là Đào Kiên đưa quốc muội đến chỗ Trấn Nam vương xin hòa.

– Thứ nhất theo như An Nam chí lược thì ban đầu Chu Khởi cùng với Tăng Uyên Tử cùng vào Giao Chỉ, Tử được Thánh Tông trọng đãi, sau tham chính đem mọi người ra hàng, như thế trong đoàn người nhập nam, Tử có tiếng nói. An Nam chí lược chép thêm rằng Tăng tham chính cùng Mã Vượng, Vương Phục, Khả Văn Kiệt, Tô Cảnh Do nhập nam, theo Nguyên sử thì Tăng tham chính và con trai của Tô thiếu bảo là Tô Bảo Chương [Cảnh Do] cùng ra hàng. Chu Khởi ra hàng Toa Đô cùng Chương Hiến hầu.

– Thứ hai đối chiếu ghi chép của Nguyên sử với An Nam chí lược, Toàn thư thấy có sự sai khác, cụ thể là Chương Hiến hầu ra hàng Toa Đô tại Thanh Hóa vào ngày 01/02 trong khi Văn Nghĩa hầu ra hàng Thoát Hoan tại Ninh Bình vào ngày 03/02 nên Nguyên sử đoạn này chép lấy nội dung chứ không phải chép chi tiết.

– Thứ ba đoạn sử trong An Nam truyện chép rằng Toa Đô đánh bại Chiêu Minh vương và bắt được hơn 400 người cũng là chép gộp nhưng dù sao cũng cho chúng ta biết Toa Đô đã bắt được Triệu Mạnh Tín, Diệp lang tướng, Lương phụng ngự và đặc biệt là con rể của Trần thượng thư nhà Tống.

– Thứ tư theo Nguyên sử thì Trấn Nam vương quản hạt các vùng Trường Yên, Thanh Hóa, An Diễn qua chi tiết điều quân tại Trường Yên chuyển lương.

– Thứ năm nguyên văn của An Nam truyện là “kỳ tông tộc văn nghĩa hầu, phụ võ đạo hầu cập tử minh trí hầu, tế chương hoài hầu tịnh chương hiến hầu, vong tống quan tăng tham chính, tô thiếu bảo tử tô bảo chương, trần thượng thư tử trần đinh tôn, tương kế suất chúng lai hàng”. Chữ Tịnh [并] có nghĩa là Ngang Nhau. Nên tôi cho rằng câu văn mô tả 2 nhóm người là nhóm tôn tộc gồm Vũ Đạo hầu, Văn Nghĩa hầu, Minh Trí hầu, Chương Hoài hầu và nhóm còn lại gồm Chương Hiến hầu, Tăng Uyên Tử, Tô Bảo Chương, Trần Văn Tôn. Cách hiểu câu văn như trên hoàn toàn phù hợp với mộ bia của Trần Tú Viên là công côn đệ vu võ đạo.

– Từ 5 điều trên tôi cho rằng: nhóm lưu dân nhà Tống trong đó có Tăng Uyên Tử, Trần Văn Tôn ra hàng Toa Đô đồng thời hoặc sau không lâu sự kiện Chương Hiến hầu Trần Kiện dâng binh khí xin hàng tại Thanh Hóa.

Nguyên sử chép: “Nhị thập nhất niên, Trấn Nam vương Thoát Hoan chinh Giao Chỉ, chiếu Toa Đô soái sư lai hội, bại Giao Chỉ binh vu Thanh Hoá phủ, đoạt nghĩa an quan, hàng kỳ thần Chương Hiến, Chiêu Hiển. Thoát Hoan mệnh Toa Đô đồn Thiên Trường dĩ tựu thực, dữ đại doanh tương cự nhị bách dư lý” [Toa Đô truyện]

– Theo An Nam chí lược quốc đệ Trần Thôi lén sai Trần Văn Tôn xin người Nguyên nam hạ, khi người phương bắc xâm phạm bờ cõi Trần Văn Tôn đã dẫn đường, làm Thánh Tông Trần Hoảng tức giận mà bổ quan tài của Trần Trọng Vy. Theo Nguyên sử thì khi Toa Đô tiến vào Thanh Hóa thì Trần Kiện cùng các quan lại cũ của nhà Tống ra hàng trong đó có Trần Văn Tôn và người anh em rể.

– Theo An Nam chí lược khi Thế Tử quẫn bách đã khởi phục sai Chương Hiến hầu đem mấy vạn người chống cự Toa Đô ở Thanh Hóa, sau cũng vài vạn người này theo Chương Hiến hầu ra hàng.

– Theo Nguyên sử thì khi Toa Đô vào địa giới đã bắt được hơn 400 người lưu vong từ phương bắc trong đó có con rể của Trần thượng thư. Lại thêm, trên chúng ta có đưa ra bằng chứng cho thấy Trần Kiện không có ý định gọi người Nguyên đến. Nên tôi cho rằng vị Chiêu Đức hầu Trần Xán, người đã sai Trần Văn Tôn sang phương bắc xin người Nguyên nam hạ có ấp phong tại Thanh Hóa – Trường Yên, nơi mà có lưu dân phương bắc cư trú trong đó có gia đình Trần thượng thư và vị quốc đệ Trần Thôi có quan hệ với những người lưu dân từ phương bắc tới. Có thể tương tự như trường hợp của Chiêu Văn vương vì quý trọng người Tống nên lưu lại làm môn tường.

– Theo Nguyên sử thì khi Toa Đô vào địa giới đã giao tranh tới 7 lần, giành hơn hai ngàn dặm đất và 4 tòa vương cung. Toàn thư mục năm 1270 có chép sự kiện Tĩnh Quốc vương cho dựng phủ đệ tráng lệ khác thường tại Diễn Châu.

– Theo Nguyên sử thì ngoài Chương Hiến hầu ra thì Toa Đô còn hàng phục thêm một vị được chép là Chiêu Hiển [昭显] liền trước Chiêu Hiển là Chương Hiến như thế Chiêu Hiển là tên hiệu.

– Khó khăn nằm ở chỗ cả Toàn thư, An Nam chí lược, An Nam truyện trong Nguyên sử đều không thấy chép về ngài Chiêu Hiển. Thấp thì Chiêu Hiển có tước hầu, cao thì ngài giữ tước vương, lại thêm trong tên hiệu có chữ Chiêu, qua thống kê chúng ta thấy phần nhiều chữ Chiêu có trong tên hiệu của những người anh em ruột với Thánh Tông Trần Hoảng như thế vị Chiêu Hiển cũng không tầm thường. Nhưng Lê Tắc lại không đề cập đến khi Chương Hiến hầu ra hàng Toa Đô nên có thể Chiêu Hiển ra hàng sau và rất có thể cùng thời điểm với Tăng Uyên Tử, Trần Văn Tôn.

Nguyên sử chép: “Em Nhật Huyên là Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc đem tôn tộc cùng vợ con, lại thuộc đến hàng. Bèn sai bọn Minh Lý Tích Ban đưa Chương Hiến hầu, Văn Nghĩa hầu cùng em là Minh Thành hầu, con của Chiêu Quốc vương là Nghĩa Quốc hầu về triều. Văn Nghĩa hầu được lên phía bắc, còn Chương Hiến hầu, Nghĩa Quốc hầu đều bị Hưng Đạo vương chặn đánh, Chương Hiến hầu chết, Nghĩa Quốc hầu thoát thân quay về trong quân”.

Sách Thơ văn Lý Trần viết: “Khảo đính. Các dị bản VATT, TVTL1, TVTL2, TVTL3, HVTT. HVTT vãn thiếu sư Trần Trọng Trưng, TVTL1 vãn thiếu bảo Trần Trọng Trưng, TVTL1 vãn thiếu bảo Trần Trọng Vi. Chú thích. Trần Trọng Trưng tự là Tri Quảng là bề tôi kỳ cựu và trung thành của nhà Nam Tống (…) Vua Thánh Tông rất trọng đãi ông. Khi ông mất Thánh Tông làm bài thơ viếng”.

– Trong những người mà Nguyên sử chép đến khi sai Minh Lý Tích Ban đưa về triều không có Chiêu Quốc vương. Có lẽ Trấn Nam vương muốn dựng chính quyền thân triều đình nên giữ Ích Tắc lại ? Cũng không thấy sách sử chép về Chiêu Hiển nên rất có thể Chiêu Hiển chết trước khi cánh quân phía nam hội với Thoát Hoan.

– Sau khi hàng Toa Đô, ngày 06/02 Giảo Kỳ sai Chương Hiến hầu đánh Chiêu Minh vương tại bến Phú Tân. Đây là trận đánh lớn, Đại Việt có Chiêu Minh vương, con trai là Văn Túc vương Trần Đạo Tái, Tá Thiên vương Trần Đức Việp, Chiêu Hiếu vương và các Đại liêu tham dự, tại trận này Chiêu Hiếu vương và các đại liêu tử trận. Nên rất có thể cũng giống như Chương Hiến hầu, Chiêu Hiển sau khi đầu hàng được sai đi đánh Chiêu Minh vương nhưng khác Trần Kiện về kết cục.

– Tôi cho rằng Chiêu Hiển không cùng ra hàng Toa Đô với Chương Hiến, vì thế mà Chiêu Hiển và Trần Kiện nhận lệnh đi đánh Phú Tân từ 2 người khác nhau, Chương Hiến nhận lệnh từ Giảo Kỳ còn Chiêu Hiển nhận lệnh từ Toa Đô. Qua việc Toa Đô nhận lệnh thu gom lương thực tại Trường Yên thì có khả năng, Giảo Kỳ và Toa Đô đã tách nhau ra sau khi Trần Kiện hàng. Giảo Kỳ ở lại cùng Chương Hiến còn Toa Đô tiến về Trường Yên buộc Chiêu Hiển cùng Tăng Uyên Tử, Trần Văn Tôn ra hàng.

– Theo như An Nam chí lược thì Trần Văn Tôn được Quốc đệ Trần Thôi lén sai sang Nguyên cầu binh và Văn Tôn được phong làm Thiên hộ dẫn đường. Như thế trước là được phong chức tước, sau là khi quân Nguyên Mông tiến vào địa giới Văn Tôn ở cùng Trấn Nam vương. Nhưng khi Toa Đô từ nam tiến ra thì Trần Văn Tôn lại ra hàng. Việc này cho phép chúng ta suy đoán, sau khi Thoát Hoan lấy được Thăng Long, Trần Văn Tôn trở về báo với Chiêu Đức vương và có thể họ đã ra hàng Toa Đô.

– Thế nhưng nếu Trần Xán ra hàng thì với cương vị là Quốc Đệ thì ngài phải được giữ chức tước, nên rất có thể Chiêu Đức đã chết. Lại thêm, Nguyên sử có chép về Trần Văn Tôn ra hàng nhưng không thấy chép đến Trần Xán. Có thể do Nguyên sử chép gộp nên những cái tên được chép đến là những người bái kiến Trấn Nam vương, nói cách khác là những người còn sống tại thời điểm gặp Thoát Hoan, còn những người tuy có hàng nhưng đã chết trước khi bái kiến Trấn Nam vương thì không được chép.

– Khó khăn cuối cùng đến từ tước hiệu, rõ ràng Chiêu Đức và Chiêu Hiển là khác nhau. Người viết buộc phải dừng mà không thể đi xa hơn nữa, tuy nhiên cũng xin nêu 2 hướng mà người viết cho là khả dĩ: thứ nhất liên quan tới kỵ húy vì Toàn thư mục năm 1304 có nhắc đến chữ Đức, thứ hai liên quan tới thần tích thần phả chẳng hạn như tại đình Ngọc Động thôn Ngọc Động xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm có bài vị có 3 danh tướng người họ Đào là Độ Thống đại vương, Chiêu Hiển đại vương, Tam Lang đại vương hoặc đình Công Hà thôn Công Hà xã Hà Mãn huyện Thuận Thành thờ 3 vị tướng thời Hùng vương là Chiêu Trung đại vương, Chiêu Hiển đại vương, Diệu Quang đại vương hoặc theo danh mục tên thần do Viện nghiên cứu Hán Nôm thống kê thì vị trí số 94 có Đào Hiển (Chiêu Hiển đại vương) Nam Định tỉnh Vụ Bản phủ La Xá tổng các xã thần tích (AE.a15/30). Vị trí của Vụ Bản khá gần với Trường Yên, có thể bản thần tích về Chiêu Hiển đại vương sẽ cho thêm manh mối.

  1. Tạp

3.1 Sơn trưởng Trần Tôn

An Nam chí nguyên chép: “Châu Vũ Ninh có núi Lạn Kha, liền nối nhau hàng vài trăm dặm, trên núi có bàn cờ bằng đá, tương truyền rằng xưa có hai vị tiên ngồi đánh cờ ở đó (…) Họ Trần từ lập thư viện Lạn Kha ở đây, dùng danh nho Trần Tôn làm sơn trưởng, dạy dỗ các sinh đồ, vua Trần thỉnh thoảng cũng đến vãng cảnh, mở yến ăn tết trùng dương”.

– Theo như khảo đính của sách Thơ văn Lý Trần thì Trần Trọng Vy còn có tên khác là Trần Trọng Trưng, thông tin này không phải không có cơ sở bởi ngay trong An Nam chí lược, Lê Tắc chép tên khác của Trần thượng thư là Trọng Huy.

– Thú vị là các tài liệu mà Thơ văn Lý Trần dẫn lại cho biết Trần Trọng Vy giữ chức thiếu sư hoặc thiếu bảo, trong khi An Nam chí lược cũng như Nguyên sử cho biết Vy làm thượng thư. Lại thêm sự trọng đãi của Thánh Tông đối với người Tống thì rất có thể Vy được giữ chức thiếu sư hoặc thiếu bảo tại triều Trần.

– Trần thượng thư thi đậu khoa Mẫu Tuất nên hẳn là giỏi chữ nghĩa, không rõ con trai là Trần Văn Tôn thế nào ? Nhưng rõ ràng là có sự trùng họ tên giữ con trai của Trần thượng thư và sơn trưởng của viện Lạn Kha. Xin bàn rõ hơn trong bài sau. 

3.2 Chiêu Đạo vương Quang Xưởng

Toàn thư chép: “Tân Sửu [1241] Hoàng tử thứ ba Quang Khải sinh, là em cùng mẹ với thái tử Hoảng. Quốc Khang là anh trưởng, sau đều phong đại vương. Thứ đến Nhật Vĩnh, Ích Tắc, Chiêu Văn đều phong vương. Thứ nữa thì phong thượng vị hầu. Con trưởng của các vương thì phong vương, các con thứ thì phong thượng vị hầu, coi đó là chế độ lâu dài (…) Nhâm Thìn [1292] Chiêu Đạo Vương trước tên là Quang Xưởng, là con thứ của Thái Tông, anh cùng mẹ của Ích Tắc”.

– Dựa vào Toàn thư, An Nam chí lược, Bạch Hạc chuông thì Quốc Khang là con thứ 1, Uy Hoảng là con thứ 2, Quang Khải là con thứ 3, Ích Tắc là con thứ 5, Nhật Duật là con thứ 6. Vậy người con thứ 4 của Thái Tông Trần Cảnh là ai ?

– Theo Toàn thư mục năm 1292 thì Quang Xưởng là anh cùng mẹ với Ích Tắc, như thế Xưởng phải là con thứ 4 của Thái Tông. Nhưng theo Toàn thư mục năm 1241 thì Ích Tắc được xếp trước, Chiêu Văn được xếp sau và cả 2 đều sau Nhật Vĩnh như thế nên hiểu Nhật Vĩnh là anh của Chiêu Quốc và Nhật Duật.

– Thấy rằng Nhật Vĩnh có nghĩa là Ngày Lâu Dài, trong khi Xưởng có nghĩa là Ngày Dài. Xem thêm chữ Hán thì thấy Xưởng [昶] là do Vĩnh [永] ghép với Nhật [日] do đó tôi cho rằng Chiêu Đạo vương còn có tên khác là Nhật Vĩnh.

3.3 An Tư công chúa

Toàn thư chép: “Tháng 2 ngày giáp thìn mồng 1, con thứ của Tĩnh Quốc Đại Vương Quốc Khang là thượng vị Chương Hiến hầu [Trần] Kiện và liêu thuộc là bọn Lê Trắc đem cả quân đầu hàng quân Nguyên (…) Sai người đưa công chúa An Tư (em gái út [quý muội] của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư giãn loạn nước vậy (…) Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng (Vương là dòng dõi Lê Đại Hành, chồng sau của công chúa Thuỵ Bảo, ông cha làm quan đời Thái Tông, được ban quốc tính) đánh nhau với giặc ở bãi Đà Mạc, nay là bãi Mạn Trù) bị chết”.

Việt sử tiêu án chép: “Vua sai đưa Thiên Tư công chúa cho chúng, để thư nạn cho nước”

An Nam chí lược chép: “Ngày kỷ dậu mồng 6, Giảo Kỳ sai Chương Hiến hầu đánh phá quân của người em Thế tử là thái sư Trần Khải tại bến đò Phú Tân (…) Vua Trần sợ, sai người trong họ là Trung Hiến hầu Trần Dương xin hòa. Lại sai kẻ cận thị là Đào Kiên đưa bà chúa em vua [quốc muội] cho Trấn Nam vương xin hòa giải”.

An Nam chí lược chép: “Trần Tú Viên cháu gọi An Nam quốc vương bằng bác, con của Vũ Đạo hầu (…) Mùa xuân năm sau [1285] Tú Viên khuyên cha mẹ quy thuận (…) Năm sau [1288] Trở về Hán Dương, Trấn Nam vương lấy em gái [muội trần thị] làm thứ phi, sinh được 2 con”.

Trần Tú Viên thần đạo bi viết: “Trấn Nam vương đem đại quân tiến vào biên giới (…) Con em của ông [Tú Viến] bèn trình với Vũ Đạo rằng nhà Nguyên đang hưng thịnh, vạn quốc thần phục, nhà ta không sợ mệnh trời mà chống cự, thật là việc làm nghiêng đổ tông miếu, tàn hại sinh dân, ai là người sẽ chuyển họa thành phúc, ôm đồ tế khí mà bảo tồn miếu thờ tổ tiên, Vũ Đạo nghe theo, bèn xin hàng, dâng người con gái họ Lý [Lý nữ] cho vương, sau bà này sinh ra vương tông”.

– Theo như Toàn thư thì Thánh Tông sai đưa người em gái út là nàng An Tư tới cho Thoát Hoan, An Nam chí lược không chép rõ tên của nàng nhưng chép rõ là Quốc muội, như thế nàng An Tư đúng là em gái út ruột của Trần Hoảng. Thái Tông Trần Cảnh mất năm 1277, lại thêm việc dâng người để thư nạn nước thì hẳn nàng An Tư phải còn trẻ và chưa có chồng. Sử gia Ngô Thì Sĩ chép nàng công chúa mà Thánh Tông sai người đưa đến cho Trấn Nam vương là Thiên Tư.

– Theo mộ bia của Tú Viên thì sau khi Thánh Tông thua ở sông Đại Hoàng, Vũ Đạo hầu ra hàng và dâng người con gái họ Lí, người con gái này sau lấy Thoát Hoan sinh 2 người con. An Nam chí lược chép sau khi thua trận, Trấn Nam vương trở về Hán Dương lấy em gái họ Trần của Tú Viên cũng sinh các vương tông. Toàn thư cho biết thêm từ năm 1232 trở đi người dân không được phép sử dụng chữ Lý. Nên tôi cho rằng người con gái làm thứ phí của Trấn Nam vương vốn mang họ Lý nhưng là em (bên ngoại) của Tú Viên nên đổi sang mang họ Trần.

3.4 Trung Vũ vương Trần Thủ Độ

Toàn thư chép: “Nhâm Thìn [1232] Tháng 8, gió lớn dân gian phát dịch lệ, nhiều người chết. Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý. Khi ấy, Thủ Độ chuyên chính lâu ngày, đã giết Huệ Tông, tôn thất nhà Lý đều bùi ngùi thất vọng. Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết. Xét thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng, hơn nữa [Phan] Phu Tiên không ghi lại, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm chép vào đây”.

Sách Long Hưng. Đất phát nghiệp vương triều Trần của tác giả Đặng Hùng viết: “Có thể không có việc Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý, nhưng chắc chắn là có một số tôn thất (con cháu nhà Lý) đã chống lại Trần Thủ Độ và Vương triều Trần, nên bị Trần Thủ Độ tấn công và sát hại. Đó là trường hợp của Thiềm Hoa công chúa (…) Theo ông Nguyễn Văn Huyên trong bài Dấu tích Trần Thủ Độ trên đất Nam Hà. Căn cứ vào ba bản sắc phong thời Khải Định [1916-1925] ở đình Cả, thôn Thành Thị, xã Vụ Bản thì nơi đây trước là đất của vợ chồng công chúa Thiềm Hoa, được vua Lý cấp thái ấp cho. Thiềm Hoa công chúa đã cùng chồng là An Quốc đại vương chống lại Trần Thủ Độ”.

– Trước hết là lời bàn trong Toàn thư. Qua lời bàn, chúng ta biết rằng Phan Phu Tiên không chép lại sự việc Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý. Nhưng rất có thể Phu Tiên bỏ sót hoặc không biết, tôi nghiêng về bỏ sót hơn, chứ việc lớn như vậy, thật khó để không biết lắm. Thế nhưng bỏ sót, thì xem ra cũng chưa ổn, vì bản thân Ngô sử gia biết thông tin Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý nhưng Sĩ Liên cũng chỉ dám chép “chưa chắc đã có thực, tạm chép vào đây”. Tức là bản thân Ngô sử gia cũng đặt nghi ngờ về nguồn cung cấp thông tin, Sĩ Liên biết được thông tin, nhưng lại nghi ngờ thông tin, không biết đúng sai ra sao, nên cứ tạm ghi lại để kiểm chứng sau.

– Sự nghi ngờ của Ngô sử gia không phải không có căn cứ, khi ông biết rõ rằng “thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng”. Và chính Toàn thư mục năm 1268 chép: “ngoại thích là Lý Cát phạm tội ngồi vào ngai vua ở điện Thiên An. Khi xét hỏi trị tội thấy hắn có chứng điên, bèn đánh trượng rồi tha”. Trần Thủ Độ mất năm 1264, mà năm 1268 vẫn còn người họ Lý, thậm chí người này còn là ngoại thích [họ hàng bên vợ] của nhà Trần. Xem hành động “ngồi vào ngai vua” thì có vẻ như Cát là tôn thất của nhà Lý, vì tiếc nuối ngôi báu mà đã có hành động khá “lộ liễu” nhưng có lẽ vì là ngoại thích nên triều Trần niệm tình nên tha bằng cách bày cho trò “chứng điên” do đó chỉ bị đánh đòn.

– Mục Tự sự trong An Nam chí lược của Lê Tắc chép rằng “lúc đầu bản-quốc (An-nam) loạn lạc, cha mẹ, gia quyến ly tán, Tắc vào Trung-Châu, mười năm sau cưới tôn-nữ họ Lý, con quốc-vương trước, làm vợ. Lý tôn-nữ theo cha nuôi là Chương-Hoài-Hầu Trần-Tuyên-Uỷ hàng phụ Trung-Quốc”. Trần Tuyên Ủy ở đây là tên khác của Trần Văn Lộng, mà cái thú vị nhất là theo mục Các vương hầu nội phụ trong An Nam chí lược thì “Trần Văn Lộng. Con của Nhân-Thành-Hầu, Trần-Duyệt, cháu nội của quốc-thúc thái-sư Trần-Thủ-Độ”. Đúng là rất thú vị phải không ? Cháu nội của Trần Thủ Độ có một người con nuôi họ Lý và người con nuôi này là tôn nữ của Quốc vương trước. Vị quốc vương đó là ai thì tạm chưa bàn, nhưng chắc chắn vị này phải mang họ Lý thì tôn nữ mới mang họ Lý. Trần Văn Lộng nhận người con gái này làm con nuôi thì xem ra mối quan hệ giữa dòng dõi Trần Thủ Độ có mối quan hệ khá tốt với tôn thất họ Lý.

– Cuối cùng là qua Trần Tú Viên thần bi đạo, chúng ta biết rằng, cháu của Trung Vũ vương là Vũ Đạo hầu cũng có mối quan hệ rất tốt với người họ Lý, bằng chứng là ngài Vũ Đạo hầu đã dâng người con gái họ Lý cho Trần Nam vương. Rõ ràng là người họ Lý mà rất có thể là tôn thất vẫn còn sau khi Trung Vũ vương chết năm 1264.

0