Trăn Anaconda
Trăn anaconda là một chi rắn khổng lồ sống ở lưu vực sông Amazon, Nam Mỹ. Rắn khổng lồ (tên quốc tế: anaconda, tên địa phương: sucuri) gồm bốn loài rắn thích sống dưới nước, hoặc ẩn náu trong các đầm lầy, các con sông và các cánh rừng rậm của khu vực Nam Mỹ. ...
Trăn anaconda là một chi rắn khổng lồ sống ở lưu vực sông Amazon, Nam Mỹ. Rắn khổng lồ (tên quốc tế: anaconda, tên địa phương: sucuri) gồm bốn loài rắn thích sống dưới nước, hoặc ẩn náu trong các đầm lầy, các con sông và các cánh rừng rậm của khu vực Nam Mỹ. Chúng gồm các loài màu xanh, màu vàng, đốm trắng đen và rắn khổng lồ Bolivia.
Các nghiên cứu cho rằng từ "anaconda" bắt nguồn từ phương ngữ bản địa. Nhiều lý thuyết cho thấy nó bắt nguồn từ chữ "henakanday" trong thổ ngữ Sinhal của Sri Lanka có nghĩa “rắn thần sấm”. Giả thuyết khác cho rằng nó bắt nguồn từ chữ “anaikondran” trong ngôn ngữ Tamil có nghĩa “con voi giết người”. Những người Tây Ban Nha đi khai phá Nam Mỹ còn gọi rắn khổng lồ là “matatoro” - con bò giết người. Những cái tên đó đã cho thấy phần nào về kích thước cũng như tính cách của loài trăn khổng lồ.
Có thể nói hiện nay không một loài rắn nào có thể giành lấy “ngai vua” từ loài anaconda. Trong số bốn loại rắn khổng lồ nói trên, loại màu xanh có kích thước lớn nhất, con trưởng thành có thể dài tới 9 m và nặng 550 kg. Kích thước ngoại cỡ của chúng chỉ có thể thua kém một chút so với người “anh em” trong các loài bò sát, đó là giống trăn hoa châu Á. Loại trăn này có chiều dài lớn nhất trong các sinh vật họ rắn, con trưởng thành có thể lên tới gần 10 m.
trăn Anaconda
Đã từng có một số báo cáo lịch sử do các nhà thám hiểm Nam Mỹ người châu Âu mô tả rằng họ nhìn thấy những con rắn khổng lồ dài tới 50 m. Thổ dân địa phương thì khẳng định họ từng thấy nhiều con rắn khổng lồ dài tới 15 m. Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa có ai bắt được con rắn nào có kích thước tương tự. Giới nghiên cứu cho biết khi rắn khổng lồ lột xác, lớp da của nó thường giãn ra, tạo nên một kích thước “ảo”, lớn hơn nhiều so với thực tế. Tin tức về những con rắn khổng lồ ngoại cỡ thường không thể xác nhận bởi sự không chính xác trong trí nhớ của nhân chứng hoặc đơn giản là người ta đã đo đếm lớp da mà rắn khổng lồ để lại. Bên cạnh đó, con người thường nhầm lẫn trong việc ước tính chiều dài, đặc biệt đối với những con rắn cỡ lớn. Con rắn càng lớn, tỉ lệ sai số càng cao. Ngoài ra, rắn khổng lồ thích sống trong các con sông nên rất khó để ước tính kích thước thực của nó nếu không nhìn thấy toàn bộ phần thân. Tất nhiên không người bình thường nào muốn nhảy xuống sông để đo đếm kích thước thực của rắn khổng lồ, bởi con vật này có thể dễ dàng giết chết một người trưởng thành khỏe mạnh.
Sinh sống
Phần lớn thời gian, trăn khổng lồ bơi dọc theo các con sông để tìm thức ăn. Chúng thường sống đơn độc và khá nhút nhát nên không mấy khi được nhìn thấy trong thiên nhiên. Trăn khổng lồ ngụy trang rất tốt trong các đầm lầy nên chúng dùng những vùng này làm nơi trú ngụ. Chúng giấu mình dưới nước và săn mồi bằng cách quấn chặt thân quanh con mồi, xiết chặt khiến nạn nhân chết vì ngạt thở, vỡ nội tạng hoặc chảy máu bên trong. Sau khi con mồi chết, trăn khổng lồ sẽ nuốt toàn bộ nạn nhân vào trong bụng.
Dù sống dưới nước song trăn khổng lồ không ăn thủy sản như cá. Con mồi ưa thích của chúng là cá sấu Nam Mỹ, các loại rắn khác, dê và thậm chí cả báo Nam Mỹ. Trăn khổng lồ di chuyển khá chậm nên chúng thường dựa vào khả năng “tàng hình” và các đòn tấn công bất ngờ để sinh tồn. Giống như mọi loài rắn khác trên thế giới, trăn khổng lồ có răng, tuy nhiên những chiếc răng này không dùng để nhai hoặc giết chết con mồi. Răng của trăn khổng lồ chỉ dùng để giữ con mồi, không cho chúng chạy thoát. Một số loài rắn có nọc độc, tuy nhiên trăn khổng lồ không có độc. Loài trăn này chỉ dựa vào sức mạnh để giết con mồi.
Ăn thịt cả người
Đã có những tin tức cho rằng rắn khổng lồ thích ăn thịt người. Ngày 30/10/1990, tuần báo World News đã đăng một loạt bức hình về một con rắn khổng lồ dài gần 7m, nặng hơn 150kg được các nhà nghiên cứu Nhật Bản bắt được tại Amazon. Con rắn có cái bụng căng tròn vì vừa xơi tái con mồi. Ngày 8/1/1991, tờ báo trên đã cho đăng lại các bức ảnh cũ kèm theo chú thích cho biết con rắn là thủ phạm ăn thịt tới 6 em nhỏ.
Các tấm ảnh do một nhiếp ảnh gia tên A.J. “Mac” McBride, người Anh, gửi tới. Anh này cho hay các bức ảnh nằm trong số bưu thiếp mà người bạn gửi cho cha anh. Tuy nhiên sau một thời gian im lặng McBribe phải xì ra tấm hình “tẩy”: con rắn không ăn thịt người mà vừa mới nuốt chửng một chú dê.
Thêm một điều nữa rằng các tấm ảnh không phải vừa được chụp mà đã có từ thời thế chiến thứ hai. “Các nhà nghiên cứu Nhật Bản” thực tế là các quân nhân và dấu hiệu quân đội trên trang phục của họ đã được McBribe cố ý tẩy bỏ. Con rắn khổng lồ trong bức ảnh cũng không phải “đồ thật” mà chỉ là một chú trăn châu Á được chỉnh sửa.