“Tôn giáo thờ phụng máy bay” kỳ lạ trên hòn đảo hẻo lánh
Nếu những người thổ dân ở một bộ lạc chưa từng tiếp xúc với thế giới văn minh lần đầu nhìn thấy chiếc máy bay. Họ sẽ làm gì? Theo Independent, một tôn giáo thờ phụng những chiếc máy bay đã được một nhóm người khởi xướng sau lần đầu tiên nhìn thấy máy bay bay qua Vanuatu, một quần đảo ở phía ...
Nếu những người thổ dân ở một bộ lạc chưa từng tiếp xúc với thế giới văn minh lần đầu nhìn thấy chiếc máy bay. Họ sẽ làm gì?
Theo Independent, một tôn giáo thờ phụng những chiếc máy bay đã được một nhóm người khởi xướng sau lần đầu tiên nhìn thấy máy bay bay qua Vanuatu, một quần đảo ở phía Tây Nam Thái Bình Dương.
Sau khi những chiếc máy bay vận chuyển lương thực thực phẩm và hàng tiếp tế cho người dân trên đảo, nhóm người này bắt đầu tin rằng các kiện hàng sẽ được một vị cứu tinh nào đó mang lại.
Do đó, mỗi khi họ nhìn thấy một chiếc máy bay trên bầu trời, họ sẽ dựng nên một “bản sao” của chiếc máy bay với hy vọng có được nhiều “phần thưởng” hơn.
Những người dân trên đảo không biết các vật thể này đến từ đâu; điều này đã khiến họ tin rằng các vật thể này có được là nhờ phép màu. Tôn giáo này lần đầu tiên được phát hiện bởi các đội tuần tra của chính phủ Australia vào năm 1946, và hiện nay những nhóm tôn giáo kiểu này chỉ còn tồn tại với số lượng ít nhưng đa dạng.
Tôn giáo thờ phụng máy bay. (Nguồn: Indy100).
Điều đáng chú ý là một trong những giáo phái tôn thờ các kiện hàng theo kiểu này được gọi là phong trào John Frum, vì họ tin rằng Frum, một quân nhân thời Chiến tranh thế giới thứ nhất mà có lẽ chỉ tồn tại trong tưởng tượng, là vị cứu tinh được vị thần tối cao cử tới.
Tiến sỹ Richard Feynman, một nhà vật lý thiên văn đã mô tả nghi lễ thờ cúng này trong một nghiên cứu năm 1974, trong đó ông viết: “Trong chiến tranh, [tôn giáo này] chứng kiến cảnh những chiếc máy bay hạ cánh mang theo rất nhiều nguyên vật liệu tốt, và họ muốn điều tương tự xảy ra".
"Vậy là họ đã sắp đặt để bắt chước những thứ như đường băng, đốt những đống lửa ở hai bên đường băng, làm một căn lều bằng gỗ để một người đàn ông ngồi trong đó, với 2 miếng gỗ trên đầu giống như chiếc tai nghe và các thanh tre thò ra giống như những chiếc ăng-ten - đó là người điều khiển không lưu - và họ sẽ đợi máy bay hạ cánh".
"Họ đã làm đúng mọi thứ. Hình dáng thật hoàn hảo. Trông nó y hệt như trước đây. Nhưng nó không hoạt động. Không có máy bay hạ cánh. Vậy nên tôi gọi những thứ này là khoa học thờ cúng các kiện hàng, vì họ làm theo hình dáng của mọi thứ họ tri giác được và mọi hình thức điều tra khoa học, nhưng họ đang thiếu đi thứ gì đó cốt yếu, vì những chiếc máy bay không hạ cánh".
Ian Haworth, một chuyên gia về tâm lý thờ cúng, cho biết: “Có 5 đặc trưng tạo thành sự sùng bái. Sự sùng bái là việc một nhóm sử dụng các kỹ thuật cố kết mang tính cưỡng ép sử dụng tâm lý và các hình thức khác".
“Theo tôi, điều đó có vẻ không phải là một sự sùng bái, đó không phải là sự sùng bái theo định nghĩa của chúng tôi. Họ đã tiếp nhận một hệ thống tôn thờ".
Haworth cho rằng nhóm này “giống một giáo phái hơn là một sự sùng bái".
Ông nói thêm: “Người ta có thể tìm thấy các giáo phái trong mọi tôn giáo. Các hệ thống sùng bái có cấu trúc kim tự tháp với một nhân vật có thẩm quyền ở vị trí cao nhất”.