TÔI ĐÃ HỌC EXCEL NHƯ THẾ NÀO – PHẦN 3
Bài viết này nhằm mục đích chia sẻ những kinh nghiệm và cảm nhận của bản thân tác giả. Những suy nghĩ, bài học mà tác giả nhận được khi học tập và làm việc với excel. Bài viết mang tính chất chia sẻ và động viên những ai đã, đang và sẽ chọn excel làm con đường học tập cho mình. 6. Nhẫn nại Tính ...
Bài viết này nhằm mục đích chia sẻ những kinh nghiệm và cảm nhận của bản thân tác giả. Những suy nghĩ, bài học mà tác giả nhận được khi học tập và làm việc với excel. Bài viết mang tính chất chia sẻ và động viên những ai đã, đang và sẽ chọn excel làm con đường học tập cho mình.
6. Nhẫn nại
Tính tổng với nhiều điều kiện cùng lúc, có nhiều cách tính. Nhưng ở thời điểm đó, tôi bó tay. Đành chờ đợi sự chỉ dạy của thầy.
Cũng không làm khó tôi thêm nữa, thầy chỉ cho tôi cách dùng hàm DSUM, kết hợp với SUMIF.
SUMIF thì tôi biết rồi, sử dụng khá thành thục. Còn DSUM? Đã từng nghe qua, đã từng học rồi, nhưng học khi nào và ở đâu thì tôi không rõ, bởi tôi không rõ tính ưu việt của nó nên tôi không lưu trữ nó vào trong đầu. Cũng bởi thế mà lúc cần tôi lại không lấy nó ra được.
Cấu trúc của hàm cũng không khó lắm. Cách lập điều kiện để sử dụng hàm cũng không làm khó được tôi. Nghe thầy giảng một lượt là tôi đã nắm được nội dung và cách sử dụng hàm. Quả thật đây là một hàm rất hay để giải quyết yêu cầu. Thế nhưng đó là phần nổi của tảng băng chìm. Điều thực sự khiến tôi đau đầu, đau tay ở phần chìm đó.
Tôi phải lập 3 công thức DSUM cho 1 mặt hàng.
Khi quản lý kho, đôi khi kho của bạn lên tới hàng nghìn mặt hàng.
Để tính toán hết cho cả kho, bạn cần 3 * hàng nghìn mặt hàng = số công thức DSUM cần lập.
Mỗi công thức DSUM lại cần 1 vùng (range) dữ liệu riêng, bao gồm tiêu đề và nội dung điều kiện. (cái này bạn sẽ rõ hơn khi tìm hiểu hàm DSUM)
Như vậy là bạn cần tới 1 kho điều kiện, 1 đống công thức, và viết hết cả đống thứ ấy vào 1 file excel, có khi mất 2 ngày mới xong. Một ngày 8 tiếng, cứ cặm cụi viết đi viết lại 1 thứ, chỉ thay đổi một chút trong vùng điều kiện, một chút trong công thức. Cái nào cũng na ná nhau, khác nhau có tí xíu.
Một công việc vừa dễ nhầm lẫn, thiếu sót, vừa khiến bạn chán ngấy, buồn ngủ, mỏi tay, mỏi mắt và tốn thời gian. Chẳng dễ dàng chút nào. Nhưng đó là cách duy nhất cho tôi lúc bấy giờ. Tôi buộc phải học và sử dụng nó một cách thành thạo.
Không biết nên dùng từ nào để diễn tả cái cảm xúc khi đó tốt hơn từ “NHẪN NẠI”.
Mãi sau này, tôi mới nhận ra:
- Thầy dư sức dạy tôi những thứ hay ho hơn hàm DSUM, giúp giải quyết yêu cầu 1 cách dễ dàng hơn nhiều, đỡ tốn thời gian hơn nhiều.
- Cái thầy dạy tôi khi đó, không phải giải quyết yêu cầu bài toán, mà dạy tôi biết “Nhẫn nại”
- Và khi không thể nhẫn nại thêm được nữa, tôi sẽ tự mình tìm ra cách khác tốt hơn. Và cái tốt hơn đó xuất phát từ sự mong muốn của bản thân tôi chứ không phải từ thầy.
- Trong hoàn cảnh khó khăn, bạn phải tận dụng tối đa những gì bạn đang có. Điều quan trọng là kết quả bạn đạt được, chứ không phải là phương pháp bạn làm ra kết quả.
- Kết quả hầu như không thay đổi, nhưng cách bạn thay đổi phương pháp để đi đến kết quả nhanh hơn, tốt hơn sẽ chứng minh cho việc bạn đã tiến bộ hơn.
7. Ánh sáng
Sau khi dạy cho tôi bài học về sự “Nhẫn nại”, chương trình học của tôi kết thúc.
Quả thực cái kết thúc đó khác xa những gì tôi đã hình dung khi bắt đầu học. Không phải những kiến thức cao siêu của excel, không phải những thứ ma thuật, không phải những bí kíp 20 năm kinh nghiệm, mà là bài học về “Hiểu rõ bản thân, hiểu rõ môi trường công việc” mới là cái tôi nhận được.
Nó không mất quá lâu để học, nhưng lại là thứ đi theo tôi đến tận bây giờ. Nhờ có điều đó, mà tôi mới tìm thấy lối đi riêng cho mình, tìm thấy ánh sáng cho đầu óc u tối của tôi khi đó.
Và tôi nhận ra, sau khoá học đó với thầy, tôi trở nên khác biệt so với người khác.
- Tôi cầu thị học hỏi, chủ động đi tìm kiến thức. Tôi không bằng lòng với cái mình đang có
- Tôi nghĩ nhiều hơn về mục đích của những thứ mình đang làm, sẽ làm.
- Tôi đủ sức nhẫn nại để đi từng bước, từng bước trên con đường mình lựa chọn.
Ba điều đó, tôi nhận ra không phải ai cũng có, cũng hiểu, cũng làm được.
Những điều đó, thật khó để một trường lớp chính quy nào dạy cho bạn. Và sẽ thật may mắn khi bạn gặp được người có thể đánh thức được những tiềm năng đang ngủ sâu của bạn.
Tôi tin ai cũng có những khác biệt. Và cách mỗi người tìm đến với ánh sáng tri thức cũng khác nhau. Nhưng kết quả hầu như giống nhau: muốn bản thân tốt hơn.
Bạn khác biệt, nên phương pháp bạn đi đến kết quả cũng khác tôi. Nhưng xã hội sẽ chỉ nhìn nhận bạn dựa trên kết quả bạn đạt được; còn phương pháp của bạn, sẽ chẳng ai để tâm cho đến khi bạn chứng minh được kết quả là đúng.
(Hết chương 1)
_______________________