Tính tất yếu khách quan phải phát triển và sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả ở nước ta hiện nay
a. Yêu cầu ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ điều kiện một nền kinh tế thấp kém, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Dù miền Bắc đã có hơn 50 năm và ...
a. Yêu cầu ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ điều kiện một nền kinh tế thấp kém, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.
Dù miền Bắc đã có hơn 50 năm và cả nước đã có trên 30 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng một phần lớn thời gian vẫn là tình trạng “một chủ nghĩa xã hội thời chiến”. Bên cạnh thành tựu to lớn phục vụ cho công cuộc kháng chiến và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật thì chúng ta cũng mắc phải những khuyết điểm nghiêm trọng trong tổ chức quản lý, những năm 80 lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội. Sau 20 năm đổi mới nền kinh tế đã có những thay đổi quan trọng, đã tương đối ổn định và phát triển tạo nên thế và lực mới của cách mạng nước ta, nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trình độ lực lượng sản xuất kém phát triển đang còn là cản trở chủ yếu của việc xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa mà quan hệ sản xuất này vốn mang bản chất xây dựng hoá nền sản xuất xã hội. Người lao động yếu tố động nhất, quyết định nhất của lực lượng sản xuất vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Dân số nước ta thuộc loại dân số trẻ, tốc độ gia tăng dân số cao, số người trong độ tuổi lao động lớn tạo nên sức ép trên thị trường lao động thể hiện tỉ lệ thất nghiệp năm 2004 là 5,6% lao động trong khu vực nông thôn vẫn chiếm tỷ lệ lớn, năm 2004 lực lượng lao động nông thôn có 32,7 triệu người chiếm tỷ lệ 15,6% lực lượng lao động cả nước, trong đó khi lực lượng lao động thành thị là 10,55 triệu người chiếm 24,4% [Nguyễn Tiệp – Phát triển thị trường lao động nước ta các năm 2005 – 2010 – Nghiên cứu kinh tế 326 – tr 52].
Tỷ lệ lao động qua đào tạo của ta còn thấp chủ yếu vẫn là lao động giản đơn. Thiếu công nhân kỹ thuật lành nghề và lành nghề cao; chưa có tác phong công nghiệp, cơ cấu cấp trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động qua đào tạo còn bất hợp lý (năm 2003 Cao đẳng, đại học và trên đại học trung học chuyên nghiệp – công nhân kỹ thuật là 1- 0,9 -2,7).
Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều yếu kém, chương trình học không phù hợp với thực tế của thị trường lao động. Sinh viên học thụ động, thiếu tính sáng tạo. Các trường đào tạo nghề sử dụng các máy móc đã lỗi thời, lạc hậu mà thực tế đã không còn sử dụng….
Chất lượng thì đã vậy, lại kết hợp thêm việc phân bổ, sử dụng nguồn nhân lực bất cập, thiếu đồng bộ càng tăng thêm mâu thuẫn về cung cầu nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa thừa lao động giản đơn nhưng lại thiếu nghiêm trọng lao động có trình độ, gây rất nhiều khó khăn cho việc phát triển về nhiều mặt ở vùng này. Những nơi cần thì không có, còn những nơi đã có nhiều rồi như ở các thành phố lớn thì lại càng nhiều thêm gây ra một sự lãng phí rất lớn cho xã hội.
Trước thực trạng đó việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả cao là một vấn đề bức thiết. Nguồn nhân lực chính là yếu tố quyết định thành công của công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, nhất là trong thời đại của khoa học công nghệ hiện nay. Người lao động nước ta có động lực học tập tốt, thông minh, tự tin cao, khéo léo, có thể thành giỏi nếu được giáo dục, tự tin và cần có một môi trường thuận lợi để phát huy.
b. Phát triển và sử dụng nguồn nhân lực cũng là yêu cầu và xu thế chung của thế giới.
Ngày nay khi loài người đã bước vào cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 3 thì nhân tố con người trong quá trình phát triển kinh tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Các nước công nghiệp phát triển đã chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế tri thức. Hàm lượng chất xám trong các sản phẩm làm ra ngày càng tăng lên. Khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, nhanh chóng được ứng dụng vào quá trình sản xuất tạo ra khối lượng sản phẩm đồ sộ. Các sản phẩm này ngày càng tiến tới phục vụ tối đa cho nhu cầu của con người. Nhiều ngành sản xuất mới, máy móc thiết bị, công nghệ mới, các nguồn năng lượng mới… ra đời tạo bước phát triển nhảy vọt cho lực lượng sản xuất. Suy đến cùng những thành tựu ấy đều ra con người sáng tạo ra, con người đóng vai trò chủ thể.
Chính vì thế xu thế phát huy yếu tố, nguồn nhân lực là xu thế chung toàn cầu. Nguồn nhân lực có chất lượng cao về trí tuệ và tay nghề ngày càng trở thành một lợi thế cạnh tranh cho mỗi quốc gia. Nếu nguồn nhân lực chỉ hàm chứa lao động giản đơn thì sẽ là một sức ép đối với quá trình tăng trưởng và phát triển ở các nước chậm phát triển.
Nguồn nhân lực có dồi dào hay không là do chính sách đào tạo.
Nước Mỹ rất có ý thức chuẩn bị nguồn nhân lực trong mối quan hệ phát triển. Cựu tổng thống Mỹ George Bush nhấn mạnh làm cho học sinh Mỹ chiếm hàng đầu thế giới về kết quả các môn toán và khoa học tự nhiên, làm cho nước Mỹ có văn hóa và kỹ năng cần thiết để có khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, những chuẩn mực về kĩ năng và năng suất lao động, về hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh ngày càng phụ thuộc vào việc vận dụng những tiến bộ công nghệ và tri thức khoa học. Chỉ có con người làm chủ được tiến bộ công nghệ và tri thức khoa học mới.
Đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi mới trở thành quốc sách hàng đầu với các quốc gia. Các nước phát triển lợi dụng ưu thế về vốn, kỹ thuật, đẩy nhanh đào tạo nhân tài, tranh giành người tài với các nước khác. Các nước đang phát triển tăng cường đầu tư kinh phí cho khoa học công nghệ giáo dục đào tạo nhân tài, đồng thời ngăn ngừa chảy máu chất xám bằng những chính sách ưu đãi thích hợp. Chính phủ Ấn Độ đầu tư 1,1% tổng sản phẩm kinh tế quốc dân, 87% tổng đầu tư khoa học công nghệ cho đào tạo [Định hướng phát triển đội ngũ tri thức Việt Nam – tr.57].
Sau chiến tranh thế giới thứ II, Nhật Bản là nước bại trận bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhưng quốc gia này vẫn khẳng định sự lựa chọn truyền thống trong giáo dục. Hệ thống giáo dục Nhật Bản được ưu tiên trên nhiều khía cạnh, được sự quan tâm tạo điều kiện của gia đình và xã hội. Hàn Quốc bị ảnh hưởng nhiều của nền văn hóa Nho học Trung Hoa nên rất chú trọng phát triển giáo dục. Nhờ đó đầu tư trong giáo dục của Hàn Quốc không ngừng tăng lên trong 50 năm qua. Đối với Trung Quốc, họ có chính sách mạnh dạn tìm người tài. Trước mắt Trung Quốc đang thực hiện việc phát hành “thẻ xanh”, một loại thẻ dành cho những kỹ thuật viên, các nhà đầu tư, các nhà doanh nghiệp với đặc quyền vào Trung Quốc không cần visa.
Trước xu thế chung của thế giới, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc. Trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa phát triển kinh tế đất nước chúng ta cần hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Nước ta tham gia vào rất nhiều các tổ chức kinh tế như ASEAN, APEC và đặc biệt khi gia nhập vào tổ chức thương mại thế giới WTO thì tính cạnh tranh của nền kinh tế phải được nâng cao. Do đó việc nắm được khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại để chủ động trong quá trình sản xuất, kinh tế đối ngoại… rất quan trọng, chúng ta phải xác định rõ ràng những chính sách thích hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.