Tình hình Việt Nam trong những năm 1939-1945
Tình hình Việt Nam trong những năm 1939-1945 Tình hình chính trị. ...
Tình hình Việt Nam trong những năm 1939-1945
Tình hình chính trị.
1.Tình hình chính trị
Đầu tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ở chấu Âu, quân đội phát xít Đức kéo vào nước Pháp. Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức, thực hiện chính sách thù địch đối với các lực lượng tiến bộ trong nước và phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa.
Ở Đông Dương Đô đốc G. Đờcu được cử làm Toàn quyền thay G. Catơru. Chính quyền mới thực hiện một loạt chính sách nhằm vơ vét sức người, sức của ở Đông Dương để dốc vào cuộc chiến tranh.
Cuối tháng 9-1940, quân Nhật vượt biên giới Việt-Trung tiến vào miền Bắc Việt Nam. Quân Pháp nhanh chóng đầu hàng. Phát xít Nhật giữ nguyên bộ máy thống trị của thực dân Pháp, dung nó để vơ vét kinh tế phục vụ cho nhu cầu chiến tranh và đàn áp phong trào cách mạng. Dưới ách thống trị của Nhật-Pháp, ở Việt Nam lúc này không chỉ có những đảng phái chính trị thân Pháp mà còn cả những đảng phái thân Nhật như Đại Việt, Phục Quốc v.v..Quân Nhật và tay sai ra sức tuyên truyền lừa bịp về văn minh và sức mạnh của Nhật Bản, về thuyết Đại Đông Á, dọn đường cho việc hất cẳng Pháp sau này.
Bước sang năm 1945, trên chiến trường châu Âu, phát xít Đức bị thiệt hại nặng nề. Ở mặt trận châu Á-Thái Bình Dương, quân Nhật Bản thua to tại nhiều nơi. Ở Đông Dương, ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Lợi dụng cơ hội đó, các đảng phái chính trị ở Việt Nam tăng cường hoạt động. Quần chúng nhân dân sục sôi khí thế cách mạng , sẵn sàng vùng lên khởi nghĩa.
2. Tình hình kinh tế-xã hội
Đầu tháng 9-1939, Toàn quyền Catơru ra lệnh tổng động viên nhằm cung cấp cho “mẫu quốc” tiềm lực tối đa của Đông Dương về quân sự, nhân lực, các sản phẩm và nguyên liệu.
Thực dân Pháp thi hành chính sách Kinh tế chỉ huy, tăng mức thuế cũ, đặt thêm thuế mới, đồng thời sa thải bớt công nhân, viên chức, giảm tiền lương, tăng giờ làm v.v…Chúng kiểm soát gắt gao việc sản xuất và phân phối, ấn định giá cả.
Khi quân Nhật vào Đông Dương, Pháp buộc phải để cho Nhật sử dụng các sân bay, phương tiện giao thông, kiểm soát hệ thống đường sắt và các tàu biển. Hàng năm, Nhật bắt chính quyền thực dân Pháp nộp cho chúng một khoản tiền lớn. Trong 4 năm 6 tháng, Pháp phải nộp một khoản gần 724 triệu đồng.
Quân Nhật còn cướp ruộng đất của nông dân, bắt nông dân nhổ lúa, ngô để trồng đay, thầu dầu phục vụ cho nhu cầu chiến tranh.
Nhật yêu cầu chính quyền thực dân Pháp xuất các nguyên liệu chiến lược sang Nhật Bản như than, sắt, cao su, xi măng v.v..
Một số công ti của Nhật đã đầu tư vào những ngành phục vụ cho nhu cầu quân sự như: khai thác mănggan, sắt ở Thái Nguyên, apatít ở Lào Cao crôm ở Thanh Hóa.
Chính sách vơ vét, bóc lột của Pháp-Nhật đã đẩy nhân dân ta tới chỗ cùng cực. Hậu quả là cuối năm 1944-đầu năm 1945, có gần 2 triệu đồng bào ta chết đói.
Tất cả các giai cấp, tầng lớp ở nước ta, trừ các thế lực tay sai đế quốc, đại địa chủ và tư sản mại bản, đều bị ảnh hưởng bởi chính sách bóc lột của Pháp-Nhật.
Những chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước đòi hỏi Đảng ta phải kịp thời nắm bắt và đánh giá chính xác tình hình, đề ra đường lối đấu tranh phù hợp.