25/05/2018, 08:51

Tính chất, vị trí, nhiệm vụ của Công đoàn

Tính chất của Công đoàn Việt Nam Tính chất của một tổ chức là đặc điểm riêng tương đối ổn định của tổ chức, để từ đó phân biệt tổ chức đó với đó chức khác. Công đoàn Việt Nam có tính chất giai cấp của giai cấp công nhân ...

Tính chất của Công đoàn Việt Nam

Tính chất của một tổ chức là đặc điểm riêng tương đối ổn định của tổ chức, để từ đó phân biệt tổ chức đó với đó chức khác. Công đoàn Việt Nam có tính chất giai cấp của giai cấp công nhân và tính chất quần chúng rộng lớn.

Biểu hiện tính chất giai cấp công nhân của Công đoàn Việt Nam

  • Công đoàn Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
  • Hoạt động của Công đoàn Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu chính trị của Đảng đề ra và thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng chế độ xã hội mới không có người bóc lột người.
  • Xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam đảm bảo thống nhất hành động của giai cấp công nhân Việt Nam.
  • Xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn theo đường lối cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
  • Tổ chức và hoạt động Công đoàn quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ - một nguyên tắc tổ chức của giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Biểu hiện tính chất quần chúng của Công đoàn Việt Nam

  • Công đoàn Việt Nam kết nạp đông đảo công nhân, viên chức và lao động vào tổ chức Công đoàn. Mọi người công nhân, viên chức và lao động đều có quyền tự nguyện gia nhập và ra khỏi tổ chức Công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
  • Cơ quan lãnh đạo của Công đoàn Việt Nam bao gồm những người được quần chúng người lao động tín nhiệm để đại diện cho họ.
  • Nội dung hoạt động của Công đoàn Việt Nam đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của người lao động.
  • Cán bộ Công đoàn trưởng thành từ phong trào công nhân, từ phong trào quần chúng ở cơ sở.

Hai tính chất của Công đoàn nêu trên có mối quan hệ gắn bó với nhau và đều quan trọng như nhau.

Vị trí của Công đoàn là địa vị của Công đoàn giữa các tổ chức khác của hệ thống chính trị và mối quan hệ của Công đoàn với các tổ chức đó.

Trong chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, vị trí của Công đoàn khác nhau căn bản. Trong chủ nghĩa tư bản, công đoàn đại diện cho quần chúng lao động đứng đối lập với giai cấp bóc lột đấu tranh đòi lợi ích kinh tế, tiến tới giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Trong chủ nghĩa xã hội, Công đoàn trở thành một thành viên quan trọng trong hệ thống chính trị, là đại diện cho những người làm chủ xã hội.

Công đoàn Việt Nam là thành viên của hệ thống chính trị, là trung tâm tập hợp, đoàn kết, giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân, lao động. Công đoàn là chổ dựa vững chắc của Đảng, là sợi dây nối liền Đảng với quần chúng. Công đoàn là người cộng tác đắc lực của Nhà nước.

Nhiệm vụ của công đoàn là toàn bộ những mục tiêu mà công đoàn cần đạt tới, là những vấn đề đặt ra mà công đoàn cần giải quyết. Thực hiện các nhiệm vụ đó chính là thực hiện các chức năng đã được xác định của công đoàn trong một giai đoạn nhất định, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của giai đoạn ấy. Nhiệm vụ của công đoàn là yếu tố dễ biến động hơn so với chức năng. Mỗi nhiệm vụ cũng có thể có sự quan tâm ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn nhất định.

Trong giai đoạn hiện nay, công đoàn có những nhiệm vụ sau đây :

- Đại diện cho người lao động tham gia với cơ quan Nhà nước xây dựng và thực hiện các chương trình kinh tế xã hội, các chính sách, các cơ chế quản lý kinh tế, các chủ trương chính sách có liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của người lao động.

- Tập hợp, giáo dục và tuyên truyền pháp luật để người lao động hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, của các cơ quan và các tổ chức. Từ đó tạo cho người lao động các phương thức xử sự phù hợp trong các mối quan hệ xã hội và pháp lý.

- Thực hiện các quyền đã được pháp luật ghi nhận một cách có hiệu quả để bảo vệ và chăm lo đến lợi ích và đời sống của người lao động.

- Tham gia các quan hệ trong nước và quốc tế nhằm xây dựng các mối quan hệ đối nội và đối ngoại rộng rãi, góp phần thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện tốt cho môi trường lao động xã hội.

Những nhiệm vụ này đã được thể chế trong các văn bản pháp luật của Nhà nước và chi tiết hóa thành những nhiệm vụ trực tiếp của công đoàn trong quá trình hoạt động ở các công đoàn cơ sở. Song muốn quá trình hoạt động đó đạt được hiệu quả, công đoàn cần có những điều kiện nhất định bao gồm:

- Quyền tự do công đoàn,

- Tư cách pháp nhân

- Quyền sở hữu tài sản,

- Sự bảo trợ của Nhà nước và các đơn vị sử dụng lao động,

- Các điều kiện khác.

Các điều kiện này, vừa mang tính chất pháp lý, vừa mang tính chất kinh tế - xã hội, có ý quan trọng đối với hoạt động của công đoàn, chi phối và quyết định quá trình thực hiện các nhiệm vụ đề ra.

0