Tính cách hướng nội - hướng ngoại và những khía cạnh chưa ai biết đến
Bạn là người hướng nội hay hướng ngoại? Câu trả lời chưa chắc đã giống như những gì bạn nghĩ. Khánh là một sinh viên ngành kinh tế, cậu có tham gia vài khóa học, rồi hội thảo. Trong những khóa học, cậu luôn thể hiện mình là một người hoạt bát, năng động, luôn phát biểu mỗi khi có ý kiến, luôn ...
Bạn là người hướng nội hay hướng ngoại? Câu trả lời chưa chắc đã giống như những gì bạn nghĩ.
Khánh là một sinh viên ngành kinh tế, cậu có tham gia vài khóa học, rồi hội thảo. Trong những khóa học, cậu luôn thể hiện mình là một người hoạt bát, năng động, luôn phát biểu mỗi khi có ý kiến, luôn nói ra quan điểm của mình, và cũng không bỏ qua bất kỳ hoạt động.
Các học viên khác, người thì ngưỡng mộ sự tự tin, năng động của cậu, người thì ghét cậu, bảo cậu ngạo mạn. Nhưng có một điều ai cũng đồng tình rằng cậu là một người hướng ngoại. Cậu luôn chủ động trong giao tiếp, và thường là nhân vật nổi bật nhất trong một nhóm.
Minh cũng là một sinh viên ngành kinh tế. Ngoài thời gian trên giảng đường, cậu cũng tham gia một vài khóa học hay những buổi workshop. Nhưng khác với Khánh, cậu thường bị động bắt chuyện, ngại ngùng trong giao tiếp, và cũng ngại những nơi đông người. Tất nhiên rằng mọi người xung quanh sẽ nhận định, cậu là một người hướng nội.
Nhưng đằng sau vẻ ngoài lại là những câu chuyện khác hẳn. Chỉ vài đứa bạn thân mới hiểu rằng khi có vấn đề, Khánh thường cắt đứt mọi liên lạc xung quanh mình. Cậu "đóng cửa", tự lực cánh sinh. Thường thì cậu sẽ bắt đầu với những câu hỏi trong đầu mình, như "Tại sao điều đó lại xảy ra?", "Nó xảy ra như thế nào?", "Mình có những lựa chọn nào?"…
Minh cũng có cho mình một nhóm bạn thân, và vài nhóm bạn hơi thân. Nhưng mỗi khi gặp những vấn đề của bản thân, cậu thường lôi một hoặc vài đứa bạn theo. Chẳng phải kể lể gì đâu, chỉ cần đi loanh quanh, ăn uống hoặc một chuyến phượt đâu đó cũng đã giúp cậu có câu trả lời cho những vấn đề đang khúc mắc.
Vậy ai là người hướng nội, ai là người hướng ngoại? Mọi người thường hay đặt ra quy chuẩn hướng nội hay hướng ngoại dựa vào việc giao tiếp, nhưng lại quên mất còn một yếu tố nữa để đánh giá một người là hướng nội hay hướng ngoại. Đó là xu hướng khi giải quyết vấn đề, khi đánh giá bản thân.
Nhiều người lầm tưởng chỉ giao tiếp mới quyết định xem ai là hướng nội, ai là hướng ngoại.
Khi phải định hướng nghề nghiệp cho bản thân, người hướng nội thường có xu hướng tập trung vào suy nghĩ của bản thân, vào những câu hỏi tự đặt ra, vào những điểm yếu, điểm mạnh của bản thân.
Còn người hướng ngoại thì sao? Người hướng ngoại thường sẽ tìm hiểu về các ngành nghề, gặp gỡ và trao đổi với những người đang làm trong lĩnh vực đó, hoặc tự mình làm thử xem có phù hợp hay không.
Chúng ta hướng nội hay hướng ngoại?
Câu trả lời đảm bảo bạn không nghĩ tới, vì thực sự đó là cả 2!
Vâng, phần lớn trong chúng ta đều hướng ngoại và hướng nội. Có thể trong giao tiếp, bạn là một người hướng nội, nhưng khi có vấn đề, bạn lại dễ dàng "hấp thụ" năng lượng xung quanh. Chỉ một nhóm thiểu số là hoàn toàn hướng ngoại hoặc hướng nội mà thôi.
Hầu hết chúng ta đều có những khía cạnh hướng nội và những khía cạnh hướng ngoại.
Chúng ta nên là người hướng nội hay hướng ngoại?
Chẳng hề có đúng sai trong việc ta là người hướng nội hay hướng ngoại cả. Dù vậy, vẫn có những khiếm khuyết ở cả hai.
Lấy ví dụ như việc định hướng. Người hướng nội khi quá tập trung vào bản thân sẽ không có cái nhìn toàn diện ra bên ngoài. Họ có thể hiểu rõ bản thân họ, nhưng họ sẽ không biết mình phù hợp với lĩnh vực nào trong một thị trường lao động rộng bao la. Trong hiện tại, người hướng nội có thể tìm được điều mình mong muốn. Nhưng họ sẽ hạn chế bản thân nếu muốn biết bao la ngoài kia còn cơ hội phù hợp hơn cho họ.
Ngược lại, người hướng ngoại có cái nhìn rộng bên ngoài, nhưng họ thường ít khi tập trung suy nghĩ về bản thân họ. Họ thường có xu hướng thử nhiều ngành nghề. Và nếu may mắn, họ sẽ trụ lại ở một nghề thật lâu. Còn nếu không, họ sẽ lại thử ở một lĩnh vực khác thay vì tập trung vào phân tích bản thân.
Dù bạn đang là một người hướng nội hay hướng ngoại, đầu tiên hãy chấp nhận bản thân bạn đã.
Vì vậy, dù bạn đang là một người hướng nội hay hướng ngoại, đầu tiên hãy chấp nhận bản thân bạn đã. Sau đó, hãy xem xét xem bản chất của bạn có đang gây bất lợi cho bạn không. Ví dụ bạn muốn trở thành một nhân viên sales nhưng lại hướng nội trong giao tiếp, rụt rè, bị động.
Vậy thì có nên thay đổi ngay? Lựa chọn là ở bạn nhé.