Tìm lời giải cho khả năng ngoại ngữ của mỗi người
Các nhà ngôn ngữ học đang tìm lời giải đáp cho câu hỏi, tại sao một vài người có thể biết nhiều ngoại ngữ, nhưng có người học mãi một thứ tiếng mà... "chẳng vào đầu". Tại sao có người giỏi ngoại ngữ có người lại không? Theo ông Richard Brecht, giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Quốc gia Mỹ, một ...
Các nhà ngôn ngữ học đang tìm lời giải đáp cho câu hỏi, tại sao một vài người có thể biết nhiều ngoại ngữ, nhưng có người học mãi một thứ tiếng mà... "chẳng vào đầu".
Tại sao có người giỏi ngoại ngữ có người lại không?
Theo ông Richard Brecht, giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Quốc gia Mỹ, một số người dường như gặp vấn đề với bất kỳ ngôn ngữ mới nào. Chính điều này khiến nhiều học sinh sa sút học thuật một cách nghiêm trọng tại trường trung học, đại học.
Ngược lại, có những người dễ dàng tiếp thu một ngôn ngữ mới. Khả năng này vẫn được chúng ta gọi là "trời phú", hay “đôi tai ngoại ngữ”. Điều gì tạo nên sự khác biệt này?
Các nhà ngôn ngữ học đã nghiên cứu lý do những người nhất định có thiên hướng đặc biệt về việc thu nhận ngôn ngữ. Vào những năm 1950, nhà tâm lý học John B.Carroll đã phát triển một bài kiểm tra Tiếp thu ngôn ngữ hiện đại nhằm dự đoán những người sẽ thành công hơn khi học một ngoại ngữ mới.
Bài kiểm tra đã đo khả năng hiểu ngữ âm, nhận dạng hoặc suy ra những cấu trúc ngữ pháp, hay khả năng duy trì mối liên hệ giữa từ và nghĩa của chúng. Những ai đạt điểm số tốt, được đưa vào các lớp học nâng cao. Bài kiểm tra này còn áp dụng để tuyển dụng cho những nhân viên làm việc ở nước ngoài.
Khả năng ghi nhớ từ ngữ, tiếp thu và hiểu ngữ âm, ngữ pháp thể hiện khả năng học ngoại ngữ nhanh chóng của một cá nhân. |
Trong vài thập kỷ gần đây, các nhà ngôn ngữ học lại tiếp tục đưa ra những bài kiểm tra, nhưng để xác định những sinh viên bị chứng “khuyết tật ngoại ngữ”, những người không có khả năng học ngôn ngữ mới dù cho hoàn toàn xuất sắc trong những môn học khác.
Giáo sư Richard L. Sparks là người đầu tiên đặt tên và nghiên cứu hiện tượng này. Ông nghiên cứu và cố gắng giải thích, những sinh viên có kỹ năng ngôn ngữ nghèo nàn thường gặp vấn đề với chính ngôn ngữ mẹ đẻ.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, câu hỏi rằng ai có thể học ngoại ngữ như sự thiên bẩm, trong khi có những người lại bế tắc, vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng.
Vì vậy, Richard L. Sparks nhắc lại lời khuyên cổ điển: thái độ quyết tâm là rất quan trọng. "Nếu bạn tiến tới những dự định mà bạn nghĩ mình không giỏi điều đó lắm, nó sẽ khiến bạn không làm việc chăm chỉ hết sức để làm chủ nó", ông nói.