Tiểu sử NSND, ca sĩ Thanh Hoa
Thanh Hoa (12 tháng 10 năm 1950) là một nữ ca sĩ Việt Nam. Bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2001. Hiện nay bà là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Hoa Concert. Thanh Hoa tên thật Nguyễn Thị Thanh, sinh năm 1950, quê ở Đại Mỗ, Từ ...
Thanh Hoa (12 tháng 10 năm 1950) là một nữ ca sĩ Việt Nam. Bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2001. Hiện nay bà là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Hoa Concert.
Thanh Hoa tên thật Nguyễn Thị Thanh, sinh năm 1950, quê ở Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội. Từ bé, Thanh Hoa đã mê ca hát. Năm 9 tuổi, cô bé Thanh đã đoạt giải nhất giọng hát Hoạ mi của thị xã Hà Đông. Năm 16 tuổi, bà bắt đầu học ở Trường Âm nhạc Việt Nam và tốt nghiệp Trung cấp năm 1970. Sau đó, bà trở thành ca sĩ của Đài phát thanh Giải phóng (còn có tên bí mật là đài CP-90). Nghệ danh Thanh Hoa ra đời trong hoàn cảnh này. Hai nghệ sĩ Thanh Hùng và Ngọc Hoa là hai nghệ sĩ cải lương bấy giờ nhận Thanh Hoa làm em nuôi. Những ca sĩ, nhạc sĩ hồi đó phải lấy tên bí danh để gửi vào Nam. Và cái tên Thanh Hoa là ghép tên của hai nghệ sĩ cải lương đó. Bài hát đầu tiên được phát sóng trên đài CP-90 là Cánh chim mùa xuân của nhạc sĩ Huỳnh Thơ năm 1970.
Năm 1975, Thanh Hoa đi biểu diễn ở Trường Sơn phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh. Cuối năm 1975, bà về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và gắn bó với đài cho đến lúc nghỉ hưu năm 2006. Ở đây, bà là một trong những ca sĩ thu âm nhiều nhất với 400 bản thu, trong đó có những ca khúc đã được phát sóng rất nhiều lần và gắn bó với tên tuổi của bà như Tình yêu của đất và nước (Hoàng Vân), Con kênh ta đào, Khúc hát ru của người mẹ trẻ (Phạm Tuyên), Em chọn lối này (An Thuyên), Tàu anh qua núi, Tình yêu trên dòng sông Quan họ, (Phan Lạc Hoa), Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh (Trần Hoàn), Bác Hồ một tình yêu bao la (Thuận Yến), Mùa xuân làng lúa làng hoa (Ngọc Khuê), Đường tàu mùa xuân (Phạm Minh Tuấn)... Trong sự nghiệp của mình, bà đã đạt nhiều giải thưởng: Giải nhất tại cuộc thi nhạc nhẹ quốc tế Cóc Phây vàng lần thứ 18 ở Bulgaria, năm 1982; Huy chương vàng Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc năm 1985; Bằng khen đặc biệt cuộc thi 8 bài hát trên vô tuyến truyền hình ở Cuba; Bằng khen người hát bài hát Tiệp Khắc hay nhất...
Từ năm 1995, Thanh Hoa trở thành bà chủ của phòng trà Aladin và một công ty biểu diễn nghệ thuật mang tên mình. Năm 2001, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Năm 2006, Thanh Hoa về hưu và cũng trong năm đó bà tổ chức một liveshow kỉ niệm 40 năm ca hát mang tên Hát... thầm.
Người chồng đầu tiên của bà là nhạc sĩ Phan Lạc Hoa. Ông đã sáng tác nhiều ca khúc tặng riêng cho bà. Hai người có với nhau hai con gái là Huyền Thư, Thái Lữ và một người con nữa mất từ nhỏ. Nhưng cuộc hôn nhân của hai người sau đó đổ vỡ, rồi Phan Lạc Hoa tự vẫn năm 1982. Chính sự ra đi này của ông đã gắn cho Thanh Hoa nhiều tai tiếng mà đến tận nay bà vẫn mang trên mình.
Vài năm sau, bà kết hôn với nghệ sĩ xiếc Tôn Thất Lợi, người chồng hiện tại. Hai người có với nhau một con trai là Tôn Thất Sơn.
Hiện nay, con gái bà, Phan Huyền Thư là một nữ nhà thơ trẻ khá nổi tiếng. Còn Tôn Thất Sơn là ca sĩ, thành viên nhóm 198x.
Thanh Hoa đã có ý định cho ra mắt một cuốn tự truyện kể về mình, do nhà văn Trần Thị Trường chắp bút, dự định ra mắt cuối năm 2006. Tuy nhiên bà đã phải ngừng lại cuốn tự truyện của mình.