Tiểu sử diễn viên Hữu Châu
Thông tin tiểu sử Hữu Châu Hữu Châu (sinh năm 1966), là một diễn viên hài - kịch của Việt Nam, anh được biết đến qua một số tác phẩm kinh điển như vai Nguyễn Trãi trong vở Bí mật vườn Lệ Chi, vai Ferdinand trong Âm mưu và Tình yêu, vai Bình trong Đừng nói lời vĩnh biệt, vai lão ẩn sĩ trong vở ...
Thông tin tiểu sử Hữu Châu
Hữu Châu (sinh năm 1966), là một diễn viên hài - kịch của Việt Nam, anh được biết đến qua một số tác phẩm kinh điển như vai Nguyễn Trãi trong vở Bí mật vườn Lệ Chi, vai Ferdinand trong Âm mưu và Tình yêu, vai Bình trong Đừng nói lời vĩnh biệt, vai lão ẩn sĩ trong vở Đời luận anh hùng, Lỗ Quý trong vở kịch nổi tiếng Lôi Vũ...
Anh tên thật là Nguyễn Hữu Châu, sinh ngày 22 tháng 1 năm 1966 tại Sài Gòn trong một dòng họ có truyền thống về cải lương. Cha là nghệ sĩ Hữu Thìn, mẹ là nữ nghệ sĩ Thanh Lệ, bà nội của anh là Nguyễn Thị Thơ, chủ đoàn hát Thanh Minh, là một trong 5 gánh hát cải lương lớn nhất đất Sài Gòn vào thời điểm đó, bà nổi tiếng một thời qua biệt danh: "Bầu của những ông bà bầu gánh hát cải lương", cô ruột là nghệ sĩ Thanh Nga, ngay cả chú của anh cũng là một nghệ sĩ có tên tuổi - Nghệ sĩ ưu tú Bảo Quốc,người em ruột là nghệ sĩ Hữu Lộc.
Năm 1985, Hữu Châu tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Sân khấu 2, nhưng sân khấu kịch thời điểm đó của Việt Nam vẫn chưa khởi sắc, chuyện kiếm được một vị trí hay vai diễn tốt trong một đơn vị hoạt động nghệ thuật đối với sinh viên mới ra trường như Hữu Châu thật sự là một điều rất khó khăn, anh đã phải quay sang làm nhiều công việc như: bơm xe, đi cắt cây đường phố,… và cuối cùng là mở một sạp báo nhỏ để kiếm thêm thu nhập, nuôi mẹ và các em nhưng cũng là một biện pháp để anh "chờ thời".
Một thời gian sau, Hữu Châu gia nhập đoàn kịch nói Kim Cương, đây cũng là nơi anh diễn vai đầu tiên trong cuộc đời mình với vai thầy bói trong vở kịch Hoàng tử và con gái lão chăn cừu. Để lại nhiều ấn tượng sau vai diễn đầu tiên đó, Hữu Châu được mời tham gia nhiều vở khác như: Lá sầu riêng, Nhơn danh công lý và vở Người tình trễ xe,...
Vào khoảng thời gian thập niên 1990, sân khấu hài miền Nam bắt đầu phất triển mạnh, Hữu Châu cũng nung nấu ý định thử sức với thể loại nghệ thuật này. Năm 1988, anh gia nhập nhóm hài lấy nghệ danh của chú anh - nghệ sĩ Bảo Quốc, cùng tham gia nhóm hài này gồm có: Bảo Quốc, Kim Xuân, Chí Hiếu, Hồng Loan và Hữu Châu. Trong lĩnh vực hài kịch, Hữu Châu bộc lộ khả năng diễn hài tốt với nét diễn tự nhiên, rặt chất Nam bộ, và thường để lại ấn tượng đối với người xem. Theo nhóm hài này được hơn một năm anh tách khỏi nhóm và đầu quân "Câu lạc bộ Sân khấu Nhỏ".
Cuối năm 1990, Hữu Châu và Hữu Nghĩa thành lập nhóm hài mang tên hai người, ngoài ra còn có sự cộng tác của một số nghệ sĩ khác. Đến năm 1991, Hữu Châu tách riêng ra, lập nhóm tấu hài mang tên anh, diễn viên gồm có Hữu Châu, Tấn Thi, Trung Dân, Trinh Trinh. Năm 1994, Hữu Châu và nghệ sĩ Minh Nhí thành lập nhóm hài do chỉ hai người diễn và lấy tên là "Ban Song tấu hài". Thời gian này, sân khấu kịch Thành phố bắt đầu nổi lên một nghệ sĩ hài Hữu Châu thành công với các vai diễn ấn tượng, là một trong những nghệ sĩ hài đắt show nhất thời điểm bấy giờ, một số vở diễn tiêu biểu của anh như: Thầy đồ, Ai lấy, Hội ngộ, Người giàu cũng khóc, Ba giai tứ xuất, Nồi cháo gà, Sống giả chết giả,...
Nổi tiếng với hài kịch nhưng Hữu Châu vẫn mặn mà hơn với thể loại chính kịch, anh từng tâm sự: "...Dù đi tấu hài kiếm được đủ tiền nuôi mẹ nuôi em, chớ tôi vẫn mong được hát trong một vai đàng hoàng...". Những vai diễn mà anh tâm đắc nhất đều là những vai chính kịch và đặc biệt là Hữu Châu rất có duyên với các vai ông lão, anh có một gia tài đồ sộ về các nhân vật này với hơn 100 vai già và 10 vai nữ, một số vở tiêu biểu trong số đó như: vai đạo sĩ trong vở "Đời luận anh hùng" của soạn giả Lê Chí Trung, với vở diễn này, anh đã đoạt Huy chương vàng Hội diễn toàn quốc năm 1990, đây cũng là một trong những vai diễn đầu tiên làm nên tên tuổi của Hữu Châu, vai ông Cả trong vở Cái tráp vàng (Mai Vàng năm 2000), kế đó là vai chàng công tử đào hoa nhưng bạc mệnh Ferdinand trong vở Âm mưu và tình yêu, đây là một nhân vật hết lòng với người yêu nhưng lại mù quáng rơi vào cạm bẫy để rồi mang lại cho chính người mình yêu một cái chết đầy bi thảm, vai chính Nguyễn Trãi trong vở Bí mật vườn Lệ Chi, đây là vai diễn mà anh đầu tư công sức nhiều nhất, đến nỗi khi vở diễn đang đến hồi cao trào, Hữu Châu đột ngột ngã quỵ vì quá đuối sức sau thời gian tập luyện căng thẳng (nhưng ngay sau đó anh đã trở lại sân khấu và tiếp tục diễn) [6], đây cũng là vở diễn mà anh giành được giải "Nam nghệ sĩ kịch nói được yêu thích nhất" tại giải Mai Vàng năm 2007. Ngoài ra còn phải kể đến các vai như ông Vạn Tuế trong vở Lò heo quay và vai ông Minh trong vở kịch Anh sui chị sui...
Ngoài lĩnh vực sân khấu hài - kịch, Hữu Châu còn tham gia vào một số bộ phim điện ảnh và truyền hình như: vai ông Bảy trong phim Đam mê, vai ông Bình trong phim "Cuộc chiến hoa hồng" của đạo diễn Đinh Đức Liêm, vai Hoàng trong phim Cái bóng bên chồng, vai thầy giáo dạy bóng rổ trong phim hài Giải cứu thần chết,... Bên cạnh đó, Hữu Châu cũng thử sức với vai trò là một đạo diễn sân khấu, anh đã dàn dựng thành công một số vở diễn như: Quan huyện về làng.
Do những đóng góp và thành tựu của mình trong nghệ thuật, Hữu Châu được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2012.
Bi kịch gia đình
Tuy vậy nhưng thời gian sau này, cuộc đời Hữu Châu đã chịu nhiều đau thương vì những người thân trong gia đình anh lần lượt ra đi. Năm 1978, cô ruột anh là nữ nghệ sĩ Thanh Nga, nổi tiếng một thời qua các vai diễn trên sân khấu cải lương Sài Gòn thập niên 1970, vợ chồng bà bị kẻ xấu dùng súng sát hại ngay trước cổng nhà riêng sau khi đi biểu diễn về. Tiếp đó vào năm 1979 là cái chết của anh ruột anh, diễn viên múa Thanh Hải, trong một lần theo đoàn hát Thanh Minh đi lưu diễn ở miền Bắc đã qua đời vì chứng xuất huyết bao tử, an táng tại tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn). Bất hạnh đến với anh không chỉ dừng lại đó, vào cuối năm 1980, cha của anh đột ngột qua đời do bị kẻ xấu ám hại. Và gần đây nhất, người em ruột của anh là nghệ sĩ Hữu Lộc cũng đã qua đời ngày 17 tháng 5 năm 2010 do tai nạn giao thông
Sau thống nhất đất nước năm 1975, cả miền Nam bước vào thời kỳ bao cấp, hàng loạt doanh nghiệp tư nhân trở thành doanh nghiệp nhà nước. Năm 1981, đoàn hát Thanh Minh do bà anh làm chủ phải tập thể hóa theo chủ trương lúc bấy giờ. Đến năm 1988 thì bà qua đời do chứng xuất huyết não. Anh tâm sự: "Sự qua đời sớm của cha tôi nghệ sĩ Hữu Thìn, cô tôi nghệ sĩ Thanh Nga và bà nội tôi bà bầu Thơ là một thiệt thòi lớn cho cuộc đời nghệ sĩ của tôi. Tôi cảm thấy quá bơ vơ khi bước vào nghề hát, cũng may còn có bạn bè, chú bác nghệ sĩ và chú Bảo Quốc thương mến, đó cũng là niềm an ủi để tôi hành nghề sinh sống và kiếm tiền nuôi mẹ và hai em".
FB: nguyen.huuchau.3