03/06/2017, 17:59

Thuyết minh về trò chơi Bài Chòi

Theo các nhà nghiên cứu và nhiều cụ ông, cụ bà ở Quảng Nam, trò chơi bài chòi và hát dân ca bài chòi đã ra đời rất sớm ở tỉnh miền Trung này, bắt nguồn từ quá trình lao động sản xuất, giao thoa văn hóa và sự sáng tạo nghệ thuật của người dân. Và chúng đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ...

Theo các nhà nghiên cứu và nhiều cụ ông, cụ bà ở Quảng Nam, trò chơi bài chòi và hát dân ca bài chòi đã ra đời rất sớm ở tỉnh miền Trung này, bắt nguồn từ quá trình lao động sản xuất, giao thoa văn hóa và sự sáng tạo nghệ thuật của người dân.

Và chúng đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu được của nhiều tầng lớp nhân dân trong tỉnh, thu hút cả người già và lớp trẻ ở mọi vùng miền, không những trong dịp tết mà còn ở các lễ hội của địa phương.
 
Trò chơi bài chòi được tiến hành với 32 tấm thẻ bài, trong không gian là 9 chiếc chòi làm bằng tre lợp tranh hay rạ. Thường được tổ chức vào ngày mồng 1 Tết, nhưng hiện nay, hội bài chòi không chỉ diễn ra trong những ngày đầu xuân mà còn kéo dài cả tháng Giêng, hay trong các dịp lễ hội truyền thống khác.
 
Hội bài chòi thường được tổ chức ở những nơi công cộng rộng rãi, thoáng mát như ở ngã ba đầu làng, sân chợ, sân đình...
 
Từ những ngày giáp Tết, mọi người Quảng Nam đã bắt đầu tất bật với công việc đẵn tre, bện tranh làm chòi. Người ta dựng 9 chòi bằng tre, gồm 8 chòi cho người chơi và một chòi cho anh Hiệu - người cầm chịch cuộc chơi, ở những nơi đã xác định. Mái chòi tre được trang trí rất đẹp, trên nóc cắm cờ hội.
 
Hội bài chòi được khai mạc từ tờ mờ sáng mồng 1 Tết. Những cụ già có vai vế trong làng làm lễ cúng thần linh, thổ địa, thành hoàng... cầu cho một năm mới gặp nhiều điều an lành, mùa màng bội thu, làng xóm trù phú.
 
Trong khi đó, tiếng trống hội liên tục vang lên báo hiệu và thôi thúc dân làng đến chơi và nghe hô hát bài chòi. Nhân dân làng trên, xóm dưới trong những bộ trang phục đẹp nhất nô nức đến chơi bài chòi đầu năm tìm sự may mắn.
 
Người chơi lần lượt tìm cho mình một chỗ ngồi thật thoải mái trong các chòi, những người còn lại đứng ngồi xung quanh 9 chòi để xem anh Hiệu vừa diễn trò vừa hát. Những người giúp việc cải trang thành những anh lính lệ chạy đi chạy lại bán các thẻ bài và "cờ ngân" cho người chơi.
 
Vật chơi là bộ bài có 32 thẻ bài, chia đều cho 10 người, mỗi người 3 quân, 2 quân để lại. Người cầm chịch cuộc chơi cũng có một bộ thẻ bài như vậy đựng trong một ống tre trên một cây nọc cao vừa đủ để anh Hiệu không nhìn thấy các quân bài nhưng đủ để anh rút được nó.
 
Cuộc chơi bắt đầu khi anh Hiệu, mặc áo dài khăn đóng chỉnh tề, cất tiếng hò một bài lục bát hoặc song thất lục bát. Sau câu hò mở đầu, anh Hiệu bắt đầu đưa tay rút một quân bài trong ống tre và hát vài câu ca dao hoặc bài vè có liên quan đến quân bài đó, sau đó xướng tên quân bài rõ to cho tất cả mọi người đều nghe.
 
Những người dự hội im lặng lắng nghe lời hô của anh Hiệu để suy đoán hoặc tưởng tượng quân bài gì sẽ ra. Trong số 10 người chơi, ai có quân bài trùng với tên quân bài anh Hiệu vừa xướng thì hô to "có đây", lập tức một anh lính lệ sẽ chạy lại và trao cho người đó một lá cờ nhỏ (loại cờ xéo) và đổi lấy quân bài.
 
Ván chơi kết thúc khi một trong số 10 người chơi có đủ 3 lá cờ liên tục, gọi là Tới (thắng cuộc) và người thắng cuộc sẽ nhận được một món quà như một cái lồng đèn, cái phích nước, mứt, bánh kẹo, hạt dưa... Và cứ như thế ván khác lại tiếp tục chơi...
 
Cuộc chơi bài chòi có sinh động, có rôm rả hay không phụ thuộc hoàn toàn vào tài hô hát của anh Hiệu. Anh Hiệu phải là người có tài "ứng khẩu thành thơ", thuộc lòng hàng trăm bài thơ, bài vè, hàng nghìn câu ca dao; phải biết hát nam, hát khách, những làn điệu dân ca đặc trưng của những vùng miền xứ Quảng.
 
Trong câu hát của anh Hiệu, có thể bắt gặp những lời tự sự về nhân tình thế thái, về niềm vui trong cuộc sống, bình yên trong lao động, về những sinh hoạt hằng ngày, ca ngợi tình làng nghĩa xóm, cách đối nhân xử thế... hay phê phán những thói hư, tật xấu ở đời.
 
Có những câu hát của anh Hiệu làm cho cả hội bài chòi cười nghiêng ngả bởi tính hài hước, vui nhộn, ý nghĩa sâu xa, rất dân dã, gần gũi đời thường. Chính vì tính dân dã, mộc mạc và vui nhộn nên trò chơi dân gian này thu hút rất nhiều người tham gia và xem.
 
Nếu ai từng tham gia trò chơi bài chòi và hát dân ca bài chòi ở phố cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới, người đó sẽ thấy cảnh tượng nơi đây thật lạ, có ca sĩ, nhạc sĩ, có diễn viên, có sân khấu hẳn hoi, nhưng khán giả chẳng hề ngồi không thưởng thức như thường thấy.
 
Hiện nay, vào tối thứ bảy hàng tuần, Hội An thường xuyên tổ chức đêm hội bài chòi. Đêm hội đã trở thành một sân chơi quen thuộc của du khách và người dân nơi đây.
 
Dường như đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được, cứ mỗi đêm hội, mọi người tụ tập về khoảng sân giữa phố Hội và sông Hoài (hay còn gọi là sông Bạch Đằng) để được có những giờ phút thư giãn một cách đầy hứng khởi cho kỳ nghỉ cuối tuần.
 
Chính sân chơi này đã giúp khu phố cổ thêm phần sinh động mà vẫn không hề mất đi vẻ đẹp yên bình rất đặc trưng của Hội An.
 
Các làn điệu cơ bản của dân ca bài chòi Quảng Nam gồm 4 làn điệu chính là Xuân Nữ, Cổ Bản, Xàng Xê và hò Quảng. Do nhu cầu kịch sân khấu mà 4 làn điệu cơ bản trên không đủ để diễn đạt các tình huống, tâm trạng vui buồn, hờn giận. Vì vậy, các nghệ sỹ, nhạc sỹ... đã sáng tạo và bổ sung nhiều bài dân ca, điệu hò câu lý đậm chất dân ca truyền thống như hò Khoan, hò Chèo thuyền, vè Quảng, hát Ru con.
 
Nhằm bảo tồn và phát triển nét văn hóa đặc sắc của trò chơi hát bài chòi, hiện nay, hầu khắp các địa phương trong tỉnh Quảng Nam đã thành lập các câu lạc bộ hát bài chòi sinh hoạt hết sức sôi nổi, điển hình như các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn, Đại Lộc, Núi Thành, Tiên Phước, Quế Sơn, Phước Sơn, Đông Giang, Hiệp Đức, Hội An, Tam Kỳ.
 
Tỉnh Quảng Nam cũng đã thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, đưa vào chương trình đào tạo chính quy bộ môn hát dân ca bài chòi cho học sinh, sinh viên và những người yêu thích bộ môn nghệ thuật độc đáo của quê hương xứ Quảng.

0