13/01/2018, 10:13

Thuyết minh về Rừng Sác, Cần Giờ – Văn hay lớp 9

Thuyết minh về Rừng Sác, Cần Giờ – Văn hay lớp 9 Thuyết minh về Rừng Sác – Cần Giờ – Bài số 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Cà Mau Nói đến rừng Sác là người ta nghĩ ngay đến Cần Giờ. Sác là tên chung của các loại cây rừng ngập mặn như đước, vẹt, dưng, dà…. Giữa mênh mông ...

Thuyết minh về Rừng Sác, Cần Giờ – Văn hay lớp 9

Thuyết minh về Rừng Sác – Cần Giờ – Bài số 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Cà Mau

Nói đến rừng Sác là người ta nghĩ ngay đến Cần Giờ. Sác là tên chung của các loại cây rừng ngập mặn như đước, vẹt, dưng, dà…. Giữa mênh mông rừng sác, tiếng bìm bịp rúc con nước lớn, con nước ròng, tiếng chim cúc cu gọi bạn tình, tiếng lá reo hòa cùng tiếng sóng vỗ, bao la mênh mông một màu xanh.

Về mặt Địa Lý, Cần Giờ là một phần đồng bồi Đồng Nai, có tên là Rừng Sác Gia Định, từng rộng đến 170.000ha, chiếm một phần ba diện tích rừng ngập mặn của cả nước.

Cuối thế kỉ XVIII và đầu thế kỉ XIX, thuyền chiến của quân Nguyễn Ánh như lá tre đậu kín các luồng lạch và mặt cửa sông Cần Giờ. Thuở ấy, rắn rết nhiều vô kể, cá sấu nối đuôi nha bơi lượn hàng đàn, chim trời hàng vạn con, chiều chiều đậu trắng xóa ngọn cây xanh, tiếng kêu vang động một vùng sông nước.

Trong những năm dài kháng chiến chống Mỹ, rừng Sác- Cần Giờ là căn cứ địa của Đoàn 10 đặc công anh hùng. Các chú, các cô đã dũng sĩ treo mình trong tán cây rừng, đã vùi mình trong bùn lầy, đã bơi lội trong dòng nước, ôm bom, vác súng, xuất quỷ nhập thần, đà hàng chục lần đốt cháy kho xăng Nhà Bè, đánh phá quân cảng Cát Lái, hàng trăm lần phục kích bắn cháy, bắn đắm tàu giặc trên bảy con sông chảy qua Cần Giờ. Các chúc, các cô đã đem chí khí, lòng quả cảm và xương máu của tuổi hai mươi để viết nên những trang sử, những chiến công hiển hách. Có bao chiến sĩ đã ngã xuống trong mưa bom bão đạn của Mỹ- Ngụy. Có nhiều cô gái đã bị cá sấu nuốt chửng trong những đêm phục kích giặc, đi tải đạn.

 Đến thăm rừng Sác- Cần Giờ hôm nay, du khách nghiêng mình, cúi đầu thành kính thắp nén hương trên mộ các liệt sĩ anh hùng của Đoàn 10 đặc công,và nhẩm đọc những dòng này khắc trên Bia tưởng niệm:

"860 anh hùng liệt sĩ Rừng Sác đã ra đi,

Lòng Tàu, Tuy Hạ, Nhà Bè đó

Khói lửa ngút trời sử sách ghi"…

Giặc Mỹ xâm lược đã trút xuống rừng Sác- Cần Giờ một triệu gallons hợp chất độc hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta. Sau năm 1975, cả một vùng rộng lớn rừng ngập mặn ở đây chỉ còn trơ lại đất hoàng hóa. Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phải đổ biết bao công sức, mồ hôi và tiền của, suốt hơn 30 năm trời, kể từ năm 1979, mới phục hồi được hệ sinh thái rừng ngập mặn, để ngày nay có 31 ngàn ha rừng với 175 loài thực vật, cùng với bảy con sông lớn vầ chằng chịt hàng trăm con rạch nuôi nấng, bảo tồn 700 loài khu hệ thủy sinh không xương sống ; 130 loài khu hệ cá; chín loài lưỡng thể, ba mươi mốt loài bò sát; bốn loài có vú của hệ sinh động vật có xương sống, trong đó có những loài quý hiếm được ghi vào Sách Đỏ. Huyện Cần Giờ chiếm 1/3 diện tích Thành phố Hồ Chí Minh đã được phủ màu xanh. Phục hồi rừng ngập mặn là chiến công vô cùng to lớn của nhân dân ta trong hòa bình tái thiết đất nước.

Đến thăm khu nghĩa trang rừng Sác- Cần Giờ ngày nay (2009), ta được hạnh ngộ một nhân chứng lịch sử và kháng chiến, một anh hùng của Đoàn 10 đặc công ngày xưa. Đó là ông Nguyễn Văn Tám, đã vào rừng đánh giặc từ năm 1958, lúc còn là một thiếu niên. Ông đã trải qua hàng trăm, hàng nghìn trận đánh ác liệt. Bao máu và nước mắt của ông đã đổ xuống. Ông đã nhiều lần ôm đồng đội tử thương bơi qua sông. Ông đã bao phen cùng đồng đội vào sinh ra tử đốt cháy kho xăng Nhà Bè, bắn cháy tàu chiến giặc trên sông Cần Giờ. Ông từng là Phó Chủ tịch huyện Cần Giờ bốn khóa liên tục, là người chỉ huy trồng lại 3.000 ha rừng đước đầu tiên. Và mấy năm nay, ông trở lại đời thường là hướng dẫn viên du lịch của Khu Di tích căn cứ Đoàn 10 đặc công Rừng Sác. Ngày nắng hya ngày mữa, du khách vẫn nhìn thấy ông Tám, người nhỏ, da ánh màu phèn mặn, bộ quân phục bạc màu, đi thắp từng nén hương lê từng tấm mồ người liệt sĩ, bởi ông "không dứt được rừng", "không xa rời được đồng đội đã hi sinh."

Nghiêng mình trước hương hồn các chiến sĩ anh hùng rừng Sác- Cần Giờ.Cúi đầu cảm phục ông Nguyễn Văn Tám, người anh hùng đoàn 10 đặc công rừng Sác. Nghe sóng vỗ trầm hùng, nghe gió thổi rừng cước reo, nghe cá quẫy và tiếng lao xao của đàn chim trời, ta mới thấm thía màu xanh của rừng Sác là màu xanh của tình nghĩa thủy chung, là màu xannh của niềm tin và hi vọng, màu xanh bất diệt, bền vững của giang sơn xứ sở muôn quý nghìn yêu

Thuyết minh về Rừng Sác – Cần Giờ – Bài số 2

Khu du lịch sinh thái Rừng Sát Cần Giờ nằm trong khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Trong vài năm gần đây, du khách trong và ngoài nước đến thành phố mang tên Bác đều tìm đến khu du lịch sinh thái Cần Giờ để trở về với vẻ đẹp hoang sơ, và thơ mộng của nơi này. Bởi nơi đây ngoài tài nguyên rừng và hệ động thực vật rừng ngập mặn rất phong phú và đa dạng.

Nằm trên xã Lý Nhơn huyện Cần Giờ, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 40 km về phía Đông Nam, khu du lịch sinh thái Rừng Sát Cần Giờ là một trong những điểm du lịch đọc đáo thú vị bậc nhất TP.HCM và là nơi nghỉ dưỡng dành cho du khách muôn nơi. Khu du lịch rừng Sát Cần Giờ giáp tỉnh Đồng Nai ở phía Bắc, giáp tỉnh Tiền Giang và Long An ở phía Tây, và giáp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ở phía Đông. Tiếp giáp về phía Nam của rừng Cần Giờ là biển Đông với 20 km bờ biển, có sông lớn chảy quanh, địa thế bùn lầy vô cùng hiểm trở. Nơi đây đã từng là căn cứ vững chắc của lực lượng cách mạng trong kháng chiến

Năm 2000, khu du lịch sinh thái Vàm Sát (rừng Sát) nằm trong vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ được thành lập. Tháng 2/2003 đã được chức du lịch thế giới cũng công nhận khu du lịch Vàm Sác là một trong hai khu du lịch sinh thái phát triển bền vững của thế giới ở nước ta. Kể từ đó, khu du lịch Rừng Sát (gọi theo tên Vàm Sát) chính thức đi vào hoạt động.

 Khu du lịch Rừng Sát Cần giờ được gọi theo tên của một loài cây mọc phổ biến ở nơi đây. Người Nam Bộ gọi cây mắm là cây Sát. Đây là loài cây ngập mặn hay sống cùng với các loại cây khác, tạo thành một tập đoàn cây ngập mặn.

Nằm giữa dòng chảy của hai con sông Vàm Sát, Lòng Tàu, khu Du Lịch Sinh Thái Rừng Ngập Mặn Vàm Sát mang trong mình vẻ đẹp tự nhiên nhất của khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ. Cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái rừng, biển của huyện Rừng Sát Cần Giờ tương đối phong phú là cơ sở nền tảng để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch mang tầm cỡ vùng và quốc gia. Với diện tích gần 38.000 ha rừng ngập mặn, sau 30 năm phục hồi và phát triển (được UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyễn” thế giới đầu tiên ở Việt Nam) đã tạo nên một hệ sinh thái tự nhiên với nhiều chủng loại động thực vật Rừng Sát phong phú và đa dạng. Bên cạnh đó, rừng phòng hộ Cần Giờ cũng đã trở thành Khu Bảo tồn thiên nhiên, với cảnh quan thiên nhiên xanh, sạch, đẹp, không khí trong lành; với truyền thống, tập quán hiếu khách của người dân địa phương cùng với các hoạt động văn hoá, lễ hội đặc trưng và các sản vật đặc sắc riêng đã hấp dẫn và thu hút khách tham quan du lịch đến Cần Giờ ngày càng đông.

Những khu vực đã quy hoạch được xây dựng các công trình phục vụ cho các hoạt động đón khách, vui chơi, tham quan, ăn uống, nghỉ dưỡng,…Nhờ chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, các công trình nhân tạo không làm mất đi vẻ hoang sơ vốn có của Rừng Sát. Tại các khu du lịch Cần Giờ còn có hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng sang trọng cùng những dịch vụ phục vụ và các chương trình du lịch, thư giãn, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật cuối tuần thú vị

 Đến nơi đây, du khách được tham quan môi trường sống, tìm hiểu tập quán của loài dơi cũng như sinh hoạt cùng cách săn mồi của cá sấu. Tại khu trung tâm, khách có thể thư giãn tại một hồ bơi tự nổi độc. Nhờ việc bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, tại Vàm Sát hiện đã xây dựng thành công một sân chim tự nhiên với diện tích hơn 100ha. Từ chòi quan sát trên cao, du khách có thể ngắm nhìn sân chim qua ống nhòm. Nếu muốn, du khách còn có dịp được ngồi thuyền, băng đồng vào thám hiểm sân chim. Len lỏi qua những bụi chà là gai góc, là vô vàn tổ chim, có ổ còn trứng, có ổ đã nở thành chim non trông thật sinh động. Khi nắng chiều dần tắt, những con bay đi kiếm ăn lũ lượt vỗ cánh trở về, dệt nên một bức tranh thiên nhiên đẹp lộng lẫy. Hàng nghìn con chim với đủ loài bay lượn trên bầu trời cao rồi lần lượt sà xuống tạo nên quang cảnh gây ấn tượng sâu sắc.

Bên cạnh Vàm Sát, một điểm đến thú vị khác của du lịch sinh thái là Lâm viên Cần Giờ. Tại đây có du khách được tham quan Bảo tàng Cần Giờ, đi ca-nô thăm rừng ngập mặn, khu căn cứ cách mạng rừng Sác, xem biểu diễn xiếc thú, khu động vật hoang dã với những đàn khỉ tự nhiên rất tinh nghịch, gần gũi với con người, tham quan cá sấu hoa cà thuần chủng đang được bảo tồn. Bảo tàng Cần Giờ đang lưu giữ nhiều hiện vật khảo cổ của vùng đất, minh chứng cho một nền văn hóa cổ lâu đời, phản ánh một cách sinh động về đời sống của những cư dân đầu tiên. Nơi đây còn trưng bày hiện vật qua các thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của quân dân Cần Giờ cùng những tiêu bản hệ động – thực vật rừng ngập mặn

Từ khu Rừng Sát, du khách có thể tiện ghé thăm di tích Giồng Am thuộc thị trấn Cần Thạnh, di tích Giồng Phệt thuộc xã Long Hòa, di tích Giồng Cá Vồ thuộc tả ngoạn sông Hà Thành hay các di tích văn hóa, tôn giáo khác của huyện Cần Giờ

Với vị trí thật đặc biệt của Cần Giờ là hạ lưu của các dòng chảy quan trọng trong khu vực: sông Vàm Cỏ, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn…, đồng thời Cần Giờ với vị thế của một vịnh kín gió, yên bình từ ngàn xa xưa đã chiếm giữ vị trí chiến lược quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của thành phố và giao lưu văn hóa với các tỉnh lân cận.

Ngày nay, khu di lịch sinh thái Rừng Sát Cần Giời đã trở nên quen thuộc với nhiều du khách có sở thích tìm hiểu, khám phá những vùng đất mới. TP.HCM cũng đã có kế hoạch xây dựng khu du lịch Rừng Sát trở thành một khu du lịch hiện đại và hấp dẫn. Trong tương lai, nơi này sẽ thu hút du khách nhiều hơn nữa, mang lại cho huyện Cần Giờ nguồn thu nhập dồi dào.

 Hồng Loan tổng hợp

Bài viết liên quan

  • Tả cảnh biển Nha Trang – Văn hay lớp 6
  • Tả cảnh đẹp của biển – Văn hay lớp 6
  • Tả cảnh sân trường em – Văn hay lớp 2
  • Kể về một ngày hoạt động của mình – Văn hay lớp 6
  • Kể lại sự việc làm em nhớ mãi – Văn hay lớp 7
  • Thuyết minh về chiếc bút máy – Văn hay lớp 8
  • Thuyết minh vể Lễ hội Cầu ngư – Văn hay lớp 12
  • Tả lại một thứ đồ chơi mà em thích nhất – Văn hay lớp 4
0