Thuyết minh về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao
Nam Cao (1917-1951) là một nhà văn hiện thực lớn của Việt Nam, một trong những nhà nhân đạo chủ nghĩa tiêu biểu nhất thế kỷ XX. Sáng tác của ông đã vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của thời gian. Thời gian càng lùi xa, tác phẩm của Nam Cao càng bộc lộ ý ...
Nam Cao (1917-1951) là một nhà văn hiện thực lớn của Việt Nam, một trong những nhà nhân đạo chủ nghĩa tiêu biểu nhất thế kỷ XX. Sáng tác của ông đã vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của thời gian. Thời gian càng lùi xa, tác phẩm của Nam Cao càng bộc lộ ý nghĩa hiện thực sâu sắc, tư tưởng nhân đạo cao cả và vẻ đẹp nghệ thuật điêu luyện, độc đáo. Ông có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện truyện ngắn và tiểu thuyết VN ở nửa đầu thế kỷ XX. “Lão Hạc” là một trong những tác phẩm thành công nhất của NC.
Tác phẩm “Lão Hạc” ra mắt bạn đọc năm 1943. Câu chuyện kể về số phận thê thảm của người nông dân Việt Nam trong bối cảnh đe doạ của nạn đói và cuộc sống cùng túng đã để lại xúc động sâu sắc trong lòng độc giả. Đặc biệt, tác giả đã diễn tả tập trung vào tâm trạng nhân vật chính – lão Hạc – xoay quanh việc bán chó đã giúp ta hiểu thêm tấm lòng của một người cha đáng thương, một con người có nhân cách đáng quý và một sự thực phũ phàng phủ chụp lên những cuộc đời lương thiện.
Qua những tình tiết diễn biến của truyện ngắn, số phận đau khổ đến cùng cực của người nông dân trước cách mạng hiện lên với những gì chân thực nhất, đẫm nước mắt nhất. Cuộc đời lão Hạc là một chuỗi những khổ đau: vợ mất sớm, ở vậy nuôi con, con trai thất tình quẫn chí bỏ đi làm công nhân đồn điền cao su bỏ lại mình lão thui thủi ra vào. Một trận ốm rút hết chút sức tàn của lão, tiền dành dụm bấy lâu tiêu hết, thiên tai mùa màng thất bát, thất nghiệp, lão Hạc lâm vào đường cùng không lối thoát. Mỗi ngày trôi đi là một ngày lão sống trong dằn vặt đau khổ. Lão khổ vì lão bất lực trước cuộc sống, lão bất lực vì không lo nổi một đám cưới cho con khiến con lão phải bỏ đi, và giờ đây lão bất lực vì không thể lo nổi cho chính bản thân mình.
Hình ảnh lão Hạc là hình ảnh tiêu biểu của những người nông dân VN trong đêm đen mịt mùng. Cuộc sống của họ được dựng nên bằng những lời kể rất thật của Nam Cao, ông viết văn mà thực như cuộc đời. Mỗi người nông dân đều thấy bóng dáng mình thấp thoáng trong những tác phẩm của NC: ở hiền mà chẳng gặp lành, nghèo đói, túng quẫn, đau khổ nhưng lương thiện. Nam Cao – với giọng văn rất riêng, với phong cách độc đáo của mình đã thể hiện tình yêu thương vô bờ, niềm cảm thông sâu sắc và hết lòng ca ngợi, trân trọng những phẩm chất tuyệt vời của người nông dân VN trước cách mạng.
Dường như những đức tính tốt đẹp ấy hội tụ đầy đủ trong nhân vật lão Hạc. Trước hết, lão là một người cha mẫu mực, trọn đời sống vì con, chăm lo cho con, yêu thương con trai một cách tha thiết. Sau khi không lo nổi đám cưới cho con để nó quẫn chí phải bỏ đi, lão Hạc luôn sống trong dằn vặt đau khổ. Lão ngày đêm trăn trở vì con, tính toán lo toan cho cuộc sống của con khi nó trở về dù chẳng biết là đến khi nào. Tình yêu lão Hạc dành cho con chính là những cung bậc cao đẹp nhất, tuyệt vời nhất của tình phụ tử thiêng liêng.
Tình yêu con được lão Hạc truyền cả vào tình yêu con chó Vàng mà con lão để lại. Dù nó chỉ là một con chó nhưng lão đối với nó như con người, ăn chung, ngủ cùng, tâm sự như những người bạn. Dường như cao trào của câu chuyện chính là đoạn Nam Cao miêu tả sự đau khổ tột cùng của lão Hạc khi phải bán con chó. Lão yêu nó là thế, thương nó là thế mà phải bán nó đi. Còn gì đau khổ hơn khi phải bán đi người bạn của mình? Nhưng lão Hạc làm thế, tất cả cũng chỉ vì lo cho tương lai của đứa con ở xa.
Bán con Vàng xong lão lại ân hận. Cái lương thiện, sự nhân hậu của một con người cả đời không làm điều ác khiến lão Hạc chua xót, dày vò bởi nỡ lừa bán một con chó. Lão coi nó như con, như bạn mà lại nỡ bán nó đi. Điều ấy khiến lão bị dằn vặt đau khổ cho tới lúc chết.
Cuộc đời của một lão bần nông khiến lão Hạc chẳng có lấy một ngày no đủ. Nhưng phẩm chất lương thiện tốt đẹp của một con người chân chính khiến lão dù nghèo nhưng chưa bao giờ trộm cắp của ai, dù thiếu thốn nhưng chưa ngửa tay xin ai cái gì. Cũng chỉ vì yêu thương con, lo lắng cho tương lai của nó và bảo vệ đến cùng bản tính lương thiện của mình, lão Hạc đã đi đến quyết định đau đớn nhất cuộc đời: lão tự tử bằng bả chuột.
Chắc hẳn ai đã từng một lần đọc “Lão Hạc” thì không thể cầm lòng được trước cái chết đau đớn, khốc liệt của lão. Muốn chết mà cũng khổ đến thế sao? Nhưng lão chết mà vẫn còn lo lắng sắp đặt cho cái chết của mình, lão bình tĩnh lo hậu sự để không phiền đến bà con xóm giềng. Lão chấp nhận chết để bảo toàn số tiền cho con, chết để giữ lại lương thiện, chết trong đau đớn nhưng trong sạch.
Mỗi lời văn của NC là một lời ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân. Ông yêu mến họ, thương cảm họ và trân trọng họ. Những người nông dân phải sống cuộc sống tăm tối khổ đau trước cách mạng nhưng vẫn giữ trọn những gì trong sáng nhất, cao cả nhất, đẹp đẽ nhất của những con người lương thiện.
Thành công của truyện ngắn “Lão Hạc” không chỉ dừng lại ở nội dung hiện thực phê phán hết sức tiêu biểu và sinh động mà còn thành công bởi giá trị nghệ thuật đặc sắc.
Đọc tác phẩm của Nam Cao ta thấy như đang được nghe kể những câu chuyện có thật trong cuộc đời bởi cách kể chuyện, dẫn dắt chuyện rất tự nhiên. Lời văn của Nam Cao mộc mạc, chân thành dường như tự bản thân nó đã thế, chẳng cần trau chuốt cầu kỳ. Điều đó khiến độc giả càng hiểu hơn, càng cảm thông và yêu thương hơn những người nông dân Việt Nam nghèo khó, đau khổ nhưng cao đẹp tuyệt vời. Có lẽ, văn chương NC chính là cuộc đời, là tiếng lòng của mỗi con người. Văn chương và cuộc đời dường như không còn ranh giới, khoảng cách.
Nam Cao là nhà văn có biệt tài đi sâu miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật mà khó có nhà văn nào sánh được. Dưới ngòi bút Nam Cao, từng chi tiết nhỏ nhất, sâu kín nhất của nhân vật cũng được thể hiện một cách chân thực. Lão Hạc, sau khi bán con Vàng đã ân hận, đau khổ khôn nguôi. Lão cố giấu đấy, nhưng càng giấu càng lộ, bởi lão đau khổ quá rồi.
“Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước… Mặt lão đột nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”
Khuôn mặt lão Hạc hiện ra với những cung bậc tình cảm đau đớn nhất, ân hận đến tột cùng. Ngòi bút miêu tả của nhà văn đã thực sự thành công trong đoạn văn này. Những chi tiết nhỏ nhất trên khuôn mặt nhân vật được NC “vẽ” nên bằng ngôn từ biểu cảm. Có lẽ chính tình yêu thương con người thiết tha đã giúp NC có những cảm nhận tinh tế, miêu tả sắc nét đến như vậy.
Không những thế, nhà văn tài ba NC còn đọc được cả những băn khoăn trăn trở của lão Hạc, những lo toan tính toán vun vén cho con trai ngày nó trở về thể hiện tấm lòng của một người cha đáng kính. Dưới ngòi bút miêu tả của NC, lão Hạc trở thành một hình mẫu người nông dân Việt Nam điển hình: nghèo đói nhưng lương thiện, đau khổ nhưng cao đẹp, lo toan cho gia đình cả đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Những dòng cuối cùng của truyện ngắn “Lão Hạc” kết thúc, độc giả vẫn thấy day dứt khôn nguôi. Ta không chỉ thương cảm cho số phận những người nông dân khốn cùng, không chỉ cảm thông, chia sẻ cùng nỗi đau, sự vất vả của họ mà còn thêm trân trọng họ bởi những đức tính cao đẹp và lương thiện. Đó chính là thành công lớn nhất của NC khi ông tìm được sự đồng cảm của độc giả với những nhân vật của mình. Với sự quan sát tỉ mỉ thực tế cuộc sống, với cảm nhận tinh tế về số phận con người, và nhất là với tấm lòng yêu thương trân trọng con người đến thiết tha sâu nặng, Nam Cao đã viết nên những tác phẩm bất hủ đến muôn đời.