03/06/2017, 23:24

Thuyết minh về một nhà văn địa phương - Ngô Tất Tố

Đông Anh, một vùng đất ngoại thành Hà Nội quê em là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Nơi đây đà sản sinh cho đất nước nhiều văn sĩ có tài. Nhà văn Ngô Tất Tố cũng là một người con ưu tú của vùng quê địa linh nhân kiệt này. Ngô Tất Tố sinh năm 1894 ở xã Mai Lâm, xưa kia là làng Lộc Hà, ...

Đông Anh, một vùng đất ngoại thành Hà Nội quê em là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Nơi đây đà sản sinh cho đất nước nhiều văn sĩ có tài. Nhà văn Ngô Tất Tố cũng là một người con ưu tú của vùng quê địa linh nhân kiệt này.

Ngô Tất Tố sinh năm 1894 ở xã Mai Lâm, xưa kia là làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh. Từ nhỏ, ông đã theo học chữ Nho. Năm Nhâm Tý 1912, ông bắt đầu dự thi. Đến năm ất Mão 1915 ông đỗ đầu kì sát hạch, nên được gọi là đầu xứ Tố. Năm 1926, Ngô Tất Tố ra Hà Nội làm báo rồi cùng với Tản Đà vào Sài Gòn. Sau gần ba năm ở Sài Gòn không thành công, Ngô Tất Tố trở ra Hà Nội vẫn với hai bàn tay trắng.
 
Từ đó đến trước Cách mạng tháng Tám, ông từng làm nhiều nghề: dạy học, bốc thuốc, làm báo, viết văn,... ông viết bài cho các báo: Phổ thông, Tương lai, Công dân, Đông Pháp, Thời vụ, Hà Nội tân văn... với nhiều bút danh khác nhau như: Thục Điểu, Lộc Hà, Lộc Đình, Thôn Dân, Phó Chi, Tuệ Nhơn, Thuyết Hải, Xuân Trào, Hy Cừ...
 
Trong cách mạng tháng Tám, ông tham gia Ủy ban giải phóng xã Lộc Hà. Năm 1946 gia nhập Hội văn hoá Cứu quốc và lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp, ông từng là Chi hội trưởng Chi hội Văn
nghệ Việt Nam, hoạt động ở sở thông tin khu XII, tham gia viết báo Cứu quốc khu VII, Thông tin khu VII, tạp chí Văn nghệ,... và viết văn. Ông đã là Uỷ viên Ban chấp hành Hội văn nghệ Việt Nam (Trong Đại hội Văn nghệ lần thứ nhất - 1948).
 
Ngô Tất Tố có viết nhiều công trình nghiên cứu như: Phê bình Nho giáo của Trần Trọng Kim (1938), Mặc Tử (1942), Kinh dịch (1944)... trong đó ông phê phán những tư tưởng tiêu cực của Nho học. Những tác phẩm đã xuất bản của ông đa dạng ở nhiều thể loại: Ngô Việt xuân thu (dịch, 1929); Hoàng Hoa Cương (dịch, 1929); Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ (truyện kí lịch sử, 1935); Đề Thảm (truyện kí lịch sử, viết chung, 1935); Tắt đèn (tiểu thuyết; báo Việt Nữ, 1939; Mai Lĩnh xuất bản, 1940); Lều chõng (phóng sự tiểu thuyết, 1940; đăng báo Thời vụ, 1941; Mai Lĩnh xuất bản, 1952); Thơ và tình (dịch thơ Trung Quốc, 1940); Đường Thi (sưu tầm, chọn và dịch, 1940); Việc làng (phóng sự, báo Hà Nội tân văn, 1940; Mai Lĩnh xuất bản, 1941); Thi văn bình chú (tuyển chọn, giới thiệu, 1941); Văn học đời Lí (tập I) và Văn học đời Trần (tập II, trọn bộ Việt Nam văn học - nghiên cứu, giới thiệu, 1942); Lão Tử (soạn chung, 1942); Mặc Tử (biên soạn, 1942); Hoàng Lê nhất thống chí (dịch, tiểu thuyết lịch sử, 1942; báo Đông Pháp, 1956); Kinh dịch (chú giải, 1953); Suối thép (dịch, tiểu thuyết, 1946); Trước lửa chiến đấu (dịch, truyện vừa, 1946); Trời hửng (dịch, truyện ngắn, 1946); Duyên máu (dịch, truyện ngắn, 1946); Doãn Thanh Xuân (dịch, truyện ngắn, 1946, 1954); Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác (chèo, 1951).
 
Hai sáng tác nổi tiếng của Ngô Tất Tố là "Lều chõng" và "Tắt đèn”.
 
Trong cuốn tiểu thuyết Lều chõng, ông mô tả cảnh thi cử dưới chế độ xã hội phong kiến xưa, nêu lên sự sụp đổ tinh thần của những nho sĩ suốt đời lấy khoa cử làm con đường tiến thân nhưng lại bị hoàn toàn thất vọng.
 
Tắt đèn là tác phẩm thành công nhất của Ngô Tất Tố, trong đó ông nêu lên cảnh cơ khổ cùng cực của tầng lớp nông dân Việt Nam dưới sự bóc lột cay nghiệt của giới địa chủ. Tác phẩm phản ánh không khí ngột ngạt, căng thẳng của một làng quê trong những ngày sưu thuế. Gia đình chị Dậu thuộc loại "cùng đinh" nhất nhì trong làng, không có tiền đóng sưu cho chồng và người em chồng đã mất (!). Chị cay đắng bán con, bán chó lấy tiền đóng sưu nhưng vẫn không đủ. Anh Dậu bị bắt giam lại, đường cùng, chị chống trả sự bắt bớ của chính quyền một cách quyết liệt. Vì vậy, chị bị bắt giải lên huyện. Tên tri phủ Tư Ân dùng tiền để lợi dụng chị nhưng chị kiên quyết chống lại. Để có tiền nộp sưu cho chồng, chị phải đi ở vú, bị tên quan phủ già định giở trò bỉ ổi, chị đã vùng chạy ra sân, giữa lúc trời tối đen như mực.
 
Ghi nhận những đóng góp của Ngô Tất Tố, Hội văn nghệ Việt Nam và Nhà nước đã dành tặng nhà văn những giải thưởng cao quý. Đó hai giải thường trong giải thưởng văn nghệ 1949 - 1952 của Hội văn nghệ Việt Nam: giải ba dịch (Trời hửng, Trước lửa chiến đấu) và giải khuyến khích (vở chèo Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác). Sau khi qua đời, ông đã được Hội đồng
 
Nhà nước quyết định truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996.

0