16/01/2018, 13:06

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh (Chợ Bến Thành) – Văn mẫu lớp 8

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh (Chợ Bến Thành) – Văn mẫu lớp 8 Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh (Chợ Bến Thành) – Bài số 1 Nằm ở khu vực trung tâm thành phố, từ lâu chợ Bến Thành đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn. Không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, gần một trăm năm ...

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh (Chợ Bến Thành) – Văn mẫu lớp 8

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh (Chợ Bến Thành) – Bài số 1

Nằm ở khu vực trung tâm thành phố, từ lâu chợ Bến Thành đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn. Không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, gần một trăm năm qua ngôi chợ này đã trở thành một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay thăng trầm của thành phố, là bộ mặt kinh tế nói lên sự phát triển của một thành phố thương mại lớn nhất nước và là điểm giao hòa giữa Sài Gòn xưa và nay.

Nằm ở khu vực trung tâm thành phố, từ lâu chợ Bến Thành đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn. Không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, gần một trăm năm qua ngôi chợ này đã trở thành một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay thăng trầm của thành phố, là bộ mặt kinh tế nói lên sự phát triển của một thành phố thương mại lớn nhất nước và là điểm giao hòa giữa Sài Gòn xưa và nay.

Những năm gần đây chợ Bến Thành còn là địa điểm tham quan không thể thiếu cho bất cứ tour du lịch nào đến TP. Hồ Chí Minh. Hẳn nhiên, du khách đến chợ không chỉ đơn thuần để tìm mua những hàng hóa hay quà lưu niệm mà còn tìm ở đó chút hình ảnh riêng, một cá tính đặc trưng thể hiện trong những sinh hoạt đời thường của một thành phố mà chợ chính là nơi bộc lộ rõ nhất.

Hình thành từ trước khi người Pháp đặt chân đến vùng đất này, ngôi chợ khởi thủy nằm ven sông Bến Nghé, ở một bến cận thành Quy (thành Gia Định) nên có tên là Bến Thành. Đến năm 1911, chính quyền thuộc địa Pháp quyết định dời chợ về vị trí hiện nay, khi ấy còn là một cái ao sình lầy. Chợ được khởi công từ năm 1912 cho đến cuối tháng 3-1914 mới hoàn tất và hoạt động liên tục kể từ đó cho đến nay.

Bến Thành được xem là chợ bán lẻ quy mô nhất theo nghĩa có thể tìm thấy tại nơi này đủ thứ mặt hàng, từ bình dân đến cao cấp, đặc biệt hàng thực phẩm thuộc loại chọn lọc nhất. Ở đây không thiếu một thứ gì, từ củ hành, trái ớt, mớ rau, con cá, đủ loại hoa quả mùa nào thức nấy, cho tới bánh kẹo, vải vóc, giày dép, túi xách, đồ điện, điện tử, hàng lưu niệm…

Cổng chính chợ Bến Thành với tháp đồng hồ – biểu tượng của Sài Gòn – đối diện quảng trường Quách Thị Trang. Chợ Bến Thành có tổng diện tích 13.056m², trung bình mỗi ngày đón khoảng 10.000 lượt khách lui tới mua bán và tham quan. Chợ có 1.437 sạp, 6.000 tiểu thương, 11 doanh nghiệp, với bốn cửa chính và 12 cửa phụ tỏa ra bốn hướng.

Cửa Nam (nhìn ra quảng trường Quách Thị Trang) với biểu tượng ngôi tháp đồng hồ ba mặt, là cổng chính, bên trong nhà lồng là nơi bày bán các mặt hàng vải vóc và thực phẩm khô. Cửa Bắc (phía đường Lê Thánh Tôn) rực rỡ với những gian hàng hoa tươi và trái cây mời gọi người qua đường. Cửa Ðông (phía đường Phan Bội Châu) hấp dẫn khách hàng bởi các loại mỹ phẩm và bánh kẹo đầy màu sắc. Cửa Tây (phía đường Phan Chu Trinh) lại là nơi thu hút phái đẹp vì sự đa dạng về kiểu dáng và kích cỡ của giày dép, hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh (Chợ Bến Thành) – Bài số 2

Nằm ở trung tâm thành phố, chợ Bến Thành rất đỗi quen thuộc với người dân Việt và du khách quốc tế khi đến tham quan du lịch thành phố Hồ Chí Minh. Chợ Bến Thành được hình thành và phát triển trong vòng trên dưới 100 năm nay và đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn.

Chợ Bến Thành hiện nay được xây trên một cái ao sình lầy có tên là Bồ rệt (Marais Bosesse) được san lấp. Quyết định được đưa ra vào năm 1911 và đồ án của nhà Brossard et Mopin được chấp thuận năm 1912. Khánh thành linh đình gọi là lễ “Khai tân thị” vào tháng 4 năm 1914. Cái tên Bến Thành đã có từ trước khi chợ dời về vị trí như hiện nay. Vị trí đầu tiên của chợ là nằm sát ven sông – một bến nước của thành Gia Định cũ nên được mang tên là chợ Bến Thành. Sau đó để có mặt bằng làm bến tàu, Pháp cho dời chợ về vị trí kinh lắp (nay là đường Nguyễn Huệ) lúc này chợ không nằm ở bến sông nữa nhưng đồng bào vẫn dùng tên truyền thống là Bến Thành để gọi. Lần di chuyển thứ hai đến vị trí hiện nay vẫn gọi là chợ Bến Thành hoặc chợ mới Sài Gòn như được nói ở trên. Như vậy, chợ Bến Thành hiện nay được khai trương năm 1914 nằm trên diện tích rộng 12 ngàn m2 mặt chính hướng ra bùng binh round point Cuniac (Quách Thị Trang); mặt sau là đường Espagne (Lê Thánh Tôn); bên hông phải là đường Schroeder (Phan Chu Trinh) cũng là bến xe đò đi miền Tây; bên hông trái là đường Vienot (Phan Bội Châu) là bến xe đi miền Đông. Phía trước bên phải chợ là ga xe lửa (Công viên 23/9) có tuyến đường xuống Chợ Lớn và lên Lái Thiêu; phía trước bên trái là đường Bona (Lê Lợi).

Đầu thế kỷ 17, khi người Việt đến lập cư ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thì vùng đất Sài Gòn xưa trở thành nơi phố chợ đông đúc náo nhiệt nhất vùng nam Kỳ lục tỉnh. Năm 1859, có một chợ nhỏ nằm ở khu đất đồng lầy kề bên bờ sông Bến Nghé và sát thành Sài Gòn. Chợ Bến Thành được mô tả trong sử cũ như sau: Đó là một “phố chợ nhà cửa trù mật ở dọc theo bến sông. Chổ đầu bến này có lệ đến đầu mùa xuân gặp ngày tế mạ, có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang chở khách buôn ngoài biển lên. Đầu phố phía Bắc là ngòi Sa ngư, có gác cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có dãy phố ngói, tụ tập trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông ghe buôn lớn nhỏ đến đậu nối liền”. Thời ấy, đất Gia Định là một vùng nông nghiệp trù phú nên chợ Bến Thành đầy hàng hóa, nào gạo, cá khô, tôm khô, cau, đường… bán ra để mua tơ lụa, quả thô, nhang, quạt, trà, đồ sành sứ, thuốc uống, dược thảo… từ nước ngoài mang đến. Sở dĩ có tên là Chợ Bến Thành là vì chợ gần bến sông và gần thành Qui. Đây chính là khu vực mà nay dành cho thương cảng Sài Gòn. Sau cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (1833-1835) phố chợ Bến Thành không còn sầm uất như trước. Chợ được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh.

Sau khi đánh chiếm Gia Định, thực dân Pháp đã cho lập một nhà lồng làm chợ ở ngay trên nền đất mà nay là trường Trung học Ngân Hàng 3. Ngôi chợ này bị cháy năm 1870, nhưng đã được trùng tu với sườn sắt. Trước nhà lồng chợ có con kinh rộng chạy đến trước cửa tòa nhà nay là trụ sở của Ủy ban Nhân dân thành phố. Đến năm 1887-1888 thì con kinh này được lấp lại, làm cho khu vực Võ Di Nguy, Tôn Thất Thiệp trở nên náo nhiệt hơn. Đại lộ Nguyễn Huệ trước kia là đường kinh lấp. Ngôi chợ Bến Thành được chuyển đến vị trí ngày nay. Nhà lồng chợ được khởi công xây cất trên vùng đất trước đó là một ao sình lầy gọi là ao Boresse. Thế là chợ Bến Thành xưa trở thành Chợ Cũ, còn Chợ Bến Thành mới được gọi là Chợ Mới Sài Gòn. Ngôi chợ này được khởi công xây cất từ khoảng năm 1912 và khánh thành vào tháng 3 năm 1914. Ngày khánh thành có khoảng 100.000 người tham dự, có cả dân từ các tỉnh đổ về. Cuộc lễ diễn ra trong ba ngày 28, 29 và 30 tháng 3 năm 1914 với pháo bông, xe hoa. Hai con đường bên hông chợ mãi đến năm 1940 còn là bến xe đò miền Đông và miền Tây. Gần một trăm năm qua, chợ Bến Thành bao giờ cũng là một trung tâm thương mại, trung tâm phồn hoa náo nhiệt của thành phố Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ cũ. Dần dần nó trở thành một chợ lớn, nơi tập trung những mặt hàng quí hiếm của trong nước và nước ngoài.

Sau ngày giải phóng, năm 1975, chợ Bến thành được sắp xếp và cải tạo lại một cách gọn gàng và ngăn nắp hơn. Trong chợ Bến Thành ngày nay chúng ta có thể tìm thấy đủ loại hàng hóa, từ thực phẩm vật dụng hàng ngày, hàng nhập cảng cũng như hàng nội hóa, từ những mặt hàng thông thường đến những hàng xa xỉ phẩm. Tính từ năm 1914 chợ Bến Thành đã trải qua bao thăng trầm và chứng nhân của bao biến cố và sự kiện lịch sử của hơn nửa thế kỷ đấu tranh chống ngoại bang giành độc lập. Năm 1944 chợ bị máy bay đồng minh ném bom làm hư hại nặng nề ; năm 1950 được trùng tu lại; năm 1951 ngày 9/11, hàng vạn học sinh, sinh viên biểu tình đã đốt phá chợ bày tỏ lòng căm phẫn đối với thực dân Pháp và tay sai ; đầu thập niên 70 chính quyền Sài Gòn có ý định phá dỡ chợ Bến Thành để xây mới hoàn toàn theo đồ án của kiến trúc sư Huỳnh Kim Mảng.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh (Chợ Bến Thành) – Bài số 3

Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong toạ độ địa lý khoảng 10 0 10’ – 10 0 38 vĩ độ bắc và 106 0 22’ – 106 054 ’ kinh độ đông . Phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh , Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang.

Thành phố Hồ Chí Minh cách thủ đô Hà Nội gần 1.730km đường bộ, nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Ðông sang Tây, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á. Trung tâm thành phố cách bờ biển Đông 50 km đường chim bay. Đây là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh trong vùng và là cửa ngõ quốc tế . Với hệ thống cảng và sân bay lớn nhất cả nước, cảng Sài Gòn với năng lực hoạt động 10 triệu tấn /năm. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với hàng chục đường bay chỉ cách trung tâm thành phố 7km.

Sài Gòn cổ xưa được thành lập từ năm 1623, nhưng tới năm 1698, Chúa Nguyễn mới cử Thống soái Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Phương Nam, khai sinh ra thành phố Sài Gòn. Năm 1911, Sài Gòn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại ra đi tìm đường cứu nước, khi đất nước thống nhất, Quốc Hội khoá VI họp ngày 2.7.1976 đã chính thức đổi tên Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh .

Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố trẻ, với hơn 300 năm hình thành và phát triển, thành phố có rất nhiều công trình kiến trúc cổ, nhiều di tích và hệ thống bảo tàng phong phú.

Với vị trí địa lýthuận lợi, Sài Gòn – nơi một thời được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông" đã là trung tâm thương mại và là nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em, mỗi dân tộc có tín ngưỡng, sắc thái văn hoá riêng góp phần tạo nên một nền văn hoá đa dạng. Đặc trưng văn hoá của vùng đất này là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống dân tộc với những nét văn hoá phương Bắc, phương Tây, góp phần hình thành lối sống, tính cách con người Sài Gòn. Đó là những con người thẳng thắn, bộc trực, phóng khoáng, có bản lĩnh, năng động, dám nghĩ, dám làm .

Năng động và sáng tạo, Thành phố Hồ Chí Minh luôn đi đầu cả nước trong các phong trào xã hội, nơi đầu tiên trong cả nước được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục trung học.

Với vai trò đầu tàu trong đa giác chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá – du lịch, giáo dục – khoa học kỹ thuật – y tế lớn của cả nước.

Trong tương lai, thành phố sẽ phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, có cơ cấu công nông nghiệp hiện đại, có văn hoá khoa học tiên tiến, một thành phố văn minh hiện đại có tầm cỡ ở khu vực Đông Nam Á.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh (Chợ Bến Thành) – Bài số 4

Không nói ra chắc ai cũng biết Chợ Bến Thành đã trở thành một trong những biểu tượng của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong các biển quảng cáo du lịch Việt Nam ở nước ngoài (và trong nước nũa), các công ti du lịch thường lấy Chợ Bến Thành làm hình ảnh thu hút du khách, và các nghệ sĩ chuyên thiết kế những biểu tượng du lịch cũng thường lấy hình tượng thiết kế Chợ (như cái nóc chợ, hay đồng hồ trước Chợ) làm icon cho du lịch TPHCM và Việt Nam. Cũng như bao nhiêu người Việt khác, tôi chẳng lạ lùng gì với Chợ Bến Thành. Nhưng cũng cả hơn 20 năm, tôi không ghé vào Chợ Bến Thành, vì không có dịp, hay có dịp thì lại nghĩ chắc cũng chẳng có gì mới để tốn thì giờ. Tuy nhiên, lần này vì ở khách sạn gần đó, nên tôi quyết định đi tham quan cho biết xem Chợ có gì mới hay không.

Sáng sớm (chắc khoảng 7 giờ), tôi lang thang đến các quán vỉa hè ăn sáng, rồi thả bách bộ vào Chợ BT. Tôi ngạc nhiên thấy Chợ bây giờ sạch sẽ và thứ tự hơn trước kia rất nhiều. Những quầy bán quần áo, bán đồ khô, bán thịt và rau cải, bán đồ lưu niệm, v.v… được tổ chức theo từng khu vực một cách có trật tự. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các quầy hàng thì quá hẹp làm cho khách đi lại rất khó khăn, và cũng rất có thể cách sắp xếp này tiềm ẩn nguy cơ bị … móc túi.

Mới bước vào đã có nhiều lời mời mọc bằng tiếng Anh, tiếng Tàu, Nhật, Hàn, v.v… vì người ta tưởng tôi là người ngoại quốc! Một em bé, chắc độ 15-16 tuổi, hỏi dồn dập nhưng lịch sự: What can I do for you, sir (tôi có thể làm gì cho ngài), What are you looking for, sir (ngài tìm gì), This shirt one is really nice (Cái áo này thật là dễ thương). Em nói một cách tự nhiên, phát âm tuy không chuẩn mấy nhưng nghe được. Tôi cũng giả bộ đóng vai du khách để … đùa vui. Tôi hỏi rằng những quần áo trong quầy hàng có phải là đồ nhái hay không, thì em đính chính là không phải đâu, toàn đồ thật không đó. Tôi bèn chỉ ra những logo được thêu một cách sơ sài (như logo của hãng Nautica được thêu không đúng), những đường may còn thô và không đúng với đồ thật, và nhất là vải thì không đạt chuẩn chất lượng. Chưa nói đến chất lượng, mà chỉ nói về hình thái, những hàng nhái của Việt Nam rất kém và rất dễ nhận ra. Họ chỉ có một kiểu may duy nhất, và cứ thế mà gắn các nhãn mác vào. Đó là một kiểu nhái lười biếng. Có vẻ thấy tôi là khách khó “dụ” nên em cũng thú nhận là hàng nhái, rồi giả lả cười nói giá chỉ có vài trăm ngàn thì chỉ thế thôi. Đến đây thì tôi nói bằng tiếng Việt làm em bé ngỡ ngàng, và trách sao nãy giờ không chịu nói tiếng Việt làm em uốn lưỡi nói tiếng Anh rất mệt!

Nói chuyện một lúc tôi mới biết những người bán hàng ở đây đều tự học tiếng nước ngoài qua khách hàng, chỉ học đủ từ vựng để giao tiếp và buôn bán thôi. Kể ra cũng khâm phục cho giới tiểu thương Việt Nam nói chung, vì họ rất … thông minh. Chắc chắn là thông minh hơn đồng nghiệp Thái Lan, những người chỉ biết dùng máy tính để nói chuyện và mặc cả với khách hàng. Nhìn qua phong cách nói tiếng ngoại quốc ở đây, tôi tự dưng nghĩ đến sự linh động của giới tiểu thương Việt Nam, nhất là ở phía Nam, nghĩ đến khả năng buôn bán của người dân. Chính họ là động cơ góp phần phát triển kinh tế Việt Nam.

Tuy vậy, tôi vẫn thấy những cảnh chèo kéo khách nước ngoài xảy ra ngay trong Chợ. Ngoài những lời mời đủ thứ tiếng Tây Tàu, còn có vài thái độ và hành động không mấy đẹp. Tôi đã thấy có chị bán hàng kéo tay khách đến quầy hàng của mình để giới thiệu hàng. Chính tôi cũng bị một chị bán hàng lưu niệm kéo tay đến xem hàng hóa của chị, nhưng sau một hồi không thuyết phục được tôi, chị đành nói: “Rồi, bữa nay hông hên chút nào hết!” Khách Âu Mĩ cũng bị lôi kéo sềnh sệch. Có lẽ các vị bán hàng ấy không biết, chứ đối với người phương Tây, chuyện nắm tay người ta kéo đi là một việc mất lịch sự, nếu không muốn nói là thô lỗ. Nói vậy thôi, chứ tôi thấy khách có vẻ cũng vui vẻ, không tỏ ý bất mãn gì, có lẽ họ xem đó là đặc thù của văn hóa buôn bán ở Việt Nam.

Bến Thành còn có chợ đêm, cũng rất nhộn nhịp. Một hôm khoảng 10 giờ tối, tôi lang thang ra chợ đêm để ăn uống và hòa mình vào thế giới đêm của Chợ. Nói chung, các hàng quán thức ăn ở đây ngon miệng mà giá cả thì vừa túi tiền, chứ không quá đắt như những quán “upmarket” nhưng thức ăn thì không mấy ngon. Bởi vậy, giới du khách phương Tây hay chỉ bảo nhau rằng ở Việt Nam, muốn ăn ngon thì nên tìm đến những quán bình dân hay quán vỉa hè, chứ đừng có dại dột mà “chui” vào các quán sang trọng để bị “chém”. Nói thì nói thế, chứ nếu tôi mà muốn đãi khách Tây phương thì chắc tôi phải chọn nhà hàng sạch sẽ thôi, chẳng lẽ phải đem họ ra những nơi vỉa hè mà vệ sinh và an toàn thực phẩm vẫn là một câu hỏi lớn. Thật vậy, nhìn vào cách rửa chén bát hay xử lí rau cải của các hàng quán bán thức ăn ở Chợ Bến Thành, thực khách chắc cũng hơi … ngán. Ngán thì ngán, nhưng cứ nhắm mắt ăn ngon miệng, rồi sau đó sẽ nhờ lomotil bảo vệ.

0