Thực dân Pháp tấn công cửa biển Thuận An. Hiệp ước 1883 và Hiệp ước 1884
Thực dân Pháp tấn công cửa biển Thuận An. Hiệp ước 1883 và Hiệp ước 1884 Quân Pháp tấn công cửa biển Thuận An. ...
Thực dân Pháp tấn công cửa biển Thuận An. Hiệp ước 1883 và Hiệp ước 1884
Quân Pháp tấn công cửa biển Thuận An.
1.Quân Pháp tấn công cửa biển Thuận An
Sau khi thất bại trong trận Cầu Giấy lần thứ hai (19-5-1883), khác với lần trước, thực dân Pháp càng củng cố dã tâm xâm chiếm toàn bộ Việt Nam.
Nhân cái chết của Ri-vi-e, tư bản Pháp lớn tiếng kêu gọi “trả thù”. Một kế hoạch về tài chính và quân sự nhanh chóng được thông qua.
Nhân lúc triều đình bận rộn vì vua Tự Đức mới qua đời (7-7-1883), thực dân Pháp đã quyết định đánh thẳng vào Huế, buộc triều đình nhà Nguyễn phải đầu hàng.
Sáng 18-8-1883, hạm đội của Pháp do Đô đốc Cuốc – bê chỉ huy tiến vào Thuận An, “cửa họng” của Kinh thành Huế. Cuốc bê đưa tối hậu thư đòi triều đình giao toàn bộ các pháo đài. Từ 4 giờ chiều hôm đó, quân Pháp bắt đầu nổ súng và công phá trong suốt 2 ngày liền. Ngày 20-8-1883, chúng đổ bộ lên bờ. Quân dân ta anh dũng chống trả. Các quan trấn thru Lê Sĩ, Lê Chuẩn, Lâm Hoành, Nguyễn Trung và nhiều binh sĩ đã hi sinh trong chiến đấu. Đến chiều tối, toàn bộ cửa Thuận An lọt vào tay giặc.
2.Hai bản hiệp ước 1883 và 1884. Nhà nước phong kiến Nguyễn đầu hàng
Được tin Pháp mở cuộc tấn công, triều đình Huế vô cùng bối rối, xin đình chiến. Ngày 25-8-1883, triều đình Huế kí với Pháp một bản hiệp ước do Pháp thảo sẵn (thường được gọi là Hiệp ước Hácmăng).
Hiệp ước Hácmăng có những nội dung chủ yếu sau đây:
Việt Nam đặt dưới sự “bảo hộ” của Pháp. Nam Kì là xứ thuộc địa từ năm 1874 nay được mở rộng ra đến hết tỉnh Bình Thuận, Bắc Kì (gồm cả Thanh-Nghệ-Tĩnh) là đất bảo hộ. Trung Kì (phần đất còn lại) giao cho triều đình quản lí.
Đại diện của Pháp ở Huế trực tiếp điều khiển các công việc ở Trung Kì.
Mọi việc giao thiệp của Việt Nam với nước ngoài (kể cả với Trung Quốc) đều do Pháp nắm giữ.
Về quân sự, triều đình phải nhận các huấn luyện viên và sĩ quan của Pháp, phải triệt hồi binh lính từ Bắc Kì về kinh đô (Huế). Pháp được đóng đồn binh ở những nơi xét thấy cần thiết ở Bắc Kì, được toàn quyền xử trí đội quân Cờ đen.
Về kinh tế: Pháp nắm và kiểm soát toàn bộ các nguồn lợi trong nước.
Mặc dù triều đình đã kí Hiệp ước Hácmăng, ra lệnh giải tán phong trào kháng chiến của nhân dân ta, nhưng các hoạt động chống Pháp ở các tỉnh Bắc Kì vẫn không chấm dứt. Nhiều trung tâm kháng chiến tiếp tục hình thành. Những toán nghĩa binh dưới sự chỉ huy của các quan lại chủ chiến như Nguyễn Thiện Thuật, Tạ Hiền, Phan Vụ Mẫn, Hoàng Đinh Kinh…đã phối hợp với lực lượng quân Thanh (kéo sang từ mùa thu năm 1882) liên tiếp tấn công quân Pháp, gây cho chúng nhiều thiệt hại.
Để chấm dứt chiến sự, từ tháng 12-1883 quân Pháp tiến hành các cuộc hành binh nhằm tiêu diệt các ổ đề kháng còn sót lại. Chúng đưa quân lên chiếm Sơn Tây, Bắc Ninh, Tuyên Quang và tiến hành thương lượng để loại trừ sự can thiệp của triều đình Mãn Thanh bằng bản Quy ước Thiên Tân (11-5-1884). Tiếp đó, Chính phủ Pháp cử Pa-nơ-nốt sang Việt Nam và kí với triều đình Huế bản Hiệp ước mới vào ngày 6-6-1884.
Bản Hiệp ước 6-6-1884 (Hiệp ước Patơnốt) gồm 19 khoản, căn bản dựa trên Hiệp ước Hácmăng (25-8-1883), nhưng được sửa chữa một số điều nhằm xoa dịu dư luận và mua chuộc thêm những phần tử phong kiến hàng đầu.