05/06/2017, 00:02

“Thơ là thơ, đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng” (Sóng Hồng - Thơ - NXB Văn học 1966, tr 5). Anh (Chị) hãy bình luận và làm sáng tỏ quan niệm.

Giấc mơ thường đem đến cho chúng ta những điều kì diệu. Đúng vậy. Có lần tôi đã mơ thấy mình lạc vào miền không gian thơ. Đong đầy trong nước mắt tôi là sắc biếc của bầu trời xanh, ánh sáng của những vì sao đêm long lanh như chẳng bao giờ tắt. Lắng tai nghe tôi thấy du dương của những bản ...

Giấc mơ thường đem đến cho chúng ta những điều kì diệu. Đúng vậy. Có lần tôi đã mơ thấy mình lạc vào miền không gian thơ. Đong đầy trong nước mắt tôi là sắc biếc của bầu trời xanh, ánh sáng của những vì sao đêm long lanh như chẳng bao giờ tắt.

Lắng tai nghe tôi thấy du dương của những bản “nguyệt cầm”, của những con sóng khát khao ngàn năm không thoả. Thơ có hoạ, có chạm khắc và có nhạc. Đó chỉ là một giấc mơ? Không ! Bản chất thực của thơ ca là như vậy. Nói như Sóng Hồng: “Thơ là thơ, đồng thời là hoạ, là nhạc là chăm khắc theo một cách riêng”.
 
Sinh ra từ tâm hồn và trái tim con người, thơ đã trở thành tri âm của nhân loại từ bao thế kỉ qua. Thơ là một phần của thế giới nội tâm, của đời sống tâm linh con người. Yêu thơ, và coi thơ như người bạn tri kỉ của mình, người ta đã tìm cho thơ nhiều cách lí giải, định nghĩa. Ai đó đã từng coi thơ là “rượu của quỉ sa tăng”, thơ là “địa hạt của huyền bí và thần thánh”. Cũng có người cho rằng, “thơ là lửa”, “thơ là sự sung mãn của tình cảm mãnh liệt” (Banzắc). Không là người lang thang trên những nẻo đường thơ ca để mong tìm được cho thơ một định nghĩa vẹn toàn. Nhưng có lẽ họ đều bất lực. Bởi con người không ngừng yêu quí thơ ca cũng như không thoả mãn trước bất cứ một định nghĩa nào về thơ. Mỗi định nghĩa chỉ nói được cho thơ một phần nào đó. Với Sóng Hồng, đứng giữa thế giới thơ ca kì diệu, phong phú mà phức tạp ấy, ông phát hiện ra sức biểu đạt rất tuyệt vời của thơ: “Thơ là thơ, đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”. Cách nói ngắn gọn, nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa.
 
“Thơ là thơ”, tất nhiên rồi, thơ bao giờ cũng là chính nó. Đọc thơ không ai lại nhầm tưởng đó là bút kí, là truyện ngắn, hay bất cứ một loại hình nghệ thuật nào. Bằng những đặc thù riêng của mình, thơ đã đi vào lòng người với những qui luật riêng. Nhờ tính đặc thù mà thơ đã không bị hoà lẫn. Thơ trước hết phải là chính nó, nghĩa là phải mang đủ đầy những đặc thù riêng của mình. Nhưng thơ “đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”. Sóng Hồng đã phát hiện ra tính chất diệu kì của thơ ca: thơ là thơ, nhưng thơ còn có tính nhạc, tính hoạ và chạm khắc. Thơ đã vươn ra ngoài nó, và chiếm lĩnh linh hồn của các ngành nghệ thuật khác. Thơ không bằng lòng và không chỉ bó hẹp trong bản thân mình. Tìm đến thơ, người ta không chỉ thấy chất “thơ” đặc thù của nó, mà còn được chiêm ngưỡng sức biểu hiện diệu kì của các ngành nghệ thuật khác. Nghĩa là thơ tổng hoà sức biểu hiện của nhiều ngành nghệ thuật. Rõ ràng, Sóng Hồng đang bàn tới sức biểu đạt diệu kì của thơ ca.
 
Xuân Diệu từng phát biểu “Ngàn năm còn lại thơ” bởi “thơ ca làm cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời trở thành bất tử” (Senli). Đến với thơ, ai chẳng khao khát tìm được và phát hiện ra những vẻ đẹp thực sự trước hết là của chính nó. “Thơ là thơ”. Đó là định nghĩa, tưởng như đơn giản, nhưng kì thực xuất phát từ sự hiểu biết khá sâu rộng về đặc trưng thể loại của nó. Đồng thời đây cũng là yêu cầu, là đòi hỏi của độc giả. Tìm đến thơ, trước hết, người ta phải thấy được chất thơ đích thực, mà không một hình thức nghệ thuật nào có được. Đặc trưng của thơ là gì? Cũng như văn học, thơ ca phản ánh cuộc sống bằng hình tượng. Nhưng hình tượng trong thơ không phải được xây nên từ óc quan sát, chiều sâu nhận thức, tư duy lôgic của lí trí, mà nó gắn vối xúc cảm, với tâm hồn. Thơ sinh ra từ tình cảm. Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim (Đuybrlay). Đến với thơ tâm hồn ta phải được chan hoà trong thế giới cảm xúc. Thơ là cơn gió. Tâm hồn ta là mặt nước phẳng lặng và bình yên. Cơn gió thơ có đủ mạnh để làm mặt nước - tâm hồn ta xao động, đó mới thực sự là thơ. Khi Sóng Hồng nói “thơ là thơ”, ông đã khẳng định yêu cầu với thơ ca trước hết phải là chính mình.
 
Bất cứ một bộ môn khoa học, hay một loại hình nghệ thuật nào bao giờ cũng phải là chính nó. Người đời đặt tên cho từng loại hình, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu và tiêu chuẩn chung để xác định và phân loại. Thơ là thơ, cũng như truyện ngắn là truyện ngắn tiểu thuyết là tiểu thuyết, kịch là kịch ... mỗi loại nghệ thuật đều có đặc trưng phản ánh và tiêu chuẩn thẩm mĩ riêng. Nói đến thơ, người đọc không quên thơ là cảm xúc, là tâm hồn. Trong thơ “tình là gốc” (Bạch Cư Dị), thơ phải sinh ra từ sự thôi thúc mạnh mẽ của tâm hồn. Đồng thời cảm xúc trong thơ ở dạng tinh chất chọn lọc. Ngôn ngữ thơ hàm súc và đa nghĩa. “Thơ là rượu của thế gian” (Huy Trụ). Thơ thăng hoa và xuất thần từ “đống tài liệu thực tế” như một thanh kim loại sáng bóng được gạn ra từ hàng tấn quặng ủ trong lòng đất bao nhiêu tháng năm ... Thơ phải là thơ, nghĩa là thơ phải phản ánh cuộc sông bằng hình tượng theo qui luật của cảm xúc và dạng tinh chất, chọn lọc.
 
Nhưng Sóng Hồng không dừng lại ở định nghĩa: “Thơ là thơ”, Ông viết tiếp “Thơ đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”. Vậy ra thơ không phải chỉ là chính mình, mà còn mang bóng dáng của các ngành nghệ thuật khác. Trong thơ có âm nhạc, hội hoạ và điêu khắc, tất nhiên “theo cách riêng”. Bằng đặc thù riêng của mình, thơ đã hoàn thành được cả sứ mệnh của các bộ môn nghệ thuật khác đối với cuộc sống. Thơ có tính chất hội hoạ, âm nhạc, phải chăng người xưa từng nói “Thi trung hữu hoạ”. “Thi trung hữu nhạc” đó sao? Mỗi câu thơ, bài thơ dường như chứa đựng một thế giới của màu sắc đường nét và nhạc điệu. Đồng thời thơ có tính hình tượng, do đó trong thơ còn có bóng dáng của chạm khắc. Tưởng như là một sự phi lí. Bởi bài thơ, câu thơ trên trang sách kia, chỉ là những xác chữ nhỏ bé, vô hồn ! Không ! Thơ sẽ được sống dậy , được thổi linh hồn và trở thành một cơ thể sống, khi người ta tiếp nhận và chiêm ngưỡng nó với sự nhìn nhận toàn diện và chính xác. Sau những con chữ tưởng như vô hồn ấy chứa đựng cả một thế giới tràn đầy màu sắc và âm thanh, đường nét. Đọc thơ giống như ta đang đứng trước một bức tranh, một tác phẩm điêu khắc, hay đang lắng mình trong khúc nhạc du dương. Tất nhiên, thơ không phải vì tính nhạc, vì tính hoạ và chạm khắc mà quên đi đặc thù của mình. Như vậy thơ sẽ bị hoà lẫn.
 
Khẳng định “Thơ là thơ, đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”, Sóng Hồng đã đi từ đặc trưng của thơ ca, trước hết là ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong thơ là ngôn ngữ nghệ thuật được kết tinh từ ngôn ngữ đời sống. Nó đa nghĩa, hàm súc. Nó giàu tính nhạc, tính tạo thanh, tạo hình. Điều kì diệu của ngôn ngữ thơ ca là có thể làm được tất cả: xây dựng hình tượng với những gam màu của hội hoạ, thanh âm của âm nhạc và đường nét của chạm khắc. Sự đa dạng phong phú và sức biểu cảm kì diệu của ngôn ngữ thơ ca đủ vẽ ra trước mắt chúng ta cả một thế giới đẹp tươi, rõ nét, đầy màu sắc, âm thanh. Nghĩa là một thế giới sinh động và có linh hồn. Tính hội hoạ tạo nên từ ngôn ngữ, âm nhạc tạo nên từ ngôn ngữ, và chạm khắc cũng tạo nên từ ngôn ngữ.
 
Cần hiểu rõ hình tượng điêu khắc, âm nhạc và hội hoạ trong thơ không tồn tại ở dạng vật chất. Nó tồn tại trong tưởng tượng trong thế giới vô hình. Điều đó đòi hỏi người tiếp nhận phải có một năng lực cụ thể nào đó của tâm hồn và trí tuệ mới nắm bắt được đủ đầy tính phong phú của hình tượng. Người đọc thấy văng vẳng bên tai những âm thanh réo rắt , sừng sững trước mắt, những pho tượng bí hiểm và hiện ra trước mặt những bức tranh rực rỡ sắc màu ... tất cả chỉ trong trí tưởng tượng trong tâm hồn. Tính nhạc họa và chạm khắc trong thơ phải “theo cách riêng” , nó không đập vào trực giác mà ngấm vào ta qua lăng kính tâm linh.
 
Nếu khẳng định ngôn ngữ thơ có tính nhạc, tính hoạ, và chạm khắc, e rằng không phải là đặc trưng riêng của thơ. Ngôn ngữ văn xuôi cũng có thể như vậy. Có thể ! nhưng tôi muốn khẳng định tính cao độ và sức biểu đạt diệu kì của ngôn ngữ thơ, nghĩa là tính nhạc hoạ và chạm khắc trong thơ phải đạt đến đỉnh cao.
 
Thơ cũng như văn chương, phản ánh cuộc sống bằng ngôn ngữ, do đó, thơ có tính nhạc hoạ và chạm khắc. “Bản chất con người là nghệ sỹ” (Gorki) nhưng không phải ai cũng có thể trở thành nhà văn, nhà thơ, bởi không phải ai cũng có đủ năng lực của trí tuệ và tâm hồn xây nên những tháp đài ngôn ngữ chứa đựng nhiều ý tưởng về cuộc sống. Và không phải ai cũng có thể tạo nên trong thi phẩm của mình tiếng du dương của một bản cầm ca, sắc vàng của mùa thu, sắc xanh của cỏ xuân “tràn biếc cỏ”, không phải ai cũng chạm khắc và xây nên những hình tượng nghệ thuật giàu chất tạo hình. Người nghệ sĩ chân chính không phải chỉ làm thơ như ghi lại cảm xúc trong nhật ký. Làm thơ đòi hỏi một tâm hồn, đồng thời phải cần trí tuệ sắc sảo để “tổng hoà hoạ, nhạc và chạm khắc khi cần thiết”. Không ít người nghệ sỹ đã bị lu mờ trong thế giới muôn màu của nghệ thuật, vì bắt tay vào làm thơ anh chỉ giản đơn ghi lại cảm xúc bồng bột của mình, mà quên đi tính nghệ thuật của thơ. Nhưng cũng không ít người nghệ sỹ tài năng, bằng trái tim mẫn cảm của nghệ sỹ, bằng trí tuệ sắc sảo, đã làm nên những vần thơ xanh mãi với thời gian.
 
Tôi xin nhắc lại câu nói bất hủ của người xưa “Thi trung hữu hoạ”, để thấy được vẻ đẹp của chất hội hoạ trong thơ đã được hun đúc từ bao thế kỉ. Từ ca dao, đến văn học trung đại và hiện đại, thơ bao giờ cũng bộc lộ tính hoạ đặc sắc của mình. Đến vối câu thơ xuân của Nguyễn Du:
 
“Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
(Truyện Kiều)
 
Ta như được chiêm ngưỡng một bức tranh xuân đầy sắc màu, với sự sống sinh sôi, nảy nở. Màu xanh của cỏ - một màu xanh ngút ngàn trải dài đến tận chân trời như thảm xanh trải dài trên mặt đất, đẹp và êm ái. Màu trắng của hoa lê điểm trên nền xanh cây lá. Tất cả hài hoà. Ấy là màu của mùa xuân. Đó là sự trang điểm khéo léo của thiên nhiên. Và đó cũng là nét tài hoa, sự cảm nhận tinh tế của người nghệ sĩ. Thơ thể hiện rõ tính chất hội hoạ, nhưng theo một cách riêng, chỉ có thơ mới có được. Ấy là sự cựa quậy của nhựa sống đang tụ dồn trong mỗi ngọn cỏ, là linh hồn tươi trẻ của mùa xuân đang rạo rực trong mỗi sắc là màu hoa ... và đặc biệt, là sự sống và tình yêu đang rạo rực trong lòng thi nhân.
 
Hoạ sĩ Ruskin từng nói “Nghệ thuật là sự mô phỏng tự nhiên”. Có lẽ nhận định ấy chỉ đúng với hội hoạ? Mà theo tôi, nó cũng không đủ sức thuyết phục ngay cả với hội hoạ. Đã là nghệ thuật người ta không phản ánh bằng những chất liệu tự nhiên, nguyên sơ, khô cứng từ đời sống. Nghệ thuật đâu phải chỉ “mô phỏng tự nhiên”. Đặc biệt là thơ ca. Thơ ca phản ánh cuộc sống với những đường nét màu sắc, không bao giờ chỉ là hình hài thật sự của cuộc đời thực mà bao giờ cũng chứa đựng linh hồn:

“Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa
Tia nắng tía nhảy hoài trong ruộng lúa
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh”
(“Chợ Tết” - Đoàn Vãn Cừ)
 
Mùa xuân trong thơ Đoàn Văn Cừ hiện về với những xôn xao trong lòng tạo vật, với những sắc màu kì diệu của thiên nhiên. Khổ thơ bốn câu mà như hội tụ được hết thảy sắc màu: màu trắng long lanh của giọt sương mai, màu tía của nắng sớm, màu xanh của rặng núi và màu son đỏ của đồi ... Thế nào là màu “nắng tía”? Thật kì lạ? có lẽ trong nghệ thuật hội hoạ ít ai có thể truyền đến cho người xem màu nắng tía. Nhưng Đoàn Văn Cừ - nhà thơ của chúng ta đã làm được điều đó bằng thơ. Màu nắng ấy không đập vào trực giác người đọc, nó len vào tâm hồn và đọng lại trong trí tưởng tượng của ta ... Đọc thơ Đoàn Văn Cừ ta thấy hiển hiện một bức tranh sặc sỡ sắc màu. Nhưng không phải là màu sắc của sự “mô phỏng tự nhiên”. Trong bức tranh ấy ta nhận ra tấm lòng mến yêu cuộc sống tha thiết của nhà thơ. Trong bức tranh ấy có linh hồn, có trái tim nhà thơ.
 
Thơ đầy màu sắc. Nhưng có khi không dùng đến những từ chỉ màu sắc mà thơ vẫn mở ra trước mắt người đọc những bức tranh giàu chất hội hoạ. Nhà thơ - hoạ sĩ đã vẽ bức tranh theo cách riêng của mình, bằng đặc trưng thơ ca, mà không một loại hình nghệ thuật nào có thể làm được.
 
Tôi đã thiết tha yêu những vần thơ giàu chất nhạc, những vần thơ đọc lên nghe như một bản dương cầm. Tính nhạc trong thơ cơ bản được tạo nên từ nhịp điệu. Nhịp thơ với các biểu hiện phong phú của nó đã đẩy tính nhạc trong thơ đến đỉnh cao, Vônten từng nói: “Thơ là sự hùng biện du dương” phải chăng một phần ông quan niệm và đề cập tới tính chất đặc thù của thơ: tính nhạc. Có thể nói “nhịp thơ, đó là sức mạnh cơ bản là năng lượng của câu thơ” (Maiacôpxki). Nhịp thơ làm nên nhạc thơ. Không phải ngẫu nhiên, đọc “Truyện Kiều” của thi hào Nguyễn Du, ta như được thưởng thức “thiên đoản mệnh” Thuý Kiều với những khúc nhạc ai oán tê lòng. Hay tiếng sáo trong “Tiếng sáo thiên thai” của Thế Lữ, đủ làm tâm hồn ta chơi vơi, nao nao giữa miền không gian rộng lớn của cõi tiên và của chốn Bồng Lai ...Thơ có mãnh lực diệu kì là truyền đến cho ta những âm thanh kì diệu đầy tính nhạc. Âm thanh ấy tác động đến tâm hồn ta không bằng tri giác, như nghệ thuật âm nhạc thuần tuý. Đặc biệt, âm nhạc trong thơ như chuyển tải được cả linh hồn sống động của bản nhạc;
 
“Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu
Khúc nhạc tình quê chuyển điều sầu
Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi
Lên lầu ai đó ngó trông nhau”
(“Người bạn tù thổi sáo” -Hồ Chí Minh)
 
Tiếng sáo trong ngục tù vẳng ra nỉ non và tha thiết một nỗi nhớ quê hương. Không có một từ cụ thể để miêu tả tiếng sáo, nhưng người đọc vẫn như đang được tắm đẫm mình trong đó. Ấy là tiếng sáo li hương. Trong tiếng sáo ấy có nỗi day dứt nhớ thương, có sự tê giá của mỗi cõi lòng vòi vợi xa quê. Tiếng sáo lay đi và tìm về quê cũ. Kì diệu thay ! Dường như ở chôn quê hương cách xa muôn dặm ai đó cũng đang vọng tâm hồn mình về tiếng sáo. Người vợ trẻ? Một tri âm? Hay chính cõi lòng người nghệ sỹ Hồ Chí Minh như lay qua “muôn dặm quan hà” để dõi theo tiếng sáo và nâng bước lên lầu của một người tri kỉ với tiếng sáo nỉ non kia. Thơ ca là như vậy, là làm được những điều tưởng như không thể. Có lẽ vì thế chăng mà thơ bí ẩn và hấp dẫn muôn đời?.
 
Âm nhạc nhất nhất bao giờ cũng phải bật ra thành tiếng, người đọc nghe mới có thể lĩnh hội cảm xúc ở nghệ sỹ. Nhưng thơ ca rung động lòng người nhiều khi là những âm thanh không lời:
 
“Anh ở xa
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút
Đã cô đơn ...”
(“Thơ viết ở biển” - Hữu Thỉnh)
 
Đoạn thơ với nhịp điệu nhẹ nhàng, như tiếng hát của con tim. Câu ngắn câu dài đan xen hợp xướng nên một bản đàn tâm trạng. Nhưng tôi muốn nói tới dấu ba chấm ở cuối đoạn thơ. Đó là thứ âm thanh không lời. Nó chứa đựng nỗi xôn xao, sự nhớ nhung, niềm khắc khoải của một trái tim cô đơn sau lời tự thú. Và từ đó chúng ta thấy rõ hơn một trái tim yêu mãnh liệt như sóng biển, một nỗi nhớ thiết tha da diết đến nhuộm tím cả sắc trời ... Đẹp làm sao một tình yêu. Và đẹp làm sao một bài ca.
 
Tôi biết rằng có nhiều bài thơ, rất nhiều bài thơ đã chuyển thành bài hát, bởi tính nhạc diệu kì của nó. Thơ và nhạc, nhạc và thơ, tựa hồ như có thể chuyển hoá sang nhau.

Nhưng âm nhạc có thể nào chuyển thành nghệ thuật chạm khắc, như thơ? Có lẽ là không? Chỉ đến với thơ ta mới được sống trong sự giao thoa giữa chất thơ, nhạc, hoạ và chạm khắc. Thơ mang bóng dáng của nghệ thuật chạm khắc. Điều này xuất phát từ tính tạo hình của ngôn ngữ thơ, như trên đã nói. Nhiều lúc, đọc mà ta cảm giác như chiêm ngưỡng tác phẩm của nghệ thuật điêu khắc vậy:
 
“Đây vị xương trần chân với tay
Cỏ chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho đến nay”
(Các vị La Hán chùa Tây Phương - Huy Cận)
 
Đó là một bức tượng trong chùa Tây Phương được nhà thơ Huy Cận khắc hoạ bằng tài bút của mình. Trong khổ thơ có dáng dấp, có đường nét trên cơ thể bức tượng ... Và hơn nữa, còn có cả tâm trạng tượng - một nỗi “trầm ngân đau khổ”. Linh hồn bức tượng như theo câu chữ hiển hiện ra trước mắt ta. Vậy là, đến với thơ, ta không chỉ được chiêm ngưỡng hình tượng như đến với nghệ thuật điêu khắc mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hình tượng thơ.
 
Tính chạm khắc là một biểu hiện trong sức biểu đạt diệu kì của thơ ca. Thơ là thơ, là nhạc là hoạ và là chạm khắc. Thơ không phải là riêng bất cứ một loại hình nghệ thuật nào trong số đó mà là sự tổng hoà. Đặc biệt không phải vì chạy theo tính nhạc hoạ hay chạm khắc, mà thơ quên đi chính mình. Trên thực tế không ít người quan niệm, thơ chỉ là những biểu hiện của nhạc, hoạ, chạm khắc ... Họ cho rằng trong thơ “âm thanh là tất cả”, hay “thơ là sự giao động giữa âm thanh và ý nghĩa”, từ đó làm nên những vần thơ “nghệ thuật”:
 
“Say đi em, say đi em !
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng, cho điên rồ xác thịt
Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết”
(Say -Vũ Hoàng Chương)
 
Không phải những câu thơ ấy thiếu chất nhạc, chất hoạ, mà nó thiếu chất thơ, thiếu nguồn gốc đích thực của thơ, cuộc sống.
 
Khi thơ đạt đến chất thơ tròn trịa vẹn toàn, thì tự thân nó đã mang những yếu tố của nghệ thuật hội hoạ, âm nhạc và chạm khắc. Tôi vốn tâm niệm với câu nói của Nhêcơraxốp: “Trong tâm hồn con người đều có cái van mà chỉ có thơ ca mới mở ra được. Phải chăng để “mở van” vào thế giới tâm hồn con người, thơ không chỉ là thơ, mà “đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”?

Mariazic1

0 chủ đề

23882 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0