Thiêu xác bằng nước - Phương thức mai táng gây tranh cãi
Thay vì địa táng hay hoả táng, con người có thể chọn yên nghỉ bằng thủy phân kiềm, hay còn gọi là thiêu xác bằng nước - cách thức mai táng thân thiện hơn với môi trường. Sinh ra và lớn lên ở vùng South Lake Long, Robert J Klink gắn bó với sông nước cả cuộc đời. Câu cá, săn vịt trời, sau đó ...
Thay vì địa táng hay hoả táng, con người có thể chọn yên nghỉ bằng thủy phân kiềm, hay còn gọi là thiêu xác bằng nước - cách thức mai táng thân thiện hơn với môi trường.
Sinh ra và lớn lên ở vùng South Lake Long, Robert J Klink gắn bó với sông nước cả cuộc đời. Câu cá, săn vịt trời, sau đó chế biến tại chỗ là đam mê của ông. Klink cùng người vợ thứ hai, Judi Olmsted, cũng sở hữu hai tàu du lịch nhỏ trên sông Saint Croix.
Robert J Klink. (Ảnh: BBC).
Không lâu trước khi ông Klink qua đời vì ung thư ruột kết và ung thư gan, bà Olmsted đã tìm đến Trung tâm Bradshaw chia sẻ nguyện vọng muốn được hoả táng của chồng. Tuy nhiên, bà vô cùng ngạc nhiên khi các nhân viên Bradshaw đưa thêm một giải pháp khác: thay vì thiêu bằng lửa thông thường, tử thi sẽ được “thiêu” bằng nước.
Đây là “hình thức nhẹ nhàng, thân thiện với môi trường, phát triển trên hình thức hoả táng”, trong đó dung dịch kiềm cùng kali hydroxit được sử dụng để phân huỷ mô, cuối cùng chỉ để lại phần xương người chết.
Trung tâm tang lễ Bradshaw là một trong số 14 nơi cung cấp dịch vụ thuỷ táng ở Mỹ với giá ngang hỏa táng, đang thu hút lượng khách hàng ngoài mong đợi. Các nhân viên tại đây cho biết có tới 80% khách hàng không muốn địa táng đều chọn thuỷ táng.
“Khách hàng chọn dịch vụ này vì nó thân thiện với môi trường. Ngoài ra, việc lựa chọn còn liên quan tới yếu tố cảm xúc. Nhiều người cho rằng nước sẽ nhẹ nhàng hơn lửa”, Anne Christ, giám đốc bộ phận dịch vụ của Bradshaw, lý giải.
"Ban đầu tôi chưa hiểu, sau khi suy nghĩ, tôi nhận thấy đây có lẽ là cách tốt nhất", bà Olmsted nói, nhắc tới tình yêu sông nước của chồng.
Bình đựng di cốt Robert J Klint nằm bên tấm ảnh chân dung cùng lẵng hoa viếng. (Ảnh: BBC).
Cỗ máy thuỷ táng giá 750.000 USD được lắp đặt cách đây 5 năm tại tầng hầm Trung tâm Bradshaw ở bang Minnesota, Mỹ.
“Đây là cơ sở thủy táng đầu tiên tại Minnesota và một trong những nơi đầu tiên ở Mỹ. Trung tâm thường xuyên đón các đoàn tham quan từ bệnh viện hay nhà thờ”, Jason Bradshaw, quản lý trung tâm, nói.
Phòng quan sát hình tròn, bên trong phát ra tiếng róc rách lạ tai từ thác nước nhân tạo nhỏ ở một góc tường, cách cỗ máy một lớp kính lắp từ trần nhà xuống sàn cùng vài lớp cửa trượt.
Cỗ máy có biệt danh “máy tiêu hoá mô” là khối thép hình chữ nhật, có nắp tròn tương tự nắp tàu ngầm mở vào khoang bên trong.
Cỗ máy thủy táng. (Video: BBC).
Cùng đồng nghiệp David Haroldsen, Bradshaw đeo găng phẫu thuật đẩy băng ca đặt xác vào phòng thủy táng. Nắp khoang bật mở, cả hai nâng băng ca ngang tầm khoang và đẩy trượt thi thể được phủ vải đen vào trong.
Màn hình máy tính cạnh cỗ máy hiển thị bốn nút gồm mở khoá, kiểm tra, vận hành và khóa. Bradshaw đóng nắp khoang, nhấn nút khóa, kéo theo tiếng rít của không khí vang lên khắp phòng. Sau đó ông chọn chế độ vận hành, hai tiếng bíp vang lên trước khi nước bắt đầu nạp vào khoang chứa.
Bradshaw, chuyên gia lĩnh vực sinh học và hoá học, cho biết cỗ máy sẽ tính toán trọng lượng thi thể, sau đó xác định lượng nước và kali hydroxit cần thiết. Dung dịch kiềm có độ pH 14, được đun nóng tới 152 độ C nhưng không sôi trong điều kiện nén.
“Thuỷ phân kiềm là quy trình tự nhiên xảy ra với thi thể một người được chôn cất. Ở đây chúng tôi tạo ra các điều kiện để quá trình này diễn ra nhanh hơn nhiều lần”, Bradshaw giải thích.
Cỗ máy là khối thép hình chữ nhật, có nắp tròn trước khoang xử lý. (Ảnh: BBC).
Sau 90 phút phân rã mô, quy trình súc rửa được tiến hành với thời gian tương tự. Sau 3-4 giờ, trên cáng kim loại chỉ còn xương và các vật dụng nhân tạo được cấy vào thi thể người chết trước đó. Hông hay khớp gối kim loại cũng còn nguyên vẹn.
Dung dịch kiềm sau khi phân huỷ thi thể sẽ được đưa vào bồn chứa riêng, ngoài tầm nhìn người quan sát.
“Dung dịch có màu như trà hoặc bia, hầu như trong suốt. Nó có mùi gần giống xà phòng, không khó chịu nhưng rõ ràng là khác biệt”, Bradshaw giải thích.
Độ pH của dung dịch sẽ được kiểm tra và điều chỉnh nếu cần thiết, trước khi đưa vào hệ thống cống thải. Đây là hỗn hợp vô trùng gồm amino axit, peptide và không chứa ADN người.
Xương cốt được tán mịn thành bột trắng trong thiết bị Cremulator. (Video: BBC).
Phần xương cốt của người chết sau khi thủy phân được sấy khô trong khoang đặc biệt, sau đó tán thành bột trắng mịn bằng thiết bị có tên Cremulator.
Đến nay, máy thuỷ táng tại Trung tâm Bradshaw đã xử lý hơn 1.100 thi thể và hoạt động hầu như mỗi ngày.
Bradshaw cho biết thỉnh thoảng thân nhân người đã khuất bày tỏ mong muốn chứng kiến hoặc tham gia vận hành cỗ máy cùng nhân viên trung tâm.
“Có những những gia đình muốn giúp đưa thi thể vào trong máy hoặc nhấn nút vận hành. Họ cho biết đây là điều cuối cùng có thể làm được cho người thân”, Bradshaw nói.
“Tôi đã từng ở đây cùng ba người con, họ đứng cạnh máy và cùng nhau nhấn nút vận hành. Nó làm tôi liên tưởng tới khoảnh khắc chia ly”.
Các bước trong quá trình thủy táng. (Đồ họa: BBC).
Di sản của người chết
Ước tính mỗi ngày có khoảng 150.000 người khắp thế giới tử vong. Con số này dự kiến tăng trong bối cảnh dân số không ngừng bùng nổ.
Tại một số quốc gia, đất chôn dành cho người chết đang dần cạn kiệt. Thống kê cho thấy trong 20 năm tới, hơn một nửa nghĩa trang tại Anh không còn sức chứa.
Tại nhiều khu vực ở thủ đô London, giới chức đã ngừng cung cấp dịch vụ chôn cất. Các giải pháp được đưa ra gồm tái sử dụng huyệt mộ bằng cách đưa hài cốt sẵn có xuống sâu hơn và đặt quan tài mới lên trên.
Theo BBC, cả địa táng và hoả táng đều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.
Dự kiến trong 20 năm tới, hơn một nửa nghĩa trang tại Anh sẽ không còn sức chứa. (Ảnh: BBC).
Chôn cất là hoạt động khiến con người tiếp tục bào mòn tài nguyên của mẹ Trái Đất lần cuối trong đời, từ gỗ, kim loại cho quan tài, vải liệm tới khối đá khắc bia mộ. Các nhà hoạt động tại Mỹ cho hay mỗi năm nước này tiêu tốn khoảng 1,6 triệu tấn bê tông cùng 14.000 tấn thép để xây mộ.
Tương tự, lò thiêu cần tạo nhiệt lượng khổng lồ, tương đương lượng để sưởi ấm một ngôi nhà trong suốt một tuần mùa đông, để thiêu huỷ một xác chết. Lượng CO2 thải ra môi trường khi đó ước tính 320kg. Nếu không có biện pháp thay thế, các chất độc hại khác sẽ rò rỉ ra môi trường, đặc biệt là thuỷ ngân từ các lỗ trám răng, loại hoá chất thường quay về Trái Đất qua nước mưa và tích luỹ trong chuỗi thức ăn trong nước.
So với hai phương pháp truyền thống này, thuỷ táng tiên tiến hơn xét trên góc độ môi trường, theo Elisabeth Keijzer, chuyên gia của Tổ chức Nghiên cứu Ứng dụng Hà Lan. Nghiên cứu của Keijzer đã đưa ra những dẫn chứng ấn tượng về công nghệ “xanh” của phương pháp thuỷ táng.
Jason Bradshaw đứng cạnh một cỗ quan tài tại Trung tâm Bradshaw. (Ảnh: BBC).
Trong hai báo cáo công bố năm 2011 và 2014, bà Keijzer chia địa táng, hoả táng, thuỷ táng thành hàng chục bước nhỏ để đánh giá tác động môi trường theo tiêu chuẩn như lỗ thủng tầng ozone, ô nhiễm môi trường biển, biến đổi khí hậu.
Ở 17 trong tổng số hạng mục được so sánh, thuỷ táng đem lại hiệu quả tốt nhất, trong khi hoả táng dẫn đầu mức nguy hiểm. Tuy nhiên, xét ảnh hưởng môi trường tổng thể, địa táng là hình thức nguy hại nhất.
Kết quả nghiên cứu cũng tiết lộ, thuỷ táng giúp giảm lượng khí CO2 xuống 7 lần so với hoả táng. Chi phí bù đắp thiệt hại môi trường của hình thức này cũng thấp nhất với 2,88 USD/thi thể. Đối với hoả táng và địa táng, con số lần lượt là 71 USD và 54 USD.
Lựa chọn cuối cùng
Ý tưởng về máy thuỷ táng bắt nguồn từ đại dịch lở mồm long móng ở Anh năm 2001. Chứng kiến cảnh gia súc bị thiêu huỷ trên các cánh đồng tiềm ẩn nguy cơ dịch lan rộng hơn, nhà hoá sinh học Sandy Sullivan đã dành 5 năm vận động hành lang để Liên minh châu Âu (EU) cho phép thực hiện quy trình vô trùng xác vật nuôi nhiễm bệnh trong máy tiêu huỷ bằng thuỷ phân kiềm do công ty WR2 sản xuất.
Hai năm sau, phương pháp này được ứng dụng trong mai táng con người, khi Dean Fisher, giám đốc giải phẫu tại Trung tâm y tế Mayo, bang Minnesota, Mỹ, nảy ra ý tưởng dùng thuỷ phân kiềm để xử lý tử thi tại bệnh viện.
Dù ấn tượng với quy trình này, Fisher cảm thấy việc đưa thi thể từ trên nắp khoang theo chiều thẳng đứng như cỗ máy tiêu hủy gia súc là không phù hợp. Cỗ máy sau đó được điều chỉnh theo hướng nằm ngang, được lắp khay để chứa phần xương và các bộ phận nhân tạo khác sau quy trình thủy phân.
Phiên bản đầu tiên này tiếp tục được điều chỉnh để hoàn thiện thành mẫu đặt tại Trung tâm Bradshaw ngày nay. Nhận ra tính thương mại của cỗ máy này, Sullivan cùng một cựu giám đốc điều hành WR2 là Joe Wilson thành lập công ty Resomation Ltd và Bio-Response Solutions, dẫn đầu trong lĩnh vực chế tạo máy thuỷ táng.
Thuỷ táng bắt nguồn từ ý tưởng thiêu huỷ xác động vật dịch trong môi trường vô trùng. (Ảnh: BBC).
Thách thức
Cả hai công ty đều đối mặt nhiều thách thức khi giới thiệu quy trình mai táng mới mẻ tới công chúng.
“Đây là một thị trường bảo thủ. Khi đưa ra ý tưởng mới, bạn không dễ dàng được chấp nhận”, Sullivan nói, so sánh khó khăn này tương tự những người tiên phong hoả táng cuối thế kỷ 19 vấp phải.
Nhà hoá sinh học Sullivan bên cỗ máy thuỷ táng của mình. (Ảnh: Alamy).
Trái với sự chậm chạp trong quy trình luật hóa tại Anh, khu vực Bắc Mỹ dễ dàng chấp nhận hình thức thuỷ táng hơn. Nghi thức an táng này đã được phê chuẩn tại ba tỉnh của Canada, 14 bang tại Mỹ, 5 bang khác đang thúc đẩy tiến trình luật hóa.
Dù vậy, thuỷ táng vẫn tiếp tục đối mặt với phản ứng từ cộng đồng tôn giáo.
"Tiêu huỷ thi thể trong hoá chất sau đó coi dung dịch này như chất thải không phải là cách thể hiện sự tôn trọng một người đã khuất", trích thư Hội đồng Giám mục gửi các nhà lập pháp bang Ohio, Mỹ, năm 2012.
Tương tự, Hội đồng Giám mục bang California cũng cho rằng, cơ thể con người “với linh hồn vĩnh cửu, xứng đáng được tôn trọng”.
Theo BBC, trên thực tế cách thức xử lý với dung dịch sau thuỷ táng là vấn đề khiến nhiều người lo ngại.
“Có ý kiến cho rằng chúng ta đang đối xử với người thân như một loại rác thải. Điều này dường như rất bất kính và không phù hợp”, Philip Olson, nhà khoa học đại học Virginia Tech, nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng các phương thức an táng truyền thống như địa táng, hoả táng hay ướp xác thực ra cũng tạo ra các loại “rác”.
“Nếu quan sát quy trình ướp xác, bạn sẽ thấy máu và nội tạng được rút ra khỏi cơ thể cũng chính là rác thải. Nhưng khác với thuỷ phân, chúng lại chứa ADN người”, ông nói.
Trong cộng đồng tôn giáo, nữ tu sĩ Renee Mirkes cũng đưa ra quan điểm tương tự.
“Sự phản đối với thuỷ táng chủ yếu nhắm vào phần dung dịch còn lại được đưa ra hệ thống nước thải. Song điều tương tự cũng xuất hiện qua rò rỉ vào đất sau địa táng hoặc hoả táng do mưa”, bà Mirker viết trong Tập san Đạo đức sinh học quốc gia Mỹ năm 2008.
Thuỷ táng bị cộng đồng tôn giáo phản đối do cách xử lý với dung dịch sau quy trình phân huỷ mô như “rác thải”. (Ảnh: BBC).
Bà Mirkes cũng nhấn mạnh hoả táng ban đầu cũng bị các nhà thờ phản đối cho tới năm 1963, khi Giáo hoàng Paul VI khẳng định những người theo đạo có thể tự do chọn lựa hình thức mai táng phù hợp với mình.
Nói về thuỷ táng, Barbara Kemmis, giám đốc điều hành Hiệp hội Hoả táng Bắc Mỹ (CAN), nhớ mãi cuộc thảo luận về chủ đề này với hai đại biểu khác tại một hội thảo được tổ chức gần đây ở Nashville.
“Một người tỏ vẻ ghê tởm và thậm chí không muốn nhắc đến trong khi người còn lại so sánh nghi thức mai táng này tương tự một liệu trình spa”, bà Kemmis kể.
"Bản thân tôi chưa từng biết tới phương pháp này trước đây, nhưng tôi không thấy có vấn đề gì. Suy cho cùng, tất cả chỉ là sự chọn lựa", bà Kemmis nhận xét.