Thiết lập mối quan hệ giữa cha và mẹ
Trên nguyên tắc, hôn nhân được định nghĩa trong các hệ thống luật như là sự kết hợp giữa hai người, một nam và một nữ, để chung sống, để dành cho nhau sự giúp đỡ và hỗ trợ cần thiết, nói chung, để tạo lập một gia đình. Ở một số ...
Trên nguyên tắc, hôn nhân được định nghĩa trong các hệ thống luật như là sự kết hợp giữa hai người, một nam và một nữ, để chung sống, để dành cho nhau sự giúp đỡ và hỗ trợ cần thiết, nói chung, để tạo lập một gia đình.
Ở một số nước, hôn nhân có thể được xác lập cùng một lúc giữa một người đàn ông và nhiều nguời đàn bà (hôn nhân đa thê); mặt khác, một số nước thừa nhận tính hợp pháp của hôn nhân đồng giới.
Đặc điểm của hôn nhân hiện đại.
Hôn nhân hiện đại chỉ được coi là hợp pháp một khi, bên cạnh việc thoả mãn các điều kiện khác về kết hôn, nó thực sự là kết quả của việc trao đổi sự ưng thuận giữa hai người về việc kết hôn và xây dựng cuộc sống chung. Sự ưng thuận trong quan hệ hôn nhân phải được duy trì một cách liên tục và thường xuyên để hôn nhân và cuộc sống chung được duy trì; một khi không còn sự ưng thuận, bên giao kết việc hôn nhân có thể chấm dứt quan hệ hôn nhân và cuộc sống chung bằng cách tiến hành các thủ tục ly hôn.
Hôn nhân còn là cam kết giữa vợ chồng về việc chung sống và xây dựng gia đình.
Khái niệm.
Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 8 khoản 2). Kết hôn thực sự là một giao dịch pháp lý long trọng mà việc xác lập phải tuân theo những điều kiện được pháp luật quy định một cách chặt chẽ, chi tiết.
Các điều kiện kết hôn
Các điều kiện về nội dung
Để có thể kết hôn, người muốn kết hôn phải có năng lực hành vi, phải đạt đến một độ tuổi nhất định và phải chấp nhận kết hôn một cách tự nguyện.
Năng lực kết hôn
Sự khác biệt về giới tính
Cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính.
Việc cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính chỉ được chính thức ghi nhận trong luật viết từ khi có Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 (Điều 10 khoản 5). Tuy nhiên, trong tục lệ truyền thống, hôn nhân giữa những người cùng giới tính không bao giờ được thừa nhận ở Việt Nam. Trong điều kiện các luật hôn nhân và gia đình trước đây quy định chưa chặt chẽ ở điểm này, tục lệ thường xuyên can thiệp thông qua dư luận để ngăn chặn các quan hệ như vợ chồng giữa những người cùng giới tính hoặc để tạo sức ép đối với những người cùng giới tính nhằm chấm dứt việc duy trì quan hệ như vợ chồng giữa họ ( Trong khung cảnh của luật thực định, chỉ quan hệ chung sống (giữa những người cùng giới tính) thôi chưa đủ để cấu thành trọn vẹn một tội phạm hoặc một vi phạm hành chính. Sau khi có Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Nhà nước có quy định việc xử phạt hành chính đối với các trường hợp kết hôn giữa những người cùng giới tính, dưới hình thức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng (Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001Điều 8 khoản 1 điểm e) và buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân (Điều 8 khoản 2). Thế nhưng, hành vi bị chế tài ở đây là hành vi kết hôn (nghĩa là có đăng ký kết hôn) trái pháp luật. Nếu các đương sự không kết hôn mà chỉ chung sống, thì luật không thể làm gì.). Cơ quan hộ tịch, về phần mình luôn từ chối việc đăng ký kết hôn giữa những người cùng giới tính.
Việc xác định giới tính, trong trường hợp không có tranh chấp, thường dựa vào giấy khai sinh của đương sự. Nếu giữa giới tính theo nội dung giấy khai sinh và giới tính theo biểu hiện bề ngoài có sự khác biệt rõ nét, thì thông thường viên chức hộ tịch sẽ nghĩ rằng giới tính theo nội dung giấy khai sinh đã được xác định do nhầm lẫn. Luật hiện hành không có quy định gì liên quan trong trường hợp có tranh cãi về xác định giới tính.
Tuổi kết hôn
Cấm tảo hôn.
Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Điều 9 khoản 1, nam từ 20 tuổi trở lên và nữ từ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn. Giải pháp này đã được chấp nhận ngay từ văn bản luật đầu tiên về hôn nhân và gia đình dưới chế độ xã hội chủ nghĩa (Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 Điều 6) và được giữ nguyên cho đến nay. Các lý lẽ của giải pháp chủ yếu mang tính y học: đối với người Việt Nam, sự phát triển thể chất đủ chín mùi cho việc thiết lập quan hệ hôn nhân thường được ghi nhận khi con người đạt độ tuổi đó (Ở Châu Âu các quy định về tuổi kết hôn tối thiểu không giống nhau tùy theo nước, dù thể trạng chung của con người thuộc các dân tộc Châu Âu không khác nhau lắm. Tuổi kết hôn tối thiểu ở Đức là 21 đối với nam và 16 đối với nữ, ở Thụy Sĩ là 20 và 18, ở Ý là 16 và 14 và ở Pháp là 18 và 15 ). Người làm luật quan tâm đến sự chín mùi về thể chất chứ không quan tâm đến khả năng sinh sản. Điều đó giải thích tại sao luật chỉ quy định giới hạn tối thiểu mà không có quy định giới hạn tối đa về tuổi kết hôn: người đã quá tuổi sinh sản tự nhiên vẫn có quyền kết hôn.
Tất cả những người dưới độ tuổi quy định đều ở trong tình trạng không có năng lực pháp luật kết hôn.
Bệnh tật
Quyền kết hôn của người bệnh.
Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 không cấm kết hôn vì lý do có bệnh truyền nhiễm, ngay cả trong trường hợp người kết hôn là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài và việc kết hôn được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam ( Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài ngày 02/12/1993 không còn giá trị áp dụng từ ngày 01/01/2001 (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 108). Thực tiễn, về phần mình, vẫn ghi nhận thủ tục khám sức khoẻ trước khi kết hôn trong trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài; song, cơ quan hộ tịch không thể dựa vào kết quả xét nghiệm về bệnh tật của đương sự mà quyết định chấp nhận hay từ chối việc đăng ký kết hôn, như trước.). Tất nhiên, Nhà nước không khuyến khích việc kết hôn giữa những người mắc bệnh hiểm nghèo và có khả năng lây lan qua đường tình dục; nhưng quyền kết hôn của những người này được tôn trọng trong khung cảnh của luật thực định.
Luật hiện hành cũng không cấm kết hôn trong trường hợp một bên hoặc cả hai bên không có khả năng sinh hoạt tình dục bình thường.
Hôn nhân tự nguyện
Nguyên tắc tự nguyện trong hôn nhân được ghi nhận trong rất nhiều văn bản chứ không chỉ trong Luật hôn nhân và gia đình. Kết hôn trước hết là một quyền chứ không phải là một nghĩa vụ; không thể có hôn nhân ngoài ý muốn của người kết hôn. Gọi là kết hôn ngoài ý muốn một khi một bên hoặc cả hai bên kết hôn không ưng thuận kết hôn hoặc sự ưng thuận kết hôn không được hoàn hảo.
Không có sự ưng thuận
Người mất năng lực hành vi.
Người mất năng lực hành vi không thể kết hôn (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 10 khoản 2). Người đại diện của người mất năng lực hành vi cũng không có quyền cho phép người được đại diện kết hôn. Đây là giải pháp khá riêng của luật Việt Nam, bởi trong luật của nhiều nước, người mất năng lực hành vi không mất năng lực pháp luật kết hôn: luật của Pháp thừa nhận rằng người mất năng lực hành vi vẫn có thể kết hôn một khi có ý kiến thuận lợi của bác sĩ điều trị và sự cho phép của gia đình.
Người không nhận thức được hành vi của mình.
Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 lại chỉ cấm kết hôn đối với người mất năng lực hành vi mà không nhắc đến người bị bệnh tâm thần (nói chung, người không nhận thức được hành vi của mình), nhưng lại chưa bị đặt vào tình trạng mất năng lực hành vi theo quyết định của Toà án. Song, điều đó không có nghĩa rằng luật thừa nhận quyền kết hôn cho người không nhận thức được hành vi của mình. Có thể suy nghĩ trong logique của sự việc:
1. Nếu người không nhận thức được hành vi của mình quyết định việc kết hôn trong lúc không nhận thức được hành vi của mình, thì việc kết hôn không có giá trị do sự ưng thuận không tồn tại. Thời điểm quyết định việc kết hôn hẳn cũng là thời điểm tiến hành lễ kết hôn trước viên chức hộ tịch.
2. Nếu người không nhận thức được hành vi của mình quyết định việc kết hôn trong lúc đang tỉnh táo, thì việc kết hôn có giá trị, dù, có thể sau đó, người này bị đặt trong tình trạng mất năng lực hành vi theo một quyết định của Toà án (nếu Toà án quyết định đặt người này trong tình trạng mất năng lực hành vi, thì vợ (chồng) trở thành giám hộ đương nhiên);
Người bị hạn chế năng lực hành vi.
Chế định hạn chế năng lực hành vi nhằm mục đích chủ yếu là giám sát việc xác lập và thực hiện các giao dịch của đương sự liên quan đến tài sản. Kết hôn không phải là giao dịch loại đó. Bởi vậy, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 không cấm kết hôn đối với người bị hạn chế năng lực hành vi. Trong khung cảnh của luật thực định, người bị hạn chế năng lực hành vi thậm chí có thể tự mình quyết định việc kết hôn mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.
Sự ưng thuận không hoàn hảo
Lừa dối
Tiêu chí đánh giá? Luật hiện hành chỉ có định nghĩa chung về sự lừa dối, ghi nhận tại BLDS 2005 Điều 132 khoản 1và được áp dụng cho tất cả các giao dịch dân sự, không có định nghĩa riêng về sự lừa dối trong hôn nhân. Ta nói rằng lừa dối trong hôn nhân là việc một bên cố ý làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch để bên kia chấp nhận xác lập giao dịch kết hôn ( Luật Việt Nam thời kỳ thuộc địa, chịu ảnh hưởng luật của Pháp, không thừa nhận lừa dối như là một trong những lý do để yêu cầu tuyên bố hôn nhân vô hiệu ). Định nghĩa rất chung và khó áp dụng. A muốn kết hôn với B; C cố ý làm cho A nhầm tưởng rằng mình là B; cuối cùng, A kết hôn với C mà cứ ngỡ rằng đã kết hôn với B. Trong giả thiết vừa nêu, A có thể yêu cầu huỷ hôn nhân do có sự lừa dối. Cũng có thể xin thể huỷ hôn nhân do có sự lừa dối, nếu người đàn ông đề nghị cưới người đàn bà để làm vợ, cuối cùng lại cư xử với người đàn bà như một người giúp việc nhà.
Thế nhưng, nếu A muốn kết hôn với B vì tin rằng B giàu có và B cũng cố ý làm ra vẻ giàu có (dù thực ra rất nghèo) để A chấp nhận kết hôn với mình, thì khó có thể nói rằng A có quyền yêu cầu huỷ hôn nhân do có sự lừa dối. Càng không thể xin hủy hôn nhân do có sự lừa dối, nếu A tin rằng B là một chàng trai tơ và B cũng cố tình làm ra vẻ như vậy, dù trên thực tế, B đã có một (thậm chí nhiều) đời vợ.
Toà án nhân dân tối cao, về phần mình, cũng không xây dựng khái niệm lừa dối trong hôn nhân mà chỉ cho một số ví dụ ( Xem Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Toà án nhân dân tối cao, 1, b2.): gọi là lừa dối, một bên nói với bên kia rằng nếu kết hôn sẽ xin việc làm phù hợp, sẽ bảo lãnh ra nước ngoài; một bên không có khả năng sinh lý nhưng cố tình giấu; biết mình bị nhiễm HIV nhưng cố tình giấu;...
Cưỡng ép
Cưỡng ép của bên kia hoặc của người thứ ba. Cưỡng ép kết hôn là hành vi buộc người khác phải kết hôn trái với nguyện vọng của họ (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 8 khoản 5). Điều luật nhắm chủ yếu vào việc đấu tranh chống tệ nạn cưới ép, gả ép trong các gia đình Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của các hủ tục phong kiến trong hôn nhân, cũng như của chế độ hôn nhân xếp đặt. Cần lưu ý rằng trong thực tiễn xét xử, cưỡng ép kết hôn được hiểu là hành vi của một người thứ ba chứ không phải của một hai trong bên kết hôn ( Theo Nghị quyết số 02 đã dẫn, người thứ ba có thể cưỡng ép một trong hai bên hoặc cả hai bên tiến hành kết hôn trái với nguyện vọng của họ (xem 1, b3). Ví dụ: bố mẹ của người nữ do nợ của người nam một khoản tiền nên cưỡng ép người nữ phải kết hôn với người nam để trừ nợ; bố mẹ của hai bên có hứa hẹn với nhau nên cưỡng ép con của họ phải kết hôn với nhau;...)
Trong trường hợp một bên chấp nhận kết hôn do chịu sức ép của bên kia ( Ví dụ, một người đàn bà có được những bằng chứng về hành vi trái pháp luật hoặc về cuộc sống sa đoạ của người đàn ông và doạ rằng nếu người đàn ông không cưới mình, thì sẽ cho công bố các bằng chứng đó.
Trong Nghị quyết số 02 đã dẫn còn có các ví dụ về ép buộc kết hôn bằng cách đe doạ dùng vũ lực, dùng vật chất: xem 1, b1. ), ta có một vụ ép buộc kết hôn, chứ không phải một vụ cưỡng ép kết hôn. Nói chung, thực tiễn có xu hướng thừa nhận rằng chỉ coi là có tình trạng cưỡng ép kết hôn, nếu sự cưỡng ép được thực hiện với động cơ phi đạo đức (ví dụ, cưỡng ép cưới, gả để thu tiền hoặc một lợi ích vật chất nào đó cho cá nhân người cưỡng ép); và cũng chính sự cưỡng ép đó tạo thành mặt khách quan của tội cưỡng ép kết hôn được ghi nhận tại BLHS 1999 Điều 146 ( Khi xây dựng các biện pháp chế tài về hình sự tại Điều 146 BLHS 1999, người làm luật lại hình dung khái niệm cưỡng ép theo nghĩa rộng nhất: đó có thể là hành vi của một bên kết hôn hoặc của một người thứ ba. Theo nghĩa đó thì khái niệm cưỡng ép bao hàm cả khái niệm ép buộc được xây dựng trong Nghị quyết số 02 đã dẫn. )
Nhầm lẫn
Nguyên tắc: không có nhầm lẫn trong hôn nhân. Khác với luật của nhiều nước, luật Việt Nam hiện hành không coi sự nhầm lẫn như là một trong những lý do để yêu cầu tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Nếu do nhầm lẫn mà chấp nhận kết hôn, thì người nhầm lẫn có thể xin ly hôn. Nếu sự nhầm lẫn là do hệ quả của sự lừa dối, thì có thể yêu cầu huỷ hôn nhân trái pháp luật do có sự lừa dối.
Người nhầm lẫn về giới tính có thể yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 10 khoản 5, nếu bên kia rõ ràng có cùng giới tính với mình. Còn lại những khó khăn cho người thực hành luật trong trường hợp bên kia không rõ thuộc giới tính nào.
Những cản trở đối với hôn nhân
Hôn nhân chưa chấm dứt
Cấm đa thê. Người đang có vợ, có chồng không được phép kết hôn với người khác (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Điều 10 khoản 1). Quy định này, trên thực tế, nhắm chủ yếu vào việc ngăn chặn tình trạng đa thê. Cho đến khi huỷ bỏ nền pháp luật thuộc địa, chế độ đa thê đã là một phần của pháp luật gia đình Việt Nam.
Tất nhiên, người đã đăng ký kết hôn và chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân có đăng ký luôn được coi là người đang có vợ, có chồng. Cũng được coi là có vợ, có chồng người chung sống như vợ chồng từ trước khi Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 mà không đăng ký kết hôn.
Mối liên hệ thân thích
Cấm loạn luân. Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Điều 10 khoản 3 và 4, việc kết hôn bị cấm giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi; bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng ( Phải tính cả con nuôi trong số những người gọi là con riêng của vợ hoặc chồng: có những trường hợp con nuôi là con (nuôi) riêng thật, do vợ (chồng) đã nhận nuôi trước khi kết hôn.
Cũng có trường hợp con nuôi thực ra không hẳn là con riêng. Trong khung cảnh của luật thực định, một người chung sống như vợ chồng với người khác mà không đăng ký kết hôn, thì không thể cùng với người sau này nhận con nuôi chung.)
Các quy định của luật viết còn khá đơn giản. Tục lệ, tùy theo vùng, còn có thể cấm cả việc kết hôn giữa cha, mẹ nuôi với vợ, chồng (góa) của con nuôi, giữa con nuôi và con ruột của người nuôi (và, nói chung, giữa con nuôi với những người thân thuộc trực hệ của người nuôi)...
Trong trường hợp những người vi phạm quy định về cấm kết hôn (do có mối quan hệ thân thích) là những người có quan hệ thân thuộc về trực hệ, anh, chị, em cùng cha, mẹ hoặc chỉ cùng cha hay cùng mẹ, thì các đương sự có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội loạn luân (BLHS 1999 Điều 150).
Theo Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính Phủ Điều 8, thì những người kết hôn mà vi phạm các quy định về cấm kết hôn Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 10 khoản 3 và 4, ngoài trường hợp phạm tội loạn luân, sẽ bị xử lý hành chính dưới hình thức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng.
Thủ tục trước khi kết hôn
Nộp hồ sơ đăng ký kết hôn.
Các bên muốn kết hôn phải lập một tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu do Bộ Tư pháp phát hành. Tờ khai phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi công tác hoặc của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của mỗi bên, về tình trạng hôn nhân của đương sự. Việc xác nhận về tình trạng hôn nhân này có giá trị không quá 30 ngày (có lẽ, kể từ ngày xác nhận).
Tờ khai đăng ký kết hôn được nộp tại UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên, cùng với các giấy tờ sau đây hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế:
- Giấy khai sinh của mỗi bên;
- Sổ hộ khẩu gia đình của bên nam hoặc bên nữ nơi đăng ký kết hôn.
Trong trường hợp một bên hoặc cả hai bên đều đã từng có vợ (chồng) nhưng đã chấm dứt quan hệ hôn nhân (do ly hôn hoặc do một bên chết), thì còn phải nộp một bản sao bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật về việc ly hôn hoặc bản sao giấy chứng tử (có lẽ, cả bản sao giấy chứng nhận kết hôn trước đó, nếu có, hoặc bằng chứng khác về việc xác lập quan hệ hôn nhân trước đó).
Các bên phải có mặt và trực tiếp nộp hồ sơ cho người đại diện của UBND. Trong trường hợp một trong hai bên không thể đến nộp hồ sơ mà có lý do chính đáng, thì có thể gửi cho UBND nơi đăng ký kết hôn đơn xin nộp hồ sơ vắng mặt; trong đơn phải ghi rõ lý do vắng mặt, có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú. Vậy có nghĩa rằng phải có ít nhất một bên có mặt và trực tiếp nộp hồ sơ: không thể nộp hồ sơ đăng ký kết hôn thông qua vai trò của người được uỷ quyền hoặc qua bưu điện.
Xác minh và niêm yết công khai.
Sau khi nhận đủ hồ sơ đăng ký kết hôn, UBND phải tiến hành xác minh về các điều kiện kết hôn (tức là các điều kiện về nội dung), đồng thời niêm yết công khai việc xin đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND ( Luật chỉ quy định việc niêm yết tại trụ sở UBND nơi đăng ký, không dự kiến việc niêm yết tại trụ sở UBND nơi cư trú trong trường hợp nơi cư trú của một bên không phải là nơi đăng ký.
Nói chung, việc niêm yết chỉ nhằm mục đích ngăn chặn việc kết hôn trái pháp luật. Nếu vì lý do gì đó mà người có liên quan không thể ngăn chặn được việc kết hôn trái pháp luật, thì người này cũng có thể yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật. Có lẽ bởi vậy mà người làm luật không đầu tư quá nhiều công sức vào việc hoàn thiện thủ tục niêm yết. Hơn nữa, niêm yết việc kết hôn, trên thực tế, không phải là biện pháp công bố có hiệu quả: không có bao nhiêu người chú ý đến tờ cáo thị. Sự thiếu quan tâm của công chúng đối với việc niêm yết kết hôn là tình trạng phổ biến ở hầu như tất cả các nước, không chỉ riêng ở Việt Nam. ) Thời hạn niêm yết là 7 ngày. Nếu cần phải xác minh thêm, thì thời hạn có thể được kéo dài, nhưng thời hạn tổng cộng không được quá 14 ngày. UBND chỉ có thể tiến hành đăng ký kết hôn một khi hết thời hạn niêm yết mà không có ai phản đối việc kết hôn và, nói chung, khi hết thời hạn niêm yết mà UBND không nhận thấy có sự vi phạm của bên này hay bên kia hoặc cả hai bên đối với các điều kiện kết hôn do pháp luật quy định.
Từ chối đăng ký kết hôn.
Trong trường hợp một bên hoặc cả hai bên không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, thì trong thời hạn 7 ngày (hẳn là kể từ ngày phát hiện tình trạng không đủ điều kiện kết hôn), UBND thụ lý hồ sơ đăng ký phải mời hai bên đến trụ sở UBND để thông báo việc từ chối và cấp cho các đương sự văn bản từ chối trên đó ghi rõ lý do từ chối.
Luật không phân biệt giữa từ chối do có đơn khiếu nại, tố cáo và từ chối dựa trên các kết quả xác minh của UBND nơi đăng ký. Trong mọi trường hợp, UBND phải chịu trách nhiệm về việc từ chối của mình. Bởi vậy, nếu có đơn khiếu nại, tố cáo ( Theo Luật khiếu nại, tố cáo ngày 02/12/1999 Điều 33, thì việc khiếu nại, tố cáo phải được ghi nhận bằng đơn (có nghĩa là bằng văn bản); nếu người khiếu nại, tố cáo trực tiếp đến công sở để trình báo, thì viên chức có thẩm quyền phải hướng dẫn cho đương sự viết lại những lời khiếu nại, tố cáo trên một đơn có chữ ký của đương sự. ), UBND phải tiến hành xác minh cơ sở hiện thực của việc khiếu nại, tố cáo đó; nếu xét thấy việc khiếu nại, tố cáo không có cơ sở, UBND có quyền bác đơn khiếu nại, tố cáo và tiến hành đăng ký kết hôn cho các đương sự; nếu thấy việc khiếu nại, tố cáo là có cơ sở, UBND có quyền từ chối đăng ký kết hôn.
Các bên có quyền khiếu nại việc từ chối theo các quy định hiện hành về giải quyết khiếu nại, tố cáo (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 13 khoản 2). Người khiếu nại, tố cáo, nếu bị UBND bác đơn, có quyền kiện yêu cầu Toà án huỷ hôn nhân trái pháp luật cũng như có quyền tố cáo hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật của viên chức hộ tịch. Người thực hiện việc đăng ký kết hôn trái pháp luật có thể bị xử lý kỷ luật; nếu còn vi phạm, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (BLHS 1999 Điều 149).
Lễ kết hôn
Ngày và nơi đăng ký kết hôn. Ngày đăng ký kết hôn do UBND ấn định và báo cho các bên biết. Thông thường UBND không xác định ngày đăng ký cụ thể mà chỉ yêu cầu các bên đến trụ sở UBND để tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn trong hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Trên nguyên tắc, nếu các bên đến vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn được phép đăng ký kết hôn, thì việc đăng ký kết hôn phải được tiến hành; tuy nhiên, các bên nên báo trước cho đại diện của UBND nơi đăng ký về ngày dự định đăng ký kết hôn để tránh khả năng bị động của UBND trong việc thực hiện lịch trình công tác.
Nơi đăng ký kết hôn là trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nơi nhận hồ sơ kết hôn (Nghị định số 83-CP đã dẫn, Điều 25). Đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại quá khó khăn, thì lễ đăng ký kết hôn có thể được tổ chức tại bản làng (cùng điều luật). Toà án nhân dân tối cao nói rằng Điều 14 (của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000-TG) không quy định cụ thể địa điểm tổ chức đăng ký kết hôn; do đó, địa điểm tổ chức đăng ký kết hôn có thể là một nơi khác không phải là trụ sở của cơ quan đăng ký kết hôn (Nghị quyết số 02 đã dẫn, 2, c1).
Lễ đăng ký kết hôn. Lễ đăng ký kết hôn, trong khung cảnh của luật hiện hành, phải được tổ chức ngay lập tức, một khi các bên có mặt vào ngày, giờ ấn định một cách hợp lệ cho việc đăng ký kết hôn. Sự có mặt của cả hai bên kết hôn là điều kiện cần thiết (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 14), bởi vậy:
- Nếu ít nhất một bên không thể có mặt, thì lễ đăng ký kết hôn phải được hoãn lại. Trong luật thực định Việt Nam, không thể có trường hợp kết hôn từ xa, thông qua vai trò của người đại diện hoặc theo thủ tục kết hôn vắng mặt ( Tuy nhiên, theo Toà án nhân dân tối cao, “Thực tế cho thấy rằng trong một số trường hợp, vì những lý do khách quan hay chủ quan mà khi tổ chức đăng ký kết hôn chỉ có một bên nam nữ; do đó, nếu trước khi đăng ký kết hôn đã thực hiện đúng quy định tại khoản 1 Điều 13 (của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000-TG) và sau khi tổ chức đăng ký kết hôn họ thực sự về chung sống với nhau, thì không coi là việc đăng ký kết hôn đó là không theo nghi thức quy định tại Điều 14” (Nghị quyết số 02 đã dẫn, 2, c2). Với chủ trương này, thì Toà án không quan tâm đến ảnh hưởng của các thủ tục đăng ký kết hôn cần có sự tham gia của đương sự đối với giá trị của việc kết hôn, ví dụ, thủ tục hỏi và đáp, thủ tục ký tên vào sổ đăng ký kết hôn và giấy chứng nhận kết hôn. Vấn đề có thể trở nên tế nhị trong trường hợp cần kiểm tra tính hoàn hảo của sự ưng thuận kết hôn và khả năng nhận thức của các đương sự ở thời điểm tiến hành lễ kết hôn.)
- Nếu một bên chết trước ngày ấn định cho việc đăng ký kết hôn, thì không thể có lễ đăng ký kết hôn.
Đại diện của UBND yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn; nếu hai bên đồng ý kết hôn ( Không loại trừ khả năng ý chí được bày tỏ không phải là ý chí thực; bởi vậy, các thủ tục hỏi (của đại diện UBND) và trả lời (của các đương sự) chỉ mang tính nghi thức. Việc đương sự tuyên bố đồng ý kết hôn trước đại diện của UBND không ngăn cản đương sự yêu cầu Toà án huỷ hôn nhân trái pháp luật do có sự lừa dối hoặc cưỡng ép.
Nói cách khác, chính sự ưng thuận của các đương sự, chứ không phải sự tác hợp của viên chức hộ tịch, là điều kiện để hôn nhân được xác lập. ), thì đại diện cơ quan đăng ký kết hôn mời hai bên ký vào giấy chứng nhận kết hôn và sổ đăng ký kết hôn. Chủ tịch UBND ký và trao cho mỗi bên một bản chính giấy chứng nhận kết hôn ( Vậy nghĩa là giấy chứng nhận kết hôn được lập thành hai bản chính.), giải thích cho hai bên về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Bản sao và số lượng bản sao giấy chứng nhận kết hôn được cấp theo yêu cầu của hai bên.
Bằng chứng của hôn nhân. Trong khung cảnh của luật thực định, việc đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là điều kiện để quan hệ hôn nhân được pháp luật thừa nhận. Do đó, bằng chứng duy nhất về hôn nhân là giấy chứng nhận đăng ký kết hôn do cơ quan có thẩm quyền cấp. “Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng, thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng” (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Điều 11 khoản 1).