03/06/2017, 22:48

Thế giới tưởng tượng trong bài thơ: Khi con tu hú của Tố Hữu

Không phải ngẫu nhiên nhà thơ Vũ Quần Phương đã bắt đầu mỗi khổ thơ trong bài "Nói với em" bằng những câu thơ: Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió… Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện… Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ… Điểm chung giữa chúng là đã đặt ra một giả ...

Không phải ngẫu nhiên nhà thơ Vũ Quần Phương đã bắt đầu mỗi khổ thơ trong bài "Nói với em" bằng những câu thơ:

Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió…
Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện…
Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ…
 
Điểm chung giữa chúng là đã đặt ra một giả định về tưởng tượng. Mỗi lần nhắm mắt để tưởng tượng về một điều gì đó, hình như chúng thường hiện lên lung linh và đẹp đẽ hơn, day dứt và nung nấu hơn. Trong những hoàn cảnh sống đặc biệt, tưởng tượng càng phát huy được thế mạnh của mình. Nó bù đắp cho người ta những gì còn thiếu hụt để trở nên hoàn bị. Thế giới tưởng tượng, vì thế, nhiều khi độc đáo hơn rất nhiều so với thế giới hiện thực mà ta quan sát được. Bài thơ Khi con tu hú là một trường hợp tiêu biểu cho trí tưởng tượng phong phú và tài năng sử dụng ngôn ngữ tuyệt vời để vẽ nên thế giới tưởng tượng như thế. 
 
Tiếng chim tu hú mở đầu cho bài thơ cũng là dấu hiệu mở đầu cho một thế giới sôi động với màu sắc và âm thanh:
 
Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng lộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không
 
Sáu câu thơ thật ứng đối. Bắt đầu là âm thanh, kéo theo sau đó là hình ảnh và màu sắc mà tiếng chim tu hú có vai trò như là tác động đầu tiên để gọi về những hình sắc ấy. Tiếng chim tu hú gọi bầy gọi cả bông lúa kết đọng mùa vàng, trái cây kết hương ửng chín. Trong bóng râm, dàn đồng ca tiếng ve thúc giục cả sân bắp đều hạt phơi mình trong nắng đào. Và trên trời cao xanh lộng, tiếng sáo như nhịp ru cánh diều no gió. Một bức tranh thiên nhiên thật đẹp đã được vẽ ra như trong bức tranh của một họa sĩ tài hoa. Bức tranh ấy có chiều rộng của cánh đồng, vườn cây; có chiều cao của trời xanh lộng gió. Nhưng bức tranh ấy còn là bức tranh được gợi lên nhờ cảm giác. Bức tranh có bề xa của tiếng tu hú vọng về từ cánh đồng, bề gần của tiếng ve trong vườn cây trái; bề nổi của sân phơi vàng bắp và bề sâu của chân trời ẩn hiện đôi con diều sáo. 
 
Với cánh đồng lúa đương vào độ chín, cây trái đương vào độ kết mật lên hương, sân bắp óng vàng đều đặn như nắng rây, mầu xanh đậm của lùm cây và mầu xanh nhạt của da trời,… nhà thơ đã chớp lấy những biểu tượng trội nhất để làm nên bức tranh mùa hè tiêu biểu của làng quê Việt Nam. Cộng thêm tiếng tu hú gọi bầy, tiếng ve kêu râm ran, tiếng sáo diều no gió,… bức tranh làng quê ấy được nâng lên cấp độ tiêu biểu cho hồn quê Việt Nam mỗi dịp hè về. Chắt chiu qua sương giá cuối đông, nhành mạ non được khí xuân ấm áp đã vươn thành cây lúa mướt xanh. Chắt chiu qua ẩm thấp đầu xuân, bông hoa đậu quả và tích nắng vàng thành mật ngọt. Thời tiết đã thu xếp cho những so le ấy cùng gặp trong ngày chín trái. Mùa hè đã thành tựu ở sự gặp gỡ ấy. Nắng nung và gió mát đã hòa quyện trong mầu trái chín, trong mật ngọt lành… 
 
Nhưng hơn thế, bài thơ còn cho thấy tác giả của nó là một con người sống sâu sắc và da diết với cuộc đời. Hãy đọc những câu thơ tiếp sau:
 
Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu
 
Câu thơ thứ 7 như bản lề chia bài thơ thành hai nửa, hai thế giới của một tâm hồn chân thành, thiết tha yêu đời. Ta nghe hè dậy bên lòng… Hóa ra, cả thế giới âm thanh và sắc màu mùa hè trên kia đều được tác giả cảm nhận qua kênh nghe. Nghe được âm thanh thì hẳn nhiên rồi. Nhưng nghe được âm thanh để mà biết được sắc màu nữa thì tác giả đã phải huy động đến vai trò của tưởng tượng. Hai chữ bên lòng đã xác nhận cho sự xuất hiện của thế giới tưởng tượng trong bài thơ. Cuộc sống rộn rã đang vươn dậy mạnh mẽ là thế giới của ánh nắng hè gay gắt, của tiếng ve, của trời cao lộng hay là của tâm hồn nhà thơ đang khắc khoải trong ngục tù? Có thể chăng, nghe ở đây phần nhiều là nghe tiếng lòng mình. Đó là khát khao được thấy thế giới sôi động ở bên ngoài, cũng là thế giới tự do ở bên lòng vậy. 
Tố Hữu làm bài thơ Khi con tu hú lúc đang bị giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế). Bài thơ khi được in vào tập Từ ấy (1959) đã được đặt bên cạnh các bài Tâm tư trong tù, Nhớ đồng,… và được xếp chung trong mục Xiềng xích. Đó là những bài thơ được làm sau khi chàng trai trẻ Tố Hữu đã bắt gặp lý tưởng cộng sản, được “mặt trời chân lý trói qua tim”. Chính lý tưởng sống cao đẹp đã biến tâm hồn nhà thơ thành “vườn hoa lá” “rất đậm hương và rộn tiếng chim”. Các nhà nghiên cứu đồng thuận đánh giá phần Xiềng xích là một “quyết tâm thư” của người chiến sĩ trẻ tuổi khi gặp lý tưởng cách mạng. Xét riêng ở góc độ lý tưởng sống ấy đã vun đắp và đào luyện con người trong các tình huống đối mặt với cuộc đời, phần thơ này cũng thể hiện được tâm hồn cao đẹp và trí tuệ sâu sắc của người thanh niên cộng sản khi bị đẩy vào hoàn cảnh gông cùm. Người ta thường nói: nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại, nghĩa là: một ngày ở trong tù bằng nghìn năm ở bên ngoài, nhằm nhấn mạnh cái khốc liệt của cảnh tù đày. Tuy vậy, khi sống có lý tưởng, chính hoàn cảnh đặc biệt gian khổ ấy lại là nơi rèn luyện phẩm chất, nhân cách sống cho người chiến sĩ. Đọc thơ Xiềng xích thấy tâm hồn Tố Hữu được phát triển đa dạng, phong phú và giàu có.
 
Trở lại với bài thơ Khi con tu hú, thế giới ngục tù hầu như cũng chỉ hiện lên ở những cảm nhận. Đó không phải là một hình ảnh nhà tù trong thực tế đã từng được tác giả miêu tả như ở bài Tâm tư trong tù: Đây âm u đôi ánh lạt ban chiều/ Len nhè nhẹ qua rào ô cửa nhỏ/ Đây lạnh lẽo bốn tường vôi khắc khổ/ Đây sàn lim, manh ván ghép sầm u... Đó chỉ là ấn tượng sâu đậm về sự ngột ngạt, bức bối mà không gian chật chội của nhà tù tạo ra. Nó chèn ép khát vọng tự do sống, tự do hoạt động cống hiến của thi sĩ cho cách mạng, cho cuộc đời. 
 
Nếu như ở một lúc nào đó, “một tiếng rao đêm” của bé gái “mà giây ngân còn vương vấn dại khờ/ trên môi mỏng hãy thơm mùi sữa mẹ” khiến nhà thơ “nằm nghe qua cửa khám” phải xót xa vì “tiếng rao sao mà ướt lạnh tê lòng!” thì hầu như kênh nghe trong Khi con tu hú không có dấu ấn trực tiếp như vậy. Nó thuộc về một hình dung, một tưởng tượng nhiều hơn là nảy sinh từ một tác động từ trong đời thực. Vì thế, khi đã được tách khỏi sự cảm nhận trực tiếp về cuộc sống để chuyển sang sự chiêm nghiệm về cuộc sống thì mỗi hình ảnh thơ luôn được chắt lọc, mờ nhòe và đa nghĩa hơn. Bởi mỗi khi chiêm nghiệm về một điều gì đó, người ta có cơ hội để mở rộng trường liên tưởng, được sống sâu sắc và tràn đầy hơn trong tâm cảm của mình. Với người trí thức trẻ tuổi, trẻ lòng thì biên độ của trí tưởng tượng càng trở nên rộng rãi. Tuổi trẻ là tuổi của sáng tạo, khám phá. Những lúc suy tưởng, người trẻ như được chín chắn hơn nhưng nhiều lúc cũng bồng bột, tươi mới hơn trong những mơ mộng của mình. Có thể thấy sự tinh tế, già dặn của Tố Hữu được thể hiện trong những câu thơ như:
 
Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh
Dưới đường khuya nghe tiếng guốc đi về…
(Tâm tư trong tù)
 
Tiếng lục lạc vang lên mạnh mẽ, bất ngờ khi con ngựa cảm thấy cái lạnh của nước thấm vào từng thớ thịt được đặt bên cạnh tiếng guốc nhẹ nhàng, đều đặn của những nữ sinh xứ Huế thơ mộng. Hai âm thanh ấy hô ứng, hòa giải với nhau để lời thơ cất lên đăng đối, hài hòa. Không phải một trái tim tuổi trẻ nào cũng có khả năng liên tưởng và tổ chức được câu thơ với những hình ảnh và âm thanh sắc sảo như thế. Nhưng cũng có lúc, sự sắc sảo ấy lại được khoác trong chiếc áo mơ màng của dòng hồi tưởng: 
 
Gì sâu bằng những trưa thương nhớ… 
Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi ! 
(Nhớ đồng)
 
Khi con tu hú thuộc về kiểu suy tư thứ hai này. Tác động mạnh mẽ lên tâm trí người chiến sĩ - thi sĩ trẻ tuổi Tố Hữu là tiếng chim tu hú. Ai đã từng được sống ở thôn quê chắc không thể không nhớ đến tiếng kêu khắc khoải của loài chim này mỗi độ hè về. Trên những cánh đồng lúa vắng vẻ bên sông, thảng hoặc có một bụi cây dại, bóng nâu sậm của một con tu hú vươn cổ cất tiếng hót như lan xa trên cánh đồng. Rồi tiếng kêu chưa dứt, bóng chim ấy lại chấp chới bay đi như đuổi theo tiếng gọi như vừa lan xa, vừa vọng về. Đó là âm vang như giăng mắc, như vương vít trong không gian hè oi ả. Thời tiết oi nồng và âm thanh khắc khoải ấy đã tô đậm sự ngột ngạt của nhà tù; sự phiền não, bứt rứt, bức bối của người tù. Có lẽ, không phải “tiếng đời lăn náo nức” đầy vui sướng ở ngoài kia đã thắp lên khát vọng “đạp tan phòng”. Cái cảm giác uất nghẹn vì bị áp bức, tù đày được lay động bởi tiếng chim tu hú mới là nguyên nhân chính của ước muốn phá bỏ gông cùm. Bởi nếu một lần sống với tiếng chim khắc khoải ấy chắc khó ai lại không khôn nguôi ám ảnh. Nhà thơ Bằng Việt cũng có những vần thơ chất chứa ưu tư khi nghĩ về tiếng chim tu hú:
 
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế…
Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà,
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?
(Bếp lửa)
 
Có thể nói, nổi bật trong bài thơ là ấn tượng sâu đậm về tiếng chim tu hú. Cả một mùa hè sôi động đã được gợi ra trong tưởng tượng của nhà thơ bởi sự tác động của tiếng chim, bởi những suy ngẫm từ tiếng chim. Sẽ không là nói quá nếu cho rằng toàn bộ bài thơ được gói gọn trong tiếng chim tu hú. Tiếng chim mở ra trong trí tưởng người tù mùa hè đầy hình ảnh, âm thanh và hương sắc. Tiếng chim cũng thôi thúc người tù cảm nhận sâu sắc về sự ngột ngạt, bức bối của hoàn cảnh tù đầy. Hai liên tưởng trái chiều được nảy sinh cùng bởi một tiếng chim đã gắn kết hai thế giới, hai bức tranh (mùa hè và ngục tù) trong bài thơ thành một thế giới thống nhất trong tưởng tượng của nhà thơ. Ấy là một thế giới được bắt đầu bằng tiếng chim. Khi tiếng hu hú vừa cất lên thì mùa hè náo ức đã ùa về chiếm lĩnh tâm hồn nhà thơ, sống động trong sắc màu và âm thanh. Khi tiếng tu hú cất lên lần nữa thì tâm tưởng sáng trong kia òa vỡ. Thế vào đó là nỗi uất nghẹn khi phải đối mặt với ngục tù chật hẹp, tăm tối. Tiếng chim vui vẻ báo hiệu mùa hè thành tiếng chim khắc khoải đánh thức nỗi khổ tâm bị giam hãm, tù tội. Và cứ thế, cứ thế,… tiếng chim cất lên như thiêu đốt tâm can. 
 
Ngột làm sao, chết uất thôi
Sao con tu hú ngoài trời cứ kêu
 
Câu thơ khép lại bài thơ nhưng không khép lại tiếng kêu khắc khoải của con chim tu hú. Tiếng chim tu hú chừng nào còn “cứ kêu” thì chừng ấy người chiến sĩ - thi sĩ sẽ còn không nguôi ngoai nỗi uất hận trong lòng, còn thắp lên khát vọng đập tan ngục tù, phá bỏ xích xiềng nô lệ.

0