02/06/2017, 23:42
Thân phận người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương
Thơ Hồ Xuân Hương là những tiếng cười chế giễu, đôi khi như ai oán, phản ảnh số phận nghiệt ngã người phụ nữ và chính cuộc đời mình. Thơ của bà muốn vượt qua cái suy nghĩ hẹp hòi của chế độ phong kiến về thân phận người phụ nữ và phải sánh tầm với non sông đất nước. “Ví như đổi phận làm ...
Thơ Hồ Xuân Hương là những tiếng cười chế giễu, đôi khi như ai oán, phản ảnh số phận nghiệt ngã người phụ nữ và chính cuộc đời mình. Thơ của bà muốn vượt qua cái suy nghĩ hẹp hòi của chế độ phong kiến về thân phận người phụ nữ và phải sánh tầm với non sông đất nước.
“Ví như đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”.
Nhưng số phận nghiệt ngã của cuộc đời, vì gia cảnh khó khăn, mẹ ngày càng già yếu, ở cái tuổi trăng tròn Xuân Hương đã từ giã bạn bè, thầy cô. Và bao thiệt thòi đã giáng xuống thân phận của Hồ Xuân Hương.
Với tiếng tăm hay chữ lại giao lưu rộng rãi, những người yêu thơ văn thường lui tới nhà Xuân Hương rất đông, trong những số đó kẻ lắm chữ không ít, nhưng người không chữ thì nhiều, Xuân Hương cảm thấy chán chường cho những vỏ bọc hào hoa phong nhã nhưng bên trong rỗng tếch đó, và đòn bút bà được tung ra chào đón họ, một kiểu mời “khách xơi trầu” của Hồ Xuân Hương:
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương đã quệt rồi
Có phải duyên xưa thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi.
Lận đận về chuyện tình duyên, ở cái tuổi gần 30 mà chưa lấy được tấm chồng, lòng Xuân Hương cũng thấy băn khoăn và trống trải lắm, có lãng khách hay chữ ghé thăm...và sau này người khách lạ năm ấy đậu thủ khoa, được bổ nhiệm làm quan tri phủ Vĩnh Tường. Hồ Xuân hương đã kết nghĩa trăm năm với ông quan hay chữ này. Có lẽ thời gian sống với ông quan phủ này, là quãng thời gian mà Xuân Hương cảm thấy tràn đầy hạnh phúc. Nhưng trớ trêu thay, hạnh phúc này có được bao lâu? Bà phải chia tay vĩnh viễn với chồng cũng là người bạn tri kỷ văn chương, (Bài thơ khóc chồng):
Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi
Cái nợ ba sinh đã trả rồi
Chôn chặt văn chương ba thước đất
Ném tung hòn thỉ bốn phương trời
Cán cân tạo hóa rơi đâu mất
Miệng túi càn khôn thắt lại rồi
Hai bẩy thăng trời là mấy chốc
Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi
Nhưng số phận nào có buông tha, vì cuộc sống khó khăn, bà phải làm vợ lẽ cho Tổng Cóc. Một Xuân Hương vui vẻ, yêu đời phơi phới, giờ trở thành người hầu, kẻ hạ, thật cay đắng, đọa đày làm sao, bà đã chửi thẳng vào cái kiếp vợ lẽ cay đắng này:
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp cảnh chồng chung
Năm thì mười họa chăng hay chớ
Một tháng đôi lần có cũng không
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn, mướn không công
Thân này biết ví đường nào nhỉ
Thà trước thôi đành ở vậy không
Không biết Xuân Hương đã “khóc hay cười” khi Tổng Cóc qua đời, phải góa chồng thêm lần nữa, nhưng bà cũng đã thoát ra cái cảnh vợ lẽ đọa đày ấy và mọi người lại được nghe thêm bài thơ khóc chồng mạng đậm phong cách Xuân Hương:
Chàng Cóc ơi
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé
Ngàn vàng không chuộc dấu bôi vôi.
Và từ ấy một “Cổ Nguyệt Đường” xuất hiện bên bờ Hồ Tây, là nơi đọc sách ngâm thơ, xướng họa cùng với văn nhân, thi sĩ, nhưng với Xuân Hương yêu thơ, yêu thiên nhiên và cuộc sống, bà không muốn tự trói mình trong cái vòng lễ nghi, gia giáo “trinh nữ bất canh nhị phu”, Xuân Hương mong mỏi có được mối tình chung để cùng sẻ chia cuộc sống và đối ẩm thơ văn, nhưng những văn nhân đến và đi như cơn gió thoảng bên hồ. Bà đã dành nhiều thời gian để du ngọn, vui thú trong cảnh thiên nhiên, và dạy học cho con cái của những người hay tin Xuân Hương hay thơ giỏi chữ gửi đến. Có lẽ bài thơ “bánh trôi nước” là vịnh cả cuộc đời của chính thi sĩ Hồ Xuân Hương:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.