Thần đồng Mạc Đĩnh Chi
Mạc Đĩnh Chi (1272 – 1346), người xã Lũng động, huyện Chí Linh, nay là thôn Lũng động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh hải Dương. Mạc Đĩnh Chi mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo, hai mẹ con phải đi vào rừng sâu hái củi để kiếm sống hàng ngày. Bà mẹ đã chịu hy sinh tất cả để cố nuôi con, cho con đi học. ...
Mạc Đĩnh Chi (1272 – 1346), người xã Lũng động, huyện Chí Linh, nay là thôn Lũng động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh hải Dương. Mạc Đĩnh Chi mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo, hai mẹ con phải đi vào rừng sâu hái củi để kiếm sống hàng ngày. Bà mẹ đã chịu hy sinh tất cả để cố nuôi con, cho con đi học. Trong những năm tháng nhọc nhằn, tủi nhục, mẹ vẫn cắn răng chịu đựng, chỉ ao ước con mình sẽ có ngày đỗ đạt để giúp ích cho đời, thoát khỏi cảnh nghèo, niềm tin ấy đã giúp mẹ vượt qua mọi gian khổ. Hiểu được lòng mẹ, Mạc Đĩnh Chi càng ra sức học tập. Vốn là cậu bé có tư chất thông minh lại phải sống trong cảnh mồ côi nghèo khổ, bị người đời khinh rẻ, nên Mạc Đĩnh Chi sớm nhận ra rằng chỉ có học tập, học thành tài mới là con đường đưa cậu bé thoát khỏi cảnh nghèo khổ và cũng là để thể hiện phẩm chất thanh cao của con người từ sự đỗ đạt mà đi lên. Vì vậy, không mấy lúc Mạc Đĩnh Chi ngơi đọc sách, nghiền ngẫm nghĩa sách, kể cả lúc vai gánh củi đi bán. Không có sách học, thì mượn thầy mượn bạn. Mạc Đĩnh Chi cố học nhiều cuốn sách quý. Không có tiền mua nến để đọc sách, thì Mạc Đĩnh Chi đốt củi, hết củi thỉ lấy lá rừng đốt lên mà học, thật là vô cùng gian khổ, nhưng chú bé không hề nản chí. Do có nghị lực phi thường, cộng với tính thông minh trác việt, chẳng bao lâu Mạc Đĩnh Chi đã nổi tiếng thần đồng nho học xứ Hải Đông.
Khoa thi Giáp Thìn (1304), thi hội, Mạc Đĩnh Chi đỗ Hội nguyên, thi Đình, ông được chấm đỗ Trạng Nguyên, nhưng khi vào ra mắt nhà vua, vua Trần Nhân Tông thấy ông tướng mạo xấu xí, có ý không muốn cho ông đỗ đầu. Biết ý, ông đã làm bài “Ngọc tỉnh liên phú”. Đó là bài phú bằng chữ Hán để gửi gắm chí khí của mình. Bài phú đề cao được phẩm chất trác việt và phong thái cao quý của một người khác thường, vượt xa người khác về mọi mặt; Song không muốn a dua với người tầm thường để mong cho đời biết đến. Ông dùng hình tượng một bông sen sinh ra trong giếng ngọc ở núi Hoa Sơn do một vị đạo sĩ kỳ dị hái mang xuống cõi trần. Vua Trần Anh Tông xem xong khen là thiên tài mới cho đậu Trạng nguyên, ban cờ hiển vinh quy bái tổ.
Sau khi trở về kinh đô, nhà vua cho vời Trạng vào bệ kiến, hỏi việc chính trị, Trạng nói đâu ra đấy, vua rất hài lòng, ban cho Trạng chức Hàn lâm học sĩ, sau thăng dần đến chức Thượng thư, rồi Đại Liêu ban Tả Bộc Xạ (tương đương chức Tể tướng).
Năm Đại Khánh triều vua Trần Minh Tông (1314 – 1329), vua nhà Nguyên sai sứ sang phong vương cho nhà vua, Mạc Đĩnh Chi được cử làm Chánh sứ sang nhà Nguyên đáp lễ. Trong quá trình đi sứ của ông đã biểu hiện rất xuất sắc tài năng ngoại giao và tầm trí tuệ vĩ đaị của ông khiến cho vua tôi nhà Nguyên vô cùng kính phục.
Trên đường đi sứ, ngay trên biên giới hai nước, ông đã chứng tỏ tài ứng đối. Khi đoàn sứ giả tới ải Pha Lũy (tức Mục Nam Quan). Cửa ải đóng chặt, có một vế đối dán sẵn ở cửa ải như sau:
– Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan.
Nghĩa: Qua cửa quan chậm, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan.
Vế đối hiểm hóc ở chỗ có 4 chữ quan và 3 chữ quá. Mạc Đĩnh Chi và đoàn sứ giả biết rằng đây là mưu kế của bọn quan lại nhà Nguyên ra điều kiện để được mở cửa quan. Nếu đoàn sứ giả không đối được thì sẽ không vào được biên giới Trung Hoa. Như vậy sẽ ảnh hưởng tới quốc thể.
Sau khi suy nghĩ một chút, Mạc Đĩnh Chi đã đối lại:
– Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.
Nghĩa là: Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước
Vế đối cũng có 4 chữ đối và 2 chữ tiên. Tình thế đổi khác. Tưởng đã bí thế mà lại hóa ra một câu đối hay, viên quan nhà Nguyễn chịu là vị Trạng nguyên đất Việt có tài ứng biến nên lập tức xuống mở cửa ải, ân cần đón đoàn sứ giả.
Ngay lần gặp mặt đầu tiên: vua quan nhà Nguyên muốn làm nhụt chí của đoàn sứ giả, tự cho mình như mặt trời đỏ, ra vế đối ý kiêu căng:
Nhật hỏa, vân yên, bạch đản thiêu tàn thỏ ngọc.
Nghĩa là: “Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày thiêu cháy vầng trăng”
Vế đối còn có ý ám chỉ đối phương yếu và nhát như thỏ.
Nghe xong Mạc Đĩnh Chi đối lại:
Nguyệt cung, tinh đạn hoàng hôn xạ lạc kim ô.
Nghĩa là: “Trăng là cung, sao là đạn, buổi chiều tối bắn rụng mặt trời”
Vế đối rất chỉnh và tài tình, đã nêu cao được ý chí và sức mạnh của đại Việt. Vế đối còn rất đẹp về hình ảnh mặt trăng lưỡi liềm giống như cây cung, muôn ngàn vì sao lấp lánh giống như những viên đạn. Hơn nữa vế đối còn có ý ám chỉ đối phương là con quạ vì kim ô vừa nghĩa là mặt trời, lại vừa có nghĩa là con quạ sắt. Vua Nguyên thấy mình bị trả miếng rất đau, nhưng hết sức phục tài viên sứ nước Đại Việt. Vì vậy, vua tỏ ra vui vẻ:
– Quả là danh bất hư truyền. Lời đồn đại về tài năng của người thật chẳng ngoa. Nói rồi, vua Nguyên sai ban rượu ngon và bắt viên nội giám xuất nhiều vàng bạc trong kho để tặng thưởng Mạc Đĩnh Chi.
Đoàn sứ giả nước Đại Việt đang chuẩn bị về nước vì đã hoàn thành sứ mệnh vua giao, thì một tình huống bất ngờ đã xảy ra:
Công chúa nhà Nguyên qua đời, vua Nguyên sai sứ thần của triều đình đến gặp Mạc Đĩnh Chi và nói:
Thưa tiên sinh, hôm nay đại bất hạnh cho hoàng tộc, bà trưởng công chúa đã mất, Thánh thượng biết ngài là người có giọng đọc tốt, hơn nữa tên sinh lại là người ngoài nên Triều đình có ý muốn nhờ tiên sinh đọc bài điếu văn cho thêm phần trang trọng.
Mạc Đĩnh Chi nhận lời:
– Tôi cũng muốn đến để viếng công chúa và chia buồn với nhà vua, nhưng chẳng hay bài điếu văn này, triều đình muốn tôi phải viết ý tứ gì?
Sứ giả nhà Nguyên nói:
Bài điếu văn đã được viết sẵn rồi. Chỉ dám phiền tiên sinh đọc mà thôi.
Tang lễ được cử hành rất linh đình để khoe sự giàu sang và truyền thống nghi lễ của nước lớn. Đến ngày cuối cùng là ngày an táng công chúa, Mạc Đĩnh Chi được mời vào cung để đọc điếu văn.
Ông được một viên văn quan long trọng nâng hai tay ngang đầu chuyển cho ông bài điếu văn.
Một sự kiện cổ kim không tiền khoáng hậu có một không hai xảy ra. Bài điếu văn chỉ có một chữ là chữ “Nhất” rất to.
Trước sự việc như vậy, Mạc Đĩnh Chi không hề bối rối vì ông biết chắc chắn thế nào người Nguyên thử tài mình bằng những cách thức vô cùng hiểm hóc.
Sau một thoáng suy nghĩ, ông lấy giọng đọc sang sảng lâm ly bài điếu sau:
Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chỉ hoa
Quảng Hàn nhất phiến nguyệt
Y! vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết.
Nghĩa:
Trời xanh có một đám mây
Trong bầu vũ trụ có một điểm tuyết
Trong vườn thượng uyển có một cành hoa
Cung Quảng Hàn có một vầng trăng
Than ôi! mây đã tan, tuyết đã tan, hoa đã tàn
Vầng trăng đã khuyết!
Đọc xong với vẻ mặt buồn rầu, ông nghiêm trang bước ra trước sự xúc động nghẹn ngào của những cung phi mỹ nữ và trước vẻ tưng hửng của vua tôi nhà Nguyên; vì họ đã giương bẫy để hại sứ nước Đại Việt. Do tài trí tuyệt vời mà sứ giả nước Đại Việt lại ung dung đi ra trước sự khâm phục của mọi người. Mạc Đĩnh Chi lại tạo ra một kỳ tích có một không hai trong lịch sử văn chương chữ nghĩa trong thời đại của ông.
Mạc Đĩnh Chi làm quan trải 3 triều vua: Trần Anh Tông (1293 – 1314), Trần Minh Tông (1314 – 1329), Trần Hiếu Tông (1329 – 1341) đến chức Đại Liêu ban Tả bộc xạ (Tể tướng) đứng đầu triều.
Khi làm quan thì ông nổi tiếng là trung thực và thanh liêm, hết lòng vì dân vì nước, đến lúc già về hưu chỉ có nếp từ đường (thờ tổ tiên) nhỏ bé mà thôi, thường ngày ông vẫn ra ngồi nơi quán lá uống bát nước vối, chuyện trò thân mật với dân làng, ông sống thanh bạch, giản dị như những người dân quê.
Nguồn: Truyện cổ tích Tổng hợp.