Tham vọng hút cạn Địa Trung Hải tạo siêu lục địa Âu - Phi
Một kiến trúc sư người Đức đưa ra kế hoạch tham vọng sáp nhập châu Âu và châu Phi thành một siêu lục địa thông qua hút nước biển Địa Trung Hải và xây dựng những con đập. Herman Sörgel , kiến trúc sư người Đức, từng đề xuất dự án mang tên Atlantropa nối liền châu Âu và châu Phi để tạo ra một ...
Một kiến trúc sư người Đức đưa ra kế hoạch tham vọng sáp nhập châu Âu và châu Phi thành một siêu lục địa thông qua hút nước biển Địa Trung Hải và xây dựng những con đập.
Herman Sörgel, kiến trúc sư người Đức, từng đề xuất dự án mang tên Atlantropa nối liền châu Âu và châu Phi để tạo ra một siêu châu lục bằng cách hút một phần biển Địa Trung Hải vào năm 1928, theo Conversation. Sörgel kỳ vọng kế hoạch vĩ đại này sẽ là câu trả lời cho cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu sau Thế chiến I và mang lại hòa bình cho thế giới.
Đồ họa mô phỏng châu Âu và châu Phi sau khi hợp nhất. (Ảnh: Ittiz).
Dù ý tưởng hợp nhất có vẻ kỳ lạ, kế hoạch của Sörgel từng được các nhà lãnh đạo Đức và thậm chí cả Liên Hợp Quốc cân nhắc một cách nghiêm túc. Ở điểm gần nhất, châu Âu và châu Phi chỉ cách nhau 14km với biển Địa Trung Hải ngăn giữa.
Nền tảng của kế hoạch siêu lục địa là những con đập bắc ngang qua eo biển Gibraltar và Dardanelles, nối Sicily với Tunisia. Mỗi con đập bao gồm những nhà máy thủy điện khổng lồ. Sörgel tin chắc kế hoạch này sẽ biến Địa Trung Hải thành hai lưu vực, với phần phía tây hạ thấp 100 m và phần phía đông cao lên 200 m, tạo ra tổng cộng 660.200 km2 đất cải tạo trong khu vực rộng lớn hơn cả nước Pháp.
"Giai đoạn sau của dự án Atlantropa bao gồm hai con đập chạy trên sông Congo, tạo ra Biển Chad và Congo. Theo Sörgel, công trình này có thể khiến khí hậu châu Phi trở nên dễ chịu hơn đối với những người định cư đến từ châu Âu", tiến sĩ Ricarda Vidal, giảng viên Văn hóa và Lịch sử Văn hóa ở Đại học King, London, Anh, cho biết.
Nền tảng của kế hoạch siêu lục địa là những con đập bắc ngang qua eo biển Gibraltar và Dardanelles, nối Sicily với Tunisia.
"Điều khiến dự án Atlantropa trở nên hấp dẫn là mơ ước tạo ra hòa bình thế giới không phải qua chính trị và ngoại giao, mà bằng một giải pháp kỹ thuật đơn giản", tiến sĩ Vidal nhận định.
Dự án Atlantropa sẽ do một cơ quan độc lập quản lý và cơ quan này có quyền ngừng cung cấp điện cho bất kỳ quốc gia nào gây nên mối đe dọa. Sörgel cũng tính toán việc xây dựng siêu lục địa tiêu tốn của các nước số tiền nhiều tới mức họ không còn đủ tài chính để tham chiến.
Tuy nhiên, kế hoạch của Sörgel không được phê duyệt. Các bảo thảo dự án, bao gồm bản vẽ những thành phố mới và thư ủng hộ của ông, đang nằm trong kho lưu trữ của Bảo tàng Deutsche ở Munich, Đức.