20/07/2018, 10:48

Tham khảo nguyên văn một ý kiến về Giá Lương Tiền tháng 8 năm 1985

Ý KIẾN VỀ THỊ TRƯỜNG VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ KINH TẾ HIỆN NAY CỦA CHÚNG TA Vũ Ngọc Phương Giải quyết vấn đề “GIÁ – LƯƠNG – TIỀN” là để ổn định thị trường, phát triển sản xuất. Thị trường biến động làm giá thay đổi dẫn đến LƯƠNG – TIỀN không còn tác dụng thúc đẩy sản ...

Ý KIẾN VỀ THỊ TRƯỜNG VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ KINH TẾ HIỆN NAY CỦA CHÚNG TA

mua-hang-thoi-bao-cap-0-9267-1481774665.jpg

Vũ Ngọc Phương

Giải quyết vấn đề “GIÁ – LƯƠNG – TIỀN” là để ổn định thị trường, phát triển sản xuất. Thị trường biến động làm giá thay đổi dẫn đến LƯƠNG – TIỀN không còn tác dụng thúc đẩy sản xuất phát triển.

Thị trường là một phạm trù kinh tế phức tạp và rộng lớn, là quy luật chuyển hóa giữa cung và cầu. Thị trường tạo thành môi trường cho toàn bộ nền văn minh xã hội loài người. Hoạt động và hình thái thị trường còn  là biểu hiện phong phú nhất sinh động nhất của hòa bình và phồn vinh.

Trong lúc kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn như hiện nay, có những ý kiến khác nhau về thị trường:

– Nền kinh tế nước ta tồn tại  một hay là hai thị trường?

– Thị trường có tổ chức hay thị trường tự do?

Để phân tích toàn diện vấn đề, chúng ta cần đưa lại một trình tự tổng quan; nền kinh tế nước ta thuộc      hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa và KHÔNG TÁCH RỜI quan hệ kinh tế Thế giới. Cần lưu ý rằng khi kinh tế càng phát triển cao bao nhiêu, các nước càng phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn về kinh tế. Đây là một vấn đề có TÍNH QUY LUẬT KINH TẾ. Kinh tế xã hội chủ nghĩa với hệ thống kinh tế được kế hoạch hóa tạo ra vĩ mô thị trường có tổ chức với GIÁ ĐỊNH TỪ SẢN XUẤT do các tổ chức sản xuất kinh doanh dựa trên chế độ sở hữu Nhà Nước và tập thể là nhân tố quyết định. Trong vĩ mô thị trường có tổ chức vẫn tồn tại các tiểu thị trường tự do có GIÁ ĐỊNH TỪ THỊ TRƯỜNG với sự tham gia của tổ chức sản xuất và buôn bán nhỏ (cần thấy rằng những người buôn bán nhỏ là những tư nhân hoạt động kinh doanh không hình thành tổ chức với lượng tiền, hàng mà riêng nó KHÔNG ĐỦ TÁC ĐỘNG THAY ĐỔI GIÁ CẢ trong lĩnh vực hàng mà nó kinh doanh trên thị trường)cùng một phần lượng hàng hóa phát sinh từ thừa thiếu trong sinh hoạt gia đình và cá nhân những hoạt động này dựa trên cơ sở sở hữu và phân phối tư nhân.

KInh tế tư bản chủ nghĩa với hệ thống kinh tế không được kế hoạch hóa, tự do cạnh tranh với GIÁ ĐỊNH TỪ THỊ TRƯỜNG do sự tham gia của các tổ chức sản xuất kinh doanh tư bản chủ nghĩa là nhân tố quyết định. Song trong vĩ mô thị trường tự do tư bản chủ nghĩa còn có các tiểu thị trường độc quyền (kiểm soát – có tổ chức)  với GIÁ ĐỊNH TỪ SẢN XUẤT do các tổ chức độ quyền (các công ty độc quyền tự nhiên, độc quyền chính phủ, Tơ rớt, Xanh – đi – oa …) là yếu tố quyết định.

Giữa hai hệ thống kinh tế thế giới lớn nhất trên đây trong quan hệ buôn bán quốc tế lập ra thị trường Thế giới với hệ thống GIÁ CHUYỂN ĐỔI, tính bằng cách từ hai đầu mút tận cùng của kinh tế là sản xuất và thị trường, thực hiện bằng chế độ Ngoại thương thông qua thị trường hối đoái để cân đối được cán cân thanh toán của các nước tham gia. Về hình thái, thị trường là một thực thể tồn tại bởi phần vật chất mà trực giác con người nhận thấy được như HÀNG – GIÁ – TIỀN và phần tinh thần trừu tượng chỉ được nhận thức bằng tư duy logic. Thực tế đó tồn tại một cách thống nhất bởi sự lưu thông HÀNG – GIÁ – TIỀN và đối lập nhau bởi sở hữu và phân phối, thị trường tồn tại như một quy luật tất yếu của sản xuất, có sản xuất thì có thị trường, có thị trường, sản xuất mới tồn tại và phát triển.

Ở các nước tư bản chủ nghĩa luôn luôn có sự mâu thuẫn giữa cạnh tranh và độc quyền, giữa tập trung và phân tán. Tại các nước xã hội chủ nghĩa thực hiện chế độ công hữu nền kinh tế thực hiện được công bằng, ổn định song vẫn phải dành một tỷ trọng lớn tài nguyên thuộc sở hữu Nhà nước và tập thể để sản xuất một khối lượng vật chất rất lớn phục vụ đời sống nhân dân khi bán ra đã chuyển sang sở hữu tư nhân dưới hình thức hàng tiêu dùng. Vì vậy, cần nhận thấy rằng tiểu thị trường tự do tồn tại trong các nước xã hội chủ nghĩa là một tất yếu khách quan của quy luật kinh tế, xuất phát từ sự cần thiết điều chỉnh do nhu cầu đời sống nhân dân mà hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ không nhất thiết phải đảm nhiệm.

Như vậy, khái niệm “THỊ TRƯỜNG” là rộng lớn không có giới hạn cực kỳ phức tạp, vừa là cụ thể, vừa là trừu tượng không thể cầm nắm, chia cắt được mà chúng ta đã cố gắng đơn giản hóa vấn đề chỉ trình bày những nét chính. Khi chỉ có hai người thực hiện phương thức trao đổi HÀNG – GIÁ – TIỀN, chúng ta đã có một kiểu thị trường mà thuật ngữ kinh tế học gọi đó là thị trường người bán người mua độc nhất.

Những năm qua, luận điểm hai thị trường có tổ chức và thị trường tự do là có giới hạn, phân chia được. Từ đó, chúng ta đã ban hành nhiều chính sách hạn chế thị trường, những biện pháp thuế, giá cả, quản lý thị trường theo kiểu hành chính quan liêu đã làm ách tắc lưu thông thị trường. Quy luật tự điều chỉnh thị trường từ nơi hàng nhiều đến nơi hàng ít, từ nơi giá thấp đến nơi giá cao không thực hiện được làm thị trường rối loạn, bọn đầu cơ tích trữ xuất hiện, giá tăng vọt, nạn khan hiếm hàng đã có lúc gần như giả tạo. Bối cảnh đó đã tạo thời cơ thuận lợi cho bọn gian thương có điều kiện độc quyền hàng, lũng đoạn giá. Sự diễn biến phức tạp sa sút có lúc diễn ra nghiêm trọng đã làm chúng ta có lúc đã xếp những người buôn bán nhỏ vào cùng một loại với bọn đầu cơ, tích trữ, buôn lậu, làm ăn phi pháp kiểu chợ đen … để thực hiện đối sách như đối với lực lượng thù địch của chủ nghĩa xã hội.

Thật mâu thuẫn khi một mặt chúng ta ban hành nhiều chính sách khuyến khích kinh tế gia đình phát triển thì lại ban hành chính sách hạn chế những người buôn bán nhỏ mà quên mất rằng kinh tế gia đình, những người sản xuất nhỏ là NGUỒN GỐC hình thành tiểu thị trường tự do.

Nạn CHỢ ĐEN là những hoạt động kinh tế có tổ chức, có ý thức chống lại những điều cấm được ghi trong Luật pháp Nhà nước, đã trở thành một tế bào ung thư vươn rễ ngầm đen tối vào một số ngành kinh tế Nhà nước làm biến chất không ít cán bộ, công nhân viên chức, hình thành kiểu “thị trường bóng tối”.

Kiểu thị trường này không chịu tác động các chính sách kinh tế của Nhà nước nhưng lại ảnh hưởng rất tai hại đến đời sống kinh tế xã hội, không chỉ ở nước ta, bất cứ một Nhà nước nào không phân biệt chế độ chính trị, đều sử dụng quy luật kinh tế và chuyên chính về loại bỏ CHỢ ĐEN ra khỏi cơ thể kinh tế. Do vậy, những chính sách hạn chế thị trường bằng thuế, giá cả đã không đánh trúng bọn gian thương mà trực tiếp đánh vào người buôn bán nhỏ và gián tiếp là kinh tế gia đình, cán bộ, công nhân viên chức, nhân dân lao động đang sinh hoạt bằng phần lớn số hàng hóa do kinh tế gia đình và những người sản xuất nhỏ làm ra đưa vào thị trường. Vì vậy, sự không đồng tình của cán bộ, nhân dân đối với một số chính sách kinh tế chưa hợp lý vừa qua là điều dễ hiểu.

Nền kinh tế nước ta đang ở điểm xuất phát của chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội “… một mặt nói lên điểm xuất phát của chúng ta tiến lên chủ nghĩa xã hội là rất thấp, mặt khác nói lên tính chất vô cùng phức tạp của tình hình” (Bài nói của đồng chí Trường Chinh tại Hội nghị cán bộ nghiên cứu dự thảo báo cáo chính trị sẽ trình Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng). Thời kỳ này là khoảng cách nền kinh tế Việt Nam phải đi chung giữa hai phương thức xã hội chủ nghĩa và phương thức tư bản chủ nghĩa diễn ra quyết liệt trên MỘT THỊ TRƯỜNG trong nước với chế độ sở hữu Nhà nước và tập thể chiếm ưu thế đang ngày một vững mạnh. Vì vậy, các thành phần kinh tế của những người sản xuất, buôn bán nhỏ cần có chính sách hướng dẫn, giáo dục thích hợp. Việc chuẩn bị tăng cường tập trung cho sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa phải có một thời gian nhất định.

Sản xuất hiện nay và trong phần đầu của chặng đường đầu tiên chưa để định được GIÁ. Hiện nay vẫn còn một khoảng thời gian nữa ở phần đầu chặng đường đầu tiên một phần GIÁ do thị trường quyết định. Để giữ được chế độ GIÁ ổn định, trong từng thời gian, cần thực hiện chế độ GIÁ THỎA THUẬN giữa GIÁ sản xuất và GIÁ thị trường.

Trong thời gian trước mắt, để ổn định được thị trường, nhất thiết phải thực hiện chính sách mở rộng thị trường ban hành cùng chính sách giảm thuế hợp lý để khoan sức dần làm kế sâu rễ bền gốc, dựa vào sức dân để phát triển hàng hóa, tăng được sức lưu thông trên thị trường. Khi mở rộng thị trường, kinh tế gia đình những người sản xuất, buôn bán nhỏ sẽ phát triển, tăng thêm của hàng hóa sẽ làm mất đi bọn đầu cơ tích trữ, làm co hẹp đến mức thấp nhất nạn chợ đen. Bằng mở rộng thị trường, các tác dụng quy luật thị trường như cạnh tranh, đổi mới sản xuất, tăng thêm việc làm, sử dụng và phân phối đúng tài nguyên sẽ phát huy tác dụng.

“Dùng tư thương kìm giá tư thương”, tạo nên sự ổn định thị trường để Nhà nước rảnh tay cho sản xuất, phát triển được hiệu quả kinh tế. Lúc đó chúng ta sẽ làm chủ được phân phối, quản lý và điều hành được thị trường bằng cách TỪ SẢN XUẤT ĐỊNH GIÁ. Sự ổn định thị trường là khối hàng (cung) có cân bằng tương đối với sức mua bằng thu nhập trung bình (cầu) của người tiêu dùng. Lúc đó, giá thị trường có thể tăng giảm nhưng thị trường ổn định. Tình trạng lạm phát, giảm giá sức mua của tiền tệ diễn ra trong suốt lịch sử mà nguyên nhân sâu sắc là sản xuất phải luôn đổi mới để đuổi kịp nhu cầu đời sống của con người. Tình trạng lạm phát của tiền tệ trở thành QUY LUẬT SAU KHI HỆ THỐNG TIỀN TỆ TRÊN THẾ GIỚI LẦN LƯỢT THOÁT LI BẢN VỊ VÀNG. Tổng số tiền giấy đưa vào lưu thông và tiền gửi được quyết định bởi NHÂN DÂN không có một cách tính hoặc phương pháp nào quyết định được đúng hơn NHÂN DÂN về tổng số tiền đưa vào lưu thông.

Để mau chóng phát triển được sản xuất, làm chủ được phân phối, quản lý được thị trường với nguồn tài chính hạn chế, chúng ta đã đầu tư vốn vào hầu hết các ngành kinh tế để trở thành ngành sản xuất chính làm cho vốn đầu tư đã ít lại bị phân tán. Nhiều ngành kinh doanh không đủ điều kiện phát triển vẫn tồn tại bằng vốn đầu tư bao cấp trở thành gánh nặng cho kinh tế quốc dân.

Một trong những mục tiêu cơ bản của chủ nghĩa xã hội là khong ngừng cải thiện đời sống nhân dân. Để giảm chi trữ lượng ngoại tệ có hạn của Nhà nước, bằng biện pháp định mức nhập khẩu hạn chế và thuế quan cao, chúng ta đã đạt kết quả hướng cầu hàng tiêu dùng vào cung ở trong nước, với những chính sách khuyến khích nhiều ngành kinh tế và các tổ chức sản xuất kinh doanh quốc doanh, tập thể, tư nhân đã phát triển thu hút hàng triệu lao động vào sản xuất hàng tiêu dùng trong nước. Song vì bỏ qua quy luật cung – cầu phân bố tài nguyên nên từ cách làm nóng vội đã có tác dụng khuyến khích việc rút tài nguyên ra khỏi nhiều ngành kinh tế chủ chốt, kinh tế xuất khẩu. Gần như toàn bộ hàng tiêu dùng trong nước được sản xuất từ thiết bị máy móc, vật tư nguyên liệu năng lượng nhập khẩu. Quá trình đó đã hình thành đội ngũ cán bộ, công nhân nhìn chung có trình độ thấp, chậm đổi mới cơ chế, các tiến bộ khoa học kỹ thuật hầu như không được áp dụng, sản phẩm hàng hóa chất lượng cấu, ứ đọng làm phức tạp thêm lưu thông thị trường vì thế kéo dài theo mức lương trung bình giảm nhanh trong đời sống kinh tế xã hội.

Những ngành kinh tế chính và xuất khẩu càng thiếu nghiêm trọng vốn đầu tư và tài nguyên để phát triển sản xuất làm suy yêu thêm toàn bộ nền kinh tế.

Nước ta với gần 80% dân số làm sản xuất nông nghiệp thì sản xuất nông nghiệp là một ngành kinh tế chinhscos tính tất yếu của quy luật. Chúng ta đã tập trung lớn cho sản xuất nông nghiệp song những sản phẩm xuất khẩu cho đến nay vẫn chủ yếu là các sản phẩm phụ của nông nghiệp. Điều này nói lên chúng ta chưa tập trung cao độ và thiếu chính sách thích hợp đối với sản xuất nông nghiệp. Để nông nghiệp trở thành ngành sản xuất chính, xuất khẩu được lương thực, làm nền móng cho kinh tế quốc dân, phải có điều kiện tiên quyết:

1/ Tập trung cao độ vốn, vật tư, thiết bị và năng lượng cho nông nghiệp.

2/ Nhà nước cần KỊP THỜI NHANH CHÓNG ban hành chính sách GIÁ thích hợp đối với sản xuất nông nghiệp để trở thành đòn bẩy kinh tế, tăng nhanh tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp.

3/ Tại các vùng nông nghiệp phải GIẢM ĐẾN MỨC THẤP NHẤT bộ máy trung gian quản lý đang kìm hãm phát triển của sản xuất nông nghiệp.

Để ổn định thị trường, cần sớm có chính sách mở rộng thị trường ban hành cùng với chính sách giảm thuế hợp lý. Đối với hàng tiêu dùng, Nhà nước lựa chọn tập trung sản xuất những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của nhân dân, đến an ninh – quốc phòng. Những phần hàng tiêu dùng còn lại cần có chính sách khuyến khích, huy động vốn trong nhân dân vào sản xuất, tranh thủ đến mức cao nhất thu hút những mặt hàng nhập khẩu bằng chính sách thuế quan và phi mậu dịch.

Để giữ cân bằng cán cân thanh toán, cần tăng nhân khối lượng những mặt hàng hiện có kết hợp với phương thức xuất khẩu tại chỗ đối với các ngành du lịch – dịch vụ bắt đầu ngay từ tuyển chọn, đào tạo một thế hệ mới chiêu đãi viên đến xây dựng hoàn chỉnh hệ thống các công trình khách sạn – dịch vụ và tổ chức vùng buôn bán tự do (siêu thị) để thu hút đầu tư tư bản, đổi mới ngành nghề, tăng thêm việc làm cho hàng chục vạn lao động.

Trong khi thực hiện các phương án xuất khẩu – xuất khẩu tại chỗ ĐẶC BIỆT TẬP TRUNG KHAI THÁC TIỀM NĂNG LAO ĐỘNG ở nước ta. Những khả năng xuất khẩu tại chỗ ở nước ta hướng vào các ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến, may mặc, dệt … là những ngành có khả năng thích ứng với khả năng lao động sinh lý và nếp sống của người Việt Nam. Ở các tỉnh phía Bắc, sau hơn 30 năm chiến tranh tàn phá, rất cần Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc văn hóa và công cộng cần thiết để cải thiện đời sống nhân dân và cấp thiết thay đổi bộ mặt văn hóa xã hội các tỉnh phía Bắc.

Vấn đề nhà ở sau chiến tranh ở các thành phố, các tỉnh phía Bắc ĐẶC BIỆT là Hà Nội rất căng thẳng nên dành một chế độ khuyến khích nhân dân sử dụng vốn tự có hiện ứ đọng vào xây dựng nhà ở được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu, chuyển bán, cho thuê (Cu Ba đã đưa vào pháp luật bảo trợ quyền này từ năm 1982 – 1983), Nhà nước chỉ xây dựng một phần nhà ở cho cán bộ, công nhân viên chức. Cần kiểm tra lại tính kinh tế nhà ở lắp ghép tấm lớn vì sử dụng quá nhiều thép, xi măng, năng lượng và phương tiện cơ giới. Kinh tế Thế giới hiện nay đánh giá một nước giầu là nước có nhiều thép trong khi đó ta là một nước nghèo của Thế giới.

Tình hình kinh tế xã hội của nước ta hiện nay có nhiều điều cấp bách song nổi lên hàng đầu và cũng là điều kiện tiên quyết để kinh tế có thể phát triển được là sự khẩn cấp phải đổi mới TƯ DUY KINH TẾ và cải tiến cơ chế. Đây là quá trình cách mạng của nhận thức. Để thực hiện được điều đó, phải thực hiện bằng được nghị quyết VIII của Trung ương Đảng, cần chọn ra các vùng thí điểm về phương pháp kinh tế, tổ chức lại sản xuất trên cơ sở đổi mới của tư duy kinh tế.

Các tỉnh phía Bắc cần chọn Hải Phòng làm điểm, từ đó nhân ra các Tỉnh, Thành phố khác. Xét về mặt vị trí tự nhiên, địa lý, kinh tế, giao thông vận tải, an ninh quốc phòng, Hải Phòng có vị trí ĐẶC BIỆT CỰC KỲ QUAN TRỌNG không chỉ đối với đồng bằng Bắc Bộ và vùng lãnh thổ phía Bắc mà trong cả nước, Hải Phòng có phần quan trọng chỉ đứng sau Hà Nội về ý nghĩa chính trị.

Hải Phòng ở Việt Nam có thể so sánh mức quan trọng đặc biệt  như Leningrat ở Liên Xô, NewYork ở Mỹ, Thượng Hải ở Trung Quốc, vấn đề không chỉ hiện nay mà còn ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHIẾN LƯỢC KINH TẾ của nước ta sau này.

Ngày 20 tháng 08 năm 1985

0