Tập làm văn lớp 4: Bài văn mẫu về miêu tả
Tập làm văn lớp 4: Bài văn mẫu về miêu tả Bài tập làm văn mẫu lớp 4 Những bài văn mẫu miêu tả lớp 4 tổng hợp một số bài văn mẫu hay về miêu tả như miêu tả con mèo, miêu tả cái đồng hồ, miêu tả cái ...
Tập làm văn lớp 4: Bài văn mẫu về miêu tả
Những bài văn mẫu miêu tả lớp 4
tổng hợp một số bài văn mẫu hay về miêu tả như miêu tả con mèo, miêu tả cái đồng hồ, miêu tả cái bút chì... Hi vọng các bài văn mẫu lớp 4 này sẽ tài liệu này giúp các em có thêm tư liệu để hoàn thiện bài viết của mình, có hứng thú trong việc học Văn hơn.
Những bài văn mẫu lớp 4
Bài tập làm văn lớp 4: Viết thư cho bạn kể về học tập
Bài tập làm văn lớp 4: Viết thư cho bạn kể về học tập
Đề: Em hãy tả cái đồng hồ
BÀI LÀM 1
Em đã được thấy rất nhiều đồng hồ báo thức nhưng chưa thấy cái nào đặc biệt như cái đồng hồ dì gởi về tặng em, nhân dịp tổng kết năm học, em đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.
Cái đồng hồ của em cao hơn 30 cm. Đế của nó được làm bằng i-nốc sáng loáng hình bàu dục. Chỗ dài nhất của đế vừa bằng gang tay của em. Chỗ rộng nhất bằng hơn nửa gang tay. Phía trên của đế là hình một con tàu thủy mạ vàng sáng loáng. Một hình tròn giống như cái bánh lái được nối với thân tàu chính là hình tròn mặt chiếc đồng hồ. Trên nền vàng nhạt nổi lên những con số màu đen. Chiếc kim phút màu đen cứ chậm chạp, chậm chạp nhích từng chút, từng chút thì cái kim giây màu đỏ lại có vẻ nhanh nhẹn hơn. Còn chiếc kim giờ dường như chỉ đứng yên một chỗ. Mặt kính đồng hồ trắng trong giúp cho em nhìn rất rõ mỗi lúc xem giờ. Đặc biệt nhất vẫn là quả lắc của đồng hồ. Nó không phải hình tròn cũng không phải là hình bầu dục mà lại là hình một chiếc nơ nhỏ bốn cánh trông rất xinh xắn. Nó chăm chỉ lắc đều suốt ngày này sang ngày khác. Mỗi khi đến giờ hẹn, tiếng chuông lại "reng ... reng ..." giúp em trở dậy đúng giờ để kịp đến trường.
Thỉnh thoảng em lấy giẻ lau đồng hồ thật sạch. Em coi đồng hồ như người bạn thân thiết của mình. Nhờ nó mà em chưa bao giờ đi học trễ cả. Em thật hạnh phúc vì tất cả mọi người trong gia đình luôn quan tâm đến em. Em thầm hứa với mình sẽ cố gắng học giỏi hơn nữa, chăm ngoan hơn nữa để khỏi phụ lòng ông bà, cha mẹ, cô, dì ...
BÀI LÀM 2
Cách đây ba năm, trong một lần đi chợ tỉnh, ba em mang về một chiếc đồng hồ để bàn. Từ đó "bác" trở thành người một người bạn thân của gia đình.
Đó là một chiếc đồng hồ nội hóa, loại lên dây. Cả đồng hồ là một hình hộp chữ nhật, rộng độ hai mươi phân, cao mười phân, dày sáu phân. Vỏ đồng hồ bằng nhựa trắng, mép ngoài mạ nhôm bóng lộn. Sau tấm kính trắng là mặt đồng hồ. Bên trái, có một ô vuông nhỏ, có số chỉ ngày. Phần chính là bên phải, gồm một hình bầu dục có ghi mười hai chữ số, từ số một đến số mười hai. Trên mặt đồng hồ có ba cây kim dài ngắn khác nhau và tốc độ di chuyển cũng không giống nhau. Kim giây dài nhất, mảnh mai, màu đỏ, quay nhanh liên tục. Kim phút tuy to hơn, nhưng ngắn hơn, chốc chốc mới nhích tới một bước ngắn. Chậm hơn cả và cũng ngắn hơn cả là kim giờ. Mặt sau đồng hồ có ba chiếc núm: núm để lên dây, núm để điều chỉnh giờ và núm hẹn giờ báo thức.
Trên chiếc bàn tròn của phòng khách, bác đồng hồ cần mẫn đếm thời gian. Tiếng "tích tắc, tích tắc" đều đặn phát ra từ chiếc đồng hồ không kể đêm ngày. Sáng sớm, đúng năm giờ, bác lên tiếng "reng... reng" một hồi dài để đánh thức mọi người dậy. Chưa một lần nào bác bê trễ công việc, nếu mỗi ngày ta đừng quên lên dây cho bác.
Nhờ bác đồng hồ mà suốt mấy năm qua, em luôn đi học đúng giờ. Tiếng "tích tắc, tích tắc" đều đặn của bác như luôn nhắc nhở em: "Giờ nào việc ấy! Thời gian trôi qua không sao níu lại được!".
Đề: Em hãy tả món quà sinh nhật
BÀI LÀM TẢ BÚP BÊ
Mặc dù em đã có rất nhiều đồ chơi nhưng em vẫn thích nhất con búp bê mẹ đã mua cho em nhân dịp sinh nhật em tròn tám tuổi.
Con búp bê được làm bằng nhựa, màu phấn hồng rất đẹp và nhẹ. Nó to bằng em bé mới sinh. Khuôn mặt búp bê tròn, má trắng hồng, mịn màng. Đôi mắt đen long lanh, sáng lên trên khuôn mặt rạng rỡ, tươi tắn. Búp bê có mái tóc đen nhánh, được tết thành hai dải. Mỗi dải có thắt một chiếc nơ màu đỏ thật xinh xắn. Hai tay búp bê bụ bẫm chìa ra phía trước như đang đòi được bế. Hai chân tròn trĩnh. Bàn chân đi tất trắng hồng trong chiếc giày màu xanh da trời thật đẹp. Búp bê duyên dáng trong bộ áo váy trắng muốt xen lẫn sợi kim tuyến óng ánh. Mỗi khi học bài xong, em lại mang búp bê ra chơi. Em trò chuyện với búp bê như người bạn thân thiết. Mỗi tối đi ngủ, em thường ôm nó bên mình.
Em yêu búp bê nhiều lắm, em xem búp bê như người em gái của mình bởi búp bê là nguồn động viên, an ủi em những lúc vui, buồn. Em sẽ luôn giữ gìn búp bê cẩn thận.
Tả con rô-bốt
Nhân dịp sinh nhật lần thứ mười vừa qua, em được bố tặng một con rô-bốt đò chơi rất tuyệt.
Con rô-bốt này trông ngộ nghĩnh như một chú bé tí hon. Chú chỉ cao chừng hai gang tay em, được làm bằng một loại nhựa cứng và nhẹ màu xanh dương bóng loáng. Cái đầu to như cái hộp vuông được đặt lên thân, trông không thấy cổ khiến chú trông bướng bỉnh lạ! Trên đầu có hai sợi ăng-ten mọc rẽ ra hai bên như hình chữ C. Hai tai to như hai nửa quả cam gắn úp vào hai bên đầu bằng hai con ốc vít tròn rất to. Thân chú cũng như cái hộp hình chữ nhật dựng đứng, có những đường vẽ trang trí nổi cộm lên trông như chú mặc chiếc áo giáp sắt. Sau lưng có một ngăn trũng nhỏ đựng vừa hai viên pin, sát gần cúi núm công tắc nhựa màu đen. Hai bàn tay và hai chân cũng do những cái hộp vuông nhỏ nối vào nhau và gắn vào thân bởi những con ốc vít to. Nhờ vậy, tay chân chú có thể xoay về các hướng dễ dàng.
Em bật núm công tắc lên, lập tức chú rô-bốt hoạt động ngay. Từ trong bụng chú, những tiếng rè rè phát ra cùng lúc hai chân chú bắt đầu bước đi. Chân bước từng bước oai vệ, tay chú cũng vung vẩy theo nhịp bước. Buồn cười nhất là cái đầu cứ quay nhìn bên phải, rồi lại quay sang bên trái như tìm kiếm truy bắt kẻ địch. Đang đi, đụng phải chân bàn hay góc tủ, chú tự động tránh sang hướng khác. Tiếng rè rè và bước chân của chú khiến lũ gián trong góc nhà hốt hoảng chạy trốn.
Em rất thích chơi với chú rô-bốt này, em xem chú như là một người bạn nhỏ hiếu động và thông minh.
Đề: Hãy tả cái bàn em học ở trường.
BÀI LÀM
Lên lớp bốn, em học ở lớp mới, toàn bàn ghế mới. Cô giáo chủ nhiệm xếp em ngồi bàn đầu. Cùng ngồi bàn này có hai bạn nữa, tên là Sơn và Nhật.
Bàn học của em chưa sơn, chưa được đánh bóng. Bàn để mộc, màu vàng tươi. Em ngồi tì tay lên mặt bàn. Cái mặt bàn hơi nghiêng đã được bào nhẵn, riêng các cạnh và mặt dưới còn ram ráp. Ngăn bàn há miệng nuốt chiếc cặp phồng to của em. Có lúc em tưởng tượng thò tay vào ngăn bàn lôi được một con chim non. Em không biết các bác thợ mộc đã lấy gỗ gì đóng bàn, chỉ thấy bàn vững chắc. Mép sát ngoài cùng thẳng dài và phẳng. Cây viết đặt lên không bị lăn, đặt bình mực cũng không rớt. Em lấy viết bi định ghi tên vào cái góc bàn thì cô giáo nói:
- Các con phải giữ bàn cho mới nghe, không viết, khắc lên mặt bàn. Cũng không làm rớt, đổ mực hoặc ngồi lên mặt bàn. Nghe rõ chưa nào?
Thế là em dừng tay lại. Ơ nhà, em cũng có bàn học riêng chỉ bằng cái bàn này. Bố em cũng dặn đừng làm hư bàn, dơ mặt bàn. Bàn học ở nhà em được bao nhựa mi ca bóng láng màu gụ rất đẹp. Bốn chân nó chỉ nhỏ yếu hơn bốn chân cái bàn em đang ngồi ở lớp. Cái bàn dài đè lên trên bốn chân vuông, to, thẳng đứng.
Cả ba chúng em tì tay lên bàn, bàn vẫn không lung lay. Cô giáo em cho biết để đóng được cái bàn phải mất nhiều công sức. Nào là trồng cây, hạ xuống, chở về. Nào là cưa, xẻ, đục, bào, đóng. Rồi chuyển đến trường. Em cùng bạn Sơn, bạn Nhật cố giữ bàn học của chúng em thật sạch thật bền.
Em mở sách để sát cái thước kẻ dài, rồi đặt thật ngay quyển tập dưới cuốn sách. Em nắn nót viết. Bàn ơi, đứng yên, nghe. Mình sẽ giữ bạn cẩn thận như cái bàn học ở nhà.
35 đề và gợi ý tập làm văn hay lớp 4