Tại sao thông tin cá nhân bị lộ lại là điều quan trọng đến thế?
Quyền riêng tư có phải là thứ không còn được xem trọng trong thời đại mạng xã hội bùng nổ? Facebook phải chăng chỉ là một "tai nạn" hy hữu? Có thể nói, Facebook đang dính phải một cú "phốt" to bậc nhất từ trước đến nay, liên quan đến việc để lộ ra thông tin của hơn 50 triệu người dùng cho ...
Quyền riêng tư có phải là thứ không còn được xem trọng trong thời đại mạng xã hội bùng nổ? Facebook phải chăng chỉ là một "tai nạn" hy hữu?
Có thể nói, Facebook đang dính phải một cú "phốt" to bậc nhất từ trước đến nay, liên quan đến việc để lộ ra thông tin của hơn 50 triệu người dùng cho hãng Cambridge Analytica khai thác.
Scandal đã khiến Mark mất hàng tỉ USD, kèm theo làn sóng người dùng tẩy chay bằng cách xóa vĩnh viễn tài khoản Facebook cá nhân của mình. Mark Zuckerberg cuối cùng đã lên tiếng nhận lỗi sau 5 ngày dậy sóng, và sự việc vẫn còn đang chờ đợi Facebook giải quyết.
Cú phốt lớn nhất của Facebook từ trước đến nay, liên quan đến 50 triệu người dùng bị lộ thông tin cá nhân để khai thác sau đó.
Nhưng trong lúc này, chúng ta có một yếu tố cần để ý rằng những thông tin cá nhân để lộ ra không hề liên quan đến tài chính, mà dường như chỉ là những thứ không hề có giá trị.
Câu hỏi đặt ra là tại sao để lộ thông tin cá nhân lần này lại khiến cư dân mạng tức giận đến thế? Quyền riêng tư trong thế giới mạng xã hội bùng nổ có thực là thứ đáng để quan tâm?
Hãy nhớ, dữ liệu cá nhân là một tài sản đặc biệt giá trị
Mọi thông tin cá nhân, từ nơi bạn ở, số thành viên trong gia đình, thói quen, hành vi... những thứ bạn nghĩ có mất cũng chẳng hại gì - thực chất đều là tiền đối với những người muốn sử dụng chúng.
Khi đăng ký sử dụng một dịch vụ nào đó, bạn đều phải chấp nhận cho đơn vị cung cấp thu thập và sử dụng dữ liệu của bạn (thực ra là buộc phải chấp nhận, nếu không thì... mời đi chỗ khác). Tất nhiên, các đơn vị đều kèm theo cam kết rằng các thông tin ấy không mang "tính chất nhận diện", nghĩa ra chẳng ai biết thông tin ấy là của ai cả, chỉ biết là nó có tồn tại.
Các data lộ ra hoàn toàn có giá trị.
Thế nhưng, điều này có thể đúng với đơn vị thu thập dữ liệu, chứ hoàn toàn chẳng liên quan đến những người sẽ sử dụng chúng sau này.
"Người tiêu dùng gần như chẳng để ý họ để lộ thông tin của mình từ lúc nào" - Rainey Reiman, giám đốc hoạt động tại EFF (Electronic Frontier Foundation - hội luật sư công cộng chuyên bảo vệ quyền tự do công dân cho người dùng máy tính) cho biết.
Theo Reiman, việc thiếu minh bạch trong việc sử dụng data khách hàng, cộng thêm việc các công ty từ chối cho người dùng lựa chọn một chế độ hiển thị quảng cáo phù hợp đang là vấn đề nan giải. Rõ ràng, dữ liệu của bạn có giá trị với công ty cung cấp dịch vụ, và họ sẽ kinh doanh nó kể cả khi không yêu cầu bạn trả bất kỳ chi phí gì.
Quyền riêng tư trong thế giới mạng xã hội - có ai quan tâm?
"Mọi người có quan tâm đến điều này" - Rainey cho biết. Theo nghiên cứu năm 2009 của KnowPrivacy - một nhóm nghiên cứu từ ĐH California Berkeley, mọi người đều muốn biết lượng thông tin của họ đã bị tận dụng đến mức nào, và số phận của nó sẽ ra sao. Trong đó thì giới trẻ - thế hệ luôn sẵn sàng chia sẻ mọi thứ, lại là nhóm người quan tâm đến điều này nhất.
"Họ là những người có thể thoải mái chia sẻ cho bạn bè về bữa sáng mình ăn, nhưng chắc chắn sẽ cảm thấy cực kỳ khó chịu nếu phải tiết lộ thông tin cho một công ty bảo hiểm nào đó thông tin của mình, hoặc cho phép họ tiếp cận Facebook cá nhân chỉ qua một nút Like".
Người dùng muốn kiểm soát thông tin họ lộ ra, thay vì không có lựa chọn như hiện tại
Nhưng ngay cả nhóm người sẵn sàng tiết lộ thông tin cho bên thứ 3, họ vẫn muốn biết điều gì sẽ xảy ra với số thông tin này sau đó.
Rainey cho biết, điều này có nghĩa rằng: "Khách hàng không phải muốn dùng "chùa" mà thông tin vẫn còn nguyên". Vấn đề là "họ muốn kiểm soát thông tin họ đã thỏa thuận cung cấp. Trong số đó, thông tin nào được phép công bố, thông tin nào phải bị giữ kín trong database của nhà cung cấp. Họ muốn biết điều đó".
Thông tin của bạn sẽ ra sao - thực tế là chẳng ai biết
Một khi đã được thu thập, chẳng ai có thể biết điều gì sẽ xảy ra với thông tin của bạn. Một số công ty có thể bán thông tin đi - và họ có thể làm điều đó hoàn toàn đúng luật.
Thực tế thì đa phần các công ty đều cam kết giữ kín vì chính sách bảo mật. Thế nhưng, họ sẵn sàng cho mình quyền "chia sẻ" thông tin đó với các "đối tác chiến lược" - một thuật ngữ thuộc dạng "đánh tráo khái niệm", vì nó chẳng khác gì giao dịch mua bán cả. Còn bạn, có tài thánh cũng không biết được những ai sẽ tiếp cận số thông tin ấy.
Bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận thông tin của bạn, mà bạn chẳng cách nào biết được điều đó.
Quay trở lại với vấn đề rằng các công ty này không để lộ thông tin mang tính chất nhận diện cá nhân - identifiable information - phải không? Chúng ta để lộ những thông tin vô hại, phải không?
Không hẳn như vậy! Các thông tin này được trao đổi giữa các công ty, nhằm tối ưu hóa hiệu quả quảng cáo của họ. Dù thông tin có tưởng như vô ích, nhưng một khi nó được cá nhân hóa, bạn sẽ chẳng có cách nào tiếp cận hay ngăn chặn cả vì đã chấp nhận thỏa thuận cung cấp rồi.
"Chẳng ai tự hỏi mình rằng: "Mình có còn quyền gì với số thông tin này khi đồng ý cung cấp?"" - Rainey cho biết. "Và rồi sau đó, bạn chẳng có quyền hay cơ hội để thay đổi nó, sửa chữa, bổ sung, hay thậm chí không thể gỡ bỏ nó đi".
"Một khi dữ liệu được thu thập và lưu trữ trong database, sẽ có rất nhiều người muốn có chúng, và thực ra thì họ làm điều đó tương đối dễ dàng.
Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng khi một nền tảng dữ liệu bị hack, khả năng bạn bị mất cắp những thông tin quan trọng sẽ cao hơn tới 4 lần".
Thông tin quan trọng ở đây là thông số tài chính, mã số thẻ tín dụng... và rất nhiều thông tin gây thiệt hại cho túi tiền của bạn. Và câu chuyện là khi có chuyện xảy ra, dường như các công ty sẽ bắt đầu đổ lỗi cho nhau, chứ không có một tập thể hay cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm cả.
Nhưng nếu không chấp nhận chia sẻ, chẳng phải thời đại Internet-free sẽ chấm dứt?
Có ý kiến cho rằng sự thật là chẳng có gì miễn phí. Khi nhà cung cấp đưa cho bạn một dịch vụ "free", đổi lại bạn sẽ phải cung cấp thông tin cho họ. Số thông tin này sẽ được dùng để tạo ra lợi nhuận, thông qua quảng cáo hướng trực tiếp đến người dùng có nhu cầu, dựa trên thói quen và hành vi.
Tức là nếu không cung cấp thông tin nữa, quảng cáo sẽ trở nên không hiệu quả. Và khi không hiệu quả, sẽ chẳng có thứ gì là miễn phí nữa. Mọi thứ đều yêu cầu người dùng trả tiền, và thời đại Internet hoàn toàn có thể sụp đổ vì điều đó.
Mọi thứ đều yêu cầu người dùng trả tiền, và thời đại Internet hoàn toàn có thể sụp đổ vì điều đó.
Rainey không đồng tình. "Tôi thấy rất nực cười mỗi khi nghe thấy luận điểm rằng "mọi người có quan tâm đến số quảng cáo ấy", và rồi thì "thiếu đi chúng, Internet sẽ sụp đổ".
"Vấn đề ở đây là, nếu như mọi người quả thực có thích hay quan tâm đến hình thức quảng cáo này, vậy thì tại sao không cho họ lựa chọn hiện hay không, mà buộc họ phải xem chúng? Nếu họ thích và quan tâm, thì việc cho phép họ tắt chúng đi cũng chẳng ảnh hưởng gì cả".
Theo Rainey, những người ủng hộ quyền riêng tư không phải là đấu tranh vì một internet không còn quảng cáo. Thứ họ muốn là sự tôn trọng quyền riêng tư, cho phép họ lựa chọn hình thức quảng cáo mà họ muốn, thay vì ép buộc như những gì các công ty đang làm thời điểm hiện tại.
Còn về "sự sụp đổ của Internet" Rainey cho rằng điều này là không có cơ sở. Ngay từ thuở ban đầu, Internet đã luôn có quảng cáo. Vấn đề là chỉ khoảng 10 năm trở lại đây, chúng được chuyển sang các hình thức marketing theo hành vi và đối tượng - các phương pháp muốn làm được thì cần phải khai thác dữ liệu khách hàng. Quan trọng hơn, cũng quảng cáo ấy không chỉ xảy ra khi sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp, mà xuất hiện gần như ở toàn bộ quá trình sử dụng Internet.
Các nhà quảng cáo không nhất thiết phải theo người dùng mọi lúc mọi nơi như vậy.
Jeff Jarrvis - một chuyên gia dữ liệu khác cũng tỏ ra đồng tình. "Các nhà quảng cáo không cần phải theo người dùng mọi lúc mọi nơi mới có thể kiếm tiền. Họ chỉ cần cho người dùng sự lựa chọn xem quảng cáo mà không bị theo dõi. Không có lựa chọn để từ chối, đó là vấn đề" - Jarrvis chia sẻ trên BuzzMachine.
Rõ ràng, không phải ai cũng muốn thông tin bị lộ. Bạn không quan tâm đến việc thông tin bị lộ, không có nghĩa người khác muốn như vậy. Kể cả khi bạn bị thuyết phục rằng thông tin của mình không cần thiết phải bảo vệ, nhưng nhiều người lại cần điều đó.
Những nạn nhân bạo hành gia đình, cộng đồng LGBT, chính trị gia, các nhà hoạt động nhân quyền... tất cả họ đều muốn thông tin cá nhân được giữ kín, nhằm đảm bảo an toàn cho gia đình họ.