Tại sao người già hay mắc chứng sợ độ cao?
Khoảng 1/10 số người trưởng thành được cho là mắc một chứng sợ hãi nào đó - sự sợ hãi bất thường đối với một vật thể (sợ nhện, sợ máu,...), tình huống (sợ đến nha sĩ, sợ phát biểu trước đám đông, ...) hoặc cảm giác (sợ xấu,..) nhất định nào đó. Theo Paul Blenkiron, chuyên gia tư vấn tâm thần ...
Khoảng 1/10 số người trưởng thành được cho là mắc một chứng sợ hãi nào đó - sự sợ hãi bất thường đối với một vật thể (sợ nhện, sợ máu,...), tình huống (sợ đến nha sĩ, sợ phát biểu trước đám đông, ...) hoặc cảm giác (sợ xấu,..) nhất định nào đó.
Theo Paul Blenkiron, chuyên gia tư vấn tâm thần học tại Bệnh viện Park Hospital kiêm phát ngôn viên cho trường Cao đẳng thầy thuốc tâm thần Hoàng gia Anh, những chứng sợ hãi này thường khởi phát trong độ tuổi từ 15 - 25.
"Nhiều trẻ em cũng có các nỗi sợ hãi, nhưng thoát khỏi chúng khi lớn lên. Chúng tôi không coi đó là một chứng sợ hãi ở giai đoạn này. Nếu nỗi sợ hãi tiếp tục ám ảnh chúng đến giai đoạn trưởng thành, nó là một chứng sợ hãi và có thể tiếp diễn suốt đời", ông Blenkiron giải thích.
Chứng sợ độ cao trở nên trầm trọng hơn theo tuổi tác.
Tuy nhiên, chứng sợ độ cao lại thường khởi phát về sau trong cuộc đời người. Kevin Gournay, giáo sư danh dự tại Viện Tâm thần học thuộc trường King's College London (Anh), cho biết, thực tế này chủ yếu do cảm giác của chúng ta về sự thăng bằng. Cụ thể là, khi con người già đi, cơ quan phụ trách cảm giác về thăng bằng có xu hướng suy thoái và chủ nhân nhiều khả năng cảm thấy dễ bị tổn thương về thể chất hơn.
Những người trưởng thành lớn tuổi hơn cũng có xu hướng đang là chỗ dựa của các người khác. Và điều này có thể khiến họ lo lắng hơn về nguy cơ gục ngã. Những lo lắng như vậy có thể thúc đẩy chứng sợ hãi độ cao.
Giáo sư Gournay nói thêm rằng, trong khi chứng sợ độ cao trở nên trầm trọng hơn theo tuổi tác, thì các chứng sợ khác diễn ra theo chiều hướng ngược lại, ít nghiêm trọng hơn. Điều này là do khi già đi, chúng ta sản sinh ra ít hormone quyết định việc "đương đầu hay bỏ chạy" adrenaline hơn. Chính adrenaline là thủ phạm khiến tim chúng ta đập thình thịch và cảm thấy hoa mắt, chóng mắt khi đối diện với thứ gì đó mà mình sợ. Sự suy giảm adrenaline khiến nhiều chứng sợ hãi giảm bớt. Chúng ta có thể vẫn còn nỗi sợ hãi, nhưng sẽ không còn cảm giác mạnh mẽ như lúc trẻ hơn.
Các chuyên gia nhấn mạnh, chìa khóa để vượt qua một chứng sợ hãi là đối mặt với nó. Nói một cách khác, cách chữa trị chứng sợ hãi tốt nhất là liệu pháp đương đầu, thay vì dùng thuốc. Chẳng hạn như, với chứng sợ độ cao, cách chữa trị tối ưu và không đắt đỏ là bạn tới một trung tâm thương mại nhiều tầng. Bạn đi dần lên trên thêm từng tầng một, mỗi khi cảm thấy ổn ở một tầng nhất định nào đó.