Tại sao một số người dễ khóc khi xem phim buồn?
Một nghiên cứu mới phát hiện, việc một số người hay mủi lòng và dễ khóc trước các đoạn phim, hình ảnh xúc động hay bi thảm là do gene của họ. Hai chuyên gia tâm lý học Arthur và Elaine Aron thuộc Đại học Stony Brook (Mỹ) cho biết, khoảng 20% người trong chúng ta về mặt di truyền chịu tác động ...
Một nghiên cứu mới phát hiện, việc một số người hay mủi lòng và dễ khóc trước các đoạn phim, hình ảnh xúc động hay bi thảm là do gene của họ.
Hai chuyên gia tâm lý học Arthur và Elaine Aron thuộc Đại học Stony Brook (Mỹ) cho biết, khoảng 20% người trong chúng ta về mặt di truyền chịu tác động của chứng "nhạy cảm xử lý cảm xúc" (SPS), một đặc điểm bẩm sinh gắn liền với sự nhạy cảm lớn hơn hoặc dễ xúc động trước các kích thích của môi trường và xã hội.
Trong nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Brain and Behavior, hai tiến sĩ Aron và các đồng nghiệp đến từ Đại học California, Cao đẳng Y Albert Einstein và Đại học Monmouth nhận thấy, việc quét cộng hưởng từ chức năng (fMRI) bộ não đã cung cấp bằng chứng về việc một bộ não "nhạy cảm cao" phản ứng mạnh mẽ đến mức nào trước những hình ảnh cảm động.
Khoảng 20% trong chúng ta chịu ảnh hưởng của chứng "nhạy cảm xử lý cảm xúc" bẩm sinh, khiến họ dễ khóc khi xem phim có cảnh xúc động. (Ảnh minh họa: CCTV)
Những người nhạy cảm cao có xu hướng nhận biết tăng cao trước các kích thích tinh vi, xử lý thông tin kỹ lưỡng hơn và phản ứng nhiều hơn trước cả kích thích tích cực và tiêu cực. Ngược lại, đa số chúng ta có SPS tương đối thấp và ít chú ý hơn tới các kích thích tinh vi, tiếp cận các tình huống nhanh chóng hơn và cũng không có phản ứng mang tính xúc cảm.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành quét fMRI bộ não của 18 người đã kết hôn, một vài người trong số này có SPS cao, trong khi số còn lại có SPS tương đối thấp, khi họ quan sát những bức ảnh chụp khuôn mặt đang mỉm cười hoặc buồn bã. Một bộ ảnh sử dụng bao gồm ảnh khuôn mặt của những người lạ và bộ ảnh còn lại chụp khuôn mặt vợ hoặc chồng của các đối tượng nghiên cứu.
"Chúng tôi phát hiện, các vùng não liên quan đến sự nhận thức và cảm xúc, đặc biệt là những vùng gắn liền với cảm xúc đồng cảm, ở những người nhạy cảm cao, có lưu lượng máu đổ dồn về cơ bản lớn hơn nhiều so với ở những cá nhân có sự nhạy cảm thấp hơn trong 12 giây quan sát ảnh. Đây là bằng chứng thể chất bên trong bộ não hé lộ việc, những người nhạy cảm cao phản ứng đặc biệt mạnh mẽ trước các tình huống xã hội làm khởi phát tình cảm, trong trường hợp này là các khuôn mặt vui hoặc buồn", tiến sĩ Aron nói.
Các chuyên gia nhận thấy, hoạt động não ở những người có SPS cao thậm chí còn mạnh mẽ hơn khi họ quan sát biểu cảm trên khuôn mặt người bạn đời. Hoạt động não này đạt "đỉnh" khi họ xem các bức ảnh vợ/chồng minh vui vẻ.
Hầu hết các đối tượng nghiên cứu đã được quét hình ảnh não lần nữa một năm sau đó và kết quả thu được vẫn không thay đổi.