28/02/2018, 13:26

Tại sao đồng hồ Thụy Sĩ lại đắt hơn 1 chiếc xe hơi

Độ chính xác, linh kiện đá quý, chạy bằng chuyển động cánh tay... khiến những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ luôn là niềm khao khát với các quý ông dù giá có khi đắt hơn cả một chiếc xe hơi. Nguyên nhân đồng hồ Thụy Sĩ có giá bạc tỷ Những sản phẩm gắn mác " Thụy Sĩ" như dịch vụ ...

Độ chính xác, linh kiện đá quý, chạy bằng chuyển động cánh tay... khiến những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ luôn là niềm khao khát với các quý ông dù giá có khi đắt hơn cả một chiếc xe hơi.

Nguyên nhân đồng hồ Thụy Sĩ có giá bạc tỷ 

Những sản phẩm gắn mác "Thụy Sĩ" như dịch vụ ngân hàng, chocolate, dao, pho mát... từ trước tới nay luôn được các "thượng đế" mặc định là một đảm bảo về chất lượng và đẳng cấp. Đồng hồ Thụy Sĩ không nằm ngoài quy luật ấy. "Đến Đức mua ôtô, tới Thụy Sĩ mua đồng hồ" - đó là câu mà các quý ông sành điệu thường rỉ tai nhau mỗi khi đả động đến các thú chơi của phái mạnh.

Tuy vậy, sở hữu sản phẩm này không phải điều đơn giản. Những chiếc đồng hồ giá bạc tỷ, có những mẫu còn đắt hơn cả xe Ferrari như Vacheron Tour de l'Ile (1,25 triệu USD tương đương 28 tỷ đồng) hay Patek Philippe Ref 5016P (850.000 USD tương đương hơn 19 tỷ đồng), khiến không ít người thấy "bỏng tay" khi động vào. Thậm chí, ngay cả đến những loại đồng hồ nhái gán mác của quốc gia giàu thứ năm thế giới cũng có giá cao hơn mặt bằng chung. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: "Đồng hồ Thụy Sĩ có điều gì lại thu hút đến vậy?".

Tại sao đồng hồ đồng hồ Thụy Sĩ lại đắt hơn 1 chiếc xe hơi
Những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ đắt giá từ trước tới nay vẫn được coi như một niềm khao khát với mỗi người đàn ông. (Ảnh: Blogspot.)

Lịch sử phát triển lâu dài

Ngay từ thế kỷ 16, thành phố Geneva đã nổi tiếng với ngành sản xuất đồng hồ. Để kêu gọi dân chúng từ bỏ thói quen đeo trang sức, nhà cải cách tôn giáo Jean Calvin đã vận động giới thợ kim hoàn chuyển sang sản xuất đồng hồ khiến số lượng nghệ nhân ở đây tăng vọt. Sau một thế kỷ, những người làm đồng hồ ở Geneva nhiều tới nỗi một số phải tìm tới vùng khác để mưu sinh. Ngay từ khi mới ra đời, các yêu cầu về chất lượng đồng hồ ở Thụy Sĩ được theo dõi rất nghiêm ngặt. Để trở thành thợ đồng hồ lành nghề đúng nghĩa, một người sau khi học việc năm năm phải làm được một chiếc đồng hồ nhỏ có chuông báo thức đeo trên cổ và một chiếc đồng hồ đặt bàn với kích thước khác biệt.

Đến thế kỷ 19 và 20, nhờ thành tựu nghiên cứu của những người như Frédéric Ingold hay Georges Leschot, chất lượng và độ chính xác đồng hồ Thụy Sĩ đạt mốc phát triển mới, đưa đẳng cấp của chúng vươn ra thế giới. Một loạt thương hiệu tên tuổi như Omega, Rolex ra đời vào thời gian này.

Thụy Sĩ là một trong những nước đầu tiên sản xuất đồng hồ đeo cổ tay. Năm 1903, hãng Dimier Freres & Cie đăng ký bằng sáng chế thiết kế đồng hồ đeo tay và biến nó trở thành tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp như ngày hôm nay.

Suốt những năm từ 1926 đến 1960, các hãng liên tục ghi dấu với những phát minh đồng hồ đeo tay tự động, điện tử đầu tiên. Trước đó, các nước như Anh chỉ quen thuộc với mẫu đồng hồ đeo trên cánh tay dành cho nữ. Đến 1967, chiếc đồng hồ quartz (dùng con lắc làm từ tinh thể thạch anh) đầu tiên trên thế giới ra đời ở Thụy Sĩ. Một loạt phát minh khác về đồng hồ cũng được xuất phát từ đất nước này.

Nhờ tinh hoa thu được từ hàng trăm năm phát triển, những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ như Omega, Rolex, Breitling, IWC, Audemars Piguet, Baume & Mercier, Zenith, TAG Heuer... bắt đầu có giá bán vượt trội. Ngay cả với những tên tuổi lớn như Lacoste hay Armani Exchange, đẳng cấp của những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ vẫn vượt xa.

Tại sao đồng hồ đồng hồ Thụy Sĩ lại đắt hơn 1 chiếc xe hơi
Mỗi chiếc đồng hồ Thụy Sĩ đòi hỏi quá trình sản xuất tỉ mỉ và tinh vi. (Ảnh: Pecsma.)

Độ chính xác gần như tuyệt đối, linh kiện quý hiếm

Máy cơ tự động là phát minh của nhà sáng chế người Thụy Sĩ Abraham-Louis Perrelet vào thế kỷ 18, giúp đồng hồ hoạt động nhờ năng lượng từ chuyển động của cánh tay. Thông qua rô tơ xoay quanh trục dây, con lắc sẽ quay, nhờ đó tạo ra năng lượng để vận hành. Mỗi thương hiệu cao cấp từ Thụy Sĩ lại nghiên cứu một công nghệ máy cơ độc quyền riêng biệt. Các vật liệu sử dụng để làm linh kiện vì vậy cũng phải được làm từ những loại cao cấp để đảm bảo độ chính xác cũng như các yêu cầu khác về công nghệ. Giá bán sản phẩm bị "đội" lên được coi như một điều tất yếu.

Hầu hết đồng hồ cao cấp của Thụy Sĩ chạy bằng máy cơ tự động. Thông thường theo thời gian, đồng hồ quartz (chạy theo cơ chế con lắc tinh thể thạch anh) dù tốt đến mấy vẫn sẽ dần bị sai lệch và cần căn chỉnh lại. Trong khi những chiếc đồng hồ cơ đảm bảo được độ chính xác hơn nhiều. Theo Artomaliness, đồng hồ Thụy Sĩ chạy bằng máy cơ chỉ sai lệch tối đa là 10 giây.

Khi chế tác đồng hồ, các nghệ nhân thường dùng đá quý như hồng ngọc, lam ngọc, lục ngọc, thậm chí cả kim cương để lắp vào bộ phận phải chịu lực ma sát lớn nhằm giảm sự hao mòn của đồng hồ trong quá trình vận hành. Điều này đồng nghĩa đồng hồ nào sử dụng càng nhiều đá trụ (còn gọi là chân kính), mức giá lại càng lớn.

Ngoài linh kiện đắt đỏ, đồng hồ Thụy Sĩ còn dùng một loạt vật liệu quý giá khác để tăng giá trị cho sản phẩm. Ví dụ: dây da cá sấu, mặt kính sapphire có khả năng chống xước cao chỉ kém kim cương, vỏ hợp kim chống xước...

Yêu cầu chất lượng ngặt nghèo

"Swiss made" là từ chỉ các sản phẩm được sản xuất tại Thuỵ Sĩ. Nó không đơn thuần chỉ nơi xuất xứ của hàng hoá mà còn thể hiện đẳng cấp và giá trị của sản phẩm.

Để được gọi là "Swiss made", một chiếc đồng hồ phải thỏa mãn ba điều kiện. Một là sử dụng máy do Thụy Sĩ sản xuất. Hai là được lắp ráp, kiểm định và chứng nhận bởi một nhà máy sản xuất ở Thụy Sĩ. Ba là nhà sản xuất phải chứng minh được tỷ lệ linh kiện Thụy Sĩ tối thiểu trong máy của đồng hồ là 60% đồng thời sản phẩm phải được thực hiện dựa trên nghiên cứu, phát triển kỹ thuật của nước này.

Ngoài ra, đồng hồ Thụy Sĩ cũng có sản phẩm gắn mác "Swiss movement". Các linh kiện trong sản phẩm không được sản xuất trong nước như hàng "Swiss made" nhưng cũng phải đảm bảo nhiều yêu cầu khắt khe. Một là máy của đồng hồ được kiểm định và lắp ráp tại Thụy Sĩ. Hai là các linh kiện do Thụy Sĩ sản xuất phải chiếm 50% tổng giá trị sản phẩm, chưa bao gồm giá thành lắp ráp.

Tại sao đồng hồ đồng hồ Thụy Sĩ lại đắt hơn 1 chiếc xe hơi
Giới sao nam coi đồng hồ đeo tay như một phụ kiện không thể thiếu để chứng minh đẳng cấp và phong cách.( Ảnh: Wordpress.)

Phong cách thời thượng

Không chỉ dùng để đo thời gian, đồng hồ đeo tay là phụ kiện không thể thiếu dành cho nam giới trong nhiều thập kỷ qua. Giới sao Hollywood, đặc biệt là đàn ông, coi nó như một món vật dụng thể hiện đẳng cấp ngay cả khi xuất hiện trước công chúng cũng như trên phim ảnh.

Brad Pitt sở hữu một kho tàng đồng hồ Thụy Sĩ cao cấp phần lớn là các mẫu đắt đỏ của TAG Heuer. Bên cạnh đó, nam diễn viên nắm trong tay một loạt đồng hồ Rolex GMT Master II, Submariner, Day Date cùng một chiếc Patek Philippe Nautilus.

Ca sĩ Usher cũng sở hữu 40 chiếc đồng hồ xa xỉ trong ngôi nhà của mình, trong đó có một chiếc nạm 1.100 viên kim cương từng được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London (Anh).

Trong khi đó, Leonardo DiCaprio lại có một bộ sưu tập đồng hồ cổ điển từ Carrera 1887 Chronograph cho đến Aquaracer, phiên bản giới hạn. Ngay cả khi đóng phim, tài tử cũng tranh thủ khoe các phụ kiện thời trang nam tính này, ví dụ Rolex GMT Master bằng vàng trong The Wolf of Wall Street, Breitling Chrono Avenger trong Blood Diamond hay Raymond Weil trong The Great Gatsby.

Trong những năm gần đây, đồng hồ Thụy Sĩ phải đối mặt với sự đi lên của hàng loạt đối thủ như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... Các "ông lớn" lo ngại những mẫu đồng hồ giá cạnh tranh, kiểu dáng hợp mốt sẽ dần soán ngôi của mình trên thương trường khắc nghiệt. Dù vậy, trong mắt những "dân chơi" thời trang sành sỏi, những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ đã, đang và sẽ luôn giữ được vị trí ngự trị mỗi khi nhắc về đẳng cấp và chất lượng vượt trội.

Video: Quá trình sản xuất của một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ

0