26/04/2018, 08:29

Tác giả Trần Tế Xương, I.CUỘC ÐỜI, THỜI ÐẠI VÀ SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC: 1.Cuộc đời: Trần Tế Xương tên thật là Trần Duy Uyên, quen gọi là...

Nghị luận xã hội lớp 12 – Tác giả Trần Tế Xương. I.CUỘC ÐỜI, THỜI ÐẠI VÀ SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC: 1.Cuộc đời: Trần Tế Xương tên thật là Trần Duy Uyên, quen gọi là Tú Xương, tự là Mặc Trai, hiệu là Mộng Tích Trần Tế Xương tên thật là Trần Duy Uyên, quen gọi là Tú Xương, tự là Mặc Trai, hiệu là ...

Nghị luận xã hội lớp 12 – Tác giả Trần Tế Xương. I.CUỘC ÐỜI, THỜI ÐẠI VÀ SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC: 1.Cuộc đời: Trần Tế Xương tên thật là Trần Duy Uyên, quen gọi là Tú Xương, tự là Mặc Trai, hiệu là Mộng Tích

Trần Tế Xương tên thật là Trần Duy Uyên, quen gọi là Tú Xương, tự là Mặc Trai, hiệu là Mộng Tích, đến khi thi Hương mới lấy tên là Trần Tế Xương. Ông sinh ngày 10-8-1871 tại lànVị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, Nam Ðịnh và mất ngày 20-1-1907 ở làng Ðịa Tứ cùng huyện. 

Tú Xương là một người rất thông minh, tính tình thích trào lộng. Có nhiều giai thoại kể về cá tính của ông.

 Cuộc đời Tú Xương lận đận về thi cử. Tám khoa đều hỏng nên dấu ấn thi rớt in đậm nét trong tiềm thức Tú Xương.

 Ông cưới vợ rất sớm. Phạm Thị Mẫn từ một cô gái quê Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ. Tiếng có miếng không, gặp hay chăng chớ trở thành bà Tú tần tảo một nắng hai sương Quanh năm buôn bán ở mom sông. Nuôi đủ năm con với một chồng. Ông Tú vẫn có thể có tiền để ăn chơi nhưng gia cảnh nghèo túng, việc nhà trông cậy vào một tay bà Tú.

 Có thể nói, việc hỏng thi và cảnh nghèo của gia đình là nguồn đề tài phong phú trong sáng tác của Tú Xương. 

2.Thời đại:

 Cuộc đời ông nằm gọn trong giai đoạn nước mất, nhà tan.

 Năm Tú Xương ba tuổi (1873) Pháp đánh Hà Nội lần thứ nhất rồi tấn công Nam Ðịnh.

 Năm mười bốn tuổi (1884) triều đình ký hàng ước dâng đất nước ta cho giặc.

 Tuổi thơ của Tú Xương trôi qua trong những ngày đen tối và ký ức về những cuộc chiến đấu của các phong trào khởi nghĩa chống Pháp cũng mờ dần. Nhất là sau cuộc khởi nghĩa của Phan Ðình Phùng (1896) bị thất bại thì phong trào đấu tranh chống Pháp dường như tắt hẳn.

 Năm 1897, Pháp đặt nền móng cai trị đất nước, xã hội có nhiều biến động, nhất là ở thành thị. Tú Xương lại sinh ra và lớn lên ở thành thị vào thời kỳ chế độ thực dân nửa phong kiến được xác lập, nền kinh tế tư bản phát triển ở một nước thuộc địa làm đảo lộn trật tự xã hội, đảo lộn đời sống tinh thần của nhân dân. Nhà thơ đã ghi lại rất sinh động, trung thành bức tranh xã hội buổi giao thời ấy và thể hiện tâm trạng của mình. 

Có thể nói, đứng trước sự tha hoá của xã hội nên nguyên tắc Tam cương ngũ thường của Tú Xương không đậm như Nguyễn Khuyến và càng xa rời Ðồ Chiểu. 

3. Tác phẩm:

 Tú Xương mất sớm, ông chua đi trọn con đường sáng tác của mình. Nhưng những tác phẩm Tú Xương để lại có tác dụng như một bản cáo trạng đanh thép lên án xã hội thực dân nửa phong kiến trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX.

 Tú Xương sáng tác rất nhiều và thất lạc cũng nhiều. Ông viết khoảng 151 bài thơ bằng chữ Nôm với đủ các thể loại. Ngoài ra, ông có dịch một số thơ Ðường.

 II.NỘI DUNG THƠ VĂN TRẦN TẾ XƯƠNG:

1.Thơ Tú Xương là một bức tranh nhiều vẻ, sinh động về một xã hội thực dân nửa phong kiến:

 Trong thơ ông có hình bóng con người và sinh hoạt của xã hội phong kiến cũ đã bị thực dân hóa, và có hình bóng những vật mới, những sinh hoạt mới – sản phẩm của xã hội thực dân nửa phong kiến. Thơ Tú Xương là tiếng nói đả kích, châm biếm sâu sắc và dữ dội vào các đối tượng mà ông căm ghét. 

1.1.Ðả kích bọn thực dân Pháp: 

Ðốái với thực dân Pháp, tuy chua phải là đối tượng chính để tập trung phê phán nhưng ta vẫn bắt gặp bóng dáng những tên thực dân xuất hiện với dáng vẻ rất buồn cười. Ðó là hình ảnh những ông Tây, bà Ðầm rất nghênh ngang lố bịch (Vịnh khoa thi Hương năm Ðinh Dậu). Với ngòi bút châm biếm sắc sảo, Tú Xương đả kích chúng không khoang nhượng, vạch trần thói gian ác, bần tiện, thủ đoạn kiếm ăn dơ bẩn của chúng bằng bút pháp trào phúng sâu sắc (Ông Cò).

 1.2.Ðối với bọn quan lại, tay sai:

 Ðề tài này thật ra không có gì mới mẻ so với trước, nhưng cái mới ở đây là bút pháp của Tú Xương có cá tính và mang nét cảm hứng thời sự.

 Dưới ngòi bút của ông, hình ảnh bọn quan lại hiện lên rất phong phú đa dạng. Ðó là những lũ bất tài, dốt nát (Bác Cử Nhu); chúng không khác chi những tên hề (Hát bội).

Ông phê phán trò gian lận, hối lộ, bòn rút của dân không nghĩ gì đến trách nhiệm (Ðùa ông Phủ).

 Ông còn vạch trần bản chất làm tay sai của những tên quan lại lúc bấy giờ (Cô hầu gửi quan lớn).

 Từ đó thấy được thái độ phẫn uất của Tú Xương trước thực trạng xã hội và ông đã dùng ngòi bút của mình để lên án, phê phán những con người, những hiện tượng trái tai, gai mắt. 

Nhà thơ đã dựng lại chân dung của bọn quan lại, mỗi người mỗi vẻ nhưng đều rất sắc cạnh, cụ thể. Một tên quan huyện Mình trung đâu đấy trách người trinh, một ông Aám Chạy lăng quăng, ấm chẳng ngồi, ông Ðốc cờ bạc ăn chơi rặt một màu, ông Cử Sách như hủ nút, chữ như mù, một cô Bố Chồng chung, vợ chạ, một chú Hàn thì Ðậu lạy, quan xin… và cả một xã hội lố lăng, rởm đời với quý vị phu nhân, các cậu ấm tử, sư sãi… cũng được Tú Xương tái hiện, sinh động, cụ thể: 

Hai cậu con con đóng vai ấm tử, lỗi bếp bồi cậu cũng như nhau.

Ðôi đức bà lên mặt phu nhân, ngón đĩ thỏa bà nào cũng nhất.

Nhất tắc mộ sư mô chi cực, nay chùa này, mai chùa khác, mở lòng từ tô tượng, đúc chuông.

Nhất tắc ham chài lái chi khu, lên mành nọ xuống mành kia, che miệng thế đong dầu rót mật

(Khai lý lịch) 

1.3.Ðối với khoa cử, nho học: 

Trong bức tranh xã hội của Tú Xương còn có những nho sĩ đi thi, những ông Nghè, ông Cống; có hình ảnh của trường thi, của một nền nho học đang xuống dốc trầm trọng. Thời Tú Xương không còn tìm thấy hình ảnh uy nghi, trang trọng của một trường thi chữ Hán xưa kia nữa mà nó đang lùi dần trước uy thế của kẻ thù. 

Ông phản ánh thực trạng nho học suy đồi bằng tiếng thở dài áo não (Than đạo học). Ông còn chế giễu những người kéo nhau đi thi ở những trường lớp mới mở của thực dân (Ðổi thi).

 Trong buổi lễ xứng danh khoa Ðinh Dậu, nhà thơ đã vẽ ra trước mắt người đọc bức tranh về cảnh trường thi cảnh ngao ngán của sĩ tử trước thực trạng nước mất, nhà tan, sĩ khí tiêu điều, bút lông hết được săn đón Vứt bút lộng đi giắt bút chì. Ðó là hình ảnh: 

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ

Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.

Lọng cắm rợp trời quan sứ đến,

Váy lê quét đất mụ đầm ra 

Cái tàn tạ của nho học được Nguyễn Bính ghi lại:

Mực tàu giấy bản là đây

Nước non đi hết những người áo xanh

Lỡ duyên bút tóc củ hành

Trường thi Nam Ðịnh biến thành trường bay. 

Tú Xương than thở cho số phận của một ông Nghè, ông Cống và giễu cả những ông Phán:

Nào có gì lạ cái chữ nho

Ông nghè, ông cống cũng nằm co

Sao bằng đi học làm ông Phán.

Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò

(Chữ nho) 

1.4. Phê phán thế lực đồng tiền: 

Trước Tú Xương, nhiều tác giả Việt Nam cũng như nừơc ngoài đã lên án sức mạnh đồng tiền. Nó chi phối tư tưởng và hành động của con người. Ðến thời Tú Xương, đồng tiền lại một lần nữa gây đảo điên xã hội nhất là ở thành thị. Nó làm cho đạo đức suy đồi từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. 

Tú Xương đã mắng nhiếc cái xã hội đã hỗn loạn lên vì đồng tiền (Ðất Vị hoàng, Vị Hoàng hoài cổ) 

Có thể thấy bức tranh xã hội của Tú Xương bị tha hóa đến trầm trọng. Nào là cảnh: 

Ở phố Hàng Song thật lắm quan

Thành thì đen kịt, độc thì lang

Chồng chung vợ cha kìa cô Bố

Ðậu lại quan xin nọ chú Hàn

( Phố Hàng song) 

Vì đồng tiền, con người lường gạt nhau để sống, đối xử với nhau không ra gì. Tình nghĩa cha con, vợ chồng, tình yêu, tình bè bạn . . . đều bị chà đạp bởi thế lực của đồng tiền. Bài thơ Mùng hai tết viếng cô Ký, Ðể vợ chơi nhăng đã phê phán thói đời thật đáng sợ. Ông chồng khóc vợ chết chỉ vì thương cái xe tay. Còn vợ đối với chồng thì Trăm năm tuổi lại trăm thằng 

Ngòi bút Tú Xương đã khái quát bức tranh hiện thực sinh động về một xã hội lố lăng, rởm đời, có những cảnh khá nực cười, những cảnh chướng tai, gai mắt cứ nhan nhản xuất hiện trong thơ Tú Xương ( Năm mới, Thói đời, Chữ nho): 

Khăn là bác nọ lo tày rế,

Váy lĩnh cô kia quét sạch hè.

Công đức tu hành sư có lọng,

Xu hào xủng xoảng mán ngồi xe.

( Năm mới) 

Hay cảnh nực cười khác:

Chí cha chí chát khua giày dép,

Ðen thủi đen thui cũng lụa là. 

1.5 Lên án những thói hư tật xấu của thời đại:

 Phê phán những người hành đạo mà lòng dạ xấu xa và hành vi bẩn thỉu như cảnh sư sãi vụng trộm trong chùa, sư cho vay nặng lãi, sư chứa của gian đến nỗi phải ở tù (Sư ở từ, Ông sư và mấy ả lên đồng)

 Ông còn lên án thói đồng bóng, cho đồng bóng là trò mê tín giả dối không thể chịu được:

Ðồng giỏi sao đồng không giúp nước

Hay là đồng sợ súng thần công. 

Phê phán những phong tục xa hoa, phù phiếm trong ngày tết ý tứ mỉa mai trước thực trạng nước mất, nhà tan (Thói đời), vạch trần những tâm lý giả dối, sáo rỗng của con người trong ngày tết bằng lời lẽ châm biếm sắc sảo. Bài thơ Chúc tết đã chế giễu độc địa và sâu sắc:

Lẵng lặng mà nghe nó chúc nhau

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.

Phen này ông quyết đi buôn cối,

Thiên hạ bao nhiêu đứa giả trầu.

 

Nó lại chúc nhau cái sự sang!

Ðứa thời mua tước đứa mua quan.

Phen này ông quyết đi buôn lọng,

Vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng.

 

Nó lại mừng nhau cái sự giàu!

Trăm ngìn vạn mớ để vào đâu?

Phen này ắt hẳn gà ăn bạc,

Ðồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu

 

Nó lại mừng nhau sự lắm con

Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.

Phố phường chật hẹp người đông đúc,

Bồng bế nhau lên nó ở non.

 

2. Thơ Tú Xương là tiếng nói tâm tình trĩu nặng đau xót:

            2.1. Nỗi đau xót về bản thân và thời cuộc:             

            – Về bản thân:

            Gánh nặng đeo đẳng nhà thơ suốt đòi là nợ lều chõng. Ban đầu hỏng thi, ông còn cười cợt, còn tự nghĩ cách để an ủi mình. Nhưng các khoa thi sau ( 1903, 1906) ông càng thất vọng, càng chua chát. Tú Xương ngày càng đau buồn, chán nãn, tuyệt vọng và cay cú:

Học đã sôi cơm nhưng chữa chín.

Thi không ăn ớt thế mà cay 

Ðến khoa thi cuối ( 1906) tiếng thở dài của Tú Xuơng càng áo não và bi thiết hơn nhiều:

Bụng buồn còn biết nói năng chi

Ðệ nhất buồn là cái hỏng thi

Một việc văn chương thôi cũng nhảm

Trăm năm thân thế chẳng ra gì

( Buồn thi hỏng) 

Ở đây, dù đau vì thi rớt, vì công danh không thành đạt nhưng Tú Xương vẫn ít ủy mị và luôn tỏ thái độ khôi hài, lúc nào nụ cười trào phúng cũng đến với ông. Qua những lời tự trào, tư thú về mình càng thấy rõ con người và tính cách Tú Xương:

 Tú Xương tự khoe về sự ăn chơi của mình:

Nghiện chèm nghiện rượu, nghiện cả cao lâu,

Hay hát, hay chơi, hay nghề xuống lõng.

Quanh năm phong vận, áo hàng Tàu, khăn nhiễu tím, ô Nhật Bản anh,

Ra phố nghênh ngang, quần Tố nữ, bít tất tơ, giày Gia Ðịnh bóng . . .

( Phú hòng thi) 

–         Về cảnh nghèo: Qua thơ ông, gia cảnh nhà ông hiện lên rất áo não và bi thiết

( Mùa nực mặc áo bông) Nhà thơ từng thấm thía cảnh chạy ăn, vay nợ, nhiều lúc ông phải gào lên:

Van nợ lắm khi trào nước mắt

Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi

( Than nghèo) 

Trong hoàn cảnh nào, Tú Xương vẫn cười cợt, châm biếm, nói ngông. Vì nghèo quá, ông đã tính đến chuyện đi tu nhưng không phải tu vì đạo lý mà tu vì tấm áo (Nghèo), rồi nghĩ đến chuyện làm mứt rận đãi gai đình trong ngày tết, có những ý nghĩ ngông nghênh, hợm hĩnh ( Mứt rận), hoặc nhiều lúc ông đâm ra chán chường tuyệt vọng:

Ngủ quách sự đời thây đứa thức.

Bên chùa chú trọc đã khua chuông.

( Ðêm hè)

Vốn là con nhà trào phúng nên trong hoàn cảnh nào nhà thơ vẫn có thể cười cợt, vẫn bông đùa:

Anh em đừng tưởng tết tôi nghèo

Tiền bạc trong kho chữa lĩnh tiêu 

Ðúng là nói cho vui, chứ kho đâu mà lĩnh, tiền đâu mà tiêu? Chính cái nghịch lý này đã hình thành nên tính cách của Tú Xương.

 2.2. Nỗi lo lắng thầm kín của Tú Xương trước thời cuộc và vận mệnh đất nước: 

– Tình cảm của Tú Xương đối với nhân dân:

Ðối với người nghèo như những người học trò, những người nông dân chân lắm tay bùn (Thề với ăn xin)  . . . những dòng thơ của Tú Xương chứa chan tình cảm và đầy lòng ưu ái (Ðại hạn) 

Hoặc ở một bài thơ khác, tâm trạng Tú Xương càng thể hiện rõ hơn:

Ỳ ào tiếng học nghe không rõ

Mát mẻ nhà ai ngủ hẳn lâu

Ông lão nhà quê tan tản dậy,

Bảo con đem đó, chớ đem gầu . . . 

Ðối với người phụ nữ, hình ảnh họ hiện lên thật đáng thương, họ không những khổ sở về vật chất mà còn bị đau đớn về mặt tinh thần Thương vợ là một bài thơ tiêu biểu của Tú Xương viết về vợ: 

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không. 

Nỗi u hoài kín đáo của Tú Xương trước thời cuộc và vận mệnh đất nước thường triền miên, day dứt:

Nhân tài đất Bắc nào ai đó?

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà

( Vịnh khoa thi Hương năm Ðinh dậu) 

Nhà thơ thường thao thức suốt đêm dài để lặng lẽ suy tư và thấy được cái heo hút Vắng lặng của đêm trường:

Ðêm sao đêm mãi tối mò mò,

Ðêm đến bao giờ mới sáng cho.

Ðàn trẻ u ơ chừng muốn dậy,

Ông già thúng thắng vẫn đang ho.

Ngọn đèn rình trộm khêu còn bé,

Tiếng chó kinh người cắn vẫn to.

Hàng xóm bốn bề ai dậy chửa,

Dậy thì lên tiếng gọi nhà nho.

( Ðêm dài) 

Trong hoàn cảnh đó, nhà thơ vẫn còn tỉnh táo để nhận ra mình:

Kìa cái đêm nay mới gọi đêm

Mắt giương không ngủ bũng không thèm

Tình này ai thấu cho ta nhỉ

Tâm sự năm canh một bóng đèn. 

Ðiểm sáng nhất, xúc động nhất trong thơ ông là ở tình này. Ðó là tình cảm của ông đối với quê hương đất nước. 

Nỗi đau khi nhìn thấy đất nước đổi thay mà bản thân ông thì không làm gì thay đổi thời cuộc ( Sông lấp). Bài thơ chứng tỏ Tú Xương vẫn là người nặng tình đời và tha thiết với cuộc sống. Mặc dù có lúc ông đâm ra bối rối, lạc lõng, mất phương hướng trước bao biến đổi của thời cuộc:

Hỏi người chỉ thấy non xanh ngắt,

Ðợi nước càng thêm tóc bạc phơ

Ðường đất xa khơi ai mách bảo?

Biết đâu mà ngóng dến  bao giờ?

( Lạc đường) 

Lòng yêu nước của Tú Xuơng còn thể hiện qua sự khâm phục của Tú Xương đối với những người có tài, có đức ra cứu đời, giúp nước:

Vá trời gặp hội mây năm vẻ

Lấp bể ra công đất một hòn

( Gửi cụ thủ khoa Phan)

 Tuy không đủ dũng khí để đi vào cuộc cách mạnh như bao nghĩa sĩ yêu nước khác nhưng ông có cảm tình nồng hậu đối với những người làm cách mạng. Hình ảnh Phan Bội Châu Vá trời, lấp bể đã đến với Tú Xương bằng tất cả sự kính mến, khâm phục.

 

3. Triết lý sống của Tú Xương giữa thời buổi loạn ly của đất nước:

Triết lý sống của Tú Xương đặc biệt không giống ai giữa thời buổi loạn ly. Ông sống giả câm, giả điếc, làm ngơ trước dư luận. Sống như ông phải có kiểu cách riêng, giống như hình ảnh của chú Mán ở Nam Ðịnh:

Khi để chỏm, lúc cạo đầu

Nghêu ngao câu hát nửa tàu, nửa ta

Chẳng đội nón chịu màu da dãi nắng,

Chẳng nhuộm răng để trắng dễ cười đời,

Chốn quyền môn lòn cúi mặc ai,

Ngoài cương tỏa thảnh thơi ai đã biết.

( Chú Mán) 

Thái độ sống khác của Tú Xương có phải chăng là thái độ chống đối của nhà thơ trước thời cuộc? Ông không muốn hòa vào cuộc sống ngột ngạt không lối thoát này, không muốn hợp tác với cái văn minh trong thời kỳ nước mất, nhà tan. Giữa bao cái rối rắm mà mọi người đang tìm cách chen chân vào thì Tú Xương tách khỏi nó. Từ đó thể hiện sự yêu thích tự do, không chịu cúi lòn làm nô lệ. 

Triết lý sống của Tú Xương nếu đem đặt bên cạnh triết lý sống của các nhà chiến sĩ yêu nước là xả thân vì nước lúc bấy giờ thì triết lý sống của Tú Xương có phần nhạt nhẽo, vô vị. Nhưng nói chung, triết lý sống của ông đã phần nào phản ảnh được tâm trạng của lớp người sống trong thời buổi không đành tâm theo giặc cũng không cầm vũ khí chống giặc. 

III. NGHỆ THUẬT THƠ VĂN TRẦN TẾ XƯƠNG:

1.      Kết cấu:

 1.1.Thơ trào phúng của Tú Xương hết sức đa dạng và phong phú.

Có bài thơ vừa có hiện thực vừa có trào phúng. Bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật, Tú Xương sử dụng tiếng cười làm vũ khí. Ở Tú Xương không có cái nhàn nhạt, cái lưng chừng, cười là cười phá, chửi là chửi độc, chua chát đến ứa mật, ứa máu. 

Có những bài tự trào, tự khoe về mình, dùng ngôn ngữ lấp lững, ỡm ờ, hoặc những từ hoàn toàn thô tục . . . Tứ thơ thường độc đáo, đột ngột, táo bạo gây sự chú ý và bám vào linh hồn của chủ đề. Tú Xương đã quàng vào cổ ông Hàn nọ ( Vốn làm nghề nấu rượu) những xâu, chai, lọ, vung, nồi lổn nhổn:

Hàn lâm tu soạn kém gì ai?

Ðủ cả vung nồi, cả cóng chai

( Ðưa ông hàn) 

Cái tài tình của Tú Xương là chợp đúng cái thần của sự vật bằng một vài nét điển hình, rồi với cách nói thẳng thừng, táo bạo và hài hước của mình, ông phơi bày cái lõi của sự thật cho mọi người xem có khi ở câu đầu:

Lúc túng toan lên bán cả trời

Trời rằng thằng bé nó hay chơi

( Tự cười mình) 

Có khi ở cuối câu:

Cụ Xứ có cô con gái đẹp

Lăm le xin bố cưới làm chồng

( Ði thi nói ngông)

Có khi mượn lối chơi chữ:

m không ra ấm, ấm ra nồi

Ấm chạy lăng quăng, ấm chẳng ngồi

( Bỡn ông ấm Ðiềm) 

Có lúc nhân cái mồm tu hú của đối tượng mà hạ một ý thật lạ lùng:

Cậu này ắt hẵn hay nghề sáo,

Dây vũ dây văn vụng ngón đàn

( Thông gia với quan) 

Hoặc mở đầu bài thơ Ðể vợ chơi nhăng là đánh thẳng đối tượng là anh chồng ngu”:

Thọ kia mày có biết hay chăng

Con vợ mày kia xiết nói năng

Vợ đẹp của người không giữ được

Chồng ngu mượn đứa để chơi nhăng 

Nhưng mục đích chính là đả kích mụ vợ, nên khổ thơ cứ dồn dập và quyết liệt:

Ra đường đáng giá người trinh thục

Trong bụng sao mà những gió trăng,

Mới biết hồng nhan là thế thế,

Trăm năm, trăm tuổi, lại trăm thằng. 

Có thể nói, Tú Xương đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật kết cấu trong thơ trào phúng, trước hết vì tiếng cười của ông là sự phê phán của một lý trí và cảm xúc nhạy bén của con tim nên tiếng cười trào phúng của Tú Xương rất chắc, hiệu quả cao.

 1.2.Thơ trữ tình của Tú Xương:

 Lời thơ nhuần nhuyễn, ý thơ gần gũi, sâu lắng.

Các bài thơ tiêu biểu Ðêm hè, Ngẫu hứng, Sông lấp, Gửi cụ thủ khoa Phan, Nhớ bạn phương trời . . . thể hiện cái sâu xa trong tâm trạng của ông đó là tinh thần dân tộc, tuy có giới hạn nhưng rất đáng quý, đã hình thành nên tính cách Tú Xương. 

Ông có những bài thơ thể hiện tình cảm lãng mạn cũng khá hiện đại:

Em gửi cho anh mãnh lụa đào

Không biết rằng em bán thế nào

( Tặng người quen) 

Ðề tài thơ trữ tình của Tú Xương tuy không phong phú và đa dạng như thơ trào phúng nhưng cũng rất sâu sắc và đậm đà. Nhà thơ sử dụng nhiều chi tiết từ  cuộc sống nên tứ thơ rất sinh động, nhiều chi tiết xác thực như bản thân đời sống . Hình ảnh bà Tú được tái hiện bằng những nét rất thực:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

( Thương vợ) 

Bài thơ Nhớ bạn phương trời đã đi sâu vào thế gới tâm trạng, tràn ngập cảm xúc  trữ tình của nhà thơ đối với nhà cách mạng Phan Bội Châu.

Ta nhớ người xa cách núi sông,

Người xa, xa lắm nhớ ta không?

Sao đang vui vẻ ra buồn bã

Vừa mới quen nhau đã lạ lùng

Lúc nhớ, nhớ cùng trong mộng tưởng

Khi riêng riêng đến cả tình chung

Tương tư lọ phải là trai gái,

Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng. 

1.3.Sự kết hợp hai yếu tố hiện thực và trữ tình: 

Rất độc đáo và sâu sắc. Kết cấu bài thơ không gò bó. Tính phóng túng trong suy nghĩ cũng như trong tính tình đã đem vào khuôn khổ thể thơ bảy chữ tám câu nhiều nét mới đã phá vỡ mọi qui định: 

Việc bác không xong tôi chết ngay!

Chết ngay? Như thế vội vàng thay!

( Bỡn người làm mối) 

Hỏi lão đâu ta?- Lão ở Liêm

Trông ra bóng dáng đã hom hem

( Già chơi trống bỏi) 

Người đói ta đây cũng chẳng no,

Cha thằng nào có tiếc không cho

( Thề với ăn xin) 

Rất nhiều bài thơ của Tú Xương có sự kết hợp hài hòa hai yếu tố hiện thực và trữ tình (Vịnh khoa thi hương năm Ðinh Dậu, Thương vợ, Thề với ăn xin . . .) 

Nói về sự kết hợp giữa hai yếu tố hiện thực và trữ tình trong một bài thơ, Nguyễn Tuân cho rằng: Sở dĩ thơ Tú Xương không bị tắt gió, không bị bay ra khỏi là vì thơ Tú Xương đã đi bằng hai chân hiện thực và lãng mạn, là vì thi pháp của Tú Xương phối hợp cả hiện thực và trữ tình  

2.      Ngôn ngữ và chất liệu dân gian:

2.1.           Ngôn ngữ:

Tú Xương là bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh. Ngôn ngữ giản dị, chính xác, uyển chuyển, gợi hình và có tính chất dân gian ( Ði hát mất ô) được xem là bài duyên dáng, hóm hĩnh, độc đáo của Tú Xương vì ông đã thể hiện được cái thần của bài thơ. 

Sử dụng ngôn ngữ hàng ngày, tươi mát, tự nhiên mà vẫn thanh nhã, óng chuốt. Mấy câu sau đây như lời nói ở cửa miệng, không thêm bớt mà rất chân thành:

Tôi hỏi thăm ông đến tận nhà,

Trước nhà có miếu, có cây đa

Cửa hè sân ngõ chừng ba thước,

Nửa tá tre pheo đủ một tòa . . .

( Ông ấm Ðiềm)

 Hoặc đây là cách nói ngang tàng nhưng rất tự  nhiên:

Gái tơ đi lấy làm hai họ

Năm mới vừa sang được một ngày

( Viếng cô Ký) 

Hai họ là vợ hai, đối với Một ngày tức mùng một tết. Vậy câu thơ chỉ giữ cái vỏ của phép đối mà vượt qua những ràng buộc khác khiến cho lời thơ của Tú Xương không những êm tai, sướng miệng mà còn rất độc đáo, có giá trị châm biếm cao.

 2.2.Chất liệu dân gian:

 Nhiều thành ngữ dân gian, ca dao đã đi vào thơ Tú Xương bằng sự sáng tạo riêng.

Các thành ngữ như Học đã sôi cơm, thi không ăn ớt, vuốt râu nịnh vợ, quắc mắt khinh đời, năm nắng mưới mưa, thân cò lặn lội . . . đã được Tú Xương vận dụng khá độc đáo trong thơ.

Vuốt râu nịnh vợ con bu nó

Quắc mắt khinh đời cái bộ anh. 

Tú Xương rất am hiểu ca dao, nhiều câu ca dao còn thể hiện cái tình tứ, duyên dáng, hóm hỉnh của nhà thơ. 

Ai ơi còn nhớ ai không?

Trời mưa một mảnh áo bông che đầu

Nào ai có tiếc ai đâu

Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô?

Người đi tam đảo, ngũ hồ.

Kẻ về khóc trúc, than ngô một mình.

Non non, nước nước, tình tình

Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ

Áo bông che đầu) 

IV. KẾT LUẬN: 

Về nội dung, thơ trào phúng và trữ tình của Tú Xương có giá trị hiện thực cao. Thơ Tú Xương là tiếng nói, là nỗi lòng của tầng lớp nho sĩ đang đứng giữa thời cuộc không đành tâm theo giặc cũng không cầm vũ khí chống giặc. 

Về nghệ thuật, cả hai mặt trào phúng và trữ tình, Tú Xương xứng đáng là nhà thơ lớn của dân tộc, xứng đáng được Yên Ðỗ ( Nguyễn Khuyến) nhà thơ cùng thời xếp vào loại thi hào bất tử :

Kìa ai chín suối Xương không nát

Có nhẽ nghìn thu tiếng vẫn còn.

WeagmaZoorm

0 chủ đề

23911 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0