06/05/2018, 10:16

Tả ông cụ ngồi câu cá – Văn mẫu hay lớp 5

Xem nhanh nội dung Tả ông cụ ngồi câu cá – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Kiên Giang Tôi là một người tò mò và rất hay để ý đến mọi vật xung quanh. Thấy điều gì lạ, tôi quyết tìm hiểu cho bằng được. Thế nhưng, có một điều làm tôi luôn băn khoăn và không thể lí ...

Xem nhanh nội dung

Tả ông cụ ngồi câu cá – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Kiên Giang

Tôi là một người tò mò và rất hay để ý đến mọi vật xung quanh. Thấy điều gì lạ, tôi quyết tìm hiểu cho bằng được. Thế nhưng, có một điều làm tôi luôn băn khoăn và không thể lí giải được, đó là hình ảnh một cụ già cứ mỗi sáng lại đem cần đến câu cá ở cái hồ gần nhà tôi. Hình ảnh cụ ngồi câu toát lên một vẻ gì điềm tĩnh đến kì lạ.

Cái hồ gần nhà tôi rất sạch và đẹp. Nó không rộng lắm nhưng nhờ không khí trong lành nên nó vẫn thu hút cả phố đến tập thể dục vào mỗi sáng. Không chỉ vậy, cái hồ đó còn có khá nhiều cá nên có nhiều người đến câu. Có những người đến câu để cải thiện bữa trưa, có những người đến câu để giải trí.

Nhưng cụ già ấy đến đây câu ắt hẳn không phải vì hai lí do trên. Tôi biết điều đó vì gương mặt cụ không có vẻ gì là vội vã khi cá mắc câu. Và cụ cũng chỉ đi có một mình nên không là đi câu để giải trí, vui vẻ với bạn bè.

Việc câu cá của ông cụ là thế này. Sáng sớm, khi những người đi tập thể dục đến hồ thì cũng là lúc ông cụ chọn được vị trí ngồi cho mình. Cụ thường ngồi dưới một gốc cây to có bóng mát nào đó. Chọn được chỗ ngồi, ông liền bày ra những dụng cụ của mình. Một cái ghế xếp con con vừa đủ ngồi, một cái cần câu tay quay, một cái xô con có ít nước và một túi mồi. Đặt các thứ xuống, ông mắc mồi vào cái lưỡi chùm rồi hơn ngửa người ra sau hất rất mạnh cái cần, quăng chùm mồi cùng dây câu ra xa. Chùm mồi chạm nước làm vang lên một tiếng “bõm” nhẹ nhàng, mặt nước xao động, những vòn tròn đồng tâm lan xa. Xong xuôi, ông gác cần vào bờ, ngồi xuống, hai tay khoanh trước ngực, lặng im.

Bây giờ tôi mới có cơ hội nhìn ông kĩ hơn. Ông đã chừng bảy mươi tuổi nhưng dáng người còn khỏe mạnh, đậm chắc. Ông mặc boojbaf ba nâu kiểu của những cụ già Nam Bộ xưa. Và dù ông đội chiếc mũ nan rộng vành nhưng gương mặt ông, tôi vẫn nhìn rất rõ. Da ông hồng hào, gương mặt trung hậu, chòm râu bạc để dài đến ngực. Và nhất là đôi mắt sáng ngời, tinh anh nhưng luôn phảng phất một nỗi niềm u uẩn.

Đặt cần xong rồi, cụ ngồi im lặng như một bức tượng. Đôi mắt cụ nhìn đăm đăm về một nơi nào không biết. Dáng cụ ngồi đso trầm mặc quá! Có lẽ cuộc đời cụ trải qua nhiều thăng trầm và khi tuổi già đến, những lúc thế này là thời gian cụ chiêm nghiệm về quãnh đời đã qua, về những gì của ngày hôm nay và mai sau. Gương mặt cụ khiến tôi nhớ đến hình ảnh ông tôi những khi ông âm thầm ngắm bức tranh của bà nội.

Chợt chiếc phao khẽ động đây, làn nước bị quấy rối liền lăn tăn gợn sóng. Phải một lát sau, khi chiếc phao bị giật mạnh, cứ nổi lên lại bị giật xuống, ông cụ mới bừng tỉnh. Ông khẽ nhíu mày lắc nhẹ đầu, rồi rất từ tốn nhấc cần lên, quay trục dây khiến chú cá mắc câu tiến gần vào bờ. Một tay giữ lưỡi câu, một tay ông nhẹ nhàng gỡ chú cả ra, thả chú vào chiếc xô nhỏ. Ông lại mắc mồi và quăng dây câu lần tiếp.

Tôi thích nhìn ông cụ câu cá vào mỗi sớm mai như thế. Đã nhiều lần tôi có ý định đến hỏi chuyện ông nhưng lại nghĩ:hãy cứ để hình ảnh ông mãi là bí mật đối với tôi như vậy, có thể tôi sẽ có phút lắng mình để suy tưởng về mọi việc nhiều hơn. Hình ảnh cụ tạo cho tôi một tâm thế bình tĩnh để bắt đầu mọi việc trong một ngày mới.

Tả ông cụ ngồi câu cá – Bài làm 2

Một buổi sáng mùa thu, tiết trời ấm áp, em có dịp quan sát một cụ già  đang ngồi câu cá bên bờ hồ.

Hôm đó, cụ mặc bộ đồ bà ba màu xám trắng, tay cầm chiếc cần câu bằng trúc,  lóng lánh dưới nắng mai hồng. Cụ trông thanh cao, giản dị và đầy chí khí.  Tuy cụ đã ngoài bảy mươi nhưng khuôn mặt vẫn đầy đặn, đẹp lão. Vầng  trán cao đã hằn sâu những nếp nhăn. Mái tóc bạc phơ, nhìn cụ như một ông  tiên nhân đức.  Cụ già thong thả buông cần trúc xuống hồ sen. Trời nước lênh đênh,  những chú cá chép lượn lờ trông mây dưới nước, đàn cá rô tung tăng đùa  giỡn, cụ lay nhẹ cần câu, mặt nước hồ chao động. Đàn cá liếc mắt nhìn lên  thấy chú giun cựa quậy dưới lưỡi câu, chúng lấy làm thích thú. Cụ già đưa  tay vuốt nhẹ chòm râu bạc trắng, mắt cụ đăm đắm nhìn lũ cá đang vờn mồi.  Cụ vẫn ung dung hút thuốc lào, mùi khói thuốc bay ra quyện với hương sen  đang phảng phất. Khói cứ bay cao, lan tỏa trong không gian vắng lặng.  Bỗng cụ mỉm cười thật tươi, đôi mắt hiền từ của cụ ánh lên một niềm vui,  niềm thú vị, thì ra đó là một chú cá chép vừa rón rén tới cắn câu. Cụ nhanh  tay bật mạnh cần câu, chú cá chép vừa nuốt chửng con mồi và cũng vừa  được cụ đưa lên bờ, rồi nằm gọn trong giỏ tre của cụ. Chú cá quẫy tũng  toẵng. Cụ nói: “Nếu muốn trở về với nước thì cũng nằm đấy mà đợi cụ nhé! “  Lời nói của cụ lúc trong trẻo nghe như tiếng chuông đồng, lúc trầm trầm  sâu lắng, rồi cụ bảo em: 

–        Con có thích cá không?

 Em vội trả lời: 

–        Có ạ! Cụ câu cho con một chú cá rô nhé!

–        Vậy thì ngồi đấy mà chờ ông. 

Rồi cụ gọi:

– Cá rô ơi; hãy cắn câu đi nào! 

Đàn cá rô vẫn vô tư, lượn lờ dưới nước, quanh quẩn bên đài sen để  thưởng thức hương thơm. Chú giun vẫn cứ cựa quậy dưới lưỡi câu lóng  lánh, cụ già vẫn kiên trì chờ đợi. Mặt hồ trải rộng, mênh mông và gợn sóng.  Những đóa sen vẫn rung rinh, gật gù trong gió sớm. Đột nhiên, một chú cá  rô dũng cảm đến gần lưỡi câu. Cụ già khẽ bảo em:

– Lần này thì con có cá rô rồi đấy. 

Em vui lắm và thầm mong cho cá cắn câu.  Cụ già như hiểu ý em, cụ cố nhìn con mồi. Cụ cũng mong có cá rô cho  em. Bàn tay xương xương của cụ vẫn nắm chặt lấy cần câu. Bóng cụ trải dài  dưới mặt nước trong xanh. Mấy cọng tóc bạc phất phơ trước trán. Cụ vẫn  kiên nhẫn, đợi chờ. Lần này trông cụ lo lắng, không còn vẻ ung dung vì sợ em thấy thất vọng. Chú cá rô không cầm lòng trước miếng mồi ngon, chú  đớp mạnh còn mồi rồi định tuôn chạy nhưng đâu còn kịp nữa. Chú đã mắc  câu. Cụ già bung tay lên hất cần câu lên bờ hồ. Cụ mỉm cười rồi bắt cá bỏ  vào chiếc bị cho em. Cụ còn dặn dò em:

– Ông cho cá con đây nhưng con phải hứa với ông là học giỏi đấy!

Em  vội đưa hai tay đón lấy cá và cám ơn cụ rối rít:  – Con cảm ơn cụ, con sẽ học giỏi ạ! Chào cụ con về ạ  Cụ gật đầu khen em ngoan rồi vuốt nhẹ chòm râu. Có lẽ cụ hài lòng… 

Em cầm chú cá đi về mà thầm cảm ơn cụ già tốt bụng kia… Lời dặn dò  của cụ vẫn còn vang lời dặn dò của cụ già mà em xem như một ông tiên  nhân hậu.

Tả ông cụ ngồi câu cá – Bài làm 3

Hè năm nay bố mẹ cho chị em chúng tôi được về quê nghĩ cùng ông bà nội. Tôi đã biết được nhiều điều mới lạ và thú vị về quê hương nhưng đặc biệt nhất là tôi lại có sở thích đi câu cùng ông, một điều trái hẳn với tính ưa bắng nhắng và thiếu kiên trì của tôi.

Mấy hôm đầu ở nhà ông bà, chị em tôi bày ra đủ thứ trò chơi mà ở thành phố không có như nhặt lá chơi đồ hàng, nặn đất, đuổi bắt bướm, lấy que tre làm nhà,… Chúng tôi vầy đất cát nhọ nhem đến nỗi bà không cho chúng tôi ra vườn nữa. Tôi đang buồn thiu thì ông nội lại nảy ra sáng kiến là mấy ông cháu cùng đi câu cá. Sau khi đào được mấy con giun đất làm mồi câu, ông cháu tôi ra bờ ao cuối vườn. Hằng ngày bà vẫn cấm chúng tôi ra bờ ao, giờ lại được ngồi câu cá bờ ao, chị em chúng tôi thích lắm. Thằng Bờm khoái quá vừa nhảy chân sáo vừa hát bài con bướm vàng. Cái ao cạnh nhà ông bà tôi to lắm. Ông tôi bảo đây là ao của hợp tác xã chia cho những nhà ở xung quanh cấy rau muống cho trâu ăn. Vào mùa hè nước nhiều nên các nhà cùng đấu thầu thả cá. Ông bà tôi được ưu tiên trông coi nên ông mới đưa chúng tôi ra câu cá ở đây được. Bờ ao nhà ông bà tôi được be đắp cẩn thận. Mép ao, bà tôi ương một bè rau muống còn trên bờ bà trồng một dãy chanh quả sai chiu chít. Cạnh chiếc cầu ao xây bằng đá xanh là một cây sung lớn cành lá xum xuê. Ông chọn chỗ ngồi câu mé gốc sung và bắt đầu hướng dẫn chúng tôi cách móc mồi câu và thả cần xuống nước. Trời mùa hè cao vời vợi, trong vắt, thoang thoảng mấy làn gió nhẹ. Chiếc ao được bao bọc bằng những loại cây như một thế giởi riêng yên tĩnh với bầu không khí trong lành. Đã mười giờ sáng nên nắng bắt đầu rực rỡ, nhưng không khí ở bên ao vẫn mát rượi. Mặt ao lấp lánh ánh bạc. Ông vừa khoan thai ngồi xuống vừa giảng giải cho chúng tôi vào thời điểm giữa buổi sáng như thế này cá thường tìm mồi như thế nào và chọn địa điểm nào thả cần câu cho tốt. Chị em tôi tò mò làm theo và hồi hộp chờ đợi chiếc phao câu rung động trên làn nước xanh biếc. Trời chưa nắng lắm và không gian xung quanh ao vô cùng tĩnh mịch. Nhìn sang ông, tôi bất ngờ thấy ông mình khác lạ. Ông ngồi trên một chiếc ghế nhỏ, hai chân hơi duỗi về phía trước. Ông ngồi im lặng, mắt chăm chú nhìn chiếc phao câu, chòm râu trắng khẽ rung theo từng hơi thở. Dưới tán lá mát mẻ, trông ông chẳng khác gì một pho tượng tạc bằng đá, ung dung đến lạ kì. Nếu ông không mặc bộ quân phục bạc màu thì chắc hẳn tôi đã nghĩ ông là một ông đồ nho ở ẩn ngày xưa trong bộ phim tôi mới được xem. Dường như ông không chỉ nhìn phao câu bằng mắt mà còn bằng cả đôi tai đang lắng nghe tiếng cá di chuyển. Bỗng chiếc phao câu của ông động đậy. Hai tay ông đang cầm nhẹ cần câu giờ nắm chặt lại và bằng một động tác vừa nhanh vừa dứt khoát ông giật mạnh cần câu, hất lên bờ. Một chú cá chép trắng tinh đã mắc câu và đang cố sức quẫy mạnh. Thằng Bờm nhảy lên sung sướng vỗ tay và reo hò ầm ĩ, còn ông nở nụ cười mãn nguyện. Ông bảo trưa nay ông sẽ đích thân nấu món riêu cá chiêu đãi chúng tôi. Rồi ông từ từ gỡ chú cá ra, nhẹ nhàng thả vào giỏ, nhanh chóng mắc miếng mồi giun khác và nhẹ nhàng buông câu. Tất cả những động tác ấy đều được ông làm rất nhanh và khéo léo, chính xác như làm bằng máy vậy. Ông ra hiệu cho chúng tôi tiếp tục nhìn chiếc phao câu và im lặng ngồi chờ. Ông vừa thư thả vừa trầm ngâm theo dõi chiếc phao và những biến động trên mặt ao. Thỉnh thoảng ông lại châm thuốc hút. Thấy Bờm có vẻ sốt ruột vì mãi chưa thấy chiếc phao động đậy ông mới giải thích rằng không phải cứ buông mồi là cá cắn câu ngay, đi câu là phải kiên nhẫn.

Ông bảo ao vừa được vét cá và chưa thả cá mới nên chú cá này là một trong số những chú cá ít ỏi còn sót lại. Không hiểu sao tôi lại có thể ngồi im theo dõi ông. Mắt tôi như bị cuốn vào từng động tác của ông. Ông tôi bình dị và đẹp đẽ biết nhường nàoẽ Tôi tự hào và yêu ông mình lắm. Nhìn ông câu cá tôi vô cùng thán phục về sự ung dung, nhàn nhã, khéo léo và kiên trì của ông.

Suốt một tháng hè, ông cháu tôi đã nhiều lần cùng nhau câu cá và chị em tôi cũng được ông cho ăn nhiều món cá được chế biến theo cách khác với những bữa ăn ở thành phố. Nhưng điều lí thú nhất là tôi bỗng thấy mình bớt bắng nhắng hơn sau những lần đi câu đó. Bây giờ, mỗi khi nhớ ông, tôi lại mong mau đến kì nghĩ hè để được về với ông bà và được ngồi câu cá cùng ông.

Tả ông cụ ngồi câu cá – Bài làm 4

Trước cổng đường làng em có một cái hồ rất rộng nhưng chẳng bao giờ người ta đánh cá ở đó, nên hồ có rất nhiều cá rô, cá trê, cá chép…

Chiều chiều em đi học về thường ngồi lại xem ông cụ câu cá.

Tên cụ là Kha, không có con cháu nên phải đi câu cá để nuôi thân.

Cụ có bộ râu ba chòm trắng xóa rất dài, chẳng biết năm nay cụ bao nhiêu tuổi, nhưng còn khỏe mạnh hồng hào.

Lúc nào ngồi câu cụ cũng mặc áo nâu, đầu đội mũ lá rộng vành. Khuôn mặt rám nắng màu gỗ gụ. Hai tay những đường gân nổi lên chằng chịt. Đôi bắp chân đen bóng.

Cụ có cái giỏ lớn cắm trên bờ hồ. Khi câu được con cá nào, cụ thả vào đó, vì vậy chiều tối về cá vẫn còn sông.

Cái hộp đựng mồi của cụ bằng sắt tây, trong đó có giun, tép, cào cào… Cụ sửa chỗ ngồi cho vững chắc rồi mới mắc mồi thả xuống hồ. Có lúc cụ mải rít hơi thuốc lào nên không biết cái phao đã nhấp nháy và chìm dần xuống… thấy thế em giục:

–      Cụ ơi, cá cắn câu rồi.

Cụ vội vàng quay lại giật mạnh cái cần câu rồi lôi lên một con cá rô to gần bằng bàn tay, cụ thong thả gỡ con cá ra khỏi lưỡi câu rồi bỏ vào giỏ. Cụ lẩm bẩm:

–      Cho chú mày nằm nghỉ đến tối.

Hôm nào trời mưa thì không thấy bóng dáng cụ, những ngày nắng thì chiều nào cũng thấy cụ ngồi câu im lặng, thỉnh thoảng cái điếu cày rít lên một hồi.

Ngồi chơi xem cụ câu cá, em thấy ở cụ tính kiên trì, chờ đợi. Lúc nào cũng có vẻ thong dong, không sốt ruột.

Thu Thủy (Tổng hợp)

0