24/02/2018, 18:55

Tả một người mà em thường gặp (có thể là bác ở hàng xóm, cô bán quà sáng, một cậu bé bán vé số, anh công an gác đường…).

Tả một người mà em thường gặp – Tả bác hàng xóm Có những người ta mới gặp lần đầu đã cảm thấy mến họ. Bởi lẽ, họ là những người hiền hậu, nhũn nhặn, cư xử chân tình nên dễ gây cảm tình với ta. Bác Hai hàng xóm sát vách nhà em là một người như thế. Bác Hai ...

 Tả một người mà em thường gặp – Tả bác hàng xóm

Có những người ta mới gặp lần đầu đã cảm thấy mến họ. Bởi lẽ, họ là những người hiền hậu, nhũn nhặn, cư xử chân tình nên dễ gây cảm tình với ta. Bác Hai hàng xóm sát vách nhà em là một người như thế.

Bác Hai năm nay đã sáu mươi lăm tuổi. Dáng bác hơi gầy, đi lại nhanh nhẹn. Tóc bác bạc gần hết mái đầu. Trên khuôn mặt bác, làn da đã nhăn nheo, đùn lại thành nếp ở đuôi mắt, khoé miệng. Đôi mắt bác từ tốn, hiền lành, nheo nheo như cười. Có lúc mắt bác như tư lự, đăm chiêu, nghĩ ngợi điều gì, Đôi mắt ấy có khi biểu lộ sự e dè, nể nang mọi người, cái nhìn của bác thật rộng lượng, bao dung. Bàn tay bác đã nhăn nheo. Những ngón tay to và ngắn, thô ráp, kết quả của những năm tháng còn trẻ lao động cực nhọc. Bác thường mặc quần ngắn với áo thun ngắn tay. Có việc đi đâu, bác mặc quần âu với áo sơ-mi đàng hoàng, tươm tất.

Trong xóm, bác Hai luôn hoà nhã với mọi người và thường giúp đỡ bà con lối xóm. Làm việc gì bác cũng nhận phần nhiều hơn dù trong xóm nể bác có tuổi, thường phân bác việc nhẹ. Bác là người ít nói, thường im lặng chiều theo ý kiến của mọi người. Do tính cả nể và thích gánh vác, bác chiều ý người khác, có làm thêm đôi chút cũng chẳng sao. Tính bác giản dị, điềm đạm. Bà con lối xóm đều mến bác, đến trẻ con cũng yêu bác. Bác thường dạy lũ trẻ trong xóm các trò chơi hoặc tập cho chúng hát. Vào những ngày lễ Tết, bác đi thăm và chúc Tết hết thảy bà con lối xóm. Bác lì xì phong bao cho lũ trẻ. Khỏi phải nói, dù phong bao chỉ có đôi ngàn đồng, lũ trẻ cũng vui mừng hí hửng. Chúng cảm ơn bác rối rít rồi đồng thanh chúc bác: “Chúc bác Hai khoẻ mạnh, sống lâu.” Bác Hai ở xóm em hiền lành, dễ mến như thế đó.

Em rất kính trọng bác Hai. Cư xử của bác với bà con làng giềng rất độ lượng, khoan dung. Bác Hai là tấm gương sáng để em noi theo.

 Tả một người mà em thường gặp – Tả cô bán quà sáng

Sáng nào cũng vậy, trời vừa sáng là em chạy ra đầu hẻm mua xôi ăn sáng. Cô Ba bán xôi là người em thường gặp hằng ngày.

Cô Ba tuổi trạc tứ tuần, vóc người chắc lẳn, tròn trịa. Dáng cô tầm thước, không cao lắm. Nước da cô ngăm ngăm, tóc cô dài, đen nhánh búi gọn một búi tóc đằng sau gáy được giữ chặt bằng một cái kẹp lưới màu đen. Khuôn mặt cô bầu bầu, mặt to, lông mày tỉa nhỏ, hình vòng cung. Trông cô trẻ hơn tuổi bốn mươi của mình, nhất là khi cô cười nói, nụ cười làm khuôn mặt cô rạng rỡ, trẻ hẳn ra.

Từ lúc em đi mẫu giáo, cô Ba đã bán xôi ngay đầu hẻm nhà em. Cô bán rất đông khách nên chỉ tới tám giờ sáng là hết xôi. Lúc nào côcũng niềm nở, chào mời đon đả với khách hàng. Khách hàng của cô phần đông là bà con trong xóm quanh con hẻm và nhiều tốp công nhân, nhân viên qua lại trên đường, Trên khuôn mặt tươi cười chào khách, môi cô hồng thắm nổi bật trên nước da ngăm ngăm đen. Cô nói nhỏ nhẹ, từ tốn, chào mời lịch sự với khách hàng. Mẹ em có lần nói vui với cô: “Vì cô có duyên quá nên sáng nào nhà tôi cũng ăn sáng bằng xôi.”. Cô Ba vui vẻ cười xoà, không quên cảm ơn mẹ em.

Cô Ba yêu màu đen, màu xám tro và màu nâu. Có thể thấy rõ điều đó vì từ trước đến bây giờ em chỉ thấy cô mặc quần áo trong ba màu này. Cô ăn mặc gọn gàng, giản dị, kín đáo. Tay cô lúc nào cũng sạch sẽ, móng tay cắt ngắn. Có lẽ ngoài việc xôi cô nấu rất ngon, cô bán hàng đắt khách còn là nhờ cô luôn giữ sạch sẽ từ bàn tay đến cái khăn lau tay. Em rất thích ăn xôi bắp cô bán, nhìn tay cô thoăn thoắt lấy xôi, múc đậu, rắc muối vừng cho vào hộp xôi trống thích làm sao. Xóm nhỏ của em có xe xôi của cô Ba cũng làm xôn xao vui nhộn một góc phố vốn suốt ngày yên tĩnh.  .

Hôm nào cô Ba bận việc hoặc ốm không bán xôi, bà con trong xóm mua thứ khác ăn, tốn nhiều tiền hơn. Một hai hôm nghỉ bán, cô Ba đi bán lại, xóm nhỏ của em vuimừng nhắn gọi nhau đi mua xôi. Tưởng như cô Ba là người thân ruột rà của mỗi hộ gia đình vậy. Em thật sự cảm mến cô, nhờ tài nấu xôi rất ngon của cô mà em có bữa sáng ngon, bổ, hợp túi tiền.

 Tả một người mà em thường gặp – Tả chú công an gác đường

Trưa nào đi học về, khi dừng xe ở ngã tư đường, em cũng đều thấy chú công an ấy đứng gác ở lề phải của trục lộ giao thông.

Chú công an độ chừng ba mươi tuổi, dáng chú cao ráo, rắn rỏi với nước da ngămđen, cánh tay dài, rắn chắc. Chú công an có khuôn mặt chữ điền, cằm vuông, mắt to và sáng, trán rộng, Mái tóc chú hớt cao, gọn gàng trong cái mũ bảo hiểm màu vàng. Chú mặc đồng phục màu vàng của ngành công an giao thông, chân đi giày da đen. Chú nai nịt gọn gẽ bằng thắt lưng đen, bóng nhoáng.

Chú công an gác đường ở ngã tư giúp xe cộ lưu thông đều, không bị gián đoạn vì kẹt xe. Theo hiệu lệnh tiếng còi của chú, bàn tay chú đưa lên cao đúng với quy định của màu đèn; chú ra hiệu cho xe dừng lại hay được phép đi. Cứ thế, xe dừng ở mặt đường này thì nhường cho xeở mặt đường kia chạy, dòng xe cộ lưu thông không ngừng nghỉ, nhất là giờ em tan học là vào giờ cao điểm, xe cộ qua lại tấp nập.

Nhờ có chú công an gác đường, xe cộ lưu thông được trật tự, thuận lợi, tình hình an ninh đường phố cũng ổn định. Cùng với việc mở rộng đường phố và mở thêm lối rẽ phải cho xe chạy, lực lượng công an góp phần rất lớn cho việc ổn định giao thông. Chú công an cần mẫn gác đường là hình ảnh đẹp của góc phố phường em.

Em chân thành biết ơn chú công an đã ổn định trật tự xe cộ, tạo nhiều thuận lợi cho nhân dân đi lại. Nhìn chú công an gác đường, em liên tưởng đến kỉ luật của người lính, đến nội quy làm việc của một nhân viên công sở. Mai này, dù làm việc ở ngành nghề nào, em xin hứa sẽ tích cực phục vụ vì lợi ích chung của Tổ quốc.

Từ khóa tìm kiếm nhiều:

0