Tả lại người bán vé số
Đề bài: Có một lần nào đó em đã nhìn thấy một em bé đi bán vé số dạo. Em hãy tả lại người bán vé số ấy. Bài làm 1 Sáng nào cũng vậy, khi em đi ngang qua tiệm cà phê đầu ngõ là đã nghe tiếng rao lanh lảnh quen thuộc của cậu bé bán vé số: “Vé số, vé số chiều sổ đây! Vé trúng đây!” Cậu bé ...
Đề bài: Có một lần nào đó em đã nhìn thấy một em bé đi bán vé số dạo. Em hãy tả lại người bán vé số ấy. Bài làm 1 Sáng nào cũng vậy, khi em đi ngang qua tiệm cà phê đầu ngõ là đã nghe tiếng rao lanh lảnh quen thuộc của cậu bé bán vé số: “Vé số, vé số chiều sổ đây! Vé trúng đây!” Cậu bé trạc tuổi em, thân hình của cậu quá bé nhỏ so với tiếng rao lanh lảnh kia. Tay chân cậu ốm tong teo, đen đúa. Lúc nào cậu cũng mặc chiếc quần đùi xanh đã cũ và chiếc áo sơ mi ...
Đề bài: Có một lần nào đó em đã nhìn thấy một em bé đi bán vé số dạo. Em hãy tả lại người bán vé số ấy.
Bài làm 1
Sáng nào cũng vậy, khi em đi ngang qua tiệm cà phê đầu ngõ là đã nghe tiếng rao lanh lảnh quen thuộc của cậu bé bán vé số: “Vé số, vé số chiều sổ đây! Vé trúng đây!”
Cậu bé trạc tuổi em, thân hình của cậu quá bé nhỏ so với tiếng rao lanh lảnh kia. Tay chân cậu ốm tong teo, đen đúa. Lúc nào cậu cũng mặc chiếc quần đùi xanh đã cũ và chiếc áo sơ mi ngắn tay có nhiều chỗ vá. Đối với cậu, đó là lành lặn lắm rồi. Cậu bé đội một cái mũ vải bạc màu để lộ mái tóc rễ tre bờm xờm lâu ngày chưa cắt. Khác với thân hình gầy nhom, khuôn mặt cậu tròn trĩnh, sáng sủa hơn. Vốn là một cậu bé có nước da trắng nhưng do dầm sương dãi nắng nên biến thành màu nâu sạm. Đặc biệt đôi mắt cậu rất sáng và lanh lợi. Mỗi khi cậu bán được cặp vé nào thì đôi môi của cậu nhoẻn một nụ cười và đôi mắt đen cũng như cười theo làm sáng cả gương mặt. Cậu là một trong những cậu bé bán vé số may mắn. Thường thường cậu bán được nhiều vé nhất trong tụi nhỏ. Ngày nào cũng vậy, mỗi tay cầm xấp vé số vung vẩy, miệng chào mời, tay kia giơ quyển sổ dò, cậu tung tăng chạy từ quán cà phê này đến quán cà phê nọ. Gặp ai cậu cũng dúi vào một vài tờ, miệng chào mời: “Vé trúng đấy mua dùm con đi ạ!” ,Gặp những khách sang, cậu nhét cả cặp vào túi người ta rồi hót như con sáo: “Nhìn chú cháu biết ngay là người hên rồi. Mua đi chú! Một tỉ đồng đấy!”. Lắm lúc, gặp những ông khách khó tính, gọi mua vé số, ngồi chọn mãi, mua một hai tờ rồi mới cho cậu đi. Thế nhưng cậu vẫn kiên nhẫn chờ và cám ơn rất lễ phép. Cái việc đi bán vé số trông nhẹ nhàng vậy đó mà cũng lắm lúc gặp rắc rối. ; Thỉnh thoảng vẫn có anh thanh niên ngồi uống cà phê trêu chọc cậu; gọi cậu lại, chọn chán chê rồi trả lại: “Không có số tao thích mày đi chỗ khác mà bán”. Lâu lâu, cậu mới bị họ xua đuổi như thế. Những lúc như vậy, cậu lại cúi đầu mặt buồn thiu nhưng nỗi buồn cũng chỉ trong chốc lát. Chỉ cần một tiếng gọi: “Vé số!” cậu lại chạy vụt đến, toét miệng cười để lộ hàm răng sún vài cái và hóm hỉnh thưa: “Dạ, thưa thượng đế, vé số đây ạ!”.
Cậu rất ham đọc sách báo. Có lần em đi học về thấy cậu ngồi trên chiếc ghế đá ở công viên mải mê đọc cuốn truyện “Thám tử lừng danh Cô-nan”. Đọc xong, cậu gấp sách lại, tay chống cằm, ngồi nghỉ ngơi hồi lâu.
Thấy hoàn cảnh của cậu bé bán vé số mà em cảm thấy thương cho cậu quá. Không biết cậu học được lớp mấy rồi? Vì sao cậu phải cậu phải bỏ học? Bố mẹ cậu đâu? Ngày mai, em sẽ cho cậu mượn toàn bộ tập “Thám tử lừng danh Cô-nan” cho cậu đọc để cậu khỏi phải tốn tiền mua sách và thêm nhiều niềm vui sau những giờ làm việc vất vả.
Bài làm 2
Vé số! Vé số chiều xổ đây!’*. Đó là tiếng rao của đứa trẻ chừng chín, mười tuổi mà mỗi lần đi học ngang qua tiệm cà phê Ngọc Diễm cạnh bờ hồ thuộc trung tâm thị xã mà em nghe rất quen thuộc.
Em không biết tên cậu bé và cũng không rõ nhà cậu ở chỗ nào chỉ biết, thường ngày vào buổi sáng, cậu luôn có mặt ở đây để bán vé số. Cậu có dáng người nhỏ, loắt choắt. Lúc nào em cũng thấy cậu mặc một chiếc áo thun đã cũ, chiếc quần dài màu xanh đã bạc màu. Chiếc mũ kết màu nâu luôn lật ngược lưỡi trai ra sau gáy để lộ khuôn mặt hốc hác và sạm nắng. Đặc biệt trên cổ cậu lúc nào cũng đeo lủng lẳng chiếc túi rút đựng tiền, khi chạy cứ lắc qua lắc lại như con chuột túi. Nhìn gương mặt gầy ốm, xương xương và đen đúa của em, em biết chắc gia đình cậu rất nghèo. Cậu phải lăn lộn kiếm miếng ăn và phụ giúp gia đình từ nhỏ. Trông cậu già dặn hơn nhiều so với bạn cùng lứa. Ở cậu, cái mà làm cho người ta cảm tình nhất có lẽ là đôi mắt và cái miệng nhanh nhảu. Đôi mắt trong sáng và rất lanh lợi, cái miệng khá rộng và ăn nói thì rất có duyên. Em có cảm giác như để bán được nhiều vé số, đôi mắt cậu lúc nào cũng quan sát rất tinh tường và đôi tai thì vểnh lên nghe ngóng, đôi chân dài lêu khêu lúc nào cũng sẵn sàng chạy ra đón khách. Cậu luôn chào mời bằng một thái độ hết sức nhẹ nhàng, lễ phép: “Cặp này số gánh, đẹp lắm anh mua giùm em! Còn cặp này số con heo mẹ hay ra lắm! Và đây, cặp nguyên, số thần tài, chú mua đi chiều “dô” đấy!”. Lời chào mời của cậu tha thiết làm cho khách hàng không có ý định mua cũng phải xiêu lòng mua cho cậu vài ba tờ. Cũng có nhiều vị khách khó tính mua có một tờ mà bắt cậu phải chờ hàng chục phút. Gặp phải một số người do buồn bực gì đó, thấy cậu đến chào mời đã vội trợn trừng đôi mắt kèm theo tiếng rít trong cổ họng: “Cút! Cút! Đi chỗ khác mà bán!”. Những lúc như thế, thấy cậu len lén bỏ đi, mặt buồn rười rượi. Mỗi lần được ai mua dù chỉ một vài vé cậu cũng vui vẻ chìa cả xấp ra cho khách lựa chọn. Khi khách trả tiền, cậu cẩn thận đếm tiền bỏ vào túi rút rồi nhẹ nhàng cảm ơn khách. Có lần em thấy cậu hớt hơ hớt hải đuổi theo một vị khách. Đến lúc khách dừng chân mới biết mình trả dư tiền, cậu đuổi theo để trả lại. Ông khách cảm động xoa đầu cậu. Cậu cúi đầu thỏ thẻ cảm ơn vị khách.
Sau này em mới biết, cậu bán vé số học sau em một lớp. Một buổi cậu đi bán vé số còn một buổi cậu đi học. Cậu ở với mẹ và đứa em gái. Bố cậu đi theo một người đàn bà khác đã mấy năm nay. Hoàn cảnh ấy làm cho em rất thương mến cậu học sinh lớp Bốn ấy. Thương cậu trong hoàn cảnh khó khăn vẫn chịu khó lam lũ kiếm tiền phụ mẹ nuôi em và thực hiện ước mơ vươn lên bằng con đường vừa học vừa làm. Nghĩ lại mình được sung sướng có cha có mẹ nuôi ăn học chu đáo mà có lúc chưa ngoan, chưa chịu khó học tập em thấy mình cần phải cố gắng hơn nữa.