Tả lại cái trống của trường em và cho biết cảm xúc của em khi nghe tiếng trống trường – Văn mẫu lớp 4
Tả lại cái trống của trường em và cho biết cảm xúc của em khi nghe tiếng trống trường – Văn mẫu lớp 4 Tả lại cái trống của trường em và cho biết cảm xúc của em khi nghe tiếng trống trường – Bài số 1 Trước ngày khai giảng năm nay, chiếc trống cũ kĩ của trường em đã được thay thế bằng ...
Tả lại cái trống của trường em và cho biết cảm xúc của em khi nghe tiếng trống trường – Văn mẫu lớp 4
Tả lại cái trống của trường em và cho biết cảm xúc của em khi nghe tiếng trống trường – Bài số 1
Trước ngày khai giảng năm nay, chiếc trống cũ kĩ của trường em đã được thay thế bằng chiếc trống mới thật đẹp. Cô Lan chủ nhiệm nói rằng chiếc trống này do Hội phụ huynh quyên góp mua tặng nhà trường. Trống được đặt trên cải giá gỗ vững chắc ngay trước cửa văn phòng.
Dáng vẻ chiếc trống mới oai vệ làm sao! Nó to gần bằng chiếc chum đựng nước, sơn màu đỏ thẫm. Hai đầu trống viền đen, đóng chi chít những chiếc đinh tre để ghim chặt mặt trống vào thân trống. Thân trống là những thanh gỗ mỏng và cong, ghép khít với nhau. Bụng trống phình to, hai đầu trống hơi khum lại. Chính giữa thân trống là một vòng dây mây bện xoắn ôm tròn. Hai mặt trống làm bằng da trâu, dày và nhẵn bóng, căng rất phẳng phiu. Mỗi khi chú bảo vệ vung cao chiếc dùi gỗ nện vào mặt trống là trống lại phát ra những âm thanh vang động cả sân trường: Tùng… tùng… tùng…
Ngày ngày, tiếng trống nhắc nhở chúng em đi học đúng giờ. Sáng thứ hai, sau một hồi trống dài, học sinh lớp nào tập trung theo lớp đó, trang nghiêm chào lá cờ tổ quốc đang phần phật tung bay trên đỉnh cột. Chúng em đã thuộc lòng hiệu trống. Một tiếng tùng vang lên đanh gọn, giờ học bắt đầu. Ba tiếng tùng… tùng… tùng… thong thả, chậm rãi, báo giờ ra chơi. Một hồi trống dồn dập, thôi thúc, giục chúng em nhanh chân chạy ra sân trường tập thể dục giữa giờ. Theo tiếng trống, cả rừng cánh tay giơ lên hạ xuống, quay phải, quay trái đều tăm tắp. Cuối buổi học, tiếng trống lại vang lên giòn giã. Từ các lớp, chúng em ùa ra như những bầy chim nhỏ, ríu rít nói cười trên khắp các ngả đường.
Mấy năm qua cắp sách tới trường, mỗi lần nghe tiếng trống, lòng em lại náo nức niềm vui. Tiếng trống như giục bước chân em nhanh hơn: Hãy đến với thầy cô, bè bạn thân yêu!
Tả lại cái trống của trường em và cho biết cảm xúc của em khi nghe tiếng trống trường – Bài số 2
“Tùng… tùng… tùng" âm thanh rộn rã của tiếng trống phát ra từ đâu đó đã gợi em nhớ đến hình ảnh của cái trống trường em. Nó được đặt trên cái giá gỗ vững chắc, bên hành lang của văn phòng nhà trường.
Đó là một chiếc trống lớn, to gần bằng chiếc lu đựng nước, sơn màu đỏ thẫm. Hai mặt trống được làm bằng da trâu, dày và nhẵn bóng, căng rất phẳng phiu. Viền xung quanh mặt trống là một hàng chốt đinh rất chắc chắn. Tang trống là những thanh gỗ mỏng cong, ghép khít và dính chặt với nhau bằng một lớp keo rắn chắc. Ngang lưng trống có thắt hai cái đai
bằng mây bện, có quang dầu cẩn thận, trông rất oai vệ. Cây dùi dài cỡ bốn tấc, hình tròn, bằng gỗ được đặt ở bên cạnh trống.
Tiếng trống thật oai nghiêm. Nó có sức mạnh thúc giục chúng em nhanh chân đến lớp. Giờ chơi, tiếng trống như rộn rã reo vui, nó mời gọi chúng em ra sân nô đùa thoả thích, nó như nhắc nhở chúng em tham gia tập thể đục nhịp nhàng. Đến giờ tan học, tiếng trống ngân vang một điệu khác, giòn hơn, hấp dẫn hơn.
Mỗi khi nghe tiếng trống, ai nấy đều trở nên nghiêm trang. Tiếng trống ấy có lúc như âm vang tiếng trống trận oai hùng của cha ông thuở nào, có lúc lại tưng bừng, rộn rã như tiếng trống hội mùa, giỗ tổ nơi làng quê. Tiếng trống như nhắc nhở thầy, trò dạy tốt, học tốt. Theo tiếng trống ấy, chúng em bước vào năm học mới. Theo tiếng trống ấy, chúng em bước vào mùa hè vui chơi thoải mái.
Suốt những năm học, bác trống luôn là người bạn thân thiêt của chúng em. Hè đã đến, xin tạm chia tay với bác trống thân yêu. Mấy tháng hè, chắc bác rất buồn bã vì phải nằm im trên giá, ngắm nhìn sân trường vắng lặng với những xác phượng đỏ rơi trên thảm cỏ xanh. Khi còn đang học thì chỉ mong hè đến, nhưng hè tới, mới nghỉ vài ba bữa, chúng em lại mong chóng đến ngày được gặp bác trống, nghe cái giọng trầm ấm quen thuộc của bác và gặp lại đông đủ thầy bạn, vui biết bao nhiêu!
Tả lại cái trống của trường em và cho biết cảm xúc của em khi nghe tiếng trống trường – Bài số 3
Từ năm học lớp một đến nay, không ai trong chúng tôi lại không biết rõ về cái trống trường.
Anh chàng trống này thân tròn như cái chum, lúc nào cũng trên một cái giá giỗ kê ở trước phòng bảo vệ. Mình anh ta được ghép bằng những mảnh gỗ đều chằn chặn, nở ở giữa, khum nhỏ lại ở hai đầu. Quanh lưng quấn hai vành đai to bằng con rắn cạp nong, nom rất hùng dũng. Hai đầu trống buộc kín bằng da trâu thuộc kĩ, căng rất phẳng.
Sáng sáng đi học tới gần trường, nghe thấy tiếng trống ồm ồm giục giã “ tùng! Tùng! Tùng!” là chúng tôi rảo bước cho kịp giờ học. Vào những lúc tập thể dục, anh trống lại “ cầm càng “ cho chúng tôi theo nhịp “ cắc, tùng! Cắc, tùng! “ đều đặn. Khi anh ta “ xả hơi ” một hồi dài là lúc chúng tôi cũng được “ xả hơi ” sau buổi học.
Có thể sau này tôi sẽ rời xa mái trường này để lên học ở một ngôi trường to lớn hơn với tiếng chuông báo giờ hiện đại hơn. Nhưng dù vậy, tôi sẽ không bao giờ quên hình dáng cục mịch và âm thanh rộn rã của cái trống trường cùng bao kỉ niệm ấu thơ.
Tả lại cái trống của trường em và cho biết cảm xúc của em khi nghe tiếng trống trường – Bài số 4
Cái trống có mặt ở ngôi trường em học không biết đã bao năm rồi; bác bảo vệ của trường ít nhất cũng đã mười hai năm, thế mà trống vẫn còn tốt.
Trống cao gần bằng cậu học trò lớp bốn. Trống khum khum hình bầu dục hai đầu thon lại, thân to, ba học sinh nối tay nhau mới ôm đủ vòng quanh trống.
Hai bề mặt trống là hai lớp da trâu hoặc bò dày, nhẵn thín màu vàng ngà hơi cũ. Mặt trống nhìn tựa như bề mặt nồi tráng bánh cuốn của bà Hai cạnh nhà em. Bao quanh mặt trống là thanh gỗ dẹp mỏng, sơn viền đỏ vàng, được đóng đinh tre gắn liền với thân trống.
Thân trống được ghép bằng những mảnh gỗ chắc chắn, sơn màu đỏ thẳm, phình to ở giữa. Chỗ ấy được gọi là bụng trống. Bao quanh bụng là một vành đai do hai cây mây bện xoắn vào nhau lớn bằng ngón tay cái. Nhìn từ xa trống như được mang chiếc thắt lưng giản dị, dân dã.
Thường lệ, trước giờ vào học, bác bảo vệ cầm chiếc dùi trống bằng gỗ dài bằng cả cánh tay em để nện lên mặt trống. Lúc đầu bác đánh chậm, nhỏ, càng về sau nhịp tay bác càng nhanh, càng mạnh và dồn dập. Aáy là lúc trống run lên và tỏa vào không trung những âm thanh kì lạ: Tùng! Tùng! Tùng!
Trống trường chỉ vang lên vào những giờ phút đáng ghi nhớ: bước vào niên học, bắt đầu mỗi tiết học, giờ nghỉ học, giờ ra chơi, giờ ra về và lúc bế giảng. Những lúc đi học trễ, nghe trống trường dồn dập, em rảo bước nhanh hơn. Có khi đang bí bài, nghe trống báo hết tiết học, em mừng vui hể hả. Ngược lại, đôi khi đang chạy nhảy hả hê, trống lại báo hết giờ chơi, ai nấy đều tiếc rẻ. Một lần hè đến, nghe trống trường báo hiệu bế giảng năm học, lòng chúng em xao xuyến bâng khuâng, buồn vui lẫn lộn.
Trống trường thực sự là bạn đồng hành của đời học sinh chúng em. Mai đây, chúng em lớn lên, có thể đi bất cứ nơi nào trên Tổ quốc song mãi mãi tiếng trống trường vẫn bập bùng trong kỉ niệm.
Tả lại cái trống của trường em và cho biết cảm xúc của em khi nghe tiếng trống trường – Bài số 5
Đến nay, trường tiểu học Lương Thế Vinh của chúng em đã bước vào tuổi ba mươi. Trường sở được xây dựng ngày một khang trang hơn. Riêng cái trống trường đã được thay đổi nhiều lắm. Đầu năm học mới, trống trường đã được “tân trang”.Cô giáo Thu Hiền nói vui với chúng em: “Trống trường sau khi đã đi thẩm mĩ viện về, bảnh bao hơn, tiếng nó giòn giã hơn cụ Trống năm ngoái… ”.
Cái trống trường em khá to. Mặt trống hai đầu bưng bằng da bò màu vàng nhạt. Đường kính mặt trống em đo được ba gang tay mình. Giữa mặt trống có ba vòng tròn đỏ thẫm bằng cái đĩa. Có đánh vào cái vòng tâm ấy, trống mới kêu vang xa. Thân trống phình to, có lẽ hai chú học trò lớp năm nối tay nhau ôm vừa xuể. Tang trống được liên kết bằng những thanh gỗ hai đầu hơi bé, ở giữa hơi to; được gắn bằng sơn ta vừa bền vừa chắc. Giữa bụng trống được thắt bằng ba vòng đai bằng song, bằng mây trông rất khỏe và ngộ nghĩnh. Cái thân trống năm ngoái bạc phếch thì năm nay thân trống được sơn màu ngà, trang nhã lắm. Có lần em hỏi thầy Bình dạy thể dục tại sao người ta không dùng đinh sắt mà lại dùng đinh tre để bưng trống. Thầy Bình giảng giải: “Đinh tre giãn nở hợp lí, lúc nào củng giữ cho mặt trống phẳng và căng đều. Đinh sắt làm mòn da trống. Đinh tre bám chặt vào các lỗ khoan. Đó là kinh nghiệm lâu đời của những người thợ làm trống thủ công”.
Chú trống trường em rất oai. Hiệu lệnh của chú ban ra, cả trường ai cũng răm rắp làm theo. Sáu giờ ba mươi, chú cất ba hồi dài vang động xóm thôn. Học sinh thôn Hạ, thôn Thượng, thôn Trung náo nức hối hả đến trường. Một hồi ba tiếng, học sinh các lớp xếp hàng vào lớp. Một hồi sáu tiếng báo hiệu ra chơi. Một hồi ba tiếng, học sinh lại vào học. Một hồi trống dài tan học, hàng nghìn học sinh túa ra về.
Tiếng trống trường em kêu to lắm. Từ thôn Thượng, sáng nào em cũng nghe rõ tiếng trống trường em. Cái âm thanh “tùng tùng tùng”lúc khoan, lúc nhặt, lúc dồn dập cứ dội vào lòng em, giục em rảo bước. Chẳng cần ăn uống mà chú ta cần mẫn, siêng năng rất đúng giờ. Ba tháng hè chú nằm nghỉ. Suốt năm học, trừ ngày lễ, ngày chủ nhật là chú được nằm chơi, còn từ thứ hai đến thứ bảy, ngày hai buổi, chú dõng dạc truyền lệnh, khi nào chú cũng nhắc thầy trò: “Đúng giờ! Đúng giờ! Nhanh lên! Nhanh lên! ”.
Tiếng trống ngày khai trường, tiếng trống tan học… cái âm thanh bình dị, thân thuộc ấy đã để lại trong tâm hồn em bao kỉ niệm đẹp về mái trường thân yêu, về tình thầy, tình bạn một thời thơ bé.
Mới ngày nào vào học lớp Một, nghe tiếng trống trường ngày khai giảng mà hồi hộp. Thế mà nay em đã là cậu học sinh lớp Năm rồi. Càng thấy yêu càng thấy nhớ cái âm thanh rộn ràng ấy mỗi buổi mai khi hừng đông rực đỏ.
Từ khóa tìm kiếm
- bài văn tả cái trống trường và cảm nghĩ của em
- bài văn tả cái trống trường và cảm nghĩ của em về bài
- cảm xúc của em khi nghe tiếng trống khai trường trong ngày khai giảng năm học mới
- lam bai van cam nghi cua em ve tieng trong truong
- tả về chiếc trống trường em