Tả khung cảnh Hà Nội vào xuân – Văn mẫu hay lớp 7
Xem nhanh nội dung Em hãy viết một đoạn văn tả khung cảnh Hà Nội vào xuân – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Quảng Ninh Hà Nội là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử, là miền đất thủ đô ngàn năm văn hiến. Vẻ đẹp của Hà Nội chính là vẻ đẹp của truyền thống, vẻ ...
Xem nhanh nội dung
Em hãy viết một đoạn văn tả khung cảnh Hà Nội vào xuân – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Quảng Ninh
Hà Nội là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử, là miền đất thủ đô ngàn năm văn hiến. Vẻ đẹp của Hà Nội chính là vẻ đẹp của truyền thống, vẻ đẹp mang đậm màu sắc của lịch sử. Tuy nhiên, bao năm tháng qua đi, bên cạnh vẻ đẹp mang đậm tính truyền thống thì thủ đô Hà Nội cũng đã có những đổi thay, gắn liền với sự phát triển không ngừng của người dân, con người thủ đô qua mỗi chặng đường phát triển. Khung cảnh Hà Nội đẹp mênh mang, thi vị qua từng mùa trong năm, mỗi mùa thì khung cảnh ấy lại có sự đổi khác, nếu như mùa thu mang lại cảm giác yên bình, thơ mộng thì mùa xuân ở Hà Nội lại mang đến cảm giác dào dạt bởi mầm xanh, sự sống thi nhau đua nở.
Nếu sinh và và lớn lên trên mảnh đất thủ đô ta sẽ có điều kiện ngắm nhìn trọn vẹn nhất từng sự thay đổi về cảnh sắc trong năm, cũng là những cảnh vật như vậy nhưng kì lạ thay, mỗi mùa trôi qua lại mang đến cho Hà Nội một vẻ đẹp riêng biệt, như những bộ quần áo rực rỡ sắc màu làm nổi bật lên nhan sắc kiều diễm của người thiếu nữ Hà Nội. Vẻ đẹp của Hà Nội vừa mang những nét truyền thống, vừa ẩn chứa những cách tân rất hiện đại, tôi tin chắc ai đã từng đến Hà Nội một lần thì khó có thể quên được cảm giác xao xuyến, tự hào về mảnh đất tươi đẹp, giàu truyền thống của Việt Nam này.
Hà Nội là thủ đô của đất nước, là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế lớn của cả nước. Tuy nhiên, Hà Nội không chỉ nổi tiếng với nhân dân trong nước cũng như bạn bè thế giới bởi đặc trưng địa chính trị mà bởi chính nét mênh mông mơ màng đầy thú vị của cảnh sắc, đó là cầu Thê Húc đỏ rực trong ánh nắng ban mai, là Hồ Gươm yên bình, rộng lớn, là những hàng cây cổ thụ đầy thi vị ven bờ hồ… Hà Nội nổi tiếng trong khung cảnh của ngày thu, những lời bài hát “Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội” đã trở nên quá đỗi quen thuộc với mọi người.
Nhưng đối với tôi, Hà Nội đẹp nhất chính là khung cảnh ngày xuân, màu thu tuy đẹp, lãng mạn nhưng tôi vẫn nhận thấy cảm giác mênh mang, mơ hồ buồn. Còn mùa xuân thì ngược lại, vào xuân vạn vật đua nhau khoa sắc, những nhựa sống cũng tràn trề qua từng cảnh vật, và đối với Hà Nội, khung cảnh dường như tươi mới, sinh động hơn khi trời vào xuân. Lúc này, mọi thứ dường như đều tươi mới hơn, rực rỡ hơn rất nhiều, nó mang lại cho tôi cảm giác dễ chịu, như thổi vào con người mảnh đất thủ đô những luồng sức sống mới lạ, khoan khoái.
Đi dọc bờ hồ Hoàn Kiếm những ngày mùa xuân vô cùng thú vị, lí tưởng, những hàng cây cổ thu xanh mướt bởi những chiếc lá tươi non đã được nhú nở, thay thế cho những cánh lá khô cằn, vẫn là những hàng cây ấy thôi nhưng ta lại cảm nhận được một sự đổi mới đáng kể, không chỉ trong diện mạo, mà đó còn là cảm giác của mỗi người khi đón nhận những luồng sinh khí dồi dào đó. Những hàng cây xanh mướt quanh hồ như điểm cho vẻ đẹp vốn kiều diễm, xinh tươi của hồ Gươm.
Nước của Hồ Gươm dường như xanh hơn, yên bình hơn những ngày bình thường, sắc nước Hồ Gươm như thể được hòa quyện làm một với màu sắc của bầu trời cũng như màu sắc tươi non của những tán lá xanh tốt của những hàng cây ven hồ. Ở trung tâm của hồ chính là Tháp Rùa, sự chảy trôi của thời gian đã để lại những rêu phong trên tháp Rùa, nhưng điều đó không những làm giảm bớt sức hấp dẫn mà còn làm cho Tháp Rùa đẹp một vẻ đẹp đầy truyền thống, bãi đất nhỏ xung quanh Tháp Rùa là những đám cỏ tươi non mơn mởn, sự xuất hiện của chúng như nhân lên vẻ đẹp tươi mới của Hồ Gươm.
Cảnh sắc mùa xuân Hà Nội cũng đã đi vào rất nhiều trang thơ văn của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Trước cảnh sắc tươi đẹp ấy, những người thi nhân đã bộc lộ những xúc cảm đầy chân thành, da diết, chẳng hạn như những câu thơ trữu tình sau:
“Em đã gặp mùa xuân Hà Nội
Hoa đào tươi nở trong nắng mới
Em yêu anh thêm yêu Hà Nội
Yêu anh em thêm yêu cả cuộc đời
Hà Nội mùa xuân”
Cảnh sắc tươi đẹp của Hà Nội lúc vào xuân có lẽ chỉ có thể cảm nhận trọn vẹn nhất nếu như chúng ta trực tiếp đối diện, trực tiếp cảm nhận. Nếu như có dịp đến Hà Nội, các bạn đừng bỏ lỡ khoảnh khắc Hà Nội lúc vào xuân nhé, đó là một hình ảnh tươi mới đầy hấp dẫn có thể thỏa mãn những hứng thú tham quan, tìm tòi của những tâm hồn yêu cái đẹp.
Em hãy tả khung cảnh Hà Nội vào mùa xuân – Bài làm 2
Chỉ còn vài ngày nữa là tới Tết Nguyên Đán. Năm Quý Mùi sắp qua. Tiếng gõ móng lộc cộc của chú dê xa dần, xa dần, nhường chỗ cho tiếng "khẹc khẹc" vui vẻ của chú khỉ báo hiệu năm Giáp Thân đáng tới. Thiên nhiên và con người của Thủ đô Hà Nội – đất Thăng Long ngàn năm văn vật đang náo nức chờ đón xuân sang.
Trên những con đường từ ngoại thành dẫn vào nội ô, người và xe nườm nượp. Dường như ai cũng hối hả hơn, vội vã hơn trong lúc năm hết Tết đến. Ở khu trung tâm thành phố, quang cảnh nhộn nhịp lạ thường. Bưu điện, khách sạn, siêu thị, cửa hàng… đều được trang hoàng lộng lẫy bằng những hình ảnh tượng trưng cho mùa xuân như cành mai, cành đào.., cùng hàng chữ Chúc mừng năm mới.
Chợ Đồng Xuân đầy ắp hàng hóa, người mua kẻ bán chen vai thích cánh giữa khung cảnh ồn ào, náo nhiệt. Đông nhất là ở dãy bán hàng Tết như gạo nếp, đậu xanh, lá dong, lạt giang, măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, giò chả, lạp xưởng, rượu, bánh kẹo, mứt và hoa quả. .
Nhưng hấp dẫn nhất phải kể đến chợ hoa. Từ những làng chuyên trồng hoa như Ngọc Hà, Nhật Tân, Hữu Tiệp… hoa tuôn về các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Lược… mỗi lúc một nhiều. Nào hồng, nào cúc, lay ơn, thược dược, mẫu đơn, huệ, cẩm chướng, hướng dương… Dưới làn mưa xuân phơi phới bay, trăm thứ hoa, hoa nào cũng đẹp nhưng nổi bật hơn cả là hoa đào – tượng trưng cho mùa xuân phương Bắc. Những cây đào bích màu hồng sẫm, bông lớn, cánh nhiều, trông xa như một khối hồng đầy sức sống. Những gốc đào thế đủ hình đủ dáng phượng múa, rồng bay… Những chậu quất lá xanh quả đỏ sai lúc lỉu, tượng trưng cho may mắn và hạnh phúc… Thú vị thay! Hoa mai phương Nam vượt dặm trường gần hai ngàn cây số cũng đã có mặt ở đây, đem sắc nắng váng tươi tô điểm cho bức tranh xuân Hà Nội thêm rực rỡ sắc màu.
Nhiều cụ già tóc trắng như bông, nâng niu trên tay giò thuỷ tiên hoặc phong lan vừa mua được với vẻ mặt mãn nguyện. Có cụ chăm chú xem tranh Tết dân gian Đông Hồ rồi giải thích cho những người đứng xung quanh hiểu về ý nghĩa của từng bức tranh gà, tranh lợn, đám cưới chuột, hứng dừa, đánh ghen, thầy đồ Cóc…
Mấy năm gần đây, người Hà Nội trở lại với thú chơi câu đối và chơi chữ đẹp. Những câu đối chữ Hán, chữ Việt, nét chữ cầu kì, bay bướm đủ kiểu, với nội dung nhắc nhở lòng biết ơn, đạo làm người… hoặc cầu mong may mắn được viết bằng mực tàu và nhũ vàng trên nền giấy đỏ. Có đôi câu đối và vài bức tranh dân gian Đông Hồ treo trong nhà mới thực sự là màu sắc Tết.
Sáng ba mươi, trên bàn thờ gia tiên của mỗi nhà, đèn nến thắp sáng trưng, khói nhang trầm quyện với hương hoa thơm ngát. Phòng khách được bày biện gọn gàng, cành đào đặt ở vị trí trang trọng nhất. Mọi người quây quần bên mâm cỗ tất niên, chuyện trò rôm rả Tưởng như tổ tiên cũng về sum họp với con cháu trong ba ngày Tết. Trên bếp lửa rừng rực ở góc sân, nồi bánh chưng đang sôi sùng sục. Đám trẻ nôn nao sốt ruột chờ bánh chín, đế được nếm những chiếc bánh bé xíu thơm ngậy và nóng hổi. Xong bữa cơm tất niên, ông bà, cha mẹ lại lo cho mâm cúng giao thừa.
Sau mọi lo toan của công việc làm ăn trong năm với những tất bật mua sắm ngày giáp Tết, người Hà Nội thảnh thơi, hân hoan đi đón giao thừa.
Đóm giao thừa ở Hồ Gươm mang một ý nghĩa thiêng liêng, đậm màu sắc tâm linh đối với người dân Thủ đô. Người Hà Nội đi đón giao thừa đồng nghĩa đến với Hồ Gươm.
Thời tiết giá rét không làm vơi dòng người đến với Hồ Gươm vào khoảnh khắc trời đất giao hòa; trái lại, nó như một chút men say khiến lòng người rộn rã; bâng khuâng. Cái rét cuối đông mang theo chút ẩm ướt vào dịp chớm xuân khiến giao thừa mỗi năm một khác. Năm thì khô ráo, se se lạnh, năm thì vừa mưa phùn vừa rét đậm đến cắt da cắt thịt.
Thiên nhiên phân định cho miền Bắc cái lạnh mùa đông hợp với những cành đào thắm và đem lại cho phương Nam cái nắng rực rỡ để mai vàng khoe sắc. Giao thừa ở Hà Nội, đặc biệt là quanh Hồ Gươm mang phong vị rất riêng, không giống bất cứ nơi đâu.
Những ngày trước Tết, Hồ Gươm được trang hoàng lộng lẫy. Hàng cây ven hồ được khoác tấm áo rực rỡ làm bằng muôn sắc đèn màu. Khi màn sương bắt đầu buông, Hồ Gươm thấp thoáng như mơ, như thực. Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn uy nghiêm soi bóng trên mặt nước lung linh. Không gian huyền ảo có sức thu hút lạ lùng đối với người Hà Nội.
Quanh Hồ Gươm đông nghịt người. Tiếng reo hò, tiếng cười rộn rã làm ấm cả đêm xuân, Đền Ngọc Sơn cùng bao ngôi chùa khác mở rộng cửa đón dòng người vào dâng hương và hái lộc cầu may. Cả trời đất và lòng người đều rạo rực sức sống, tràn ngập hạnh phúc và tin tưởng.
Lắng nghe trong tiếng gió lao xao, ta sẽ thấy bước đi êm ái của mùa xuân. Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới dang đến gần, thật gần. Trước thềm nhà, trong phòng khách, cây đào, cây quất, bình hồng nhung thắm đỏ… cũng như đang thức cùng người, háo hức đón đợi chúa xuân.
Giờ giao thừa đã điểm. Tiếng nhạc đón chào năm mới vang lên rộn rã. Chủ tịch nước đọc thư chúc mừng năm mới. Tiếng chuông chùa ngân nga. Bầu trời Thủ đô lộng lẫy trong vũ hội pháo hoa muôn màu muôn sắc.
Quanh Hồ Gươm đông nghịt người. Tiếng reo hò, tiếng cười rộn rã làm ấm cả đêm xuân. Đền Ngọc Sơn cùng bao ngôi chùa khác mở rộng cửa đón dòng người vào dâng hương và hái lộc cầu may. Cả trời đất và lòng người đều rạo rực sức sông, tràn ngập hạnh phúc và tin tưởng.
Lắng nghe trong tiếng gió lao xao, ta sẽ thấy bước đi êm ái của mùa xuân. Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đang đến gần, thật gần. Trước thềm nhà, trong phòng khách, cây đào, cây quất, bình hồng nhung thắm đỏ… cũng như đang thức cùng người, háo hức đón đợi chúa xuân.
Giờ giao thừa đã điểm. Tiếng nhạc đón chào năm mới vang lên rộn rã. Chủ tịch nước đọc thư chúc mừng năm mới. Tiếng chuông chùa ngân nga. Bầu trời Thủ đô lộng lẫy trong vũ hội pháo hoa muôn màu muôn sắc.
Mùng Một Tết – Ngày đầu tiên của năm mới Âm lịch được bao phủ trong không khí thiêng liêng. Ai cũng ăn mặc chỉnh tề, đẹp đẽ. Trẻ em xúng xính trong bộ quần áo mới, tung tăng chạy nhảy, nói cười. Tục xông đất và mừng tuổi đã có tự ngàn năm. Có nhà tự xông đất lấy. Có nhà nhờ người quen "tốt vía" xông đất lấy may. Rồi con cháu chúc thọ ông bà, cha mẹ mừng tuổi, chúc phúc cho con cháu Hàng xóm láng giềng sang nhà nhau chúc Tết.
Tết Nguyên Đán là một trong những phong tục cổ truyền của dân tộc ta. Tết đến, xuân về là dịp sum họp của gia đình và dòng họ để tưởng nhớ đến công đức tổ tiên; là dịp mọi người gặp gỡ chia sẻ buồn vui, quan tâm đến nhau và cầu chúc cho nhau đạt được những điều tốt lành. Mùa xuân căng tràn sức sống đem lại niềm tin và hi vọng, mở đầu cho một năm mới với bao điều thú vị đang chờ phía trước!
Em hãy tả khung cảnh Hà Nội vào mùa xuân – Bài làm 3
Từ nơi xa xôi quên xưa em đã hẹn thề tặng anh một bài ca mới trái tim em vời vợi nhớ thương em đã thoảng mùa xuân Hà Nội.
Hoa đào tươi nở trong nắng mới em yêu anh thêm yêu Hà Nội yêu anh em yêu cả cuộc đời
Hà Nội mùa xuân
Và thành phố trái tim ta đó
Quê hương anh
Nơi sông hồng sống đỏ
Qua khói lửa đau thương vẩn rạng rỡ… nụ cười gửi về Anh tình yêu Hà Nội
(Mùa xuân Hà Nội – Văn Ký)
Mùa xuân Hà Nội đã trở thành một nét đẹp đẽ trong hồn Hà Nội, xao xuyến bao lòng người để đi vào văn thơ bao đời.
Theo quy luật tự nhiên của vùng đất phía Bắc có 4 mùa xuân hạ thu đông. Đông đi qua, những cơn gió lạnh buốt nhường cho những trận mưa lun phun, hay những ngày hửng nắng thì có nghĩa thời tiết bắt đầu giao mùa. Mùa xuân sắp đến rồi. Mùa xuân Hà Nội cũng đẹp như bao mùa xuân khác trên khắp mọi miền tổ quốc. Những ngày giáp tết, người ta thấy tràn ngập màu sắc của những cành đào thắm tươi. Những cây quýt lủng lẵng kín quả vàng rực sống động. Đâu đó trên đường là những gánh hoa nở rộ xinh đẹp được thu hoạch từ những vùng đất Nhật Tân, Ngọc Hà, Hữu Tiệp chở vào trong Hà Nội bán buôn. Nào cúc, lay ơn, hướng dương, mẫu đơn, thược dược… Thăm hồ Gươm, người ta chú ý đến những cây lộc vừng mọc lên bao nhành lá non rồi sắc hoa đỏ ti ti rực rỡ. Cây bàng đâm chồi biếc lộc mùa xuân bên lăng Bác. Đường phố Hà Nội được trang hoàng đẹp đẽ để đón xuân về. Không khí xuân lan vào từng căn nhà nhỏ, nào lồng đèn, nào quất nào đào, ai cũng thấy ấm áp. Đầu xuân, trời vẫn còn rét ngọt. Làn nắng xuân mới hé chỉ đủ làm ửng hồng đôi má trẻ thơ và lóng lánh những giọt sương đọng trên lá cây hoặc vạt cỏ xanh mướt ven đường.
Xuân về, những vườn đào lại nô nức những nam thanh nữ tú cùng đến để lưu lại nét xuân trước thềm một năm mới về. Họ cũng đua nhau về những con phố cổ, được trang hoàng bởi sắc đỏ ngày tết. Các chợ lớn nhỏ trong thành phố đều đông nghịt người. Chợ Đồng Xuân, chợ Ngọc Hà, chợ Bưởi, chợ ô cầu Dền…Chợ Tết có một sức hấp dẫn lạ thường. Người ta đi chợ Tết tuy chen chúc kẻ bán người mua nhưng ai ai cũng háo hức cho một ngày đi chợ tết, mang về cho gia đình rất nhiều để chuẩn bị cho một cái tết, một mùa xuân no đầy. Đối với những du khách ưa thích nhịp sống hiện đại, họ chọn ghé thăm các trung tâm thương mại hoặc khu mua sắm, vui chơi giải trí như Royal City, Times City,… Mùa xuân cũng là mùa của các ông đồ xưa – nay viết thư pháp bên tường Văn Miếu, quanh các đình chùa miếu mạo Hà Nội. Người tha phương trở về quê hương ăn tết. Hà Nội trở nên bình yên và đỡ chật chội biết bao nhiêu.
Kể về mùa xuân Hà Nội, không thể không kể đến những lễ hội mùa đầu tiên trong năm. Lễ hội mùa xuân Hà Nội là sự gắn kết cộng đồng kỳ diệu, là bí quyết tinh thần nối giữa quá khứ và hiện tại. Chúng ta có thể kể đến lễ hội Gò Đống Đa, lễ hội đền Hai Bà Trưng, lễ hội thờ bà Tấm làng Sủi- Phú Thị, lễ hội thờ thần Đồng Cổ làng Văn Trì…Trong các lễ hội xuân đó, bao gìơ cũng có múa Rồng, múa Lân, thể hiện rõ nét khát vọng mưa thuận gió hòa ngàn đời của người dân châu thổ Bắc Bộ, và bộc lộ cái tinh thần Thăng Long– tinh thần Rồng thăng lên của người dân Kinh Kỳ- Kẻ Chợ…
Có thể nói, mùa xuân ở Hà Nội là một bức tranh động vô cùng đẹp đẽ, để ai lưu giữ kí ức về nó dù chỉ một lần cũng không thể nào quên được.
Em hãy kể lại khung cảnh mùa xuân Hà Nội – Bài làm 4
Theo quy luật tuần hoàn của tạo hoá, cứ đông tàn thì xuân đến. Trước Tết Nguyên Đán khoảng nửa tháng, thời tiết bắt đầu thay đổi. Những trận mưa phùn lạnh lẽo thưa dần rồi ngớt hẳn. Bầu trời không còn khoác chiếc áo màu xám xịt mà đã sáng tươi hơn. Những dải mây trắng và xanh lơ lãng đãng trôi.
Khí hậu miền Bắc nước ta chia làm bốn mùa rõ rệt: xuân, hạ, thu, đông. Mùa nào cũng có những nét đẹp riêng nhưng mùa xuân có nhiều điều kì thú nhất.Theo quy luật tuần hoàn của tạo hoá, cứ đông tàn thì xuân đến. Trước Tết Nguyên Đán khoảng nửa tháng, thời tiết bắt đầu thay đổi. Những trận mưa phùn lạnh lẽo thưa dần rồi ngớt hẳn. Bầu trời không còn khoác chiếc áo màu xám xịt mà đã sáng tươi hơn. Những dải mây trắng và xanh lơ lãng đãng trôi. Không khí ấm áp làm cho con người cùng vạn vật lại trào dâng nhựa sống, náo nức đón đợi mùa xuân.Giữa không trung, chim én từng đàn vun vút chao liệng, báo hiệu múa xuân sắp tới. Nếu để ý một chút, ta sẽ thấy trên những cành lộc vừng, cơm nguội, bàng… ven đường đã rụng hết lá, vô số chiếc mầm nhỏ xiu đang cựa quậy như muốn xuyên thủng lớp vỏ xủ xì, thô ráp để nhú ra những búp non, lộc non mơn mởn trong mưa xuân.
Những ngày giáp Tết ở Hà Nội rộn ràng và náo nức lạ thường ! Niềm vui ngời lên trong ánh mắt trẻ thơ, trong dáng điệu tất bật của những người đi sắm Tết, trong sự thay đổi nhanh chóng của gương mặt phố phường. Nhà cửa được trang hoàng lộng lẫy bằng sắc màu rực rỡ của đèn, hoa. của những tấm băng rôn đỏ vẽ những cành đào, cành mai, hay những chiếc đèn lồng xinh xắn với dòng chữ vàng: Chúc mừng năm mới.Các chợ lớn nhỏ trong thành phố đều đông nghịt người. Chợ Đồng Xuân, chợ Ngọc Hà, chợ Bưởi, chợ Mơ, chợ ô cầu Dền… người mua, kẻ bán chen chúc, cười nói ồn ào. Chợ Tết có một sức hấp dẫn lạ thường. Người ta đi chợ Tết để được đắm mình vào cái không khí đặc biệt một năm chỉ có một lần, để sắm Tết và để xem thiên hạ đua nhau sắm Tết! Hơn thế nữa, đi chợ Tết để được thoả thích ngắm nhìn bao nhiêu sản vật ngon và lạ của quê hương, đất nước.Khi việc mua sắm đã tạm ổn, người Hà Nội nghĩ đến hoa. Có thể nói là người Hà Nội yêu hoa và có thú chơi hoa đã lâu đời. Từ ngày hăm tám cho đến sáng ba mươi Tết, trên các ngả đường từ nội ô ra ngoại thành, dòng người và xe nườm nượp nối nhau không dứt. Họ tìm đến các làng hoa nổi tiếng như Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Nhật Tân, Nghi Tàm… để mua đào, quất và những loài hoa khác. Trong ba ngày Tết, dù giàu hay nghèo, nhà nào cũng có một cây quất, một cành đào, vài chậu cúc vàng, một bình hồng nhung hoặc mấy cây hải đườna hoa nở đỏ thắm cho vui cửa vui nhà, làm tăng thêm vẻ tưng bừng của Tết.Đứng trước những vườn đào, vườn quất và những khu vườn có hàng trăm loài hoa đang phơi phới đón nhận làn mưa xuân tươi mát, ta sẽ thấy trong tâm hồn dâng lên một niềm vui rạo rực. Trái tim ta hân hoan cất lời cảm ơn Tạo hoá đã ban cho mặt đất một sức sống bất diệt và hào phóng tặng cho con người những món quà quý giá từ thiên nhiên muôn màu muôn sắc.Trong dịp Tết, còn gì thú vị bằng được cùng những người thân yêu thong thả dạo chơi dưới làn mưa xuân êm ái giăng giăng đầy trời một màn bụi nước li ti, mơ hồ như sương khói. Mưa xuân làm cho cảnh vật trở nên huyền ảo và thơ mộng. Hồ Gươm với cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa… Hồ Tây, hồ Trúc Bạch với chùa Trấn Quốc và con đường Thanh Niên chạy lên phía Nghi Tàm cùng những hàng cây, mái phố nhấp nhô đều nhạt nhoà, thấp thoáng trong mưa xuân.
Đầu xuân, trời vẫn còn rét ngọt. Làn nắng xuân mới hé chỉ đủ làm ửng hồng đôi má trẻ thơ và lóng lánh những giọt sương đọng trên lá cây hoặc vạt cỏ xanh mướt ven đường. Ra Giêng ngày rộng tháng dài, người người nô nức rủ nhau đi chơi xuân, đi chùa hay dự lễ hội ở những vùng lân cận để cầu mong một năm mới an lành.Đẹp biết mấy là mùa xuân Hà Nội! Quý biết mấy là khát vọng ấm no, hạnh phúc của người dân Thủ đô mỗi lúc Tết đến, xuân sang!
Thu Thủy (Tổng hợp)