Tả bữa cơm chiều của gia đình em
– Bài làm 1 Bữa cơm chiều của gia đình em bắt đầu từ sáu giờ cũng đúng là lúc ba em đi làm mới về. Em em và em cũng vừa mới đi học về. Mẹ em thì cũng mới vừa về. Cả nhà ai cũng đói bụng. Nhưng cơm thì chưa nấu. Nên gia đình em quyết định đi ăn phở. Có hôm ăn bún ...
– Bài làm 1
Bữa cơm chiều của gia đình em bắt đầu từ sáu giờ cũng đúng là lúc ba em đi làm mới về. Em em và em cũng vừa mới đi học về. Mẹ em thì cũng mới vừa về. Cả nhà ai cũng đói bụng. Nhưng cơm thì chưa nấu. Nên gia đình em quyết định đi ăn phở. Có hôm ăn bún bò Huế, có hôm ăn cơm tấm dưới bùng binh, có hôm cả nhà em đi cỡ năm bước ra khỏi nhà đi ăn cơm sinh viên. Trước nhà em là một con đường đầy những quán ăn, chiều nào cũng làm đồ ăn thơm phức. Em và em của em đã thuộc từng cái mùi của từng món ăn của từng quán. Tụi em cũng biết hôm nào mình thèm ăn món nào. Có hôm tụi em ăn cá chiên, có hôm tụi em ăn thịt kho, có hôm tụi em ăn cá kho, lại có hôm tụi em ăn mực nhồi thịt băm, canh thì lần nào hai đứa em cũng ăn canh khổ qua dồn thịt, rất ngon.
Mẹ em nấu ăn rất ngon, nhưng chủ nhật mới nấu. Mấy ngày khác ba mẹ em bận dữ quá nên cả nhà em cứ đi ăn tiệm. Nhưng mỗi lần ra quán cả nhà em đều thích gọi "kiểu ăn gia đình." Có nghĩa là giống y chang như ăn ở nhà, có chén, có dĩa thức ăn, một tô canh bự, một nồi cơm bự.. Mẹ em nói đáng lẽ kêu bốn cái dĩa ăn đại cho nó lẹ đi về hai em học bài rồi đi ngủ mai đi học, nhưng mà ba em nói kêu "kiểu gia đình" cho nó vui. Mùa thi đến hay mùa tốt nghiệp đến, ba mẹ em nhảy còn hơn popcorn, hai đứa em vừa học vừa nổ đùng đùng như cốm nổ. Cả nhà ai cũng vắt giò lên cổ chạy, lo chuyện học chuyện làm của mình. Mẹ em nói thôi tối đi học về cứ ăn mì, vì hai chị em còn nhỏ không thể ra ngoài ăn một mình được. Thế là hai chị em em ăn mì, nhưng có lúc ngán quá cũng ra ngoài quán ăn bà mập mua đồ ăn rồi về nhà tự nấu cơm. Rồi hai chị em ăn cơm với nhau. Rồi học bài, nhưng rồi không dám đi ngủ vì sợ ma, nên em tập uống cà phê, em của em tập uống trà, nó phải uống trà vì em không cho nó uống cà phê. Rồi em với em của em ngồi thức đợi ba mẹ tới nửa đêm. Có khi ba mẹ về nửa đêm mà chưa ăn gì, thấy hai em còn thức nên ba ra ngoài kêu anh mì gõ đem vô bốn tô ăn no cành hông, no muốn bể bụng. Có khi ba em ăn đến hai tô, có khi ba em ăn luôn phần của em.
Nói chung là em thấy ăn uống như vậy rất là vui vì không phải lúc nào cũng ăn cơm mà ngoài ra mình còn ăn được phở, bún bò, cơm sinh viên và mì gõ… Mà có ăn như vậy nên bà mập quán cơm sinh viên mới biết hai đứa em, mà không những bả biết mà cả con phố hàng quán nào cũng biết mặt hai đứa em, thậm chí người ta còn biết em thích ăn thịt kho hột vịt nữa… Em thấy tuy là giờ giấc ăn nó không có ổn định nhưng mà như vậy thì nó rất là cơ động, vả lại em chưa bao giờ bị đau bao tử bởi giờ giấc ăn uống lộn xộn nên em thấy như vậy thì cũng đâu có sao đâu. Vả lại em thích chờ ba mẹ về ăn vì như vậy nó vui hơn vì trong lúc chờ em sẽ được thức khuya coi phim kiếm hiệp của ba mẹ mà lúc trước ba mẹ không cho tụi em coi. Mặc khác, nếu như hai chị em em ở nhà một mình thì chị họ em sẽ sang chơi và tụi em sẽ chơi tắt đèn kể chuyện ma, rất rùng rợn nhưng rất vui. Nên em nghĩ, không nấu ăn thì đã sao, em vẫn thấy vui vì nói gì thì nói em cũng chưa bao giờ ăn cơm một mình, nếu không có ba mẹ thì em ăn cơm với em của em, có nó cũng vui thấy mồ, vì thường tụi em hay phân công ra ăn xong đứa nào rửa chén, đứa nào cho mèo ăn, đứa nào lau nhà, có những lúc em lười quá thì em hay giả vờ đau bụng phải vào toilet nên em em nó làm hết… Hoặc có những lúc em của em cũng lười mà em cũng lười thì tụi em ra ngoài nhà sau khoá cái đồng hồ nước lại rồi giả vờ như nhà bị cúp nước không thể rửa chén được, rồi sáng mai âm thầm mở đồng hồ nước, rồi……vô tư đi học tối mai về rửa.
– Bài làm 2
Đối với mỗi người chúng ta, bữa cơm gia đình chiều cuối năm là một bữa cơm vô cùng đặc biệt, nó không chỉ là bữa ăn bình thường mà nó còn là dịp để mọi thành viên trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau sau những tháng ngày bận rộn vất vả với những lo toan bộn bề của cuộc sống.
Guồng quay hối hả của cuộc sống đã vô tình làm cho con người ta quên đi những giây phút thanh bình đầm ấm bên bữa cơm gia đình. Những tiệc tùng, hội họp, đôi khi là những lo toan cơm áo gạo tiền khiến ta trở nên khô khan và bữa cơm tối với gia đình bỗng trở nên xa xỉ với nhiều người.
Nhưng cứ mỗi khi vào dịp cuối năm, cái bộn bề chóng mặt của cuộc sống lại lặng lẽ lùi xa để thay vào đó là không khí của tình thân gia đình, của sự gắn kết yêu thương giữa những thành viên trong gia đình. Bữa cơm ấy không chỉ là bữa cơm bình thường mà bữa cơm ấy là bữa cơm sum họp của gia đình đông đủ để thấy người già còn mạnh khỏe, con cái ngày càng lớn lên. Không chỉ là sum họp giữa những người trong gia đình, thường ngày vì công việc hay học hành ít có dịp ngồi lại cùng nhau mà còn là giữa những người thân trong dòng tộc ngày 30 Tết về thăm ông bà, họ hàng. Bữa cơm cuối năm còn mang ý nghĩa lớn lao là mời tổ tiên, những người đã khuất về cùng ăn Tết. Thế nên bữa cơm cuối năm, dù giản dị thôi nhưng lại là thời điểm hết sức đầm ấm, gắn kết mọi người, ngồi ôn lại chuyện năm cũ bàn chuyện năm mới mà không sợ phải kiêng cữ lời ăn tiếng nói như những ngày đầu năm mới. Bữa cơm chiều cuối năm thường là bữa đầu tiên trong mấy ngày Tết. Cả nhà sum vầy đủ đầy bên mâm thức ăn ngon. Khi mâm cỗ cúng được đưa từ ban thờ xuống, cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm đầm ấm. Bên bữa cơm gia đình ấm áp, những khó khăn bộn bề của cuộc sống tạm thời bị gác sang một bên để nhường lại cho những nụ cười, những niềm vui và cả những giọt nước mắt cảm động của tình cảm gia đình.
Bữa cơm gia đình cũng là dịp để những đứa con từ nơi xa trở về bên vòng tay yêu thương của cha mẹ, để cảm nhận những điều hạnh phúc giản dị nhưng ngọt ngào nhất. Với mỗi con người, cha mẹ và gia đình mãi là nơi bình yên nhất, thoải mái nhất để trở về sau mỗi chuyến đi của cuộc đời.
Ngày cuối năm, vì thế, ai không về nhà được thì buồn lắm. Vẫn biết những con chim khi đã đủ lông đủ cánh, cần phải thoát khỏi không gian chật hẹp của chiếc tổ mà sải cánh bay ra vòm trời cao rộng, hứng mưa gió nắng dưới ánh mặt trời để vững vàng hơn khi những cơn cuồng phong vô tình ập đến. Nhưng bay mãi mỏi cánh chồn chân, cũng cần phải tìm một bến đỗ bình yên cho tâm hồn nương náu. Mà nơi bình yên lâu dài và đích thực lại chính là nơi mình đã ra đi… nơi mình đã được sinh ra, nơi đó ta gọi là gia đình, là quê hương.