16/01/2018, 12:59

Tả bác bảo vệ trường em – Văn mẫu lớp 6

Tả bác bảo vệ trường em – Văn mẫu lớp 6 Tả bác bảo vệ trường em – Bài số 1 Nhắc đến mái trường, mọi người thường nghĩ đến những người thầy cô tận tâm, nhiệt huyết với các thế hệ học trò, những người bạn học cùng trang lứa- những người cùng ta tạo nên những dòng hồi ức tươi đẹp của ...

Tả bác bảo vệ trường em – Văn mẫu lớp 6

Tả bác bảo vệ trường em – Bài số 1

Nhắc đến mái trường, mọi người thường nghĩ đến những người thầy cô tận tâm, nhiệt huyết với các thế hệ học trò, những người bạn học cùng trang lứa- những người cùng ta tạo nên những dòng hồi ức tươi đẹp của tuổi học trò mà ít ai nhớ đến những người luôn lao động thầm lặng để bảo vệ, giữ gìn cho ngôi trường, đó là các bác bảo vệ.

Trường học vào thời điểm ban ngày thì vô cùng tấp nập nhộn nhịp bởi tiếng cười nói của các bạn học sinh, nhưng khi tan trường, tối đến thì nơi đây lại vô cùng vắng lặng, do đó để bảo vệ, giám sát cơ sở vật chất của nhà trường thì cần đến vai trò vô cùng quan trọng của các bác bảo vệ trường. Đó là những người trông giữ, bảo quản tài sản vật chất cho trường, đảm bảo cho các bạn học sinh một môi trường học tập tốt nhất, đảm bảo không chỉ về vật chất mà còn về vấn đề an ninh, đảm bảo cho hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh được diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp.

Chúng ta thường thấy hình ảnh của bác bảo vệ ở khu vực cổng trường hay trong khuôn viên của trường nhưng ít ai biết tầm quan trọng của công việc ấy, nhìn bề ngoài thì công việc bảo vệ này khá nhẹ nhàng nhưng thực chất không phải vậy, bác bảo vệ làm nhiệm vụ trông giữ trường nên không có một phút giây lơ là, chểnh mảng với công việc của mình, đêm đến thì bác lại đi hết những hành lang để xem các lớp đã khóa cửa chưa rồi bật điện cho các hành lang, sáng hôm sau lại dậy sớm để tắt điện, mở cổng trường đón học sinh vào học.

Bác bảo vệ trường em vô cùng dễ thương, bác hiền lành thân thiện và luôn quan tâm đến chúng em, mỗi khi có bạn bị hỏng xe, bác thường giúp đỡ bằng cách giúp các bạn vá xe, bơm xe. Khi chúng em đi học muộn, bác không những không trách móc mà còn mở cổng trường cho chúng em và nhắc nhở lần sau nên đi học sớm hơn và còn khuyên chúng em xin lỗi thầy cô và lần sau rút kinh nghiệm. Bác thân thiện, quan tâm đến chúng em như người ông hiền hậu của em vậy.

Là những người làm việc thầm lặng vì một môi trường học tập lành mạnh, tốt đẹp cho học sinh, bác bảo vệ là người đáng được trân trọng, yêu thương, vì vậy mà mọi người nên có ý thức giữ gìn của chung, có thái độ lễ phép, tôn trọng với người bảo vệ thầm lặng ấy.

Tả bác bảo vệ trường em – Bài số 2

Bác bảo vệ năm nay đã hơn sáu mươi tuổi. Trước đây, bác là bộ đội ở biên giới, lập được rất nhiều chiến công. Vì thế, chúng tôi thường gọi bác là dũng sĩ. Sau chiến tranh, bác trở về phục vụ quê hương. Mấy năm nay, bác vào làm bảo vệ ở trường tôi.
 
Điều ấn tượng đầu tiên với tôi và mọi người là làn da đặc biệt của bác. Làn da bị cháy đen, có chỗ loang lổ nhưng vết sạm. Nhìn da bác, người ta như thấy được cả cái nắng, cái mưa khắc nghiệt của núi rừng bao năm tháng phá huỷ con người. Bác có gương mặt cương trực, nghiêm nghị mà lúc đầu nhìn thấy chúng tôi sợ lắm. Tuy đã nhiều tuổi nhưng đôi mát bác vẫn sáng và tinh nhanh. Tôn thêm cho khuôn mặt là đôi lông mày dày rậm, toát lên vẽ mạnh mẽ.
 
Bác bảo vệ đậm người, không cao mà cũng không thấp. Bác còn khoẻ mạnh, vững chắc lắm. Những bắp tay cuồn cuộn như một lực sĩ. Duy có đôi chân của bác không còn lành lặn nữa, một bên là chiếc chân gỗ. Trong chiến dịch năm xưa bác bị thương nặng nên muốn giữ tính mạng bác đã phải cưa mất một bên chân. Nhưng nhìn bác đi, khó ai có thể đoán được đấy không phải là chân thật. Bác đã quen lắm rồi, cái chân gỗ này đã là tri kỉ, nó đã thành máu thịt của bác từ bao giờ không biết.
Bác bảo vệ có nhiều thói quen mà ở ngôi trường này không học sinh nào là không biết. Thoáng nhìn qua là nhận ra ngay bác. Dường như ngày nào, tháng nào bác cũng mặc những chiếc áo bộ đội đã cũ và bạc màu. Trên cầu vai có một mảnh vá nhỏ. Nhưng với bác, chiếc áo ấy là kỉ niệm cả một thời đạn bom oanh liệt. Nom bác mặc chiếc áo thật oai hùng. Nhất là những ngày lễ lớn, bác mặc nguyên một bộ quân phục nghiêm trang, đẹp đẽ.

Sáng nào bác cũng dậy từ rất sớm. Từ khi ông mặt trời vẫn còn đang ngái ngủ, bác đã dậy làm việc rồi. Bác đi kiểm tra một vòng, cẩn thận từng phòng, từng ngóc ngách, thấy cái gì hỏng bác liền sửa ngay. Rồi bác chăm vườn cây sau trường, chăm chút tỉ mỉ như đứa con của mình. Xong việc đâu đấy, bác ra mở rộng cánh cổng sắt, mỉm cười chào đón chúng tôi.
 
Thoạt nhìn thấy bác bảo vệ khó tính, nghiêm khắc và khó gần. Nhưng khi chuyện trò, tiếp xúc rồi thấy bác là cả một kho tàng, một thế giới. Nghe những câu chuyện về chiến tranh mà chúng tôi như nhìn thấy cả dân tộc qua bác. Không chỉ thế, bác còn thuộc rất nhiều dân ca, ca dao, hò vè, thuộc nhiều thơ văn cổ… Bác hát chèo rất hay nữa. Thỉnh thoảng rảnh rỗi, bác hát một trích đoạn cho học trò nghe. Chúng tôi nghe thích thú, say sưa quên cả về nhà…
 
Bác bảo vệ của chúng tôi không có một gia đình riêng. Bác coi ngôi trường này là nhà, coi các thầy cô giáo là anh chị em, coi học trò chúng tôi là con cháu… Bác đã hi sinh cả đời mình cho dân tộc, quê hương và giờ đây bác lại cống hiến sức lực còn lại cho thế hệ tương lai.
 
Hình ảnh bác bảo vệ đã quá thân quen và gần gũi với mỗi học sinh của nhà trường. Nhìn bác, chiều chiều lầm lũi một mình chúng tôi thầm hỏi, trên đất nước Việt Nam ta còn bao nhiêu con người như thế.

Tả bác bảo vệ trường em – Bài số 3

Bác Chính là bảo vệ trường em. Bác công tác ở trường em đã trên mười năm, chị em bảo thế.

Bác là thương binh, mất một cánh tay trái, tại chiến trường biên giới Hà Giang năm 1980. Người bác cao, gầy. Bụng và mông bác còn nhiều mảnh đạn. Tóc cắt ngắn, cặp mắt sâu, cái mũi cao hơi đỏ. Bác nói nhẹ nhàng, cử chỉ lịch thiệp, hay cười. Bác vui tính nên ai cũng mến.

Các thầy cô giáo trong trường đều thân mật kính trọng gọi là: "Chú”, "Chú Chính”. Khách đến trường, các vị phụ huynh đều gọi là "Bác".

Bác đã 45 tuổi, rất nhanh nhẹn. Học sinh cần gì, các thầy cô giáo cần gì, bác nhiệt tình giúp đỡ ngay. Bác đánh trống báo giờ học, báo giờ ra chơi không bao giờ sai một phút.

Trong bộ quân phục bạc màu, ống áo trái dắt vai, trông bác vừa nghiêm trang vừa binh dị. Một bọn cờ bạc bịp dến cổng trường giở trò móc túi trẻ con, bác nhẹ nhàng nói, chỉ một lúc sau, chúng đều đi thẳng. Có một tay "thiện xạ" ăn mặc rất bảnh, nghe nói là "con ông cháu cha" ngang nhiên xách súng vào bắn chào mào trên các ngọn cây bàng. Chẳng cần to tiếng gì cả, chàng "thiện xạ" đã hứa với bác là không bao giờ đến bắn chim trong trường nữa.

Thằng Quý, thằng Phương vào trộm bàng chiều chủ nhật. Bác bắt được khi đang leo trên ngọn cây. Bác gọi xuống và ôn tồn nhắc: "Cứ từ từ, kẻo ngã…". Hai cu cậu phải viết vào một tờ giấy chỉ có ba chữ: "Cháu xin chừa", với chữ kí kèm theo. Bác chẳng báo cáo với ai, thế mà hai bạn ấy không leo bàng nữa.

Mỗi lần có học sinh bị ốm đau, bác giúp đỡ tận tình, coi như con cháu trong gia đình.

Bác có hai ngựời con, vợ bác làm hộ lí ở khoa sản. Gia đình bác là "Gia đình văn hóa mới'.

Tả bác bảo vệ trường em – Bài số 4

Trường học là ngôi nhà thứ hai của chúng em. Là nơi dạy em biết bao điều hay lẽ phải, là nơi đã nuôi em lớn khôn, trưởng thành. Những người mẹ thứ hai cũng đã đưa em đến bến bờ thành công. Bên cạnh đó, không chỉ là công lao của những thầy cô giáo mà còn có cả sự góp sức của những bác bảo vệ.

Có thể đối với nhiều người, công việc bảo vệ chỉ là một việc đơn giản. Nhưng họ thật sai lầm khi nghĩ như vậy. Trong mỗi trường học, nếu không nhờ đến các bác bảo vệ, không nhờ vào công sức của các bác thì tài sản của chúng ta có được bảo vệ tốt không? Chỉ một ví dụ nhỏ thôi chúng ta cũng có thể hiểu được nhiệm vụ, trách nhiệm của các bác bảo vệ to lớn như thế nào. Dù là ngày mưa, ngày nắng, dù đêm hay ngày các bác bảo vệ vẫn đến trường để làm nhiệm vụ của mình. Vẫn những công việc quen thuộc: ghi vé xe, nhắc các bạn học sinh trước khi bước vào cổng trường phải đeo thẻ và để xe đúng vị trí quy định, rồi đi kiểm tra các xe trong trường một cách cẩn thận, xếp xe gọn gàng, ngay ngắn. Em còn nhớ một lần em làm mất vé xe do tính ẩu thả của mình, khi đi ra cổng trường em đã rất sợ bị các bác bảo vệ mắng, đặc biệt em rất có ấn tượng với bác Hùng bảo vệ. Bác ấy có khuôn mặt rất sắc, nghiêm, lúc nào nhìn mặt bác cũng thấy rất lạnh lùng. Khi em dắt xe ra thì gặp ngay bác ấy. Em co rúm người lại, nói với bác ý: “Bác ơi, cháu đã lỡ làm mất vé xe”, bác ấy nhìn em định nói gì đó nhưng rồi bác bảo “lấy giấy ra viết bản kiểm điểm, nêu lý do và xin chữ ký của cô chủ nhiệm”. Em lập tức lấy giấy ra rồi nhanh tay viết bản kiểm điểm và xin chữ ký cô chủ nhiệm. Lúc ra đưa cho bác, bác đã nói với em rằng “cháu phải biết, không phải bác khắt khe mà các bác ở đây phải quản lý rất nhiều xe, nếu không làm như vậy thì khó bảo vệ tốt tài sản của các cháu. Cháu hiểu chứ?” Em gật đầu nhìn bác ấy. Thật bất ngờ, em cứ nghĩ mình sẽ bị mắng té tát cơ đấy. Từ lúc đó em hoàn toàn thay đổi những suy nghĩ về các bác bảo vệ của nhà trường. Các bác bảo vệ luôn hoàn thành nhiệm vụ, em nghe nói năm nào tổ bảo vệ của trường ta cũng nhận được giấy khen của quận về những đóng góp trong công tác bảo vệ an ninh trường học.

Chúng cháu không biết nói gì hơn, lời nói chân thành nhất “Chúng cháu cám ơn các bác, cám ơn các bác đã luôn cố gắng bảo vệ tốt tài sản của chúng cháu. Chúng cháu chúc các bác thật nhiều sức khỏe, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc”.

Tả bác bảo vệ trường em – Bài số 5

Bác Long bảo vệ trường em là người vui tính. Bác đã làm bảo vệ trường em từ trước khi em bước chân vào học ở trường này.
Năm nay bác đã gần sáu mươi tuổi rồi nhưng trông bác còn rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn lắm. Dáng người cao, gọn gàng trong bộ quần áo bộ đội đã bạc màu. Khuôn mặt bác vuông vức, quai hàm bạnh, đôi lông mày rậm, nước da lúc nào cũng đỏ au. Mới nhìn bác ai cũng thấy sợ nhưng bác lại rất hiền lành. Các con của bác đều đi làm và sống xa nhà, vợ bác qua đời khi bác còn trẻ nên bác ở lại luôn phòng bảo vệ của nhà trường.

Bác sống rất giản dị nên đồ đạc cũng rất đơn sơ nhưng sạch sẽ và ngăn nắp. Một ngày của bác bắt đầu từ năm giờ sáng. Sau khi vệ sinh cá nhân, bác đi mở cửa các phòng lớp học, quét dọn văn phòng, …Khi chúng em tới trường, bác đón ngay cổng ra vào, vừa hướng dẫn xếp xe vừa nhắc nhở các bạn ra vào đúng quy định tránh gây ùn tắc giao thông. Gõ trống, đóng cửa, dọn vệ sinh, hướng dẫn khách và phụ huynh đến liên hệ công việc…nhiều việc như vậy nhưng chưa bao giờ em thấy bác cáu gắt hay tỏ ra mệt mỏi. Chỉ là một nhân viên phục vụ nhưng cả trường ai cũng quý và nể phục bác. Có lẽ vì bác là người sống rất nghiêm túc và tận tụy với công việc. Với riêng em, có những kỉ niệm về bác có lẽ không thể nào quên được. Mẹ em đi làm công ty hôm nào cũng đến lên đèn mới về đến nhà. Ngày đầu tiên đi học, các bạn đã có người đón hết, trời tối dần, mặc dù đã được mẹ dặn dò rất nhiều nhưng nỗi sợ hãi cứ hiện lên trong đầu em. Thế rồi em òa khóc nức nở. Bác Long ôm em vào lòng, lau nước mắt rồi kể chuyện cho em nghe. Câu chuyện của bác kể về những năm tháng chiến tranh, câu chuyện không có mở đầu, không có kết thúc. Câu chuyện của bác kể cho em nghe từ cái buổi đầu tiên đi học ấy cho đến hết năm lớp Một cũng chưa kết thúc. Em không hiểu gì nhiều nhưng những câu chuyện ấy đã an ủi em những khi chờ mẹ đón. Biết tính em hay chạy nhảy và không thích ngồi trong phòng, bác còn tự tay đóng cho em một chiếc ghế bằng gỗ rất xinh để ngồi trong nhà chờ đợi mẹ. Thỉnh thoảng bác lại dúi cho em vài cái kẹo cái bánh. Vì yêu quý bác đã có lúc em tặng bác chiếc kẹp tóc cài trên đầu. Bác cười và nói: cái kẹp tóc này chỉ dành cho những cô bé xinh xắn như cháu thôi. Bây giờ nhiều lúc nhớ lại em vẫn thấy mình thật buồn cười.

Bác bảo vệ trường em là vậy đấy. Mãi mãi trong tâm trí em vẫn lưu giữ hình ảnh bác bảo vệ đáng kính.

Vũ Hường tổng hợp

Từ khóa tìm kiếm

  • ta bac bao ve lop 6
  • tả bác bảo vệ
  • tả chú bảo vệ
  • văn tả văn kể chú bảo vệ
  • bài văn tả bác bảo vệ ở trường em
  • ke ve bac bao ve truong em
0