03/06/2017, 18:00
Suy nghĩ về câu nói của Macxim Gorki "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình thương" (Bài 3)
Đã bao giờ bạn tự đặt cho mình câu hỏi: "Cuộc sống này mà thiếu đi tình thương thì sẽ ra sao" chưa? Thật khó để tưởng tượng được câu trả lời sẽ ra sao.Nhà văn Nga Mắcxim Goócki từng có một câu nói nổi tiếng chứa đầy cảm xúc và đem lại cho ta nhiều suy nghĩ : "Nơi lạnh lẽo nhất thế ...
Đã bao giờ bạn tự đặt cho mình câu hỏi: "Cuộc sống này mà thiếu đi tình thương thì sẽ ra sao" chưa? Thật khó để tưởng tượng được câu trả lời sẽ ra sao.Nhà văn Nga Mắcxim Goócki từng có một câu nói nổi tiếng chứa đầy cảm xúc và đem lại cho ta nhiều suy nghĩ : "Nơi lạnh lẽo nhất thế giới không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu tình thương".
Về mặt địa lí, Bắc Cực là nơi lạnh lẽo nhất thế giới, quanh năm phủ đầy băng giá. Ấy vậy mà Mắcxim Goócki lại phủ nhận: "Nơi lạnh lẽo nhất thế giới không phải là Bắc Cực" để rồi khẳng định "mà là nơi thiếu tình thương’.
Ông đã sử dụng phép chuyển nghĩa của từ "lạnh", mượn cái "lạnh" của tự nhiên để so sánh với cái lạnh trong lòng người, trong mối quan hệ giữa con người với con người, từ đó khẳng định vai trò quan trọng của tình thương.
Tình thương là một thứ tình cảmkhông thể cân đo, đong đếm, mua bán được. Đó là sự đồng cảm, sẻ chia, quan tâm chăm sóc, chở che mà người này dành cho người khác. Nó là thứ tình cảm không biên giới, không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác, màu da, giới tính.
Tình thương được thể hiện dưới vô vàn hành động, là nhu cầu cấp thiết với con người như ăn ngủ; truyền cảm hứng, đem lại hạnh phúc cho mọi người. Tình thương là tất cả. Không có tình thương, con người sẽ trở nên nhỏ nhen ích kỉ, thế giới sẽ trở nên lạnh lẽo tàn nhẫn.
Cuộc sống thiếu tình thương sẽ huỷ diệt mạng sống và nhân cách con người.
Có thể bạn không đồng ý với câu nói trên và những điều tôi vừa nêu ra. Vậy hãy thử tưởng tượng nhé : Bạn đứng ở Bắc Cực rét mướt, bên cạnh bạn là những người yêu thương nhất của mình đang nói cười vui vẻ thì liệu bạn có thấy lạnh như khi đứng một mình không?
Hoặc giả sử bạn ở nơi đất khách quê người, lúc giao thừa, thời điểm mà những người thân cùng ngồi quây quần bên nhau, xung quanh bạn hoàn toàn là những người xa lạ đang tay trong tay, không một ai mảy may chú ý tới bạn thì dù có đông đúc đến mấy, nhiệt độ tự nhiên có ấm áp đến mấy, liệu bạn có thể cảm thấy “ấm áp” nổi không?
Cái lạnh xác thịt có thể bị xua tan đi chỉ với một ngọn lửa song ngọn lửa nào có thể làm ấm lại tâm hồn? Chỉ có thể là “ngọn lửa” của tình yêu thương mà thôi!
Con người không thể sống một mình, đơn giản là vì mỗi chúng ta đều có nhu cầu trao đổi tâm tư tình cảm. Từ thời xa xưa, khi mà con người còn ăn lông ở lỗ, lúc bấy giờ còn chưa có tiếng nói, họ đã biết thể hiện ngôn ngữ tình cảm qua những cử chỉ, hành động đơn giản.
Thời gian trôi, con người ngày càng tiến bộ. Tình cảm trở nên muôn hình vạn trạng, những thông điệp thương yêu được chuyển tải qua những lời tỏ tình, chúc phúc, chia sẻ nỗi buồn đau mất mát hay qua những cái ôm, nụ hôn...
Chính tình yêu thương đã gắn kết con người lại với nhau. Trong gia đình, các thành viên yêu thương lẫn nhau, truyền cho nhau hơi ấm tình người, tạo nên một ngọn lửa nhỏ, nhiều ngọn lửa như vậy sẽ tạo nên một xa hội tràn đầy yêu thương, hạnh phúc, sưởi ấm một cộng đồng. Thiếu đi ngọn lửa ấy, con người sẽ trở nên cô đơn, cáu bẳn, dẫn tới thù hằn và cuối cùng là sự diệt vong cả về thể xác lẫn tâm hồn.
Hẳn những ai đã cắp sách đến trường đều không thể quên cái chết đầy chua xót của em bé bán diêm trong chuyện “Cô bé bán diêm” của Anđécxen. Sự ghẻ lạnh của người cha, sự thờ ơ của người qua đường chính là thủ phạm cướp đi sự sống của em chứ không phải giá lạnh.
Đằng sau sự ra đi của cô bé, ta căm uất trước một người cha không đủ nhân cách làm bố, những kẻ qua đường vô tình, bạc bẽo, mất tính người.
Văn học nước ngoài là vậy, văn học Việt Nam cũng không thiếu ví dụ. Sự lạnh lùng, phi nhân tính của bọn quan lại, sai nha, của lũ buôn thịt bán người trong xã hội của “Truyện Kiều” đã vùi dập Kiều suốt 15 năm lưu lạc, tước đi quyền sống của nàng.
Sự thiếu thốn tình yêu thương không những cướp đi cuộc sống mà còn huỷ hoại cả nhân hình nhân tính của con người. Ai có thể quên nhân vật Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.
Sống trong cái xã hội toàn bọn mặt người dạ thú như Bá Kiến, Chí Phèo chẳng phải đã bị tàn phá cả bộ mặt lẫn nhân cách con người đó sao?
Viết để lên án những kẻ xấu xa cũng là một cách để các nhà văn thể hiện sự thương cảm của mình với các nhân vật trong truyện và những mảnh đời thật. Những câu văn của họ khơi dậy cảm xúc trong lòng độc giả, giúp ta thấu hiểu với nỗi khổ mà những con người bất hạnh phải chịu đựng để rồi thôi thúc ta đấu tranh bảo vệ tình yêu trong cuộc sống con người.
Ngoài văn học, còn có rất nhiều môn nghệ thuật khác như điện ảnh, thơ ca, hội họa... nói về tình yêu thương bởi nó là đề tài quá thiết yêu, phong phú, không bao giờ cạn. Ban nhạc The Beatles của Anh nổi tiếng toàn thế giới, được suy tôn là bất tử nhờ những lời ca, tiếng đàn chứa chan tình thương.
Chính những câu hát như “Tất cả những gì bạn cần là tình yêu” (bài All you need is love) hay rất nhiều ca khúc bất hủ nữa đã làm say đắm tâm hồn biết bao thế hệ, để rồi cả thế giới âm nhạc tiếc nuối khi ban nhạc tan rã năm 1970.
Chắc ai trong chúng ta cũng biết tới bộ phim Titanic: Khi con tàu khổng lồ Titanic bị chìm dưới lòng Đại Tây Dương, đôi tình nhân trẻ chơi vơi lạc lõng giữa biển, chàng trai bị chết song cô gái thì vượt qua được các đếm kinh hoàng ấy và sống một cuộc đời tốt đẹp nhờ những lời an ủi và tình yêu của chàng trai.
altTất nhiên mối tình đó chỉ là hư cấu nhưng chúng ta có thể nhận thấy rõ thông điệp của đạo diễn lồng vào câu chuyện: Tình thương có thể san sẻ mọi khó khăn, tạo ra sức mạnh để con người có thể vượt qua mọi gian lao trở ngại, vững niềm tin yêu vào cuộc sống.
Trong cuộc sống hiện tại, con người nhiều khi quá bận rộn mà quên đi gia đình, bạn bè người thân. Họ chăm chỉ như những con ong thợ, mải miết đuổi theo tiếng gọi của đồng tiền mà quên đi nhân tố hạt nhân làm nên hạnh phúc.
Đã bao nhiêu lần tôi phẫn uất khi đọc những bài báo nói về những đứa trẻ mắc bệnh tự kỉ do thiếu sự săn sóc dạy dỗ của cha mẹ, về những cụ già cô đơn trong những viện dưỡng lão cao cấp, được ô-sin chăm nom cả ngày song không bao giờ nhận được lấy một lời thăm hỏi của con cái.
Thật đau lòng khi ra đường, ta bắt gặp hình ảnh những cụ già tóc bạc trắng, những đứa trẻ lấm lem thiếu ăn thiếu mặc phải đi ăn xin. Nhưng may thay đó chỉ là một phần hình ảnh đáng tiếc của xã hội hôm nay.
Đại đa số mọi người đều biết sống yêu thương chan hoà, chia sẻ. Mỗi khi có nơi nào đó bị thiên tai thảm họa, cả nước đóng góp, ủng hộ với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Khi 2 chiếc máy bay đâm vào tháp đôi ở New York ngày 11/9/2001, một trong những ngày đen tối nhất lịch sử thế giới hiện đại, khi mà những hành khách dũng cảm đều biết rằng mình đã cầm chắc cái chết, họ đã gọi điện, gửi tin nhắn cho người thân.
KHÔNG có lấy 1 từ nào trong số đó chứa đựng sự hận thù, căm ghét. Tất cả đều là những thông điệp yêu thương, chúc phúc, xin lỗi về những lỗi lầm mà họ đã gây ra. Ngay ngày hôm sau, hàng triệu lời động viên, an ủi từ khắp thế giới đã được chuyển tới gia đình của nạn nhân.
Cuộc sống là nhà trường lớn nhất, nơi mà bài học về tình thương vô giá đi thẳng vào tim.