28/05/2017, 15:00

Suy nghĩ về câu nói: Có ba điều trong cuộc đời mỗi người, nếu đi qua sẽ không lấy lại được: thời gian, lời nói và cơ hội

Suy nghĩ về câu nói: Có ba điều trong cuộc đời mỗi người, nếu đi qua sẽ không lấy lại được: thời gian, lời nói và cơ hội – Bài làm 1 Cuộc đời mỗi người là một cuốn sách đẹp, nếu ai không biết cách đọc cuốn sách quý ấy thì vĩnh viễn không thể đọc nó lần thứ hai bởi nó chỉ mở ra một lần trong ...

Suy nghĩ về câu nói: Có ba điều trong cuộc đời mỗi người, nếu đi qua sẽ không lấy lại được: thời gian, lời nói và cơ hội – Bài làm 1 Cuộc đời mỗi người là một cuốn sách đẹp, nếu ai không biết cách đọc cuốn sách quý ấy thì vĩnh viễn không thể đọc nó lần thứ hai bởi nó chỉ mở ra một lần trong khoảng thời gian ngắn ngủi của đời người. “Những trang sách cuộc đời” được viết nên từ những thứ vô cùng quý giá mà tiêu biểu là ...

– Bài làm 1

Cuộc đời mỗi người là một cuốn sách đẹp, nếu ai không biết cách đọc cuốn sách quý ấy thì vĩnh viễn không thể đọc nó lần thứ hai bởi nó chỉ mở ra một lần trong khoảng thời gian ngắn ngủi của đời người. “Những trang sách cuộc đời” được viết nên từ những thứ vô cùng quý giá mà tiêu biểu là thời gian, lời nói và cơ hội. Thế nhưng cùng với nhịp đi qua của cuộc đời, chúng cũng trôi qua nhanh chóng và một đi không trở lại. Quan niệm ấy đã được chung đúc trong lời nhận định “Có ba điều trong cuộc đời mỗi người, nếu đi qua sẽ không lấy lại được: thời gian, lời nói và cơ hội”.

Lời nói trên xuất phát từ một quan điểm, một cái nhìn chủ quan rằng dòng đời, dòng thời gian là dòng chảy tuyến tính, mỗi khoảnh khắc qua đi, mỗi hành động, sự kiện đi qua, con người vĩnh viễn không thể trở lại được. Để từ đó, câu nói vạch ra rằng thời gian, lời nói và cơ hội là những thứ hết sức đáng quý và chỉ đến có một lần trong cuộc đời mỗi người.

Thời của mỗi đời người chính là thời gian sống, thời gian làm việc vui chơi, hưởng thụ,… Mỗi người chỉ được sống một lần và mỗi phút giây chỉ trôi qua một lần. Thời gian như một kẻ “vô tình” chẳng chờ đợi ai bao giờ. Bởi thế, thời gian là dòng chảy nghiệt ngã nhất, lặng lẽ mà cuồn cuộn, chậm chạp mà nhanh chóng. Thời gian trôi đi, khi nhìn lại mình có bao điều luyến tiếc, muốn xoay chuyển bánh xe thời gian để tìm về quá khứ khi xưa. Nhưng lúc đó là cả một sự bất lực đè nén khiến cho người ta ngày càng đau khổ, trầm uất muốn níu giữ mà không được. Mỗi phút giây là hoàn toàn khác nhau, như một thi sĩ trẻ đã từng bộc bạch:

Cái bay không đợi cái trôi.                                             

Tôi từ phút ấy sang giây phút này.

Chỉ một phút giây ngắn ngủi thôi cũng đủ làm thay đổi con người và khi đã đi đến giây phút này thì chúng ta không thể tìm lại mình trong phút giây trước, làm sao con người có thể tìm về thời trai trẻ còn ngây ngô, mơ mộng khi đã đi qua bao chặng đường dài của cuộc đời, những người già cả cũng không thể trở lại lúc thanh xuân phơi phới, hay chúng ta đâu thể quay lại những năm của đầu thế kỉ XX mà ngăn chặn cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai khốc liệt, cướp đi bao sinh mạng con người. Tất cả đều không thể, không thể trở lại, con người không thể níu kéo được thời gian. Nó là dòng chảy xuôi dòng, một đi không trở lại trong mỗi cuộc đời con người.

Thời gian thêu dệt cuộc đời và “lời nói” là những mũi khâu tạo nên bao hoa văn của cuộc đời. Cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc hay đau khổ, bất hạnh, một phần lớn cũng từ lời nói mà ra. Nó được phát ngôn để trình bày tư tưởng, tình cảm song song với hành động của con người, nó góp phần thiết lập mối quan hệ giữa người với người. Bạn bè thân thiết quan hệ với nhau bằng lời nói, chúng ta giao tiếp trong công việc thông qua ngôn ngữ, tình cảm yêu, ghét của ta được kí thác trong lời nói,… Lời nói có vai trò thật quan trọng đối với nhân loại: “Lời nói gói vàng”, “Lời nói đọi máu”,… Và nó cũng là một thứ khi đã đi qua là không thể lấy lại được. Khi con người đã phát ngôn thì không thể rút lại, người xưa có câu “nhất ngôn kí xuất, tư mã nan truy” là vì thế. Một con người mà không hiểu rõ điều mình nói thì thật đáng trách. Một lời nói thô lỗ với bạn bè, người thân hay có là người ngoài thì dù có xin lỗi thì cũng không xóa được ấn tượng không hay về tư cách bản thân. Mỗi lời nói đều có tác dụng rất sâu đậm đến nhận thức người nghe, khó mà có thể thay đổi, sửa chữa được. Chỉ cần nặng lời với người bạn thân thì tình cảm cũng có một vết rạn nứt nhỏ dù đã xin lỗi, bù đắp. Người ta nói “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” là bắt nguồn từ đó.

Còn cơ hội là gì? Đó phải chăng cũng là một thứ quý báu của cuộc đời? Cơ hội là những hoàn cảnh cần thiết để con người thành đạt, thực hiện những ước mơ, khát vọng của mình,… và cũng thật dễ nhận ra đó là một thứ mà trong cuộc đời mỗi người nếu trôi qua sẽ không lấy lại được. Đời người không chỉ có duy nhất một cơ hội. Nhưng cơ hội không thuộc về số lượng mà về bản chất. Cơ hội phát huy tác dụng là khi con người nắm giữ bản chất của sự việc, đưa nó đến một kết thúc có lợi cho mình. Nhưng cơ hội sẽ không bao giờ có lần thứ hai. Đời học sinh đâu thể có hai kì thi đại học đầu tiên của mình, mỗi người khó mà tìm được một người bạn tri kỉ lần nữa khi đã mất đi, và con người chỉ sống có một lần. Cơ hội sẽ trôi qua vô ích nếu ta không biết nắm bắt, vận dụng.

Nêu ra một luận điểm sâu sắc và đúng đắn, câu nói trên đã cho ta một cái nhìn chủ quan mà thuyết phục, khái quát mà cụ thể, đậm tính triết học về cuộc sống con người cùng những điều quý giá trong cuộc sống “thời gian, lời nói và cơ hội”. Câu nói còn có ý nghĩa con người không thể tắm hai lần trên một dòng chảy. Bởi vì thế, mỗi con người cần có một cách sống tích cực. Chúng ta cần nắm bắt, tận dụng triệt để thời gian, tiết kiệm từng phút giây, hãy để nó lấp đầy tư tưởng và hành động chứ không trôi qua vô ích. Đồng thời việc cẩn trọng, giữ gìn lời nói là không thể thiếu, mỗi lời nói cần được lọc kĩ qua suy nghĩ, sự nghiền ngẫm, luôn nhớ lời nói là “con dao hai lưỡi” và những bài học kinh nghiệm từ ngàn xưa là vô cùng hữu ích: “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”,… Và để trưởng thành trong cuộc sống, con người phải biết tận dụng cơ hội, phải nỗ lực phấn đấu học tập, làm việc cho một nền tảng vững chắc và sống hết mình để chớp lấy cơ hội khi nó ở trong tầm tay. Nhìn chung, thông điệp mà câu nói trên muốn gửi đến rằng hãy biết sống hết mình cho hiện tại, thời gian hiện tại, cơ hội hiện tại, lời nói hiện tại. Chúng ta học hỏi từ quá khứ, nắm giữ hiện tại, vững bước tương lai. Nhưng quan trọng nhất là sống hết mình cho hiện tại. Hiện tại giúp chúng ta thành công, không bi quan mà cũng không ảo vọng xa xôi. Đó là một bài học hay, mang ý nghĩa sâu sắc, được nhắc đến nhiều lần trong văn chương: “Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ! Em! Em ơi! Tình non sắp già rồi” (Xuân Diệu) và đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ắt hẳn rằng mỗi người trong mỗi chúng ta đều ý thức được sự ngắn ngủi của một đời người và những giá trị quý báu của cuộc sống. Dẫu trong số đó, có người đến cuối chặng đường mới nhận ra. Quyển sách cuộc đời đã và đang mở ra trước mắt chúng ta, vậy ta phải sống sao cho xứng đáng. Một thế giới như thế kêu gọi con người ta phải sống hết mình, sống mãnh liệt với nó: “Sống toàn tâm, toàn trí, toàn hồn. Sống toàn thân và thức nhận giác quan” (Xuân Diệu) và ý thức được thời gian, cơ hội và lời nói là rất đáng quý.

Câu nói ”Có ba điều trong cuộc đời mỗi người, nếu đi qua sẽ không lấy lại được: thời gian, lời nói và cơ hội” đã cho ta một bài học thật quý giá. Nó đưa ra bài học về cách sống, nhất là phải sống hết mình cho hiện tại. Đây là ý nghĩa tích cực được gửi gắm trong một nhận định đầy ý nghĩa. Bạn sẽ là người thành công nếu trong hành trang cuộc sống của mình luôn mang theo bài học ấy.

– Bài làm 2

Cuộc đời là một chuỗi dài kinh nghiệm con người đúc kết được từ những thành công và thất bại mà bản thân đã trải qua. Cuộc sống vốn đa dạng và phức tạp. Con người là chủ thể của cuộc sống nên phải có sự lựa chọn khôn ngoan để tìm ra cách ứng xử và hoạt động hiệu quả nhất. Có ý kiến cho rằng: Có ba điều trong cuộc đời mỗi người nếu đi qua sẽ không lấy lai được: thời gian, lời nói và cơ hội.

Tại sao thời gian đi qua không lấy lại được? Thời gian là một khái niệm trừu tượng, vô hình. Thời gian chỉ có một chiều, trôi qua mà không bao giờ trở lại. Theo quy luật tuần hoàn của tự nhiên, các mùa xuân, hạ, thu, đông trong một năm lần lượt trôi qua để rồi sang năm sẽ quay trở lại. Còn con người dù muốn cũng không thể nào quay ngược được thời gian. Nhà thơ Xuân Diệu đã viết nên những vần thơ đầy tiếc nuối, xót xa:

Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân Hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thẳm lại!
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.

Thời gian gắn liền với từng con người cụ thể. Đời người trải qua tuổi ấu thơ, tuổi thiếu niên, tuổi thanh niên, trung niên và tuổi già. Mỗi độ tuổi đều có những đặc điểm riêng, nét đẹp riêng. Tuổi ấu thơ và thiếu niên là quãng đời trong sáng nhất, gắn liền với bao kỉ niệm êm đềm, sâu sắc về gia đình, cha mẹ, anh em, bè bạn, về dòng sông, bến nước, lũy tre thân thuộc của làng xóm, quê hương… Tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất của đời người. Nó chứa đựng bao khát khao, ước mơ, hi vọng. Tuổi trẻ là mùa xuân của đời người bởi tuổi trẻ sung sức, tràn đầy nhiệt huyết, có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện lí tưởng, hoài bão, để tự khẳng định mình. Tuổi trung niên và tuổi già là tuổi chín chắn, từng trải bởi đã vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc đời.

Theo quy luật của tự nhiên, con người sinh ra, lớn lên, già đi rồi chết. Không thể nào đảo ngược được quy luật ấy. Những gì đã qua chỉ còn là kỉ niệm trọng quá khứ. Khi tóc đã điểm sương, ta muốn được sống lại những ngày thơ ấu, nhưng điều đó không thể nào trở thành hiện thực, cho dù có đánh đổi bằng bao nhiêu tiền bạc đi chăng nữa.

Trong đời sống hằng ngày, muốn làm bất cứ một công việc nào đó, chúng ta đều cần phải có thời gian. Vì vậy, thời gian là yếu tố quan trọng không thể thiếu để con người học tập và làm việc, tạo ra những của cải vật chất tinh thần cho xã hội.

Tất cả mọi người đều bình đẳng trước thời gian. Mỗi người đều có 24 giờ một ngày như nhau, không ai hơn ai. Người ta chỉ hơn nhau ở chỗ sử dụng 24 giờ đó ra sao. Về khía cạnh nào đó, chúng ta có thể nói rằng: “Bản lĩnh của mỗi người thể hiện ở cách thức sử dụng 24 tiếng đồng hồ trong ngày”. Hiểu rộng ra là cách thức sử dụng thời gian có ích hay vô ích.

Nếu sử dụng thời gian để làm một công việc nào đó mà không mang lại kết quả theo ý muốn thì đương nhiên là chúng ta phải làm lại từ đầu. Như vậy là chúng ta đã lãng phí thời gian, đánh mất thời gian, đồng nghĩa với đánh mất một phần cuộc đời mình. Trong quá trình học tập, nếu chúng ta không chăm chỉ, cố gắng học hành cho tốt thì liệu khi bước vào đời, chúng ta có đủ năng lực để nuôi sống bản thân và làm tròn nghĩa vụ đối với gia đình, xã hội hay không? Lúc bấy giờ, nếu có ân hận, muốn học hành nghiêm túc lại từ đầu thì cũng đã muộn bởi không dễ dàng gì.

Mỗi con người chỉ có một quỹ thời gian nhất định. Vì thế, nói như nhà văn Nga Ốt-xtơ-rốp-xki : …Chúng ta phải sống sao cho ra sống, để trước khi nhắm mắt xuôi tay, ta không phải ân hận và những năm tháng sống hoài sống phí…

Đó cũng là câu hỏi lớn đặt ra cho cả đời người; do đó chúng ta phải biết quý trọng từng phút, từng giây mình đang sống. Sử dụng thời gian để học tập tốt, lao động tốt, chúng ta sẽ góp phần xây dựng quê hương, đất nước, xây dựng xã hội ngày càng giàu đẹp, văn minh. Thật sung sướng và hạnh phúc khi thấy mình hữu ích cho đời!

Cùng với thời gian, lời nói cũng là một điều rất quan trọng. Tại sao lời nói đi qua không lấy lại được? Trước hết, chúng ta phải hiểu lời nói là gì? Từ điển Tiếng Việt giải thích: Lời nói là những gì con người nói trong một hoàn cảnh giao tiếp cụ thể. Trong đời sống hằng ngày, con người thường xuyên phải dung lời nói làm phương tiện giao tiếp. Lời nói ảnh hưởng rất lớn tới thành công hay thất bại của từng công việc cụ thể, dù nhỏ hay lớn. Vì vậy, từ ngày xưa, ông cha chúng ta đã có những câu tục ngữ, ca dao như những lời khuyên nhủ thiết thực: Ăn có nhai, nói có nghĩ; Lời nói không mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau… Khi giao tiếp, nếu chúng ta biết lựa chọn lời nói cho thích hợp với đối tượng, nội dung và hoàn cảnh (người ta gọi là tính mục đích trong giao tiếp) thì sẽ công việc sẽ thuận lợi hơn, kết quả sẽ tốt hơn.

Người xưa có câu: Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, nghĩa là phải suy nghĩ thật kĩ trước khi nói, đặc biệt là trong những cuộc giao tiếp quan trọng vì một lời nói ra không thể thu lại được, bởi nó đã kịp thời gây ấn tượng tốt hoặc xấu vào tâm thức người nghe. Nhất ngôn kỉ xuất, tứ mã nan truy là vậy. Nói đi thì dễ, nói lại thì khó. Khi nóng giận, mất bình tĩnh, không kiềm chế nổi bản thân, chúng ta thường hay nói những lời xúc phạm đến lòng tự ái, tự trọng của người khác. Sẩy chân gượng được, sẩy miệng không gượng được. Lỡ lời cũng giống như bát nước đã hắt xuống đất, không làm sao lấy lại. Như thế, phần thua thiệt không chỉ là thuộc về người nói mà còn ảnh hưởng đến cả người nghe.

Vì vậy, chúng ta phải cân nhắc kĩ lưỡng trước khi nói, nếu không sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Kĩ năng lựa lời không phải tự nhiên có mà là cả một quá trình rèn luyện lâu dài. Chúng ta phải biết chọn lời nói thích hợp, đúng lúc và dễ chấp nhận, dễ tiếp thu. Có như vậy thì mới đạt được mục đích và hiệu quả giao tiếp, tạo điều kiện thuận lợi để tiến tới thành công.

Mọi người phải biết tôn trọng nhau trong khi giao tiếp, nên có thái độ đối thoại, tránh đối đầu. Kẻ nói phải có người nghe, không nên tranh giành quyền nói về mình, thô bạo cắt ngang lời người khác, không nên áp đặt ý kiến chủ quan, bắt buộc người khác phải nghe theo.

Bình thường, ai cũng có thể nói lên điều mình muốn nói. Tuy nhiên, bên cạnh những lời hay, lời đẹp còn có những lời thô kệch, vụng về, làm mất lòng người nghe. Qua lời nói, ta có thể đánh giá về trình độ hiểu biết, trình độ văn hóa, văn minh của người nói… Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe; Người thanh tiếng nói cũng thanh, Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu.;. Đó là nhận xét vô cùng tinh tế, chính xác của người xưa.

Một yếu tố quan trọng nữa có ảnh hưởng không nhỏ tới thành công hay thất bại trong cuộc đời của mỗi con người, đó là cơ hội. Vậy cơ hội là gì ? Từ điển Tiếng Việt giải thích: Cơ hội là hoàn cảnh thuận tiện gặp được để làm việc gì thường mong ước. Cơ hội đồng nghĩa với thời cơ, dịp may.

Cơ hội có thể do hoàn cảnh khách quan tự nhiên mang đến (dịp may hiếm có) hoặc do điều kiện chủ quan là con người tạo nên dựa trên ý tưởng, năng lực của bản thân. Đối với loại cơ hội thứ hai, con người phải chủ động định hướng ý tưởng, tính,toán thời gian và các bước thực hiện, khi thời cơ đến phải quyết đoán hành động thì mới thành công.

Trong cuộc sống, cơ hội như mong muốn không nhiều. Cơ hội là sự chín muồi xuất hiện trong quá trình hoạt động mà con người cần nắm vững để giành thắng lợi hoàn toàn. Nếu cơ hội đến bất ngờ mà chúng ta không kịp thời nắm bắt thì tức là chúng ta đã để vuột mất thời cơ thuận lợi, có khi làm thay đổi cả số phận. Tuy nhiên, không phải một cơ hội như thế qua đi thì mọi cánh cửa cuộc đời đã đóng sập lại trước mắt chúng ta. Cơ hội có ở mọi nơi, mọi công việc. Con người phải biết phát hiện cơ hội, nuôi dưỡng cơ hội và chiếm lĩnh cơ hội một cách thông minh nhất, kịp thời nhất. Trong những thời điểm cơ hội xuất hiện, con người sẽ giành được thắng lợi nếu biết tự tin, quyết đoán, huy động tất cả các yếu tố khác hỗ trợ cho cơ hội phát triển, thăng hoa. Nếu không, cơ hội sẽ qua đi trong sự nuối tiếc.

Mỗi người đều có thể tạo ra và giành lấy cơ hội dựa trên ý tưởng và năng lực của bản thân. Điều này thể hiện bản lĩnh, ý chí và cá tính của từng người. Mất cơ hội này, chúng ta hãy chủ động tìm kiếm, tạo dựng cơ hội khác để biến ước mơ thành hiện thực và thể hiện khả năng, phẩm chất của mình. Hãy tin rằng phía trước chúng ta còn rất nhiều cơ hội khác nhau. Một con chim khôn là con chim biết chọn thời điểm để hót. Một người khôn ngoan là người biết tạo thời cơ, cơ hội để thể hiện, khẳng định phẩm chất và bản lĩnh của mình, từ đó tạo dựng thành công và vinh quang trong sự nghiệp. 
Ước mơ vào Đại học là ước mơ chính đáng của tuổi trẻ nhưng không phải ai cũng dễ dàng thực hiện được ước mơ đó. Đại học là một cánh cửa hẹp mà lại có tới hàng trăm ngàn đôi chân cùng chen vào đó. Nếu không thi đỗ Đại học, các bạn chớ vội nản lòng. Cánh cửa này đóng lại, ta sẽ mở ra những cánh cửa khác như học nghề, thi vào Trung học, Cao đẳng rồi từ từ học lên Đại học. Chúng ta sẽ nhìn thấy bầu trời cao xanh lồng lộng.

Thực tế cho thấy không ít người đã tự tạo ra cơ hội cho mình. Những doanh nhân trẻ nổi tiếng thành đạt đã vượt qua bao khó khăn, thử thách nghiệt ngã để xây dựng sự nghiệp Không chỉ với tầm cỡ quốc gia mà còn mở rộng ra phạm vi quốc tế. Những người nông dân – trí thức, công nhân và kĩ sư có mặt khắp nơi đang làm giàu cho bản thân và đất nước. Giá trị của những con người ấy không phải những gì mà họ có được mà là quá trình lao động vất vả, trải bao khó khăn thử thách để tạo ra cái họ có được.

Thời gian, lời nói, cơ hội là ba yếu tố quan trọng liên quan chặt chẽ tới thành công hay thất bại trong quá trình xây dựng sự nghiệp của đời người.
Nếu chúng ta sáng suốt, chủ động sử dụng thời gian vào những việc có ích cho cá nhân và cộng đồng; biết nói lời hay, ý đẹp trong giao tiếp, ứng xử 1 biết kịp thời nắm bắt cơ hội hoặc chủ động tìm kiếm, tạo thời cơ cho bản thân thì khả năng dẫn tới thành công là rất lớn. Tương lai tươi sáng rộng mở trước mắt và chúng ta sẽ thấy cuộc đời thật sự là đáng yêu đáng sống.

Cuộc đời con người là ngắn ngủi. Thật vậy, đã có một bài toán chỉ ra rằng, con người chỉ làm việc trong ba mươi giờ mỗi năm. Mà những ước mơ của con người là không có điểm dừng. Ở mỗi một giai đoạn khác nhau, họ lại nuôi dưỡng một ước mơ mới. Và để đạt được chúng, họ phải cần rất nhiều yếu tố. Có những yếu tố, họ có thể tích lũy, rèn luyện từng ngày như kĩ năng, kinh nghiệm, kiến thức. Nhưng có những yếu tố mà nếu để vụt mất sẽ chẳng bao giờ lấy lại được. Đó là thời gian, lời nói và cơ hội. 

Trước hết là thời gian. Ai cũng biết thời gian là thứ duy nhất công bằng trong cuộc sống này. Mỗi người đều có quỹ thời gian như nhau để học tập, làm việc, vui chơi, giải trí. Một ngày có 24 giờ, một tuần có bảy ngày, một năm có 365 ngày. Thời gian cứ tuần tự trôi đi không đợi một ai. Chính vì thế mà khi thời gian đã qua đi thì không thể nào lấy lại được. Tuổi trẻ đã qua đi thì không thể nào níu kéo. Giồn như Xuân Diệu đã từng viết:" Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại". Thời gian trôi là việc của thiên nhiên tạo hóa nhưng vấn đề của con người là sử dụng thời gian sao cho hợp lý đừng để nó bị phí hoài. Thời gian mà phung phí không khác gì ta đang lãng phí một món đồ giá trị. Bởi thời gian là vàng là bạc. Nên vì thế mà bạn đừng phí hoài khi đương tuổi trẻ, để đến lúc già yếu mà hối hận cũng đã quá muộn màng. Hãy để thời gian tuổi trẻ đều quí giá và có ích từng phút một. Vì tương lai cũng như cuộc sống sau này, hãy biết tận dụng một cách triệt để quỹ thời gian mà tạo hóa ban cho bạn. Nếu một ngày chỉ là ăn rồi ngủ, sống buông thả không điểm dừng thì thời gian chưa bao giờ là đủ. Nhưng biết ận dụng mà làm việc, mà cống hiến thì thời gian sẽ có ích. Bạn nên tự hỏi, thời gian công bằng như vậy nhưng luôn có người thành công và luôn có người thất bại hoặc không bao giờ tiến bộ và phá triển. Đó là bởi cách sử dụng thời gian của họ là không giống nhau. Đừng buông thả, xa đà vào những cuộc vui không lối thoát hay giành quá nhiều thời gian vào những trò giải trí vô bổ. Cuộc sống là phải biết dung hòa giữa làm việc và nghỉ ngơi nhưng không vì thế mà nghỉ ngơi lại chiếm trọn thời gian của công việc và công việc lại chiếm trọn thời gian của nghỉ ngơi. Não bộ và cơ thể sẽ không khỏe mạnh nếu như ngày qua ngày bạn lao đầu vào làm việc mà không nghỉ ngơi để chăm sóc cho bản thân mình. Hãy biết sử dụng hợp lý thời gian để ta vừa có thể tận hưởng cuộc sống mà không làm thời gian trôi đi một cách vô nghĩa. 

Sau đó là lời nói. Chắc hẳn trong cuộc sống, nhu cầu giao tiếp với người khác là nhu cầu không thể thiếu. Giao tiếp không chỉ giúp ta trao dổi thông tin mà còn thể hiện cá tính, tình cảm của người nói. Lời nói dễ nghe luôn là một vũ khí lợi hại để ta có thể tạo lập những mối quan hệ trong cuộc sống. Sống là phải có những mối quan hệ. Vì cuộc sống là hòa nhập với cộng đồng. Ta không thể tự cô lập mình với xã hội được. Cũng nhu ông cha ta xưa thường có câu: "mật ngọt chết ruồi". Tâm lý của con người luôn muốn nghe những lời nói dễ nghe. Những lời phàm phu tục tửu luôn khiến người khác phải phiền lòng hoặc khó chịu. Cũng chỉ vì những lời nói đó mà gây bất hòa, hiềm khích và mâu thuẫn với người khác. Mà một khi đã có những xung đột khuất tất có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Đã rất nhiều vụ giết người xảy ra cũng chỉ vì lời nói tầm thường. Hơn ai hết, con người luôn muốn sống trong hòa bình. Nên hãy "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Lời nói dễ nghe bao giờ cũng được mọi người ưa chuộng. Ngày nay khi giao tiếp đã trở thành một nghệ thuật, người ta càng coi trọng lời nói hơn cả. Kĩ năng giao tiếp cũng là một trong những tiêu chí hàng đầu trong việc tuyển chọn nhân sự của nhà tuyển dụng. Một người ăn nói khôn khéo bao giờ cũng có lợi thế để thành công hơn người giao tiếp vụng về kém tự tin. Điều quan trọng hơn một khi đã nói ra thì lời nói không thể thu hồi lại. "Lời nói gió bay". Bạn nên cẩn trọng trong lời nói của mình. Người xưa cũng đã có câu:"Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói". Mỗi lời nói vạ lời đều có thể gây ra những hậu quả khó lường. Hãy dùng trí óc để nói chứ đừng dùng con tim. Một cái đầu lạnh và một trái tim nóng luôn là điều cần thiết. Nếu bạn là người có địa vị trong xã hội thì lại càng phải chú ý lời ăn tiếng nói của bản thân. Lời nói là một con dao hai lưỡi. Đừng để nó làm hại bạn. 

Cơ hội là yếu tố cuối cùng trong bộ ba này. Nhưng khác những yếu tố trước, thời gian và lời nói ta có thể chủ động điều chỉnh cũng như chủ động sử dụng nó. Cơ hội là yếu tố khách quan. Nó đến mà không báo trước. Nó như một yếu tố may mắn mà khi gặp được hãy cố gắng mà nắm bắt lấy. Bởi không phải lúc nào cơ hội tốt cũng tới. Điều quan trọng là bạn phải nhận ra nó để mà tận dụng. Đừng để nó qua rồi mới thấy hối tiếc. Cơ hội nhiều khi là mong manh dễ mất. Nó vụt chốc đến rồi qua đi mà con người chưa cảm nhận được. Chính vì thế mà chúng ta nên sáng suốt để nhận ra cơ hội đến với mình. Một cách khác ta cũng có thể rèn luyện những điều kiện cần để cơ hội có thể đến với mình. Chẳng hạn trong công việc, cơ hội thường đến với những người ưu tú. Vậy thì tại sao bạn không để mình là một người ưu tú. Hãy tạo những điều kiện cơ bản để cơ hội có thể dễ dàng đến với mình. Và bạn cũng đừng quá kì vọng vào cơ hội. Không phải lúc nào cơ hội cũng đến đúng lúc. Chính vì thế mà đừng chờ đợi cơ hội đến với mình. Như tôi đã nói ngay lúc đầu, cơ hội là yếu tố khách quan không ai lường trước được. Bạn hoàn toàn bị động trong yếu tố này. Điều duy nhất bạn có thể làm được chỉ là nắm bắt được tốt nhất cơ hội đến với mình. Đừng để nó trôi qua một cách phung phí. Một khi cơ hội đã trôi đi thì thực sự rất khó để nó quay về. Bởi lẽ, xã hội còn rất nhiều người, và cơ hội không thể ở mãi bên cạnh bạn được. 

Ba yếu tố: thời gian, lời nói và cơ hội thực sự là ba thành tố làm nên thành công của mỗi con người. Nhưng thật đáng để tâm, ba yếu tố này không ở mãi bên cạnh chúng ta, chúng sẽ qua đi, trôi đi lúc nào ta chẳng hay biết. Ngay lúc này, thời gian vẫn không ngừng trôi, lời nói bạn thốt ra cũng theo gió mà bay đi, cơ hội cũng thoáng đến rồi chợt đi với những ai không biết nắm lấy. Cuộc đời là ngắn ngủi, thời gian cho ta cũng ngắn ngủi. Chính vì thế mà hãy biết tận dụng hai yếu tố còn lại để không hối tiếc khi mùa xuân chẳng còn. 

– Bài làm 3

Trước sự chảy trôi của dòng đời ta thường hay mất đi những thứ gì đó mà khi nó đã qua đi thì không thể nào lấy lại được. Cuộc sống vốn dĩ nó đã rất nghiệt ngã rồi. Sự vô hạn của vòng quay trái đất đối lập sự hữu hạn của một đời con người. Mỗi chúng ta chỉ được sống một lần duy nhất, chỉ một kiếp này. Một đời người tối đa nhất là được một trăm tuổi nhưng nó cũng không thể nào chống lại sự nghiệt ngã của tự nhiên. Chính vì thế mà nhiều cái mất đi ta không thể nào lấy lại được. Và có một câu nói rằng: “Có ba điều trong cuộc đời mỗi người nếu đi qua sẽ không lấy lại được, đó là thời gian, lời nói và cơ hội”, liệu rằng có đúng như vậy không?.

Câu nói trên muốn nói về sự chảy trôi một cách vô tình của thời gian mà con người thì nhiều khi lại không nắm bắt được nên sẽ thấy hối tiếc về những điều trong quá khứ. Thật vậy mỗi người chúng ta chỉ thấy hối hận chỉ thấy tiếc khi chuyện đã qua mà không tính toán kĩ lưỡng hay cân nhắc cẩn trọng mọi việc trước khi làm. Vì thế cho nên một khi nó đã đi và không quay trở lại nữa thì chỉ còn biết tiếc nuối. Thời gian trôi đi mang cả lời nói và những cơ hội trong cuộc sống của ta chính vì thế mà ba điều ấy là những cái mà ta nên trân trọng. Tóm lại ý câu nói trên nhằm nói lên một sự thật hiển nhiên mang tính quy luật của tự nhiên, đồng thời cũng là một sự thật nghiệt ngã mà chúng ta không thể nào tránh được đó là sự tuần hoàn của thời gian.

Không những thế nó còn chỉ một sự thật hiển nhiên của con người đó là nuối tiếc quá khứ, qua đó nêu lên một chân lý là hãy biết nắm bắt thời cơ, tận dụng tốt thời gian của mình không để nó trôi qua một cách lãng phí để không hối hận hay luyến tiếc nó.

Trước hết ta đi vào tìm hiểu về thời gian, một sự tuần hoàn chảy trôi từ ngày này qua ngày khác từ đời này qua đời khác một cách vô tình, nó không bao giờ đợi chờ ai bao giờ và những người đánh mất những thời gian đó thì sẽ không thể nào lấy lại được. Vì nó cứ trôi hoài như thế, một cách vô tình với những tình cảm con người. Nhà thơ Xuân Diệu đã nói về sự tuần hoàn ấy thật đúng qua câu thơ:

“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
            ……
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian”

Hay nhà thơ Hồ Xuân Hương cũng có câu thơ nói về sự nghiệt ngã của dòng thời gian nó lặng lẽ mang đi những tuổi trẻ, tình cảm, mặc cho chủ thể đó chưa tìm được một tình yêu thật sự:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”

Chính vì những lẽ đó mà người ta cho rằng “ thời gian là vàng”. Nó vô cùng quan trọng với mỗi người. Thời gian qua đi nhanh chóng nếu chúng ta cứ dậm chân tại chỗ lãng phí khoảng thời gian đẹp thì sẽ đến khi vòng đời của một người qua đi mà vẫn chưa làm được gì thì lúc đó hối hận cũng không kịp nữa vì thời gian có đợi ai bao giờ.

Điều mất đi không thể lấy lại thứ hai là lời nói. Nhân dân ta có câu “ Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Đúng vậy, lời nói của chúng ta thật sự được tự do, quyền tự do ngôn luận được pháp luật nhà nước có hẳn những điều luật để quy định nó thế nhưng đôi khi trong cuộc sống có những lúc chúng ta nói không được hay cho lắm. Và những lời nói không hay đó mang lại những hậu quả đáng tiếc cho những mối quan hệ của chúng ta. Mối quan hệ đa dạng của chúng ta và những điều xảy ra trong cuộc sống có thể làm cho ta mâu thuẫn lẫn nhau, cãi vã nhau. Chính những lúc đó con người không còn tỉnh táo để nói hay được nữa. Những lời khó nghe thâm chí là chửi thề lẫn nhau. Nhưng khi qua đi thấy những lỗi sai của mình với người ta thì lại không thể cứu vãn được nữa rồi. Ông bà ta có câu “ Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” để nhằm nhắc nhở chúng ta hãy suy nghĩ thật kĩ trước khi nói ra bất cứ một điều gì để tránh hối hận về hậu quả của những lời nói đó.

Và điều thứ ba dễ mất đi mà không quay lại được đó là cơ hội. những yếu tố làm nên một người thành công là tài giỏi có đức, may mắn và cơ hội. Cơ hội là một yếu tố rất quan trọng cho một con người hay cho toàn một dân tộc. Có thể nói nếu như ngày xưa Đảng và Bác Hồ không biết nắm lấy thời cơ thì không biết giờ nay nước ta đã độc lập chưa hay lại mang tên một quốc gia thuộc địa khác. Chính vì thế óc tài, có đức vẫn chưa đủ mà còn phải biết nắm bắt cơ hội. Nếu như không nắm bắt được thì sẽ không mang đến những lợi ích kể cả cho dù có tài đi chăng nữa. nhưng cơ hội là một thứ rất dễ mất đi nên nếu không nắm bắt được thì không thể lấy lại được.

Như vậy có thẻ thấy rằng thời gian, lời nói, cơ hội là ba yếu tố mà nếu như chúng ta mất đi thì không thể lấy lại được nữa. Trình tự nhắc đến ba câu trên cũng cho chúng ta thấy được cái nào sẽ vĩnh viễn không lấy lại được nữa. Yếu tố đầu tiên nghiệt ngã nhất là thời gian, thời gian không thể nào dừng đợi con người cũng không thể nào trôi chậm được, nó cứ tuần hoàn như thế. Còn lời nói thì cung vậy nhưng lời nói còn có thể xin nhau tha thứ được, nó mất đi không lấy lại được nhưng tình thương yêu con người thì tha thứ cho nhau. Cơ hội thì mất đi cơ hội lần này mất vĩnh viễn nhưng có thể một cơ hội khác sẽ đến và cái chính là ta có biết nắm bắt hay không thôi. Chính vì thế thời gian là nghiệt ngã nhất vậy nên mối chúng ta nên biết cách sống sao cho không lãng phí ba yếu tố trên.

Từ khóa từ Google

0