Suy nghĩ về câu hát Hôm qua em đi tỉnh về Hương đồng gió nội, bay đi ít nhiều
Thơ Nguyễn Bính mang nặng mối tình đằm thắm với xứ quê, người quê và hồn quê chứa chất muôn vàn tâm sự của một đời thi sĩ.lang bạt kì hồ đầy khổ đau, đắng cay và thất vọng. Toàn bộ thơ Nguyễn Bính là những áng văn chương tuyệt đẹp, là tiếng ...
Thơ Nguyễn Bính mang nặng mối tình đằm thắm với xứ quê, người quê và hồn quê chứa chất muôn vàn tâm sự của một đời thi sĩ.lang bạt kì hồ đầy khổ đau, đắng cay và thất vọng. Toàn bộ thơ Nguyễn Bính là những áng văn chương tuyệt đẹp, là tiếng nói của một tâm hồn yêu quá tha thiết và tình cảm quá đầy,.. Yêu cái văn hoá Việt, hồn Việt và sợ cái bản sắc ấy mất đi, như đứa con khóc vì sợ mẹ đi lấy chồng! Ta thấy cái ngậm ngùi lo sợ của Nguyễn Bính thật, đáng quý biết bao qua hai dòng thơ
“Hôm qua em đi tỉnh về;
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.
Nhờ bản sắc riêng của làng quê, thơ Nguyễn Bính bình dị mà duyên dáng, trinh bạch và đáng yêu như một cô gái quê. Thơ Nguyễn Bính không có cái hào hoa lãng tử và mơ màng của Lưu Trọng Lư, cái bay bổng háo hức và rạo rực của Xuân Diệu, cái vẻ kì bí và suy tưởng của Chế Lan Viên, cái điên cuồng, vật vã của Hàn Mặc Tử, càng không giống cái ảo não với nỗi buồn bát ngát không gian của Huy Cận,… Thơ của Nguyễn thi sĩ chất chứa đầy cả hồn quê, tình quê, dáng quê đọng vào lòng ông thành tình yêu say đắm đến hoang mang vì sợ mất.
Hơn một ngàn năm trước Hà thành cũng chỉ là một vùng đầm lầy hoang vu; và hơn ba trăm năm bến Nghé cũng chỉ là cái xứ “khỉ ho cò gáy” mà thôi. Dân tộc ta vốn dĩ xuất phát điểm là nền văn minh nông nghiệp. Tất cả chúng ta ai cũng mang trong mình một cái hồn quê và tạo nên trong tâm hồn mình cái vẻ đẹp chân quê thuần phác, hồn hậu. Ăn mặc thì kín đáo, giản dị. Tình làng nghĩa xóm thì “tối lửa tắt đèn có nhau",… Chúng ta được thừa hưởng cái vẻ đẹp thi vị êm đềm của cảnh quê và lớn lên đi đâu, tâm hồn cũng nhiều rung cảm.
Bản sắc là cái chân tướng, cái hồn của vấn đề. Văn hoá là cái dáng vẻ, văn minh thể hiện trong lối sống. Bản sắc văn hoá của dân tộc ở lòng yêu nước, thuần phong mĩ tục, là những nét riêng của của người Việt Nam chúng ta. Giữ cái bản sắc văn hoá dân tộc không có nghĩa là ta cứ khư khư không chịu rời cái áo tứ thân, cái khăn mỏ quạ, cái quần lĩnh đen. Giữ cái bản sắc dân tộc không có nghĩa là chúng ta khư khư không chịu ra khỏi cái mái nhà tranh tồi tàn ẩm thấp. Giữ cái nếp quê, không có nghĩa là mãi mãi “Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”. Giữ cái bản sắc dân tộc không có nghĩa là chúng ta không nỡ xa cái đèn dầu leo lét; cái gàu sòng chàng và thiếp tát nước đêm trăng,… Cái áo tứ thân ngày xưa vẫn vẹn nguyên đâu đây trong bộ y phục tân thời ngày nay ở cái nét kín đáo in trong ý thức của con người Việt Nam. Vâng, vẻ đẹp trong ý thức về y phục của người Việt là kín đáo. Vì thế, ngày nay, những cô thiếu nữ ăn mặc hở hang là đánh mất bản sắc văn hoá. Thử xem hiểu ý nghĩa về giữ gìn bản sắc văn hoá mà hôm nay đi học, vào công sở ta mặc cái áo tứ thân như ngày xưa thì sẽ thế nào nhỉ?!
Nông dân ta đã được công nghiệp hoá đi vào đời sống lao động. Cơ giới phần lớn đã thay thế cho sức vật, sức người, nhưng cái bản sắc “cần cù siêng năng” vẫn vẹn nguyên nơi người nông dân. Cái cần cù, siêng năng chính là bản sắc văn hoá trong lao động sản xuất của người chán lấm tay bùn. Người Phụ nữ Việt Nam tuy ngày nay tham gia và đóng góp cho xã hội không kém gì nam giới, nhưng cái nét “chịu thương chịu khó” thì không bao giờ khác đi. Ta vẫn thường thấy biết bao gia đình chồng, vợ cùng đi làm công sở, ruộng đồng như nhau, nhưng khi về nhà, đàn ông ở quê người thì trải chiếu ra sân nhâm nhi cốc rượu; đàn ông ở phố thì "hồn nhiên” đọc báo, hoặc “du hí” với bạn bè ở quán bia, còn phụ nữ phần lớn là đi ngay về lo toan hầu như gần hết việc nhà. “Cái nét chịu thương chịu khó” ấy làm đẹp tinh cách phụ nữ Việt Nam.
Đất nước ta có một lịch sử thật kì lạ! Bởi suốt chiều dài lịch sử là chiến tranh liên miên nên sự ám ảnh về li tán và đói nghèo đã đi vào tâm thức cha ông chúng ta hình thành nên bản sắc văn hoá thật đáng yêu và đầy trân trọng! Là sao? Là vì, ta vẫn thường thấy ngày nay dù có những thực phẩm cao cấp nhưng khi có người qua đời, thì dân tộc chúng ta thường để chén cơm trên đầu giường của người vừa mất. Cái tình, cái nghĩa và nỗi ưu tư sợ người thân mình trên đường về cõi âm đói khát, nên dâng một ít lương thực vốn gần gũi với văn minh nông nghiệp. Kí ức chiến trách đã làm nên bản sắc văn hoá của người Việt như thế. Cũng vì chiến tranh sinh ra nhiều li tán, vì vậy bữa cơm của người Việt thường rôm rả chuyện trò mừng vui, thậm chí bàn bạc việc nhà, dạy dỗ con cái cũng trong khi ăn cơm. Có người nói rằng ta không văn minh bằng Châu Âu, vì họ lúc ăn uống là kiệm lời. Nếu thế thì chẳng hiểu thế nào là bản sắc văn hoá. Bởi lịch sử nào thì sinh ra bản sắc văn hoá ấy. Bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc không có cao và thấp mà chỉ có khác biệt.
Muốn giữ gìn bản sắc văn hoá, người ta phải thật sự có bản lĩnh văn hoá. Cô gái trong thơ Nguyễn Bính lần đầu đi tỉnh. Cô gái choáng ngợp trước cái rực rỡ của văn hoá thành thị, tiếp thu mà không biết chọn lọc nén trở thành hợm hĩnh, đáng thương…