Suy nghĩ về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay (dàn ý và bài làm tham khảo)
Suy nghĩ về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay (dàn ý và bài làm tham khảo) Dàn ý chi tiết 1. Mở bài: – Giới thiệu vấn đề cần bàn luận: Bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay. 2. Thân bài: a. Giải thích thế nào là bệnh vô ...
Suy nghĩ về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay (dàn ý và bài làm tham khảo)
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề cần bàn luận: Bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay.
2. Thân bài:
a. Giải thích thế nào là bệnh vô cảm:
– Vô cảm là thái độ thờ ơ, trơ lì về mặt cảm súc trước những hiện tượng đời sống xung quanh.
– Bệnh vô cảm là căn bệnh của cách hành xử, căn bệnh của lối sống.
b. Thực trạng của bệnh vô cảm.
– Trước đây, vô cảm chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, nhưng bây giờ đang có chiều hướng lây lan.
– Xuất hiện nhiều ở học sinh, thanh thiếu niên hay thậm chí lan rộng ra toàn xã hội.
– Biểu hiện: – Vô cảm với cuộc sống, xã hội, vô cảm với gia đình, đồng loại,..
Vd: – Không sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, những người kém may mắn.
– Có thái độ thờ ơ, bỏ mặc những người tàn tật, người gặp TNGT trên đường,…
– Thản nhiên đứng nhìn kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu; một vụ nữ sinh bị, đánh hội đồng, một vụ làm nhục người khác…
c. Nguyên nhân gây ra bệnh vô cảm.
– Do xã hội xuất hiện nhiều loại hình giải trí,..
– Do sự giáo dục của gia đình, nhà trường.
– Ảnh hưởng của nền kinh tế đến đạo đức con người
– Con người đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích xã hội: Sợ mất thời gian, sợ bị vạ lây,..
– Lòng người thiếu tình thương, trái tim không biết chia sẻ,..
=> Dẫn chứng cụ thể.
d. Hậu quả của căn bệnh vô cảm.
– Ảnh hưởng xấu đến thuần phong, mỹ tục của người Việt.
– Nguy hiểm đối với người mặc bệnh và những người xung quanh.
– Bệnh vô cảm nếu không được giáo dục, không được ngăn chặn sẽ làm xô lệch chuẩn mực xã hội, chuẩn mực gia đình,..
=> Dẫn chứng cụ thể.
e. Biện pháp khắc phục.
– Gia đình, nhà trường phải có những biện pháp giáo dục cụ thể, thiết thực.
– Xã hội cần lên án, phê phán gay gắt với những con người mắc bệnh ‘ vô cảm’.
– Bản thân mội người cần có những nhận thức đúng đắn về hành vi, hành động của chính mình: Biết chia sẻ, tha thứ, quan tâm, yêu thương đồng loại,..
Kết bài: Cảm nghĩ của em về căn bệnh vô cảm
Bài làm chi tiết
Tình yêu lớn lên từ sự cho đi. Sự yêu thương mà chúng ta cho đi là thứ duy nhất chúng ta nhận được.( Elbert Hubbard) Lòng nhân ái từ xưa đã trở thành đạo ý của người dân Việt Nam. Tình thương, lòng nhân ái là ngọn lửa, là ánh sáng sưởi ấm tâm hồn mỗi con người, mỗi gia đình trong xã hội. Thế nhưng, cùng với sự phát triển của xã hội, bên cạnh những nét đẹp văn hóa vốn có của mỗi người thì trong số chúng ta còn có không ít những con người mắc căn bệnh ‘nan y’ đáng sợ – bênh vô cảm.
Tuy không phải là một căn bệnh có tên trong y học nhưng bệnh vô cảm lại mang lại nhiều ảnh hưởng xấu đối với con người và xã hội.Vô cảm là thái độ thờ ơ, trơ lì về mặt cảm súc trước những hiện tượng đời sống xung quanh. Bệnh vô cảm hay chính là căn bệnh của cách hành xử, căn bệnh của lối sống.Một sự thật đáng buồn và đáng báo động là căn bệnh vô cảm đang ngày một lan rộng và có nguy cơ lây lan ra toàn xã hội đặc biệt phải kể đến giới trẻ hiện nay.
Vô cảm là một căn bệnh có chiều hướng lan rộng trong xã hội, len lỏi vào ‘từng kẽ hở’ của cuộc sống, len lỏi khắp mọi nơi. Trong cuộc sống ta có thể dễ dàng bắt gặp những biểu hiện của căn bệnh này, xuất phát từ suy nghĩ và hành động của người mắc bệnh.Người ta dửng dưng không quan tâm đến những thứ xung quanh hay thậm chí ‘chuộc lợi’ từ đó. Chẳng hạn khi gặp TNGT, chứng kiến cảnh nạn nhân đau đớn, máu me be bét, gãy chân, gãy tay,.. thì người đi đường chỉ trơ mắt đứng nhìn hay một số người còn chụp ảnh tung lên mạng XH câu like, câu vew thậm chí có những kẻ xấu còn thản nhiên lợi dụng tình thế tai nạn, cướp giật trên đường phố để hôi của từ nạn nhân. Thế nhưng ví dụ trên chỉ là một trong rất nhiều vụ việc lên quan đến căn bệnh vô cảm này. Thêm một ví dụ khác, đã có không ít bệnh nhân lâm vào tình trạng nguy hiểm thậm chí tử vong do sự tác trách, thiếu lương tâm nghề nghiệp của một số y bác sĩ. Không những thế căn bệnh ‘đáng sợ’ này còn len lỏi, ‘xâm nhập’ vào chính cuộc sống gia đình. Không ít lần ta bắt gặp hình ảnh cha mẹ già bị con cái bỏ mặc không quan tâm hay bị bỏ lại ở viện dưỡng lão khi ốm đau, bệnh tật. Năm 2017 cộng đồng mạng xôn xao việc con kiện mẹ vì 2 sào ruộng. Ở cái tuổi gần đất xa trời đáng nhẽ người mẹ trong vụ kiện nói trên phải được chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo chứ không phải bị chính những đứa con mình rứt ruột đẻ ra và nuôi lớn kiện tụng. Thế nhưng chính lòng tham, sự ích kỉ hay nói đúng hơn là căn bệnh vô cảm đã buộc người mẹ ấy phải đứng trước vành móng ngựa hầu tòa. Có thể nói, căn bệnh ‘vô cảm’ quả thực vô cùng đáng sợ và đáng lên án.
Vậy căn bệnh nói trên xuất phát từ đâu? Nó xuất phát từ chính cái xã hội phát triển này. Thế giới phát triển, mọi quốc gia phát triển kéo theo vô vàn loại hình giải trí ra đời cùng với đó là nhu cầu hoạt động giải trí của con người tăng theo, sống trong một nền kinh tế hiện đại, cái tôi lấn lát cái ta thì việc hình thành một căn bệnh ‘quái ác’ là một điều dễ hiểu. Một nghiên cứu khác cho rằng chất lượng giáo dục ở mội gia đình, mỗi nhà trường có ảnh hưởng không nhỏ tới việc những đứa trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh vô cảm. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính những người mắc bệnh, họ sợ giúp đỡ, quan tâm người khác sẽ bị mất thời gian thậm chí bị vạ lây. Nhưng thực tế lại phủ nhận điều đó, tất cả những lí do đó chỉ để bao biện cho một lòng người giá lạnh, một trái tim sắt đá không có tình thương.
Hậu quả của căn bệnh trên là gì? Làm thế nào để khắc phục nó? Hiểm họa từ căn bệnh ‘thế kỉ’ này có lẽ không hề nhỏ, để lại nhiều hiểm họa lâu dài cho xã hội. Nó làm sai lệch đi chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt ta. Nó biến những con người vốn hiền lành, có trái tim biết yêu thương thành những con người ‘máu lạnh’ trong cộng đồng. Thậm chí nó còn có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập và làm việc của người mắc bệnh. Một cộng đồng, tập thể chỉ tồn tại và phát triển nếu mỗi cá nhân trong đó biết chia sẻ, biết quan tâm, giúp đỡ nhau. Nguy hiểm hơn nữa là căn bệnh này còn là nguyên dân gián tiếp cướp đi sinh mạng của không ít người. Trong tình trạng khẩn cấp, nếu những y bác sĩ một mực chờ những đồng tiền hối lộ, đút lót của người nhà bệnh nhân mới tham khám, cứu chữa thì họ sẽ ra sao? Hay những vụ TNGT nếu người đi đường chỉ trơ mắt đứng nhìn thì nạn nhân họ sẽ ra sao? Và rồi hàng loạt vụ việc sản phụ, bệnh nhân tử vong do sơ suất, do lương tâm nghề nghiệp của các y bác sĩ, không ít nạn nhân TNGT tử vong trên đường đi cấp cứu do cấp cứu quá muộn,…
Làm thế nào để ‘xóa sổ’ căn bệnh đáng sợ ấy? Làm thế nào để tìm lại một xã hội ấm áp, giàu tình thương? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức cũng như hành động của đại bộ phận người dân sống trong xã hội này. Gia đình và nhà trường cũng cần có những biện pháp giáo dục cụ thể, thiết thực đối với học sinh con em mình bởi ‘Uốn cây từ thủa còn non/ Dạy con từa thủa hãy còn thơ ngây’. Xã hội cần lên án, phê phán thái độ sống vị kỉ, thờ ơ với những người xung quanh, cần có những biện pháp cải tạo để xây dựng một xã hội giàu tình yêu thương.
Là một học sinh, một công dân sống trong xã hội này, bản thân em nói riêng và toàn thể mọi người cần có nhận thức đúng đắn về tình yêu thương, lòng nhân ái. Sống đâu chỉ cho riêng mình mà phải sống vì người khác. Cần đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, xóa bỏ cái tôi cá nhân để hướng đến một cuộc sống mới mẻ, có ích.
“Nơi lạnh nhất không phải ở Bắc Cực, nơi lạnh nhất là nơi không có tình người.” (Marsim Gorky). Đừng sống vội vã, đừng để xã hội cuốn bạn đi quá xa. Đừng để một mai khi nhìn lại khoảng thời gian mình đã sống và cảm thấy hối hận về nó. Nếu lòng vị tha và lòng nhân ái được lan rộng thì xã hội sẽ không còn căn bệnh đáng sợ ấy nữa. Hãy chung tay vì một xã hội không có bệnh ‘vô cảm’.
Đỗ Thị Thu Trang
Lớp 11A6 – Trường THPT Nghĩa Dân, Kim Động, Hưng Yên