04/06/2017, 23:25

Suy nghĩ của em về ý kiến: “Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc.” (Ngạn ngữ Gruzia) (Bài 2)

Từ ngàn xưa cho đến nay Nhân loại nhìn nhận học tập là một vấn đề hết sức quan trọng, nó giúp con người có được sự tiến bộ, mở mang kiến thức hiểu biết, phát triển đất nước giàu mạnh, để rồi tiến đến đưa nền văn minh Nhân loại lên đỉnh điểm cao nhất từ trước đến nay, và có thể nói học tập là mục ...

Từ ngàn xưa cho đến nay Nhân loại nhìn nhận học tập là một vấn đề hết sức quan trọng, nó giúp con người có được sự tiến bộ, mở mang kiến thức hiểu biết, phát triển đất nước giàu mạnh, để rồi tiến đến đưa nền văn minh Nhân loại lên đỉnh điểm cao nhất từ trước đến nay, và có thể nói học tập là mục tiêu suốt đời của mỗi người. Hiện nay hầu hết các nước (không riêng gì Việt Nam ta) đã và đang phấn đấu xây dựng thành những quốc gia học tập cách có hệ thống, dựa trên thành tựu phát minh của ...

Trong thời đại văn minh ngày nay việc học được xem là phổ quát, có ý nghĩa rộng lớn, và được Tổ chức Ủy Ban Khoa Học - giáo dục - văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) xác định rõ ở bốn tiêu chí cơ bản: "Học để biết, học để làm, học để chung sống,và học để tự khẳng định mình". Hiểu một cách ngắn gọn là: Học để phát triển toàn diện, hài hòa về trí tuệ, kỹ năng, lẫn đạo đức, lối sống. Học để tồn tại với tư cách là con người của thời đại mới. Đây vừa là mục tiêu vừa là nhu cầu thiết yếu của mỗi con người cũng như của cộng đồng xã hội.

Vì vậy học tập đóng một vai trò vô cùng cần thiết trong đời sống của con người. Cho nên, ngạn ngữ Gruzia có câu: “Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc”.

Chúng ta đi vào phân tích tìm hiểu tầm quan trọng của câu ngạn ngữ trên. Trước tiên tìm hiểu khái niệm của các từ: ‘Học tập’, ‘hạt giống’, ‘kiến thức’ và ‘hạnh phúc’.

‘Học Tập’ là quá trình tiếp thu kiến thức, đồng nghĩa với sự khám phá học hỏi, lĩnh hội những gì mới mẻ, và thực hành tập duyệt những gì đã học được, rèn luyện những kỹ năng đã được người khác trao truyền, ôn lại những gì đã biết.

‘Hạt giống’ là hạt dùng để gây giống, ươm mầm thành cây.

‘Kiến thức’ là sự hiểu biết về một thực thể, sự vật, sự việc, hiện tượng nào đó.

‘Hạnh phúc’ là khi chúng ta hài lòng với những gì mình đã đạt được, thanh thản và sống vui vẻ, an lạc với cuộc sống hiện tại.

Vì sao học tập là hạt giống của kiến thức? Vì sao kiến thức là hạt giống của hạnh phúc?

 “Hạt giống” theo nghĩa đen là yếu tố dùng để ươm mầm nên cây cối, để cây được tốt, hoa thơm trái ngọt thì phải có hạt giống tốt. Cũng giống như vậy học tập là mầm mống, là điểm khởi đầu ươm nên kiến thức, kiến thức là cái gốc để nuôi lớn hoa trái hạnh phúc, niềm vui và sự thỏa nguyện của mỗi người trong cuộc sống.

 Ở đây tác giả vận dụng hình ảnh hết sức ấn tượng “học tập là hạt giống của kiến thức”, ý muốn nói rằng để có được kiến thức, con người phải học tập, học tập để thu nhận kiến thức làm nền tảng cơ bản đưa đến  mọi sự thành công.

Muốn có hạnh phúc, không còn cách nào khác hơn phải học tập. Cần nên hiểu rằng “học tập” là cả một quá trình miệt mài, nỗ lực, tư duy, kinh qua những khó khăn, thử thách mới có được kiến thức. “Hạt giống” kiến thức ấy phải được gieo trồng, chăm bón  đúng quy trình mới mong có ngày khai hoa trổ quả.

Học tập phải chọn lọc, tiếp nhận những điều hay lẽ phải, và phải có phương pháp học tập phù hợp với điều kiện xã hội, cũng như bản thân, nhằm tích lũy kiến thức, và phải biết vận dụng kiến thức đó tạo nên cuộc sống tốt đẹp, thỏa mãn nhu cầu của bản thân và xã hội.

Kiến thức có được phải trải qua một quá trình tích luỹ, thẩm thấu và ứng dụng vào thực tiễn mới thực sự là nền tảng, cơ sở vững chắc cho tòa lầu đài hạnh phúc. Phải biết kiến lập môi trường thích hợp để những “hạt giống” ấy có thể nảy mầm và phát triển. Nếu chỉ xem việc học tập chỉ là “hạt giống” được cất giữ trong “bao bì” thì chẳng thể có được kiến thức và hạnh phúc.

Sự học có tầm quan trọng rất lớn đối với cuộc đời của mỗi con người. Cổ nhơn đã nhắc nhở con cháu rằng: “Nếu còn trẻ không chịu học tập khi lớn lên chẳng làm được việc gì có ích”. Bên cạnh đó sách trung dung còn có câu :

“Học dã hảo bất học dã hảo. Học giả như hòa như đạo, bất học giả như cảo như thảo”. Nghĩa là: Học cũng tốt không học cũng tốt. Kẻ có học như lúa như nếp, kẻ không học thì như lau như cỏ.

Hoặc: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý” (Ngọc không mài giũa chẳng nên hình, người không học không biết đạo lý).

Suốt lịch sử phát triển mấy ngàn năm, nhân loại đã tích lũy được một kho tàng tri thức khổng lồ về tự nhiên và xã hội. Những tri thức ấy được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền miệng và sách vở. Muốn tiếp thu tinh hoa trí tuệ, con người chỉ có một con đường duy nhất là học, học suốt đời.

Quá trình học tập, trước hết học tập ở nhà trường sẽ giúp con người kiến thức cơ bản của cuộc sống trên các lĩnh vực: tự nhiên, xã hội…Những kiến thức đó sẽ làm cơ sở ban đầu cho sự tiếp thu được những kiến thức thuộc các lĩnh vực khác chuyên sâu, và chuyên ngành hơn ở những giai đoạn sau này.

Hầu hết những người nổi tiếng đều phải trải quá quá trình học tập cần cù, chịu khó trên ghế nhà trường như Lê-nin, Bác Hồ, hay những tấm gương các nhà bác học vĩ đại Anh-xtanh, Lô-mô-nô-xốp…

Tri thức loài người mênh mông như biển cả ‘Bể học vô bờ’, dẫu chúng ta có miệt mài học suốt cuộc đời thì cũng chỉ là tiếp thu được một phần rất nhỏ. Bác Hồ dạy:“Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở dân”. Lê-nin cũng từng khuyên thanh niên: “Học ! Học nữa ! Học mãi !”. Đó là những lời khuyên chí lí, có giá trị đối với mọi thời đại. Nếu không coi trọng việc học chúng ta sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của đất nước trong giai đoạn mới.

Học tập ở đây còn bao gồm quá trình tự học, mỗi chúng ta phải tự gieo những hạt giống kiến thức trong suốt cuộc đời mình. Điều đó, lí giải tại sao nhiều văn hào, nhiều bác học không tốt nghiệp đại học hoặc thậm chí cả trung học mà vẫn đạt được nhiều thành tựu vĩ đại trên lĩnh vực khoa học. Như Bill Gtes, ông vua máy tính của thế giới đã bỏ đại học năm thứ 3 thành lập công ty máy tính riêng, trong thời gian đó, ông đã miệt mài trong thư viện đọc sách và học tập. Sự luôn hoài nghi và mong ước khám phá đã giúp ông sáng tạo ra phần mềm  máy tính lớn nhất hiện nay.

Tự học là tự mình tìm hiểu, suy nghĩ để có kiến thức qua đọc sách báo, tài liệu, nghe đài, xem truyền hình, quan sát thực tế, trao đổi với bạn bè, người thân, đồng nghiệp…Ai cũng cần phải tự học vì kiến thức trong cuộc sống là mênh mông, vô cùng, vô tận. Học ở trường chỉ cung cấp một phần, tuy rất cần thiết, cơ bản và quan trọng nhưng không đủ. Phần lớn kiến thức là do ta tự hoc, tự học làm phong phú kiến thức và vốn sống, tạo cơ sở làm tăng kỹ năng sống và lao động. Nhờ đó con người tự hoàn thiện mình, công tác có kết quả tốt, thành đạt và thu nhập cao.

Vì sao kiến thức là hạt giống của hạnh phúc? Mỗi người có thể có những quan niệm khác nhau về hạnh phúc, nhưng hạnh phúc là đích đi tới của mỗi người trong cuộc sống. Có kiến thức, con người mới có thể hành động để tiến tới hạnh phúc, bởi tri thức là sức mạnh. Có kiến thức, con người mới hiểu biết để cảm nhận và trân trọng những thành quả của cuộc sống, tự mình tìm kiếm hạnh phúc.

 Là một nhà tư tưởng vĩ đại suốt đời phấn đấu cho lí tưởng, bằng sự hiểu biết của mình về hiện thực thế giới, C. Mác đã dạy con hiểu về Hạnh phúc trong thời đại bấy giờ: Hạnh phúc là đấu tranh. Câu nói chỉ ra mối quan hệ nhân quả: quá trình - kết quả của con đường học tập. Bắt đầu từ học tập, con người sẽ thu nhận được nhiều thành quả trong đời sống và rồi hạnh phúc sẽ tự mỉm cười.

Con đường dẫn đến thành công là con đường đầy khó khăn, chông gai, thử thách chứ không phải bằng nhung lụa.  Để đạt đến kết quả nhất định nào đó, con người không ngừng phấn đấu học tập, lao động, và nghiên cứu, điều này đòi hỏi con người phải cần cù, miệt mài, chịu khó, có ý chí quyết tâm cao mới thành công, không có thành công, thành quả nào mà không phải đổ bằng mồ hôi và nước mắt.

Người nông dân làm ra hạt thóc phải một nắng hai sương “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Một công trình khoa học, một phát minh ra đời là cả một quá trình nghiên cứu, lao động miệt mài của người kỹ sư mới có được. Một học sinh giỏi, có ước mơ hoài bão không thể là người ‘Ngồi chờ sung rụng’, mà đó là một người luôn biết học hỏi, khám phá kiến thức trong sách vở và cuộc sống, chăm chỉ học tập và rèn luyện. Do đó nhà văn Lỗ Tấn có ý kiến rằng: “Trên đường thành công không có dấu vết của người lười biếng”.

Việc phê phán thói lười biếng đã có bao câu nói: “Làm biếng ngồi ăn lở núi non” (Nguyễn Trãi), “Sự buồn chán bước vào thế giới qua cửa lười biếng” (La Bruye), “Lười biếng làm mòn trí tuệ và thân thể” (B Phranklin), “Lười biếng là mẹ đẻ của thói ăn cắp và sự đói rét” (V.Huy gô)…

Lười biếng là một thói xấu, lười biếng dẫn người ta đến bần cùng, đói nghèo, buồn chán và là nguyên nhân của mọi thói xấu khác, hơn nữa nó làm mòn trí tuệ, thân thể và nhân cách. Thât tế đã khẳng định bất cứ sự thành công nào cũng có sự cần cù, chăm chỉ, kiên trì, chịu khó. Lười biếng, ỉ lại, ngại khó ngại khổ sẽ chẳng bao giờ làm được việc gì có ý nghĩa.

Từ những nhận định trên ta có thể rút ra bài học; Phải nổ lực học tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường đây chính chiếc chìa khóa đưa ta đến kho tàng tri thức, là điều kiện giúp ta thành công trong tương lai. Học tập chính là quá trình tích lũy kiến thức, hành trình đi đến hạnh phúc trong đó học tập là con đường, đích đến hạnh phúc cho mỗi chúng ta. Vấn đề là lựa chọn cách học phù hợp để có thể gieo  giống tốt đẹp vào trong tâm hồn, chứ không phải cách học gạo, học chống đối, máy móc, đọc chép lấy điểm cao tức thời. Câu ngạn ngữ trên đã sử dụng rất hay khi đưa ra hình ảnh “hạt giống” để nhấn mạnh tầm quan trọng của học tập. Hạt giống sẽ nảy nở phát triển thành cây. Quá trình học tập cũng như gieo hạt giống cho trí não và tâm hồn. Kiến thức nhiều cũng là kết quả tích lũy hạt giống để hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Kiến thức tốt, đầy đủ, phong phú sẽ gieo những hạt giống cho tương lai của mỗi con người. Hạt giống chuẩn bị không tốt, cây sẽ phát triển èo uột, kiến thức nông cạn ít ỏi khiến chúng ta gặp vô vàn khó khăn, lúng túng và bế tắc trong công việc.

Mối quan hệ học tập – kiến thức – hạnh phúc không chỉ được hiểu đơn giản một chiều mà cần phải thấy rõ mối quan hệ biện chứng nhân quả của nó. Ông bà ta cũng thường nói “gieo nhân nào, gặt quả ấy” như một cảnh tỉnh. Xét mối quan hệ trong ba yếu tố học tập – kiến thức – hạnh phúc cũng cần được nhìn nhận từ nhiều phía. Học tập đúng đắn, có phương pháp, có chọn lọc thì mới có kiến thức tốt, đa dạng, phong phú. Kiến thức tốt cần gắn liền với ‎ thực tế đem kiến thức ấy phục vụ cho xã hội và cho bản thân, không chỉ là những kiến thức thu lượm được theo kiểu thực dụng ích kỷ, vì nếu hạnh phúc của ta lại đem bất hạnh cho người khác thì cũng là chứng tỏ ta đã tích lũy hạt giống xấu cho chính ta, gieo mầm bất hạnh cho kẻ khác.

Thời đại khoa học công nghệ ngày nay phát triển nhanh chóng đưa loài người lên thời đại tri thức, thời đại hậu công nghiệp. Mỗi người hàng ngày phải tự học để lao động sáng tạo và cống hiến cho hạnh phúc tương lai của đất nước, gia đình và bản thân.
Mỗi chúng ta phải xác định động cơ học tập đúng đắn, thu lượm kiến thức bổ ích, hướng tới hạnh phúc của cộng đồng hài hòa với hạnh phúc cá nhân. Có như vậy mới thật sự trở thành con người có ích cho xã hội.

Muốn thành công trên đường đời thì ta phải có học vấn, là những Tăng sinh còn rất trẻ, có lẽ chúng ta tự biết nên làm gì để có học vấn cao, cống hiến tài năng giáo hội, cho tổ quốc, trước hết là phải học tập hết mình, siêng năng rèn luyện tư duy, tích lũy tri thức để sau này không bị ngỡ ngàng trước sự kì vĩ của tạo hóa.  

Ngày nay, được đến trường đi học là niềm hạnh phúc của chúng ta, là ước mơ lớn lao của những người không có đủ điều kiện để cắp sách đến trường. Thế nhưng, bên cạnh đó, có một số vị có điều kiện thì lại không lo học hành, ham chơi, học qua loa, đối phó. Thật đáng buồn thay, hiện tượng đó đã trở nên phổ biến trong Tăng sinh.

0