31/05/2017, 12:17

Suy nghĩ của em về nhân vật ông Hai trong truyện Làng của Kim Lân.

Tình cảm của người nông dân này dành cho cách mạng, cho kháng chiến chân thành, sâu sắc vô cùng. Câu chuyện của ông Hai bây giờ chỉ xoay quanh về kháng chiến, cách mạng, về tự vệ làng ông. Truyện ngắn “Làng” của Kim Lân là một tác phẩm nổi tiếng viết về người nông dân trong ...

Tình cảm của người nông dân này dành cho cách mạng, cho kháng chiến chân thành, sâu sắc vô cùng. Câu chuyện của ông Hai bây giờ chỉ xoay quanh về kháng chiến, cách mạng, về tự vệ làng ông.

Truyện ngắn “Làng” của Kim Lân là một tác phẩm nổi tiếng viết về người nông dân trong kháng chiến. Hình ảnh ông Hai, nhân vật chính của truyện là hình ảnh tiêu biểu và chân thực của người nông dân trong những ngày đầu mới tiếp xúc với cách mạng, với lòng yêu làng, yêu nước sâu sắc, với sự hồ hởi say mê, tin yêu chung thủy với kháng chiến, với Bác Hồ.

Trước Cách mạng tháng Tám, ông Hai là một người nông dân nghèo khổ chất phác. Cũng như bao người khác, cuộc đời ông đã trải qua những giai đoạn sóng gió, đau khổ tuyệt vọng, ông Hai đã bị bọn hương lí trong làng “truất ngôi trừ ngoại”, đó là một điều xót xa cho người yêu làng như ông Hai. Có làng, có nhà, có cửa mà ông phải “phiêu dạt lang thang hết nơi này đến nơi khác”. Cuộc sống đói nghèo cực khổ nơi đất khách quê người rồi cũng chấm dứt. Sau mười mấy năm trời lênh đênh ông cũng tìm cách về lại làng mình, về đến làng, cuộc sống đói nghèo vẫn không chấm dứt.

Không những phải chịu đựng cuộc sống đói nghèo cùng cực, người nông dân như ông Hai phải phục dịch cho bọn hương lí. ông Hai bị gạch đổ bại một chân trong một lần phu phen tạp dịch. Cuộc sống thật tối tăm cùng cực, ông bị vùi dập đủ đường. Sống một cuộc sống như thế nhưng tấm lòng của những người nông dân như ông Hai vẫn hướng về làng mình, vẫn yêu làng mình, vẫn yêu làng sâu sắc. Với ông Hai, làng chợ Dầu đã trở thành máu mủ ruột rà. Ông hãnh diện với làng ông, ông khoe làng chợ Dầu với mọi người ở mọi nơi mà ông đến. Nhiều lúc ông nói về làng mình cho đỡ nhớ. Người đọc thấu hiểu tình cảm sâu sắc của ông Hai với nơi chôn nhau cắt trôn. Ông khoe làng ông có “cái sinh phần của viên tổng đốc” có bề dày truyền thống, có cảnh đẹp nổi tiếng cả vùng. Tất cả những gìthuộc về làng đối với ông Hai đều thiêng liêng gắn bó. Do đó, mặc dù cái sinh phần đã gieo rắc cho ông, cho bao người khác tai hoạ song ông vẫn cảm thấy tự hào. Dường như trong tâm trí ông Hai, cái sinh phần đó là sức lực của cả làng. Và có một chút rất riêng của bản thân ông, tình yêu làng của ông Hai thật giản dị, chất phác.

Sau cách mạng, ông vẫn khoe làng mình nhưng ông khoe làng mình có cái “nhà thông tin rộng rãi”, “có chòi phát thanh”, khoe làng mình giàu có, trù phú... Ông không khoe cái sinh phần cụ Thượng nữa, bởi bây giờ ông đã hiểu được nhiều điều. Ông đã được tiếp xúc với cách mạng, với đấu tranh, vẫn khoe làng, vẫn là tình yêu làng của con người chất phác, hiền lành, song trong tình yêu làng có một tình cảm khác đang trỗi dậy, lớn mạnh hơn, cao cả hơn, thiêng liêng hơn.

Ngày đầu tiên xúc với cách mạng, ông Hai có cái bỡ ngỡ, lạ lẫm ban đầu của người nông dân chất phác, vốn quen bị vùi dập nay tiếp xúc với đấu tranh, với chính trị. Cách mạng tháng Tám đến với những người như ông Hai mang theo một sự thay đổi về cuộc đời, thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong họ, ông đi theo cách mạng với tất cả lòng nhiệt thành, say mê, hăm hở của mình. Ông nguyện ở lại chiến đấu với xóm làng và khi phải đi tản cư ông cũng tự an ủi mình: “đi tản cư cũng là kháng chiến”.

Tình yêu làng, yêu nước hòa quyện trong con người ông Hai ngày càng rõ rệt. Khi nghe tin làng chợ Dầu theo Tây, ông Hai “cổ nghẹn đắng lại, da mặt tê rân”. Trước hết, đó là sự xót xa của ông về làng mình, sự phản bội của nơi chôn nhau cắt rốn của mình, ông lão tủi hổ, bàng hoàng trước sự việc đó. Tình yêu làng vẫn thắm thiết trong ông với niềm hãnh diện, tự hào. Vậy mà bâygiờ... ông lão nghĩ tới việc trở về làng. Song ý nghĩ đó ông gạt phắt đi. Trong sự tuyệt vọng, đau khổ này, lối thoát về làng chợ Dầu loé lên như một tia hi vọng nhưng rồi lại tắt ngấm. Từ lâu ông yêu làng ông, mong được trở về với làng song trong ông tin yêu nước mạnh hơn, thiêng liêng hơn, không vì làng mà bỏ nước, bỏ kháng chiến. Giữa sự giằng co trong tâm hồn, ông Hai đã tự thốt lên đầy đau đớn song đầy quyết tâm: “Làng thìyêu thật đấy, nhưng làng theo Tây rồi thì phải thù... Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu, trên cổ xét soi cho bốcon ông, cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai...”.

Cách mạng đã đổi đời cho người nông dân như ông, ông nguyện đi theo và trung thành với cách mạng. Gạt sang một bên tình cảm riêng của mình mà đi theo kháng chiến, không chịu theo Tây sống với Tây. Tình cảm gắn bó với cách mạng, với Bác Hồ của những người nông dân như ông chất phác, mộc mạc, sâu sắc, nó xuất phát từ đáy lòng, từ máu thịt.

Thấy được tình yêu làng, yêu nước của ông Hai, ta hiểu và cũng mừng với sự hớn hở của ông Hai khi ông nghe cái tin làng trở về gắn bó vớinhau ngày càng sâu sắc, thắm thiết hơn trong lòng người nông dân chân chất này. Từ nay ông Hai không phải dằn vặt trong sự lựa chọn khắc nghiệt, giữa làng và nước. Cái vui của ông Hai là cái vui của một con người yêu quê hương đất nước sâu sắc. Niềm vui khiến ông lão như trẻ con “lật đật, bô bô” kể về làng mình bị “đốt nhẵn”. Nhà của ông bị cháy trụi, mà ông không để ý, không đau buồn, ông chỉ biết rằng lúc này làng ông là làng kháng chiến và ông lão bây giờ có thể tự hào, hãnh diện ngồi kể về làng chợ Dầu kháng chiến của mình.

Kim Lân rất thành công khi xây dựng và khắc hoạ hình ảnh ông Hai trong lòng người đọc. Đó là một người nông dân nghèo khổ, yêu làng mình sâu sắc. Được cách mạng đổi đời, ông lão nguyện đi theo cách mạng và trung thành với kháng chiến. Hình ảnh ông Hai sông động, chân thực vànhững nét tính cách rất nông dân chất phác, chân thành là hình ảnh tiêu biểu cho người nông dân Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám.

Vốn là những con người chân thực, chất phác, nhưng ngày đầu tiếp xúc với cách mạng họ vẫn có sự bỡ ngỡ lạ lẫm ban đầu. Cảm giác ấy nhanh chóng tan đi, người nông dân đón nhận cách mạng với một tình cảm chân thành, một lòng hăm hở. Cuộc đời người nông dân Việt Nam rẽ sang bước ngoặt mới, tươi sáng hơn. Họ nô nức, háo hức hòa chung vào phong trào cách mạng cả nước, họ hăng hái cầm súng bảo vệ quê hương. Cách mạng trở thành một phần máu thịt của người nông dân, có những người như ông Hai day dứt, tủi hổ, khổ sở khi mình bị hiểu lầm là không trung thành với cách mạng. Đó là lòng trung thành, là tình cảm sâu sắc, bền chặt mà thối bùng ngọn lửa đấu tranh trong lòng họ. Họ - những người như ông Hai đứng lên đào hào, đắp luỹ trực tiếp chống lại quân thù. Lòng yêu nước nồng nàn, sự trung thành với cách mạng, tất cả trở thành sức mạnh khiến họ đứng lên bảo vệ quê hương, bảo vệ chính mình. Cách mạng mang đến cho họ cuộc đời mới, họ phải bảo vệ lấy hạnh phúc đó của mình.

Tác phẩm “Làng” của Kim Lân đã khắc họa hình ảnh ông Hai hết sức sống động, chân thực với những chi tiết dân dã mộc mạc. Hình ảnh ông Hai là hình ảnh tiêu biểu của người nông dân Việt Nam sau cách mạng. Ta cảm nhận được sự sôi nổi trong mỗi người nông dân đã được đổi đời nhờ có cách mạng, họ hiểu điều đó và gắn bó với cách mạng với lòng trung thành, biết ơn sâu sắc.

Nguồn: Nhungbaivanhay.net
0